[truyện ngắn] Chuyến đi hạnh phúc

No votes yet.
Please wait...

Khi tôi sinh ra, thì ba đã làm bạn với những con đường rồi. Tuổi thơ của tôi, luôn đi trên những con đường ấy cùng ba trong những câu chuyện.
Ba không phải là người làm ra những con đường, nhưng ông băng qua nó. Để một ngày, nó thực sự trở thành những con đường. Đường thì phải có người đi qua, đạp lên mới là đường được. Cũng có những con đường bị lãng quên và dĩ nhiên, nó không có tên. Và tôi tự hào, khi ba là một trong những người đầu tiên, có thể là duy nhất đặt tên cho chúng.
Những câu chuyên của ba, hay về những con đường cứ chạy dài như chính bản thân nó vậy. Chưa bao giờ có hồi kết.

1.
Năm tôi 5 tuổi, học mẫu giáo ở trường làng. Ba tôi rất ít khi ở nhà. Vì cuộc sống của chúng tôi. À! Không riêng gì chúng tôi, cả những người khác nữa. Trên mảnh đất của chúng tôi, mọi thứ đều trở nên khó khăn, cực kỳ khó khăn. Và khi ấy, trong ngôi làng nhỏ luôn vắng bóng những người đàn ông. Ba tôi cũng không là ngoại lệ.
Ba và những người đàn ông trong làng, ở khu thung lũng, thường đi mất hút có khi cả tháng trời. Tôi hỏi mẹ: “Họ đi đâu vậy?”.
Mẹ trả lời: “Họ đi mưu sinh trong những khu rừng sâu”.
Lúc còn nhỏ, khi nghe tới rừng sâu, một cảm giác sợ hãi xâm chiếm con người tôi. Tôi chưa bao giờ tới rừng sâu, nhưng bẩm sinh tôi đã có cảm giác sợ nó. Về sau này tôi vẫn sợ.

Sau những tháng ngày dài đằng đẵng trong chờ đợi, nhớ mong của những người ở lại. Ba và những người đàn ông khác, rốt cuộc cũng trở về. Họ trở về từ rừng sâu, sâu hun hút. Và tôi ngẫm rằng, chắc hẳn họ sẽ phải mang về những thứ đáng ghê sợ như rừng sâu, một trong những thứ kỳ bí và đáng sợ vô cùng.
Nhưng không! Không bao giờ, họ mang về những thứ đó. Mà ngược lại, những thứ mang về đáng yêu hơn ngàn vạn lần những thứ đáng yêu trong cuộc đời này. Những cuộn chỉ sắc màu cho những người phụ nữ, những tấm vải cắt thành những chiếc quần áo ấm áp cho mùa đông. Và tôi nhớ mãi một thứ, cho dù sau này tôi lớn lên. Tôi vẫn không thể nào quên được, ấy là những viên kẹo mũ, kẹo kiếm ngọt lịm với sắc màu xanh đỏ rất hấp dẫn.
Hai mươi năm về sau, tôi đã thử tìm lại những viên kẹo mũ, kẹo kiếm màu xanh đỏ ấy, nhưng chẳng thể nào tìm được. Có hay không nó chỉ còn lại trong giấc mơ tuổi thơ tôi mà thôi.
Ba và những người đàn ông đi rừng đều trở lại và lại đi trong lần ấy. Họ không về hẳn. Họ tiếp tục đi trên những con đường vì mưu sinh. Vì những cuộn len ngũ sắc, những tấm vải cắt nên áo ấm hay những viên kẹo mũ, kẹo kiếm màu xanh đỏ.
Nhiều người không cho họ đi, trong đó có mẹ tôi và cả em gái tôi nữa, nhưng họ vẫn cứ đi. Không sự gì có thể cản nổi bước chân sắt đá của họ được. Những bước chân bước qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Và giờ đây, họ lại bước trên những con đường vì mưu sinh, chỉ vì mưu sinh.
Tuổi thơ những đứa trẻ như tôi, như em gái trong thung lũng ngập nắng. Không có những người cha ở bên, không có những người đàn ông. Nhưng không vì thế trong những câu chuyện ấy, không có hình ảnh của họ. Những hình ảnh ấy vẫn hiện hữu trong chúng tôi một cách rõ nét nhất.
Câu chuyện về họ, về những con đường cứ trải dài, trải dài như bản thân nó vậy! Khi kiếm được những thứ đáng yêu, họ sẽ lại trở về. Họ không về hẳn, chưa bao giờ là đủ cả, nhưng mọi chuyện đều phải có giới hạn của nó.

