Ai cũng từng có một góc khóc như thế…
|Tôi đọc từng dòng chữ đang dần nhòe đi trong truyện ngắn “Góc khóc”, rồi bất giác nhận ra ai cũng từng có một góc khóc như thế!
Vào buổi sáng đầu tuần, cũng giống như những ngày phải đi làm khác, tôi lại tới khu nhà 22 tầng và pha cho bản thân một ly cà phê sữa ngọt ngào – và tất nhiên phải thật nhiều đá. Bởi, tôi chưa bao giờ thích cái hương vị đắng ngắt của cà phê đen truyền thống, hay cảm giác phải xoa xoa tay quanh chiếc ly bằng sứ nóng ran, chờ cà phê bên trong ấm dần rồi mới thưởng thức. Hôm đó, tôi chưa biết mình sẽ làm gì trước màn hình máy tính, vì mọi việc đáng ra phải làm trên công ty thì tôi đã hoàn thành từ đêm hôm trước. Tôi chán nản mở điện thoại, mệt mỏi lướt từng trang web với hy vọng tìm được thứ gì đó hay ho để đọc cho qua ngày. Nhưng khi lướt qua diễn đàn thơ văn trẻ, tôi tình cờ bắt gặp truyện ngắn với cái tên khá ấn tượng: “Góc khóc” của tác giả Trương Thanh Thùy.
Thực ra, nhan đề ấy không khó hiểu. Bởi ai trong chúng ta đều có những góc riêng dành cho nước mắt, dành cho những giây phút quá đau khổ, tuyệt vọng hay chán chường mà chẳng thể chia sẻ cùng ai. Và tôi cũng từng có khoảng trời riêng bí mật như thế: Đôi khi là ở sau chiếc giá treo quần áo với hàng đống đồ đạc giăng kín bên ngoài, hoặc đơn giản là trùm chăn quá đầu rồi cố không nấc lên thành tiếng, chỉ để giọt lệ buồn lăn dài trên khuôn mặt ướt nhẹp cho tới khi nó tự vơi đi. Còn trong thế giới nửa thực, nửa ảo được bắt đầu bằng dòng chữ ngắn ngủi: “Thằng Du bị tai nạn!”, tôi đã linh cảm rằng, nhân vật ấy chắc chắn phải có tầm ảnh hưởng gì đó tới nội dung câu truyện – hay nói cách khác là tới nhan đề của chính câu truyện mang hơi hướng đời sống sâu sắc này. Chỉ có chăng, tác giả đang vẽ ra nó ở một chiều sâu tưởng tượng nào đấy, nơi mà Du – thằng con trai độc, thằng con cầu con khẩn của ông bà Dền bị đánh tới mức mặt mũi tím bầm, trầy xước , thậm chí phải sống thực vật tới cuối đời nếu không thể tỉnh lại trong vòng vài tuần vì dám lao tới giúp đỡ người bán vé số tàn tật bị đám thanh niên đầy đủ chân tay lao vào giựt miếng cơm manh áo.
Biết được tin dữ, cha mẹ của Du gần như quỵ ngã. Đôi mắt vốn khắc khổ của ông Dền nay lại nhòe đi thêm lần nữa – trong khi vợ ông chỉ lặng im như thể đang cố nuốt nước mắt vào trong nhằm động viên chồng, làm chỗ dựa cho chồng vực dậy mà có sức chăm lo cho cả gia đình. Nhưng rồi, bà cũng đổ bệnh nặng vì nỗi đau dần vượt quá sức chịu đựng của bà: Cái cảnh thằng con trai sống lương thiện suốt hai mươi mấy năm trời, thường xuyên cùng mẹ đem gạo lên chùa phát cho những người còn nghèo hơn cả mình đang nằm im bất động trên băng ca trắng muốt, lạnh lẽo; bên cạnh là hàng đống gương mặt sưng húp, đầu cạo trọc boong vì chấn thương khiến phần mạnh mẽ nhất trong con người bà tan biến thành mây khói. Và, bà Dền khóc. Bà thoáng xuất hiện như làn sương mong manh trong giấc mơ hư ảo của ông Dền với hai hàng nước mắt chảy xuôi xuống gò má đen sạm, rồi dần dần biến mất vào cõi vĩnh hằng xa xôi. Trở lại hiện thực, người đàn ông khốn khổ ấy như mất đi chỗ dựa quan trọng nhất cuộc đời – mất đi một góc nhỏ bình yên để thỏa lòng than khóc về biết bao bể dâu thăng trầm đang vồ vập lấy mình. Còn nhớ, lần đầu tiên ông Dền bật khóc là khi thằng Du mới lên cấp hai, nhưng trong túi ông chẳng còn đồng nào để mua quần áo mới cho nó nên bà Dền đành cắt phăng mái tóc dài óng ả hòng đem bán lấy tiền. Đó là những giọt nước mắt đầy bất lực của một người cha chưa thể đem lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Rồi lần thứ hai, ông gục khóc ngay trước mặt vợ khi chứng kiến người tàn tật bán vé số được thằng Du giúp đỡ tới tận nhà xin lỗi dù chẳng làm gì sai, chỉ là lòng tốt của thằng Du đặt không đúng thời điểm mà thôi!
