Nơi giấc mơ em thuộc về | Chương 9: Những nỗi niềm hanh hao

Rating: 5.0/5. From 5 votes.
Please wait...

Đến gần chục cú đấm, khi máu mũi máu mồm của lão Đạm thốc ra như vòi, Tiểu Vũ mới hoàn hồn và hét lớn.

– Đủ rồi, Phôn!

Cho dù là khi đang rất tức giận, Phôn cũng chứng tỏ mình lý trí hơn mọi người. Anh dừng ngay lại sau tiếng thét của Tiểu Vũ, buông lão Đạm ra, đổ gục, oặt ẹo như một mớ thịt bầy nhầy. Anh tiến đến gần cô giờ đây đã không còn run rẩy nữa – chẳng biết vì sao, nhưng giờ, Tiểu Vũ đã không còn sợ nữa rồi. Thật ra, không phải vì Phôn đến kịp đâu, có lẽ, vì Tiểu Vũ biết, nếu lúc này mà còn yếu đuối, thì mọi sự tệ hại hơn ắt sẽ đến!

– Em ổn chứ? – Phôn hỏi, lo lắng thật sự và quên luôn cơn giận của mình, chừa lại chỗ cho yêu thương và chở che.

– Em không sao! – Tiểu Vũ nói. – Giúp em ngồi lại nhé!

Lão Đạm đã trở dậy được, ngay khi Phôn bế Tiểu Vũ đặt lại vào chiếc xe lăn vừa được anh dựng dậy sau khi đổ chỏng quành do cú thốc quá mạnh của lão Đạm trước đấy. Lão lấy tay quệt máu đang tứa ra từ vết rách ở miệng, cười gằn.

– Bọn chúng mày… cả hai chúng mày…

– Đủ rồi! – Tiểu Vũ hét. – Ông chưa thấy đủ hay sao?

Lão Đạm giật nảy mình. Lão thật không thể nghĩ, vừa đi qua khúc sợ hãi kinh khiếp ấy, Tiểu Vũ lại có thể điềm nhiên ngồi đấy và thị uy với mình. Lão Đạm muốn chống cự, nhưng có vẻ như điều ấy là vô ích – như trước đấy vài phút, lão biết, sự vô ích trong cơn giãy giụa cố chống cự lão của Tiểu Vũ – nên, lão bò lại giường, ngồi xuống, chưa thôi sự thách thức từ cặp mắt giờ đã trắng dã của mình.

– Ông gặp gỡ mẹ tôi là có lý do! – Tiểu Vũ bắt đầu nói, sau hơi thở sâu cô mới hít vào. – Ông đưa mẹ tôi sang Mỹ gặp tôi cũng là có lý do. Ông buộc tôi ở lại với căn nhà ông thuê, nghĩ rằng có thể thảy tôi cho Phôn, cũng là có lý do. Và, ông bắt tôi trở về lần này, đều có lý do cả…

Phôn đứng lặng im. Anh nghe rất rõ từng từ người yêu vừa nói. Mơ hồ trong anh một sự thật sáng dần, như kiểu, bầu trời xanh vén mây xám để khoe mình vậy. Phải! Tiểu Vũ đã bảo anh, có những điều cô cần phải nói thật, nhưng có lẽ cô chưa tìm thấy thời điểm thích hợp.

Lão Đạm cũng nghe rõ từng từ. Người lão bắt đầu đông cứng lại. Cứ mỗi từ Tiểu Vũ thốt ra, giống như những mẩu băng lớn bám lấy cơ thể lão lại. Máu lão sắp đông rồi, có phải không? Những gì con bé ấy nói, có nghĩa là…

Ngoài cửa gian phòng – chiếc cửa đã tróc bật khỏi bản lề – mẹ đã đứng đấy tự khi nào, và, mẹ như chết lặng. Lẽ ra, theo phản xạ tự nhiên của một người mẹ, bà sẽ lao vào, sẽ ôm lấy Tiểu Vũ, sẽ sờ soạng xem, có bất kỳ chỗ nào của cô bị đau dưới bàn tay thô bạo đầy bỉ ổi kia không. Nhưng không! Khi bà về đến, những lời của Tiểu Vũ như xối vào tai bà, qua một cái máng hứng lũ – ầm ào và không thể cưỡng lại – và, chúng khiến bà chết trân. Nó không hề mất trí! Con gái bà không hề mất trí! Là nó cố tình không nhớ, hay nói đúng hơn là giả vờ không nhớ tất cả mọi thứ, kể cả khoảng thời gian hai mẹ con phải tựa vào nhau mà sống, đi qua nỗi đau mất mát mà cha nó để lại. Đây là tin đáng mừng hay đáng để phải đau? Tiểu Vũ, có phải con không hề mất trí, đúng không?

– Phải! – Tiểu Vũ nói, không giấu được cảm giác tội lỗi vì đã lừa dối mọi người. – Tôi chưa từng quên gì cả!