Năm tôi mười ba tuổi, họ trở về sau 2 tháng ròng rã trên một chuyến đi xa trên Đồng Lốc. Dĩ nhiên, sau lần đó, họ vẫn bước đi những bước chân miệt mài trên đất và trên đá. Không bao giờ biết mệt mỏi là gì!
Những người ở lại, vẫn nhớ mong, ngóng đợi như những lần trước. Và dĩ nhiên, trong lòng họ chưa bao giờ an yên.
Sau lần đó, ba và những người đàn ông đi biệt tăm hơn cả ba tháng, hơn bất kỳ khoảng thời gian nào trước đó. Họ mất hút! Không một dấu hiệu.
Những người còn lại trong làng đã đi tìm, nhưng không được. Họ đã lạc đường chăng? Không thể nào! Với họ, chuyện lạc đường quá ư là xa xỉ, nhưng tại sao họ vẫn không trở về? Tại sao? Nhiều người đã khóc, thậm chí có người phát điên lên, nhưng vẫn phải chờ đợi. Ngoài chờ đợi thì chẳng biết làm gì cả!
Có người nói, họ không thể trở về. Rừng sâu đã nuốt chửng họ. Ôi, rừng sâu một danh từ mà tôi vẫn lấy làm sợ hãi, bấy lâu nay.
Có người nói họ sẽ trở lại, sẽ trở lại. Và tôi tin người nói ra câu ấy, họ sẽ trở lại, trở lại với những thứ đáng yêu.
Những người trong làng, vẫn lặng lẽ cầu nguyện cho họ, những người đàn ông ra đi hơn một năm về trước. Chúng tôi không thể không tin tưởng, ngoài niềm tin chúng tôi chẳng còn gì cả. Nước mắt cũng đã khóc hết rồi!

Điều kỳ lạ là họ trở về thật, sau những niềm tin ấy, họ đã trở về, nhưng ít hơn. Dễ dàng quá để nhận ra điều đó. Dễ dàng quá để nhận ra ba, trong số những người may mắn và sống sót sau lần ra đi biệt tăm ấy.
Không ai biết làm thế nào họ lại về muộn như vậy, hay làm thế nào mà vẫn có người sống sót, rồi trở về. Không ai thắc mắc điều đó, tất cả chỉ lặng im và vớt vát. Vớt vát những gì còn sót lại, bởi quá nhiều mất mát.
Không một giọt nước mắt nào rơi nữa, bởi nó cạn khô rồi!

2.
Sau lần đó, không một người đàn ông nào ra đi nữa trừ ba. Nhưng ba không đi rừng, ba đi lái xe và vẫn làm bạn với những con đường.
Thú thực, tôi thích những giao lộ hơn là những con đường trong rừng sâu hun hút. Vì ít nhất trong tôi, vẫn đâu đó cho tôi một cảm giác an toàn.
Ba vẫn ít khi ở nhà và thường trở về khi màn đêm đã buông xuống trên thung lũng. Và khi những tia nắng khẽ khàng chiếu rọi trên thung lũng thì ba lại đi. Rong ruổi trên những con đường. Bất tận. Lộng gió.
Tôi không thích nghe chuyện rừng sâu, nhưng vẫn thích kẹo mũ xanh đỏ. Tôi thích nghe chuyện về những giao lộ, những vùng đất ba đã đi qua. Không còn kẹo mũ xanh đỏ nữa, nhưng cũng chẳng sao!
Cuộc sống trở lại với những tháng ngày yên ả theo cách của chúng tôi, của những con người còn ở lại trong thung lũng của chúng tôi. Những nỗi đau ngày ấy vẫn chưa nguôi, chưa bao giờ nguôi đi. Bởi nó vẫn chất chứa trong những người ở lại, nhưng không một lần nào trong suốt quãng đường đời còn lại chúng tôi nhắc tới nó nữa. Không bao giờ nhắc nữa!
Chúng tôi cảm thấy ổn với cuộc sống của mình, dù quãng đường đời khá dài còn lại ở phía trước ấy, không biết điều gì tiếp sẽ xảy đến. Nhưng chúng tôi vẫn sống, như ba vẫn đi trên những con đường.