Giờ đây, ông chưa biết phải nói thế nào với đứa con trai vừa tỉnh ngay sau đám tang của má nó, còn nó thì liên tục hỏi về má như thói quen vốn dĩ: “Má đâu ba? Má có buồn, có lo lắng lắm không?”. Thế là, ông Dền buộc phải nói dối Du bằng hàng tá lý do viển vông vì không muốn nó bị xúc động mạnh. Do bản tính thiệt thà được người má nhân hậu hun đúc ngay từ thuở ấu thơ nên Du lập tức tin ngay mà chẳng hỏi gì thêm.
Ngày này qua ngày khác, khi thằng Du lờ mờ nghe thấy thứ âm thanh chơi vơi vọng về từ một miền thăm thẳm nào đó, rằng: “Cho dù má có không ở gần con nữa thì vẫn mãi dõi theo con”. Du đưa tay lên với nhưng mọi thứ đều là ảo ảnh, hóa ra chỉ là một giấc mơ mà thôi – nhưng hình như còn là một lời nhắc nhở về hiện tại phũ phàng mà nó phải chấp nhận, phải đối mặt và phải vượt qua. Ông Dền cũng dần kiệt sức khi chỉ còn một mình, khi thường xuyên nói dối đứa con trai đáng thương không biết bao nhiêu lần về cái chết của má nó. Bất giác, ông chạy vội ra bãi đất trống nằm phía cuối hành lang – nơi có một gốc cây sim đang đươm nụ, vừa đủ để bóng tròn của nó tỏa ra làm mát lòng ông. Ông chọn nơi này làm góc khóc sau khi bà Dền qua đời, vì trước kia bà Dền rất yêu thích màu tím của hoa sim. Chỉ có vậy mới khiến ông cảm thấy người vợ thân yêu đang ở bên cạnh mình như biết bao năm tháng nghèo khó nhưng hạnh phúc trước đây. Và rồi, ông Dền lại tiếp tục bật khóc – bật khóc trước sự lạ lùng, xen lẫn niềm xúc động từ sâu thẳm trái tim khi thằng con trai đương bệnh tật cố dùng hết chút sức lực cạn kiệt chạm nhẹ lên bờ vai thô kệch của mình mà nói: “Má đi rồi! Nên, ba cứ để con là góc khóc của ba, được không ba?”. Cuối cùng, ông Dền đã không cần nói dối nữa; thằng Du cũng nhận ra sự thật đau đớn mà cha phải âm thầm chịu đựng một mình suốt bao nhiêu ngày qua. Nó quyết định đứng lên bằng tất cả sự can đảm của mình để thay má làm chỗ dựa cho cha, để cha cứ thoải mái gục đầu vào vai nó mà khóc chứ không phải tìm tới gốc cây sim cạnh bãi rác bẩn thỉu trong khuôn viên bệnh viện nữa.
Có thể nói, đó chính là góc khóc theo hình dung của một độc giả từng trải qua tuổi thơ với rất nhiều góc khóc bí mật như tôi. Tôi cũng không chắc mình đã hiểu đúng những tâm tư mà tác giả muốn gửi gắm vào truyện ngắn hay chưa, nhưng tôi có thể khẳng định một điều rằng: Văn chương luôn xuất phát từ những tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động với mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống xung quanh. Và tôi thực sự đã rung động mạnh mẽ sau khi đọc những điều sâu sắc mà tác giả của truyện ngắn “Góc khóc” đem tới.
Nguyên An