Phôn gồng cứng người đón nhận. Mẹ chua xót đón nhận. Lão Đạm trơ ra, thôi rồi, hỏng bét cả rồi!

– Từ trước khi ông và mẹ sang Maryland. – Tiểu Vũ nói, giọng bắt đầu trầm lại. – Tôi đã biết ông toan tính những gì. Tôi đã biết, chính cái gia sản mà cha tôi để lại kéo ông đến gần mẹ tôi và đưa ông đến suy nghĩ có thể tiếp cận tôi. Ông lầm!…

***

Tiểu Vũ đã nghĩ, nếu người đàn ông ấy yêu mẹ thật lòng, cô sẽ chấp nhận bỏ lại tất cả những thứ là của mình, cho mẹ toàn quyền quyết định, chỉ cần làm mẹ vui. Nhưng, vào cái lúc nghe tiếng mẹ ri rỉ rên trong phòng, trên chiếc giường trải drap trắng của khách sạn, giọng bác Đạm rền lên những câu thúc giục mẹ phải bảo Tiểu Vũ ký giấy chuyển tài sản cho mẹ… cô hiểu chuyện gì đang đến.

Tiểu Vũ vẫn cố nuôi hy vọng, rằng ông ấy gặp khó khăn, bí bách – túng quẫn nên mới phải trông chờ vào tình mẹ con của Tiểu Vũ để có một khoản giải quyết nợ nần, cũng như vực dậy tất cả. Nhưng, trước khi vào bàn tiệc sinh nhật, cô đã vô tình nghe thấy cuộc điện thoại bác Đạm gọi cho một người đàn bà nào đấy, bảo, bác sắp thành công, sẽ lấy tiền và đưa người ấy đi một nơi thật xa để bù lại tháng ngày đã qua của họ. Tiểu Vũ càng hiểu hơn.

Nên, khi Tiểu Vũ cố tạo ra vài lý do để trì hoãn ngay trong tiệc sinh nhật của mình, khi mẹ đuổi khéo Phôn đi và tìm cách lèo lái câu chuyện theo ý muốn, Tiểu Vũ mới phản ứng kịch liệt đến vậy. Cô chỉ không ngờ, mình đã nhận hậu quả quá lớn cho cơn nóng giận vì cố bảo vệ mẹ mà không được này!

Những ngày thân xác Tiểu Vũ nằm liệt, linh hồn cô xất bất xang bang tìm sự thật về mình. Cô không biết mình không hề còn có thân xác. Cô tuyệt vọng gọi mẹ, gọi Phôn khi họ chạy theo chiếc băng ca đẩy xác cô nằm trên, nhưng không ai nghe thấy, nhìn thấy cô cả. Cô đã ở cạnh mẹ suốt đêm phẫu thuật, cố nắm tay Phôn níu anh ngồi lại khi anh cứ đi đi lại lại hơn mười giờ đồng hồ trước phòng cấp cứu, lúc bác sĩ đang cố gắng giữ cuộc sống của cô bên trong… nhưng chẳng ai biết và thậm chí, cô còn chẳng thể nào chạm được đến ai. Lúc ấy, ở cuối hành lang bệnh viện, trong một góc khuất, bác Đạm vẫn liên tục gọi về cho người đàn bà nọ, thề thốt những lời mà khi vô tình nghe, Tiểu Vũ tin, ông ta đang nói thật, người duy nhất ông ta cố lừa dối, chỉ là mẹ mà thôi!

Tiểu Vũ đã gặp cha và cố kể cho cha nghe mọi sự, nhưng cha gạt đi. Cha bảo, mọi sự trong cuộc sống đều đến từ duyên. Nếu đấy là duyên của mẹ, đừng cố cản. Nếu đấy không phải là duyên, mẹ ắt sẽ tự rời đi theo cách nào đấy. Cố sao, để mẹ ít đớn đau nhất là tốt rồi.

Tiểu Vũ nghe tiếng Phôn khóc nhiều đêm. Anh đã nắm chặt tay cô trong phòng hậu phẫu, hỏi cô rằng, cô có biết, nếu mất cô, đời anh sẽ mất tất cả không? Tiểu Vũ cũng cố lau nước mắt cho mẹ nhưng không thể, mẹ bảo, mẹ đã tìm thấy một tình yêu để dựa dẫm vào, nhưng người ấy chỉ là người để mẹ yêu chứ không phải là người cho mẹ động lực sống như cô.

Tiểu Vũ đã một mình đứng nhìn xác mình nằm bất động, tự hỏi, mình có thể tỉnh lại hay không, và, mình có muốn tỉnh lại hay không? Có vẻ như, khi gặp lại cha, sự thiếu đói tình cha của một cô gái không bao giờ đủ mạnh mẽ giữa cuộc đời khiến Tiểu Vũ có suy nghĩ, mình sẽ ở lại đây, theo cách này, để rong chơi cùng cha, bù lại những tháng năm thiếu thốn vòng tay cha bao dung với mình. Đêm ấy, cha đến, ngồi trầm ngâm đối diện Tiểu Vũ, cạnh chiếc giường có xác của cô.