3.
Không trở về với những cuộn chỉ ngũ sắc, những tấm vải cắt thành áo ấm hay kẹo mũ, kẹo kiếm xanh đỏ. Ba trở lại với những câu chuyện. Mà tôi cá là chúng còn thú vị hơn hết thảy những thứ trên, những món quà của rừng sâu ngày nào.
Ba kể về Thanh Hóa với những cánh đồng mía trải dài tít tắp tới tận phía chân trời. Ba kể về Mộc Châu cũng với những đồi chè xa tít tắp tận phía chân trời. Ba kể về Hà Nội với những ánh đèn đường lung linh huyền ảo hay những thứ chúng tôi chưa bao giờ trông thấy.
Những câu chuyện đó! Tôi dám khẳng định là chúng dễ thương hơn rất rất nhiều lần những câu chuyện về rừng sâu. Và dĩ nhiên nó trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ của tôi, của em gái.
Năm tôi lên mười lăm tuổi ra tỉnh học. Ba vẫn làm bạn với những con đường. Với chiếc xe của ba và rong ruổi khắp những miền đất mới trên mảnh đất hình chữ ét xì này. Chưa bao giờ ông thấy chán việc đó. Và đương nhiên trong những giấc mơ của ông không còn rừng sâu nữa. Không bao giờ còn!
Cảm giác thích thú nhất của tôi là những ngày được về. Ba qua đón tôi cùng về. Ngồi trên xe ba, cảm giác thích thú cứ hiện về trong tôi. Khi ấy tôi ước gì, năm năm về sau nữa. Tôi cũng sẽ như ông. Làm bạn với những con đường.

  • Tới khi nào ba mới cảm thấy mệt mỏi với việc làm bạn với những con đường.
  • Chưa bao giờ. Ba mỉm cười nói!
  • Con ước gì sau này mình cũng làm được như ba.
    Ba chỉ cười!
    Tôi cá là ba năm, năm năm hay mười năm sau nữa ba vẫn nói vậy. Vẫn cười vậy. Và vẫn làm bạn với những con đường.

Tôi đã nuôi nấng trong mình những ước mơ kiểu đó. Tôi cá là em gái cũng vậy. Và tôi cũng cá thêm là tất cả những đứa trẻ trong thung lũng của chúng tôi đều thích làm bạn với những con đường. Những con đường dài đằng đẵng như chính bản thân nó, hay như cuộc đời của chúng tôi.
Ba nói là ba chưa bao giờ chán. Đúng vậy, ba chưa bao giờ chán. Nhưng tôi vẫn sợ, sợ một ngày, mọi điều sẽ ngược lại, những con đường sẽ chán ba. Nó làm ba mệt mỏi.
Theo năm tháng chúng tôi lớn lên, những đứa trẻ năm nào chỉ thích kẹo mũ, kẹo kiếm màu xanh đỏ cũng dần lớn lên. Và dĩ nhiên những người đàn ông bỏ đi rừng sâu và sống sót năm đó, đều sẽ già đi. Già đi theo năm tháng, không trừ một ai cả, kể cả ba.
Những dấu vết thời gian không thể xóa nhòa và nó xuất hiện trên mái tóc, trên vầng trán và trong ánh mắt của ông. Trong tất cả những người đàn ông sống sót và trở về trong thung lũng. Cũng có người đã mất đi, do bệnh tật và già ốm. Sinh, lão, bệnh, tử trên đời này là không thể tránh được. Một quy luật tự nhiên tuần hoàn, bất di và bất dịch. Rồi có một ngày chúng tôi cũng sẽ như họ, cũng già đi và chết!
Nhưng tôi biết có một điều không hề thay đổi trong tất cả họ, họ là những niềm tin và sự lạc quan. Thời gian khắc nghiệt ấy có thể hành hạ mái tóc, vầng trán. Nhưng không thể hủy hoại một thứ. Đó là nụ cười của họ. Nó vẫn vậy. Vẫn giống như ngày họ đi rồi trở về, rồi lại đi. Vẫn giống như ngày họ sống sót để trở về. Vẫn giống như bây giờ. Và mãi về sau này. Nó vẫn vậy!

Năm tôi mười tám tuổi. Tôi đi học đại học. Nụ cười của ba vẫn thế. Vẫn như mười lăm năm về trước. Không hề mệt mỏi. Chưa bao giờ biết mệt mỏi là gì.
Nhiều lúc ngồi cạnh ba, trong những ngày mùa thu yên bình trên thung lũng của chúng tôi.
Tôi vu vơ nói rằng:

  • Bốn năm nữa con sẽ làm bạn với những con đường.
  • Bốn năm nữa ba vẫn sẽ làm bạn với những con đường.
  • Khi nào ba sẽ thôi làm bạn với những con đường ?
    Ba trầm ngâm nghĩ ngợi rồi nói :
  • Một ngày nào đó khi ba cảm thấy đủ.
  • Vậy bây giờ vẫn chưa đủ ?
    Ba không nói gì nữa chỉ cười !

