Ngoại tôi
|Khi mở chiếc ngăn kéo cũ kĩ của ngoại tôi ra, trái tim tôi như bị bóp nghẹn bởi những thứ đang ngủ yên trong đó…
Mùa hè năm 2007. Khi những tia nắng gắt dội qua từng tán cây dâu da xoan trước hiên nhà, khi tiếng đồ đạc lỉnh kỉnh phát ra từ trong nhà, tôi đã không dám chạy ra ngoài để chào tạm biệt ngoại. Bởi, tôi thực lòng không muốn nhìn cảnh ngoại rời đi sau gần chục năm trời sống ở mảnh đất thủ đô này, sau quãng thời gian dài chăm sóc cho hai anh em tôi. Ngoại từng bảo, ngoại già rồi, ngoại muốn về quê hương nơi mình sinh ra để ngày ngày hương khói cho ông, để tận hưởng cái không khí trong lành mà ngoại từng có từ thuở còn tấm bé. Tôi biết mình chẳng thể ngăn được ngoại, nên chỉ biết ôm ngoại vào lòng, đưa cho ngoại vài tấm hình nhỏ xíu được cất trong bộ gương lược màu hồng: “Ngoại phải giữ tấm hình của con nha, ngoại mà làm mất thì con giận lắm đó”. Thấy vậy, ngoại chỉ cười hồn hậu, đem nó bỏ vào chiếc tay nải màu nâu sờn cũ vì sợ bỏ quên lại.
Rồi, ngoại cũng lên xe về quê thật. Trước giờ xe lăn bánh, ngoại gọi tôi ra, chào tạm biệt và dặn bao giờ rảnh nhớ về quê thăm ngoại. Vì tôi vốn là đứa giỏi che giấu cảm xúc, lại càng chẳng muốn ai nhìn thấy mình khóc nên đành nuốt nước mắt, gật đầu cái rụp cho ngoại yên lòng. Vậy mà khi hình bóng ngoại cùng chiếc xe mờ dần theo dòng người trên phố, tôi bỗng cảm thấy trống trải ghê gớm. Tôi chỉ biết chạy nhanh vào một góc riêng bí mật, lấy tay che miệng cho từng tiếc nấc nghẹn khỏi buông lơi thành tiếng.
Căn nhà tập thể đó cũng bán sau vài tuần. Tôi đã giấu chiếc chìa khóa cổng vào một bao giấy nhỏ, lấy băng kéo dán kín và mang theo về ngôi nhà mới như một kỷ niệm về tuổi thơ đã qua – một tuổi thơ êm đềm bên gia đình với đầy đủ cha mẹ, anh trai và cả ngoại nữa!
Tôi và mẹ dắt tay nhau ra bến xe Gia Lâm, bắt xe về quê thăm ngoại. Đương dịp Tết nên đâu đâu cũng thấy người ta bán những cành đào với sắc hồng rực rỡ, những cành mai vàng ươm như ánh nắng đầu thu, và cả vài chậu quất căng tràn sức sống. Trước cảnh tượng náo nhiệt đó, tôi bỗng nhớ về chiều 30 Tết của nhiều năm trước – khi ngoại bồng tôi đi chợ Tết trên phố: Ngoại đã chỉ cho tôi đâu là hoa gì, mua cho tôi bộ áo dài con nít đỏ tươi cùng cây kẹo bông bồng bềnh tựa như áng mây trời phiêu du.
Mất chừng ba giờ đồng hồ, tôi và mẹ mới tơi có cánh đồng lúa xanh rì, có lũ trẻ đang đùa nghịch ven bờ đê thẳng tắp tới tận chân trời. Tôi cảm nhận, từng bước chân của tôi có vẻ gấp gáp dần vì nóng lòng gặp ngoại. Rồi khi dừng trước cánh cổng sắt hoen rỉ quen thuộc, tôi thấy ngoại đang chơi đùa cùng đứa cháu gọi ngoại tôi là cụ – vẫn là nụ cười hồn hậu mà tôi hằng nhớ nhung. Ngoại đón tôi lên phòng, ôm tôi vào lòng thật ấm áp, xong mới xuống dưới nhà nói chuyện với mẹ tôi. Còn nhớ, ngày xưa, ngoại đòi mang bằng được chiếc máy khâu cũ mèm về quê vì đó là kỷ vật mà ông ngoại dành tặng cho bà. Gờ nó vẫn có một chỗ riêng ở góc phải căn phòng của bà, ngăn nắp và gọn gàng. Tôi thử mở chiếc ngăn kéo tủ ra xem nó còn dùng được không, bởi nhìn từ bên ngoài, các thanh trượt đều trở nên rít hết. Khi mở tới phân nửa, tôi bắt gặp bộ gương lược mà mình từng tặng ngoại vào mùa hè năm 2007 – khi ngoại về hẳn quê sinh sống. Tôi nhẹ nhàng mở nó ra. Tôi sững người bởi những tấm ảnh đó không còn nữa. Tôi khóc. Tôi rất tức giận vì nghĩ ngoại đã làm mất hoặc vứt nó đi. Tôi giận dỗi và bỏ luôn bữa cơm trưa. Ngoại thấy vậy bèn lên tiếng hỏi rằng: “Ngoại thấy con lạ lắm, ban nãy còn vui mà sao giờ đã vậy rồi con?”. Thấy ngoại mở lời, tôi cũng trút hết sự bực dọc của mình.
Nghe kể xong, ngoại tôi chẳng nói chẳng rằng và bước thật chậm rãi về phía chiếc hòm sắt đặt gần cửa ra vào. Rồi, ngoại lấy một cuốn album ảnh in màu thời gian ra, đưa cho tôi xem với nụ cười hồn hậu quen thuộc. Lật mở từng trang, tôi thấy đó là biết bao bức hình đen trắng chụp ông ngoại cùng đồng đội thời chiến, bức hình mẹ tôi ngày còn nhỏ, và cả tấm ảnh bé xíu mà tôi kẹp trong bộ gương lược năm xưa. Nước mắt tôi mặn chát, lăn dài trên khuôn mặt lấm lem vì bụi đường xa xôi. Thì ra, ngoại tôi luôn lưu giữ những điều quan trọng nhất ở một nơi bí mật, ngoại sợ sẽ làm mất tấm hình của đứa cháu bé bỏng nên mới cất đi nơi khác.
Tôi muốn xin lỗi ngoại, dù biết ngoại chẳng bao giờ trách móc hay giận tôi cả.
***
Chuyến xe từ quê về Hà Nội lại chuẩn bị lăn bánh. Tôi lại giả bộ say xe để được gục mặt vào chiếc áo khoác dày cộp mà khóc nức nở vì nhớ ngoại, vì thương ngooại như biết bao năm qua mà tôi đã từng…ngoại tôi.
Nguyên An
=>>Đọc thêm:
https://nhom40.com/dien-tich-ve-nhac-khuc-cao-son-luu-thuy/
Key liên quan:
- bà ngoại của tôi