– Nếu, sự đấu tranh là quá khó với con, con có thể ra đi, không đấu tranh nữa! – Cha nói. – Nhưng, hy vọng, con suy nghĩ thấu đáo, để trả lời mình, rằng, mẹ và Phôn có đủ sức để đấu tranh chống lại sự mất mát ấy hay không.

Tiểu Vũ đã bỏ chạy khỏi gian phòng bệnh viện. Cô không muốn chấp nhận chuyện cha thêm lần nữa từ chối ở cạnh mình. Tiểu Vũ đã khóc giữa vùng đất cưới Maryland khi bình minh vừa hửng sáng, lúc Phôn mệt mỏi đến, đứng tần ngần sát cạnh cô mà không hay biết. Phôn thở dài.

– Nếu em tỉnh lại, nếu em phải chấp nhận sự thật về cơ thể không còn nguyên vẹn của em là quá sức của em, thì xin em, hãy khóc với anh. Anh có thể làm đôi chân của em, để đi với em hết đoạn đường dài phía trước, chỉ xin em, đừng rời bỏ anh!

Thật ra, Tiểu Vũ đã gặp Diệp Anh từ lúc này, trong thư viện thành phố. Diệp Anh ngồi tỉ mẩn lật từng trang sách Luật Việt Nam – điều khiến Tiểu Vũ phải dừng hẳn lại và nhìn, thắc mắc, đất Mỹ, cũng có cô gái nào đấy muốn tìm hiểu về Việt Nam hay sao? Rồi, vài ngày, Tiểu Vũ đã đọc sách cùng Diệp Anh, đúng ở chiếc bàn nọ trong thư viện. Cô nhận ra, nếu mình thức dậy và mất trí, chẳng ai thay đổi được gì cuộc sống của mẹ con cô, chẳng ai cả. Và, cô thức dậy với trí nhớ được chính cô cài đặt – phải quên!

***

Lão Đạm cúi rịt mặt, không dám ngẩng lên. Thật ra là lão cũng đã định chống cự lại, nhưng vừa liếc lên, lão thấy mẹ Tiểu Vũ bưng mặt khóc ngoài cửa, nên thôi. Tất cả đã vỡ lở rồi, có cố, cũng chẳng vớt được thêm gì nữa. Giờ, cái phải nghĩ, là làm sao để êm thấm thoát ra khỏi nơi này – nơi mà lão cam đoan rằng mình chẳng còn chút giá trị gì ngoài bị thù hằn, khinh ghét. Mọi cơ hội đổ vỡ hết nếu cứ cuốn theo sự vội vàng do lòng tham kích thích! Và rõ ràng, hôm nay, ở tại đây, lão Đạm đã tự biến mình thành nạn nhân của lòng tham trong chính con người lão.

Mẹ tay bưng mặt khóc, tay vin chặt, tựa hẳn mình vào thành tường nơi liếp cửa, cố để không ngã quỵ vì đau. Mẹ đau, không phải vì sự phản bội, giả dối kia. Tự lòng mẹ đã bất an nhiều lắm, trong mối quan hệ mà mẹ thật chưa dám gọi tên, chỉ cố hy vọng rằng khi mẹ dám hy sinh, người ta sẽ cho lại một thứ gì đấy trọn vẹn. Mẹ đau, vì con gái của mẹ đã phải sống những tháng những ngày u uất, khổ sở, chỉ là cố để bảo vệ mẹ, chỉ là để níu giữ giùm mẹ một người luôn sẵn sàng ra đi ngay khi đạt được mục đích. Và mẹ đau, vì sự gắn kết giữa mẹ và Tiểu Vũ đã bị nới lỏng ra, từ những thứ rất riêng – đầy vị kỷ và bản năng – trong mẹ, khiến cô rồi phải tự xoay xở tìm cách một mình, không còn dám chia sẻ với mẹ như trước đây nữa. Cô đơn, loay hoay tìm cách bảo vệ người mình yêu thương – cho dẫu có phải tự làm tổn thương bản thân mình – chắc kiệt sức và đau đớn lắm, phải không, Tiểu Vũ?