4.
Năm mười tám tuổi, tôi chọn học ngành báo chí. Vì tôi nghĩ khi học ngành đó sẽ đi nhiều. Mẹ cũng nghĩ vậy. Em gái cũng ủng hộ. Còn ba chẳng nói gì.
Và bốn năm về sau, lúc đó tôi hai mươi hai tuổi còn ba thì bốn mươi lăm ! Ba vẫn làm bạn với những con đường. Còn tôi bắt đầu làm bạn với những con đường !
Khi ấy tôi ra trường, rồi xin về một cơ quan báo chí trong thành phố. Tôi thường xuyên đi công tác, rồi đi thực tế đi làm ty tỷ những việc khác. Nói chung là rất bận. Nói chung là làm bạn thường xuyên với những con đường, như công việc của ba.
Tôi cũng đi Thanh Hóa, đi Mộc Châu, đi Đà Lạt. Rồi đi nhiều nơi khác nữa, nhiều nơi còn xa hơn cả những con đường của ba. Tôi cũng đi rừng sâu, và lần đầu tiên tôi cũng hiểu ra rằng, rừng sâu không thực sự đáng sợ như những gì tôi vẽ ra trong ký ức tuổi thơ mình. Rừng đáng yêu hơn nhiều, đáng yêu như những cuộn len ngũ sắc, hay những chiếc kẹo mũ, kẹo kiếm màu xanh đỏ vậy.
Tôi đi và trở về. Khi trở về, tôi không mang theo những cuộn chỉ ngũ sắc hay kẹo mũ, kẹo kiếm màu xanh đỏ như những người đàn ông đi rừng vào những ngày đó. Vì tới thời của tôi, những thứ đáng yêu ấy, chúng thực sự không còn tồn tại nữa. Nhưng dĩ nhiên, tôi cũng như ba, cũng mang về những câu chuyện lý thú về con người, về những vùng đất mà chúng tôi thường đi qua. Chúng tôi hào hứng kể cho nhau nghe những điều đó. Và tôi với ông, một lần nữa lại đi cùng nhau trên những con đường, trong câu chuyện của mỗi người.
Ba đã có tuổi nhưng ông vẫn cứ đi. Đi còn nhiều hơn cả tôi. Ba không để cho mình một phút giây thảnh thơi nào cả. Mặc dù, giờ đây cuộc sống của chúng tôi không còn khó khăn nhiều như trước nữa. Hiểu theo một cách khác nghĩa là chúng tôi không còn vướng bận vào hai từ ngữ mưu sinh nữa. Kể cả những gia đình trong thung lũng trên mảnh đất của chúng tôi. Họ bắt đầu chuyển qua nghề trồng trọt khi không đi rừng nữa. Họ trồng cam và rất nhiều thứ khác trong khu nông trường. Và vào những ngày ấy, những nụ cười cũng đã trở về trên đôi môi của họ. Nói theo cách khác, có lẽ họ đã lãng quên đi những ký ức ngày đó. Và tôi dám chắc rằng, điều đó hạnh phúc hơn bất cả điều gì, khi những ký ức buồn đau dần dần bị chôn vùi vào sự quên lãng.

Duy chỉ có một sự ! Một sự việc mà chúng tôi chẳng hề mong muốn, hay do chúng tôi vô ý gây ra nhưng không hề biết. Gây ra cho mẹ tôi !
Vào một ngày mùa đông lạnh lẽo của tháng Mười hai. Mẹ tôi bắt đầu ho. Mẹ ho nhiều lắm. Có khi là cả đêm. Và sự việc ấy không kết thúc, nó còn kéo dài thêm mấy mùa đông nữa. Mùa đông năm sau, rồi năm sau đó, sau đó nữa. Mẹ vẫn cứ ho.
Tôi bận đi công tác. Em gái thì đi học ở xa, nhưng thi thoảng vẫn về chăm mẹ được. Còn ba, dĩ nhiên vẫn làm bạn với những con đường của ông.
Có khi tôi nhắc ba. Là mẹ đang bệnh nặng. Ông không nói gì cả, chỉ chìm vào sự lặng im đáng ghét. Tôi khuyên ông đừng bao giờ đi nữa. Vì ông cũng già rồi, ông hãy ở nhà để chăm sóc cho mẹ. Người phụ nữ mà cả cuộc đời này, đã hy sinh cho chúng tôi.
Ngày mẹ chưa lấy ba, mẹ là một cô giáo mầm non dạy dỗ những đứa trẻ trong ngôi làng của chúng tôi, bao gồm cả anh chị của tôi. Ngày mẹ lấy ba, rồi vào cái thời điểm những người đàn ông đi rừng sâu. Mẹ nghỉ dạy học và ở nhà. Không chỉ có mẹ nghỉ. Tôi nhớ rằng, tất cả những người phụ nữ trong thung lũng của chúng tôi đều nghỉ ở nhà, dừng mọi công việc mình đang làm, để nuôi dạy những đứa con và chờ đợi những người đàn ông. Đó chỉ là quá khứ !
Ở hiện tại, vẫn là tôi ở đây. Bên mẹ, một giây phút hiếm hoi. Sau một chuyến công tác rất dài.

