KHÔNG THỂ CHẠM VÀO EM” NHẬP NHẰNG KHÁI NIỆM “TÌNH YÊU THUẦN KHIẾT” VỚI “DUNG TỤC”
|Tiểu thuyết là một trong những thể loại hấp dẫn người đọc bởi sự đa dạng, phong phú về đề tài cũng như cách truyền đạt thông điệp nhân văn của cuộc sống tới đông đảo bạn đọc. Mỗi cuốn tiểu thuyết giống như một cuộc đời thu nhỏ và mỗi thân phận con người là một câu chuyện đáng suy ngẫm. “Không thể chạm vào em” của Nhóm 4.0 là một trong những tiểu thuyết ngôn tình được bạn đọc quan tâm trong thời gian vừa qua – thu hút gần 100 nghìn lượt đọc chỉ trong một tháng kể từ ngày công bố. Chọn đề tài tình yêu để xây dựng nên hình tượng nhân vật, song cái mà người ta nhìn thấy từ tiểu thuyết là sự đối lập khập khiễng giữa ý tưởng và nội dung thể hiện về tình yêu thuần khiết; có những đoạn xử lý khiến độc giả cảm thấy tác giả đang dung tục hóa tình yêu – thứ cao đẹp của con người – trong khi họ lại khẳng định mình thể hiện “tình yêu thuần khiết”?! Và với cách viết như vậy, phải chăng họ chỉ muốn kích thích sự tò mò của giới trẻ nói riêng và độc giả nói chung để tạo ấn tượng với tiểu thuyết? Đó chẳng phải là rẻ rúng văn chương, chẳng phải tầm thường hóa độc giả của chính mình?!
Tình yêu thuần khiết là gì? Trên đời này còn thứ tình yêu gọi là tình yêu thuần khiết?
Tình yêu thuần khiết nghĩa là yêu chỉ vì yêu, không đòi hỏi những dục vọng hay ham muốn của thể xác. Ở đó chỉ có tâm hồn đồng điệu của đôi lứa. Thứ tình yêu trinh nguyên ấy, vốn được ca ngợi rất nhiều trong thi ca, nhạc họa. Vậy thực tế có loại tình yêu này không? Thật sự mà nói, với cuộc sống hiện đại ngày nay, với mạng lưới thông tin ngập tràn trên mạng xã hội, ngay cả một đứa trẻ cũng nhìn ra biểu hiện giữa những người có tình cảm với nhau. Khi mà muôn vàn những hình ảnh tình tứ, những bộ phim tràn ngập cảnh hôn ngọt ngào, người ta sẽ không chấp nhận một loại tình cảm vượt qua những cảm xúc đơn thuần của con người, yêu chỉ vì yêu. Ai có thể tin, hai người yêu nhau ở bên nhau chỉ nắm tay nhau; ai có thể tin nằm gần nhau mà chỉ nghe tiếng tim đập và hơi thở của đối phương nữa? Đó là câu chuyện của thế kỷ trước, là câu chuyện của hàng trăm năm trước khi lễ giáo phong kiến kìm hãm những cảm xúc thiên về bản năng của con người. Vậy thì độc giả có tin rằng có một loại tình yêu trong trẻo thuần khiết mà tác giả Nhóm 4.0 đang xây dựng? Chúng ta liệu có chấp nhận tiểu thuyết ngay từ tiêu đề đã mang tới những ngờ vực “Không thể chạm vào em”? Không thể ở gần em thì làm sao yêu được em, không thể vuốt ve em thì làm sao cảm nhận được em?! Tình yêu là sự thăng hoa của cảm xúc, là sự trỗi dậy của dục vọng và ham muốn từ bản năng của mỗi người, ở bất kỳ giới nào cũng thế, thật không thể tin là yêu thôi đừng sex?