Phôn ban đầu rất giận. Làm sao có thể không giận chứ?! Khi mà anh đã bấu víu vào một đức tin thật sự mơ hồ với mình – thứ mà trước khi gặp cô, chưa từng bao giờ anh nghĩ đến, bởi nếu có một bàn tay nhiệm màu nào đấy thì mọi thứ đã quá trơn tru, mà như thế cũng có nghĩa chưa chắc anh và cô gặp nhau ở một đất nước hoàn toàn xa lạ – cầu nguyện cho Tiểu Vũ thức dậy, bất chấp là phải trả cái giá gì. Rồi, anh đau đớn với cái giá mình đang hứng chịu – cô đã quên anh, quên tình yêu của anh, quên kỷ niệm của hai người. Anh bất chấp hết. Anh mặc kệ hết. Anh tin, giữa anh và cô, tình yêu không phải là chuyện trí nhớ. Cô quên, anh sẽ khiến cô yêu anh lại từ đầu, với con người thật của anh mà từ đầu tiên cô đã chọn. Thế mà, hóa ra anh đã trở thành một thằng hề khi cố nhắc cô nhớ những gì cô chưa từng quên! Nhưng, ngay sau cơn giận, Phôn nhận ra rằng, đấy là lựa chọn duy nhất mà cô có – cái lựa chọn đẩy cô vào những góc tối, khuất và chỉ một mình, gặm nhấm những sự thật cô chôn cho riêng mình chỉ vì hạnh phúc tạm bợ của người khác. Anh thấy thương cô hơn bao giờ…

***

Phôn đứng. Tiểu Vũ ngồi trên xe lăn.

– Em muốn lấy anh vì sự thật em yêu anh, hay vì em nghĩ đấy là cách để giải quyết tốt chuyện giữa mẹ và bác Đạm? – Phôn hỏi, hơi chạnh lòng khi biết Tiểu Vũ rùng mình vì cái tên vừa nhắc đến.

– Anh nghĩ sao? – Tiểu Vũ vẫn dong mắt ra sông, đúng đoạn cô tin Phôn đang cùng mình nhìn.

– Anh nghĩ rằng, em sợ ế chồng! – Phôn nói, hoàn toàn không hề quay qua.

Tiểu Vũ ré lên cười, chồm qua, cấu Phôn một cái rõ đau.

– Em đóng dấu anh đấy à? Sợ sẽ lạc anh à? – Phôn cúi xuống, nhăn nhó mặt mày.

– Mình có lạc nhau nữa không, hả anh? – Tiểu Vũ lần bàn tay mình tìm bàn tay Phôn.

– Ngốc ạ! – Phôn ngồi xuống. – Anh không bao giờ để em lạc anh nữa đâu! Anh hứa!

Họ hôn nhau, giữa trời chiều bàng bạc nắng đỏ, theo cách của những con người dám thể hiện tình yêu ở vùng đất tự do. Quanh họ, vài cặp tình nhân dặt dìu dắt nhau nhìn đêm, nhìn sông, nhìn khoảng khắc tự do yêu đương mà họ được quyền có. Họ yêu nhau, như thể, chốc nữa thôi, Trái Đất sẽ ngừng quay, con người sẽ chết dần chết mòn, và, họ phải vội yêu nhau cho kịp.

Tiểu Vũ biết, chốc nữa thôi, khi trở về nhà, cô sẽ phải đối diện với người đàn bà đầy đau khổ, vừa xin cô chút ít thời gian để giải quyết chuyện riêng tư mà bà không muốn bất kể ai xen vào. Khi đi, Tiểu Vũ đã nghĩ, tội nghiệp mẹ, chắc bà vẫn còn thương bác Đạm lắm, chắc bà sẽ mủi lòng mà cho ông ta chút ít tiền, dẫu, số tiền ấy, có thể là thứ đưa ông đến với người đàn bà khác rất nhanh. Tiểu Vũ cũng nghĩ, tội nghiệp bác Đạm, sống đến từng tuổi ấy, có lẽ bác chưa trải qua một lần thật sự được yêu thương, nên, bác mới thấy tiền là tất cả. Giá, có một lần trong đời, bác Đạm biết rõ, tình yêu là thứ duy nhất không thể mua bằng tiền, chắc bác sẽ biết trân quý những điều bác đã được nhận rồi vội vàng đánh mất. Tiểu Vũ thật tâm thấy thương cho hai người.

– Diệp Anh… thế nào, hả anh?

– Nó… – Phôn ngập ngừng. – Nó… yêu em đấy!

– Em biết!

– Yêu thật sự ấy!

– Em biết!

– Yêu như kiểu anh yêu em ấy!

– Em biết, Phôn à! – Tiểu Vũ kiên nhẫn trả lời, cô biết, đây là câu cuối rồi.

– Em biết sao? – Phôn ngập ngừng quay đi, dẫu sao, Diệp Anh cũng là em gái anh, và hẳn nhiên anh phải chạnh lòng thương cô ấy trong hoàn cảnh này.

– Em biết chứ! – Tiểu Vũ nhẹ nhàng. – Làm sao em có thể không biết được. Em ấy đã luôn rất tốt với em.

– Em không nghĩ gì sao?

– Có chứ, anh! – Tiểu Vũ thở hắt ra, cô muốn thật lòng mình trải hết cảm xúc cho Phôn, người yêu của cô, người đã chịu đựng quá nhiều thứ không công bằng từ cô. – Em đã từng nghĩ, giá như Diệp Anh là đàn ông…

– Em sẽ chọn nó, thay vì chọn anh à? – Phôn cục cựa, có phần khó chịu.