  • Ba vẫn chưa về hả mẹ ?
  • Ba đi Hải Phòng từ tuần trước vẫn chưa về.
  • Khi nào ba lại về ?
  • Mẹ không biết !
    Khi ấy, những điều lo lắng lại hiện về trong thâm tâm của tôi. Tôi lo lắng những điều không thể nói.

Mẹ tôi vẫn ho, ho nhiều năm sau đó. Rồi mẹ cũng mất đi vào một ngày mùa đông lạnh lẽo. Dĩ nhiên, khi ấy ba vẫn chưa về. Ông đi Nghệ An hay một nơi xa xôi nào đó với chiếc xe tải, với những con đường của ông.
Khi ba trở về, thì chúng tôi đã lo xong đám tang cho mẹ rồi. Chúng tôi không cần tới ba, để làm những điều đó. Chúng tôi đã lớn, chúng tôi cũng đã đi trên những con đường và chúng tôi hiểu được, không có ông trở về bên mẹ, trong phút giây mẹ lìa khỏi cõi đời, cũng chẳng sao cả.
Ông biết chuyện, không phản ứng gì nhiều. Đại khái như, không khóc ngất lên hay làm một chuyện điên rồ nào đó, khi biết người phụ nữ thân yêu nhất cuộc đời mình đã ra đi. Vĩnh viễn ra đi. Cái duy nhất tôi thấy khi ấy là ông lặng ngồi im và nhìn chiếc xe tải yêu quý của ông. Chẳng biết ông đang nghĩ gì ? Có buồn không ? Chỉ nhìn thấy ông ngồi im và ngắm nhìn chiếc xe tải cũ như tuổi ông vậy. Tôi và em gái nhìn thấy thế cũng không nói gì cả. Chỉ thở dài !
Cái cảm giác mất mát, trong chúng tôi cũng chỉ trôi qua trong sự lặng lẽ. Như cái cách mỗi con người ở đây chống chọi lại sự mất mát bằng cách vẽ lên trong thâm tâm, trong lý trí của mình những điều lặng lẽ ấy. Chỉ vậy thôi !
Tôi cũng chẳng hiểu được ba đang nghĩ gì cả ? Muốn hiểu lắm, nhưng chẳng thể nào hiểu được. Những ngày sau khi mẹ tôi ra đi, ông vẫn chỉ vậy. Vẫn lặng lẽ, bên chiếc xe tải cũ kỹ như tuổi của ông.
Ông đang hối hận. Hay ông lại muốn đi, muốn đi như những lần trước. Chúng tôi lại chỉ biết nhìn nhau và thở dài. Và dĩ nhiên sau lần ấy, sau cái ngày mẹ tôi mất đi. Ông vẫn đi mất hút, như ngày nào !

5.
Bốn năm sau cái ngày mẹ tôi ra đi. Em gái tôi ra trường và về huyện dạy học cho những đứa trẻ vì em tôi học sư phạm. Tôi nghĩ rằng, ở đâu đó bên thế giới kia, mẹ sẽ hài lòng về em hơn hết thảy chúng tôi. Vì ít ra em đã tiếp nối con đường của mẹ, đi trên và viết dài thêm những năm tháng hạnh phúc mà bà vẫn ao ước năm nào.
Tôi thì vẫn chưa lập gia đình. Hay không muốn lập gia đình thì đúng hơn, bởi tôi nghĩ rằng mình chẳng thể nào bước tiếp đi theo những con đường của ba. Sau ngày mẹ mất đi, tôi tự dặn lòng mình không bao giờ huyễn hoặc vào những điều trước đây của ba nữa. Những con đường, rồi cả chỉ ngũ sắc hay kẹo kiếm xanh đỏ. Nói cách khác tôi dần dần lãng quên nó. Cũng như trong khoảng thời gian bốn năm sau đó, tôi ít khi gặp ông còn nói chuyện như hai người đàn ông với nhau thì không hề.
Có một ngày tôi về tỉnh công tác, thì vô tình gặp được em gái tôi cũng đang đi tập huấn ở trên tỉnh.