Trước tiên, câu chuyện mà tác giả khai thác chệch hướng hoàn toàn với xu thế phát triển tâm lý của giới trẻ hiện nay, của thời đại này. Khi mà chúng ta biết, hàng ngày các ông bố bà mẹ luôn luôn lo lắng sự vượt giới hạn của các con, khi mà trung tâm sinh sản quốc gia đã tổng kết số lượng nữ sinh nạo phá thai với con số tăng tịnh tiến hàng năm, không có dấu hiệu dừng hoặc giảm xuống. Vậy thì cái gọi là tình yêu thuần khiết ở đâu? Có lẽ nó chỉ còn diễn ra giữa con chiên và Cha xứ, hay giữa những tín đồ với tôn giáo của họ. Thực tế cuộc sống rất khó có thể tin được có một loại tình yêu ảo mộng, mơ hồ như những gì mà tác giả tiểu thuyết nói.
Nếu cho rằng, có một thứ tình yêu gọi là thuần khiết, vậy làm thế nào để miêu tả, để kể một câu chuyện khiến độc giả hình dung ra Trần Kha và Miên Tú – đôi tình nhân bách hợp trong tác phẩm có một tình yêu tinh khôi như thế? Không tô vẽ thêm được sự trong trẻo về cảm xúc Trần Kha và Miên Tú. Mà người viết vô tình dung tục hóa sự linh thiêng cao đẹp của tình yêu bằng những trang văn đậm mùi dục vọng. Thật khó có thể chấp nhận kiểu viết phô trương, mang cảm quan tầm thường cá nhân để miêu tả sự thánh thiện trong tình yêu bằng những hành động “bệnh hoạn” của nhân vật. Ngôn ngữ miêu tả đó, có lẽ chỉ có ở thứ văn chương rẻ rúng.
Trần Kha hiện lên trong tiểu thuyết là một nữ luật sự tài năng, với phong thái đĩnh đạc cùng một tình yêu mênh mông dành cho Miên Tú. Khi nói về con người Trần Kha, bạn đọc hình dung nguyên vẹn một nữ chính cứng cỏi, mạnh mẽ, lo toan cho người yêu bao nhiều thì tác giả lại làm nhơ nhuốc hình ảnh đẹp đẽ mà mình tạo ra. Một tình yêu thuần khiết phải được xây dựng lên từ những con người thuần khiết. Nhưng với Trần Kha thì hoàn toàn trái ngược, cô trở nên dung tục tầm thường với những trang sex – “Trần Kha quỳ một chân xuống sàn, cố gắng thật chậm rãi tách mở hai đùi Miên Tú, hôn lên vùng đùi, men theo đó, lần sâu vào nơi nhạy cảm của người yêu”. Thật kinh khủng, chỉ vài dòng mô tả ngắn ngủi mà chính tác giả đã tự tay giết chết đứa con tinh thần của mình. Người đọc có cảm giác ghê tởm dành cho Trần Kha. Hình ảnh người đàn bà quái đản, mê đắm dục vọng hiện mồn một trong những trang văn. Không dừng ở đó, với phân đoạn Miên Tú phát hiện ra Trần Kha tự thỏa mãn dục vọng một mình, người đọc một lần nữa sốc với nhân vật nữ chính này, Trần Kha đã bị xây dựng trở thành con người “bệnh hoạn”.
Còn Miên Tú, mặc dù phản kháng, mặc dù được miêu tả với cảm xúc bị ám ảnh với những đêm Hoàng Phong – chồng Miên Tú – chà đạp lên thể xác, tác giả vẫn say mê lồng ghép trạng thái của người đàn bà khao khát tình yêu lại cũng sợ hãi dục vọng nhưng vẫn chấp nhận cơn cuồng si của Trần Kha. Khi viết những phân cảnh ái ân của hai cô gái, người đọc tự hỏi họ đang viết truyện về sex hay là ca ngợi mối tình đồng giới thuần khiết? Đồng ý là họ viết về tình yêu thuần khiết, chúng ta chấp nhận với ý tưởng cao cả tốt đẹp tuy có phần thoát ly hiện thực, nhưng không thể chấp nhận thuần khiết mà mỗi đoạn văn, mỗi câu chữ cứ “mơn trớn” trước mắt độc giả. Vậy chẳng phải đánh đố độc giả, tầm thường hóa nhân vật của mình, cũng chính là đang mâu thuẫn với cách vào đề của tiểu thuyết, cuối cùng chính là lợi dụng sex để kéo độc giả đến với mình, lợi dụng sự tò mò hiếu kỳ của họ, để đạt được mục đích sáng tác của cá nhân. Cách viết đó như một sự phỉ báng vào xu hướng sáng tác đương đại – cách viết ca ngợi tình yêu đơn thuần để dẫn dụ con người thoát khỏi cám dỗ bủa vây của lối sống thực dụng hiện nay.