– Ở một kiếp nào đấy, khi em đã có thể thật sự quên được anh!

Câu cuối, Tiểu Vũ nói, đủ để thời gian ngưng lại hoàn toàn với Phôn. Ở một kiếp nào đấy ư, khi cô có thể thật sự quên anh ư? Chao ôi, không cần hứa hẹn với ai cả, một lời cô tự khẳng định với chính mình thôi đủ khiến người sát cạnh bên thấy yên lòng mà sống, mà yêu, mà tranh đấu giữa những tháng ngày chắc rồi sẽ không dễ dàng gì với bất kỳ ai cả! Cô thật sẽ yêu anh nhiều kiếp, nếu điều ấy có thật; và cho dẫu ở kiếp đời nào đấy, họ không còn nhớ để nhận ra nhau, cô chắc chắn mình vẫn sẽ tìm thấy anh, bằng cái cách mà duy chỉ một mình cô hiểu.

Phôn dành hẳn khoảng ngọt ngào ấy cho riêng mình. Nghe xong, anh chỉ lặng im và cảm nhận. Anh biết, Tiểu Vũ sẽ yêu thương em gái anh như anh sẽ yêu, hoặc có thể hơn. Anh biết, cô cũng sẽ yêu thương anh như anh đã yêu cô, hoặc có thể hơn. Nhưng, trên hết, cho dù Tiểu Vũ không khẳng định, anh vẫn biết, cô sẽ yêu bản thân cô như anh mong cô sẽ yêu, hoặc có thể hơn… Sau tất cả, điều ý nghĩa duy nhất với anh là cô sống ổn, bất kể là ở đâu và ở cạnh ai!

– Anh đưa em về nhé! – Phôn vin tay vào vai Tiểu Vũ, nơi gần sát với tay đẩy xe lăn, đợi cô đồng ý. – Có lẽ, mẹ cần em lúc này.

– Khi nào anh sẽ đi lại? – Tiểu Vũ nói, nghĩ đến mà quặn đau trong lòng.

– À! – Phôn ghé môi sát tai cô, thì thầm. – Khi anh đã cưới được em, đúng nghĩa.

– Nhưng mà…

– Chúng ta đã thỏa thuận sẽ không nói từ “nhưng”, nếu phía sau từ ấy là những điều bất lợi cho chúng ta, phải không, công chúa? – Phôn cười, vẫn nguyên si sự nồng ấm và thơm mùi biển từ ngày đầu biết nhau. – Chẳng còn mấy thời gian để anh gọi em là công chúa đâu đấy nhé!

– Từ “nhưng” lần này không phải là bất lợi! – Tiểu Vũ cố níu kéo thêm vài phút nữa gần nhau. – Là thứ nghiêm túc chúng ta phải bàn!

– Thế này! – Phôn hít sâu. – Gia đình anh có chuyện cần giải quyết. Gia đình em cũng thế. Anh và em rồi phải tính toán rất nhiều cho tương lai của cả hai, nhưng, anh không chấp nhận từ “nhưng”, dù bất kỳ lý do nào, nếu nó sẽ là thứ trì hoãn việc của chúng ta.

– Em nghĩ…

– Hãy nghĩ rằng, anh không thể đợi thêm được nữa, công chúa ạ! Và nếu bắt anh làm điều ấy, thì thật là tàn nhẫn với anh!

***

Mẹ đón Tiểu Vũ bằng một thái độ hết sức bình tĩnh. Phôn không vào. Tiểu Vũ không muốn mẹ phải gượng tỏ ra bình thản trước Phôn. Cô đã nghĩ, khi thấy cô, mẹ sẽ òa khóc. Nhưng không! Mẹ hoàn toàn bình tĩnh, cực kỳ bình tĩnh. Mẹ ngồi ở ghế sofa – bộ ghế mà mãi, cả cô và mẹ cương quyết không chịu thay đổi, vì nó là quà cha tặng mẹ nhân kỷ niệm mười hai năm ngày cưới, gần đến sinh nhật thứ sáu của Tiểu Vũ, gần đến ngày cha vĩnh viễn ra đi – với gương mặt không phấn son trang điểm. Có lẽ, nước mắt đã làm nhòe mọi thứ nên mẹ biết mình cần gột rửa hết đi. Có những lúc, con người ta nên để mình hoàn toàn nguyên sơ trong những câu chuyện cần sự chân thành tuyệt đối.

Câu chuyện của mẹ và Tiểu Vũ chỉ ngắn gọn. Có lẽ, cả hai không còn đủ sức để tỏ ra thản nhiên, nên, cả hai đều nghĩ, càng nói nhanh đến đâu, càng sớm trở về góc riêng của mình đến đâu, càng tốt đến đấy. Mẹ hỏi qua loa chuyện Tiểu Vũ có bị thương không, hỏi dự định sau này của Tiểu Vũ. Rồi, mẹ xin lỗi, vì chút cảm tình mơ hồ của mình đã đẩy cô vào tình cảnh như bây giờ. Tiểu Vũ thật lòng bảo không sao. Cô cũng chỉ biết trả lời mẹ rằng, rồi chuyện gì đến, hãy cứ để nó đến, cô không dám tính toán gì nữa.