Điều quan trọng là đến cuối cùng, câu chữ ấy đã giết chết chính ý tưởng cao đẹp cũng như hủy hoại hình tượng những “đứa con tinh thần” của người viết. Người đọc có thể chấp nhận cách viết dung tục hóa tình yêu, hay có thể chấp nhận một hình tượng nữ luật sư tài ba mà “bệnh hoạn”, và cô gái hiền lành Miên Tú “lạc lối” rồi bị dẫn dụ vào dục vọng của Trần Kha? Tác giả đã sử dụng kỹ thuật viết rẻ tiền tạo nên một tác phẩm văn chương bề ngoài nhân văn, nhưng bên trong là sự sáo rỗng.
Một tác phẩm mâu thuẫn ghê gớm giữa ý tưởng và nội dung thể hiện liệu có cống hiến gì cho xã hội, cho độc giả hiện nay? Không thể tưởng tượng sau khi đọc những trang văn dung tục hóa tình yêu thuần khiết, độc giả sẽ cảm nhận cuộc sống hiện thực như nào?! Họ vốn đã mất niềm tin vào sự thánh thiện của tâm hồn con người, họ vốn đang bị bào mòn thần trí bởi thế giới công nghệ. Mối quan hệ giữa người với người chỉ như những cuộc trao đổi thiệt hơn. Nên họ khao khát những điều tốt đẹp thiện lương còn sót lại, tuy chỉ trên những trang văn. Thế nhưng cái mong muốn nhỏ bé cuối cùng ấy đã bị các tác giả Nhóm 4.0 thắt chặt bởi kiểu viết với trải nghiệm nông cạn, thói ứng xử suồng sã, một cách viết “tráo trở” mong đạt được mục đích cá nhân của người viết. Có nên đón nhận kiểu tiểu thuyết khiến tầm hồn con người trở nên “rách nát” này không? Đó phụ thuộc cách nhìn nhận cũng như cảm nhận của mỗi độc giả. Tuy nhiên, dù có nhiều người tìm tới, nó cũng không thể lay chuyển nhân tâm con người, mà chỉ tạo ra những trào lưu, xu hướng tranh cãi gây nhiễu loạn nhận thức của độc giả trẻ hiện nay.
“Không thể chạm vào em” thành công về mặt số lượt độc giả tìm kiếm, nhưng trên phương diện gây tò mò với chủ đề lạ. Và tạo sự phấn khích với bộ phận bạn đọc khi chọn chủ đề còn nhiều tranh cãi – tình yêu thuần khiết; thế nhưng, tác phẩm này không những không ca ngợi được sự thuần khiết của tình yêu, mà các tác giả tự tay “bóp nát” hình tượng nhân vật của mình bằng cách viết dung tục hóa tình yêu. Và rõ ràng như thế, thì sự nhập nhằng giữa hai khái niệm “tình yêu thuần khiết” và “dung tục” chỉ đơn thuần là “chiêu trò” để dẫn dụ độc giả đi theo câu chuyện tưởng cổ súy cho hai trái tim thuần yêu thương; nhưng sự thật đón nhận chỉ là cảm giác kích thích trước những con chữ phô bày tính dục một cách thô kệch và lộ liễu.
Nhóm 4.0
Key liên quan:
- https://nhom40 com/khong-the-cham-vao-em-nhap-nhang-khai-niem-tinh-yeu-thuan-khiet-voi-dung-tuc/
- tình yêu thuần khiết la gi
- thuần khiết
- con gái thuần khiết trong sáng
- Tình yêu tinh khiết là gì