Cả hai trở về góc riêng của mình rất vội. Mẹ khóc, cho những đớn hèn vừa trải qua. Mẹ đã không thể nổi giận hơn nữa, chỉ đau đớn bảo bác Đạm rời đi ngay. Bác ấy đi, nghĩa là không bao giờ trở lại nữa. Mẹ tự hỏi mình, nếu có một điều kỳ diệu, nếu người đàn ông kia thay đổi và quay về, xin mẹ một sự thứ tha, liệu mẹ có tha thứ không? Mẹ khóc, cho những yêu thương của mình đã cho đi mà không hề được nhận lại, có chăng, chỉ là dối lừa nhau. Điều kinh khủng nhất khi một mối quan hệ đi đến hồi kết thúc không phải là biết người kia không còn yêu mình, mà là biết người kia chưa từng yêu thương mình cho dẫu chỉ là thoảng qua một phút! Mẹ khóc, vì sự vô tâm của mình đã đẩy con gái đến cùng cực đau khổ. Rồi, mẹ rùng mình, tự hỏi, nếu Phôn không đến kịp thì sao? Có lẽ, mẹ sẽ mang cả nỗi ân hận ấy đến tận ngày xuống mồ. Nghĩ đến, mẹ toát mồ hôi lạnh…

Tiểu Vũ cũng khóc. Lần đầu tiên, sau tất cả mọi thứ, cô khóc cho riêng mình. Chừng ấy thời gian giả vờ quên hết, Tiểu Vũ đã khóc rất nhiều, khóc một mình, và tất cả, đều là khóc cho mẹ, không biết ngày mai mẹ rồi sẽ ra sao? Đời cô còn dài, nếu lỡ có phải mất Phôn, có lẽ cô sẽ còn cơ hội tìm thấy một người khác, nhưng khi đã phát hiện ra sự thật của người đàn ông mẹ yêu – sau cha – liệu rồi mẹ có thể tin và yêu thêm lần nào nữa? Cô khóc cho Phôn vì đã phải hy sinh quá nhiều, chịu đựng quá nhiều vì cô. Cô thật đã mong có ai đấy tốt hơn đến và đem lại hạnh phúc cho anh, dẫu có lúc hiểu lầm, cô biết, nếu đấy là sự thật, chắc trái tim cô không phải chỉ chết đi một nửa, mà sẽ chết hoàn toàn, nhưng, cô vẫn luôn mong Phôn được hạnh phúc. Tiểu Vũ khóc cho cả Diệp Anh khi biết Diệp Anh dành cho mình một tình yêu ngang trái. Đó không phải lỗi của Diệp Anh, chỉ là lỗi của tạo hóa mà thôi. Họ rồi sẽ trở thành gia đình của nhau, không biết Diệp Anh có thể quên hết đi những cảm xúc lúc này mà đón nhận cô như một người chị dâu? Nếu không, có lẽ cô bé sẽ khổ đau nhiều lắm! Tiểu Vũ không biết mình nên làm gì cho cô gái bé nhỏ kia, chỉ biết phải cố gắng để cô ấy không đau thêm nữa. Càng nghĩ, Tiểu Vũ càng khóc nhiều hơn! Thậm chí, Tiểu Vũ đã khóc cho cả bác Sam đáng kính, trong ngày giỗ của vợ con bác, và cả ngày sinh nhật của hai người này – hai người mà Tiểu Vũ chỉ được biết qua hình ảnh… Những mối quan hệ ít ỏi đếm đủ trên đầu ngón tay của một bàn tay là tất cả những gì Tiểu Vũ có, thế mà, tất cả họ đều đủ để cô phải khóc, như thế mới gọi là tuyệt diệu, là hoàn hảo, là đủ đầy trong cuộc sống này!

Hôm nay, Tiểu Vũ khóc cho mình. Khóc cho tất cả những cảm xúc đã đè nén bấy lâu nay, khi mà bức rèm của màn kịch được hạ xuống. Có phần, Tiểu Vũ tự trách mình, giá mà, cô có thể khôn ngoan hơn chút nữa, để mọi sự xảy ra theo cách dễ đón nhận hơn, có lẽ mẹ đã không đau và có lẽ mọi người không hoang mang đến vậy. À, hóa ra, cuối cùng, nước mắt Tiểu Vũ cũng chỉ chảy cho người khác mà thôi!…

Phôn về. Phôn đi bộ về. Anh không buồn bắt taxi sau một tối rã rời vì mệt, vì sợ hãi, vì hoảng hốt, vì những câu hỏi “nếu như” cứ trôi đi trôi lại trong đầu anh. Có phần, Phôn chần chừ chuyện phải rời xa Tiểu Vũ. Anh không sợ sẽ có thêm chuyện gì khác nữa, vì, anh chắc chắn, sau hôm nay, gã đàn ông đe dọa Tiểu Vũ không còn cơ hội nào xuất hiện trong đời cô. Anh cũng không quá tiếc nuối thời gian ở cạnh của hai người, vì Phôn biết, muốn đến được hạnh phúc thật sự, chỉ có thể nhờ vào thời gian cùng sự cố gắng hết sức từ cả hai. Càng tranh thủ tốt bao nhiêu, anh càng sớm có cơ hội chăm sóc Tiểu Vũ bấy nhiêu. Xa cô lúc này – chỉ là tạm – là cơ sở để họ gần nhau hơn, và, anh học cách không tiếc nuối những thứ nhất thời. Điều khiến Phôn chần chừ, là, liệu anh có sai không khi che giấu chuyện người đàn bà của bác Đạm chính là người đàn bà thứ ba của cha mình? Anh nói ra, sợ mẹ Tiểu Vũ sẽ lại thêm đau lòng, nhưng cái sợ hơn là Tiểu Vũ nhìn gia đình anh chẳng ra gì cả. Còn một điều nữa, anh sợ vì anh chắc chắn nó sẽ xảy ra, là Diệp Anh sẽ lập tức rời đi khi anh và Tiểu Vũ chính thức ở bên nhau, cho dù là ở đâu và cho dù là bất kỳ khi nào. Đây là điều mà Tiểu Vũ không hề đoán trước, thậm chí cô đã nghĩ về việc cố tìm cách bù đắp cho Diệp Anh – Phôn chắc chắn thế – và là điều Diệp Anh ngây thơ nghĩ có thể giấu được anh trai mình… Thật tình, Phôn đâu thờ ơ và ngu si đến thế?! Anh thương Diệp Anh, nhiều hơn cả tình cảm của một người anh trai thương em gái, trong đó còn có tình thương của sự cảm thông, từ một con người hiểu quá rõ cảm giác bị bỏ rơi mà người kia cũng phải gánh chịu. Anh muốn được ở cạnh để bảo bọc, chở che cho em gái của mình!

***

Ông Lý trở mệt nhiều. Phôn và Diệp anh vẫn túc trực cạnh giường ông. Chỉ cần còn chút hơi sức, ông Lý đều dành để nói những lời xin lỗi của mình. Mẹ Diệp Anh cũng đã đến – cung cúc, lặng lẽ như chuyện tất yếu bà sẽ làm, dẫu không còn chút tình cảm nào nữa, sau tất cả những gì đã nhận được từ người đàn ông này; nhưng bà vẫn chọn cách ở cạnh ông vì bà tin điều ấy có ý nghĩa, ít nhất là với con gái bà.

Ông Lý không biết, như thế có đủ cho những ngày cuối cùng của cuộc đời không. Ông chỉ biết, những sân hận đã qua rất nhanh, ông không trách gì người đàn bà nọ – người mà ông đã chọn để rồi rời bỏ gia đình mình – có trách là trách bản thân đã không đủ tốt. Và, ông Lý thấy hạnh phúc, dẫu muộn màng, dẫu chồng chéo vui – buồn – hối lỗi…; dẫu sao, thứ ông có, cũng là hạnh phúc của một con người sắp rời khỏi cuộc đời.

Diệp Anh hẳn nhiên buồn nhiều hơn Phôn. Cho dù, cô là người phải chứng kiến nhiều cảnh đau lòng, cho dù, cô là người bị cha ruồng rẫy, nhưng dẫu sao, những tháng ngày có cha bên cạnh cũng khiến cô dành nhiều tình cảm cho ông hơn Phôn, hơn một đứa trẻ chưa từng bao giờ biết mặt cha, cho đến tận khi ông hấp hối và gọi anh về, muốn nhìn thấy anh một lần để xin lỗi. Diệp Anh không khóc, vì vốn tính cô không ưa đem nước mắt ra giải quyết cảm xúc cho mình, nhưng cô đau đớn và lo lắng đến lặng người đi, gần như không thể mở miệng nói, cho dù là câu thứ tha.

Ông Lý bảo Phôn và mẹ Diệp Anh ra ngoài, chừa cho ông một khoảng riêng với đứa con gái mà ông đã từng yêu thương hết mực.

– Con có giận không, nếu Phôn được nhận phần nhiều hơn? – Ông Lý thều thào khi Diệp Anh đã cho ông nắm tay cô.

– Ồ! – Diệp Anh run run. – Nếu anh ấy được nhận tất cả, cũng chẳng ai buồn đâu, ba ạ! Vì, vốn, anh ấy chẳng bao giờ có được thứ mà con đã có!

Ngoài này, mẹ Diệp Anh đứng cách một đoạn, nhìn trân trân vào cánh cửa che mất tầm nhìn của bà, khiến bà không tài nào nhìn thấy được cảnh hai cha con đoàn viên sau những lỗi lầm, sau những thù hận. Bà lặng im đứng đấy, như kiểu tự cho mình chút ít thời gian để lựa lời mà nói với Phôn.

– Ta đã có lỗi với mẹ con và con! – Bà nói, chưa dám quay lại nhìn Phôn.

Anh ngẩng đầu lên, hướng về phía bà, rồi lại cúi xuống, không nói năng gì cả. Người ta nói, nghĩa tử là nghĩa tận, anh giờ chỉ biết nghĩ cho người đàn ông đang nằm kia, chờ đến lúc đi gặp mẹ anh, nên, chuyện quá khứ, anh không màng đến nữa. Nhưng Phôn cũng hiểu, tha thứ là một động từ đẹp mà con người ta sẽ dễ dàng chạm đến hạnh phúc khi dám cho đi.

– Con giận ta lắm, đúng không?

– Thưa không ạ! – Phôn lễ phép, đúng theo cách mẹ đã dặn anh lúc bà nằm chờ chết với căn bệnh chẳng quá lạ gì, chỉ là, không có tiền để chữa.

– Con hoàn toàn không giận ta sao? – Mẹ Diệp Anh đi lại, chậm rãi ngồi xuống.

– Thưa, không ạ! – Phôn cười hiền. – Mẹ con dạy, mọi thứ đều là duyên. Có lẽ, duyên của mẹ và cha con chỉ đến đấy. Trách ai bây giờ?

– Nhưng, nếu không có ta, ắt, cái duyên con vừa nói không đứt nhanh đến vậy!

– Dì à! – Phôn gọi, khiến người đàn bà hãy còn đượm nét đẹp của những ngày xưa thoáng ngỡ ngàng. – Không có dì, ắt sẽ có người khác. Con từng nghĩ, có lẽ, có một người khác lại hay, vì chí ít như thế có nghĩa là cha đã từng yêu mẹ. Đừng để cha đi khi tình đã dứt mà lòng không hề đoái thương.

Mẹ Diệp Anh bật khóc. Phôn cười. Con người ta, mỗi người một khác, khác về mọi thứ, về cách sống, về thói quen, về tư tưởng, khác cả về cách thể hiện hạnh phúc của mình. Kẻ khóc, người cười. Dẫu sao, đấy cũng là hạnh phúc.

Phôn vào, ngồi cạnh cha, sau khi Diệp Anh mắt đỏ hoe gọi anh vào. Ông Lý cười với Phôn, đúng cái cười mà Phôn đã đem theo mình suốt chừng ấy năm cuộc đời, dấu ấn chứng tỏ rõ ràng nhất tình máu mủ giữa anh và cha; cái cười mà Tiểu Vũ đã khẳng định rất nhiều lần rằng có mùi của biển khiến anh giật mình thầm hỏi, sao cô lại biết về nơi anh được sinh ra?

– Ta sẽ không thể đi lâu hơn nữa, không thể kịp làm gì để tạ tội với con!

– Trẻ con, không có quyền định tội người lớn! – Phôn nắm chặt tay cha, cái siết tay trao hơi ấm lần đầu trong đời Phôn thật sự muốn trao đi.

– Nhưng, chắc ta sẽ gượng dậy được, để cùng con đem trầu rượu sang nhà người ta…

Phôn đã nghĩ, mình không dám mong có cơ hội để xin điều này. Đó là ích kỷ. Cho dù, người ta có ích kỷ với anh, với mẹ anh thế nào, thì, anh cũng không nghĩ mình nên đòi lại. Cha anh đang bệnh. Cha anh sắp không thể đi tiếp cùng anh và em gái anh trên đoạn đường cuộc đời hãy còn rất dài phía trước. Xin ông đứng ra hỏi cưới vợ cho Phôn giữa những cơn đau đang hành hạ ông, rõ ràng là ích kỷ.

– Ba có chắc…

– Ba chắc chắn! – Ông Lý nháy mắt với Phôn. – Đầu thu nhé! Cho ba thêm chút thời gian để chuẩn bị mọi thứ gọn gàng.

– Vâng! Hẳn nhiên rồi ạ!

– Phôn này! – Cha gọi. – Có vài lá thư trong hộc…

Ông Lý hơi gượng dậy, cố chỉ tay vào hộc bàn của chiếc tủ gỗ. Phôn dằn ông nằm xuống, gật đầu, báo anh đã biết rồi.

– Một cho con. Một cho Diệp Anh. Một cho mẹ Diệp Anh. Và, một cho mẹ con! Thay ta, trao cho họ nhé!

Đọc tiếp chương 10: Nếu một ngày trái đất ngừng quay

Đọc full truyện tại đây: https://goo.gl/FS3gRR

Rating: 5.0/5. From 5 votes.
Please wait...