  • Khi nào anh trở về ? Em gái có hỏi tôi.
  • Về đâu đây ? Tôi dửng dưng đáp, mặc dù không muốn làm em gái buồn.
  • Nhà của chúng ta chứ sao ! Tôi tưởng rằng em gái sẽ giận dữ trước câu nói dửng dưng của tôi. Nhưng em gái vẫn cười !
  • Anh quên mất là chúng ta vẫn còn một ngôi nhà. Tôi cười khẩy kiểu mỉa mai. Em gái khẽ chau mày.
  • Thi thoảng ba vẫn nhắc tới anh .
    Tôi im lặng một hồi lâu, rồi hỏi lại em gái:
  • Ông ấy vẫn đi?
  • Chiếc xe tải đang bị hỏng hóc rất nặng. Em gái nói.
  • Nó bị hỏng? Tôi hỏi lại.
  • Nhưng ba đang sửa lại!
  • Sửa được rồi thì ông ấy lại đi! Tôi cười khẩy lần nữa.
    Lần này em gái im lặng. Đôi mắt màu đen tuyền của em, nhìn về phía dòng sông trước mặt chúng tôi. Nhưng rồi em cũng nói:
  • Chiếc xe thì sửa được nhưng ông ấy lại không!
    Lần này chúng tôi cùng nhau chìm trong sự lặng im!

Tôi đã từng mơ hồ về rất nhiều thứ. Đó là lẽ đương nhiên. Bởi khi tồn tại trong cuộc đời này, một thời gian khá dài, thì tôi dám chắc rằng ai ai trong số chúng ta cũng đã từng mơ hồ về rất nhiều thứ. Như cách mẹ mơ hồ tin vào niềm hạnh phúc của chính bà. Ba mơ hồ vào những con đường tít tắp, bất tận của ông. Tôi thì mơ hồ về tất cả. Nhưng chung quy lại, dù có cố gắng lái tâm trạng mình sang một thứ để quên đi nhiều thứ, chẳng qua cũng chỉ là những cảm giác an yên tạm bợ mà thôi. Tất cả vẫn trôi về một phía. Phía cũ.

Ngày hôm đó tôi cùng em gái trở lại trong thung lũng của chúng tôi, để nhìn lại một phía hay những thứ đã từng thuộc về chúng tôi, đã từng là của chúng tôi. Khi tôi về tới trước cổng nhà dựng lên bằng những cây tre đã hoai mục, những dây trường xuân vẫn bám đầy chằng chịt lên chiếc cột cũ kỹ, nó vẫn nở hoa.
Khi ấy ba đang ngồi lặng im dưới gốc cây hồng già cỗi y như tuổi của ông. Ông nhận nhanh ra tôi, bao giờ cũng thế. Ông không cười trên khóe miệng nhưng ông cười trong ánh mắt.

  • Con đã trở về?
  • Còn ba sao lại chưa đi?
  • Ba không đi nữa.
  • Nhưng chiếc xe đã sửa lại được rồi mà.
    Ông trầm ngâm còn đôi mắt ông nhìn về phía xa xa rồi nói:
  • Ta sửa lại nó…cho mẹ của con!
    Khi ấy, chúng tôi đều lặng im.

Tôi vẫn chẳng hiểu được ông, chẳng bao giờ hiểu được. Có lẽ người duy nhất trên thế gian này hiểu được ông, không ai khác ngoài mẹ. Mẹ luôn là người hiểu ông. Luôn là vậy !
Mẹ không bao giờ trách ông về những chuyến đi hay những con đường. Đơn giản vì bà hạnh phúc vào nó. Như cái cách bà ngóng trông ông trở về sau những chuyến đi dài, rất dài. Duy chỉ có lần bà mất đi là ông không trở về, vì khi ấy ông không phải là không trở về mà ông đang bận mua một thứ gì đó thuộc về kỷ niệm dành cho bà. Mãi cho tới sau này, tôi mới biết được điều đó. Tại sao, tôi không biết được. Bởi vì tôi cũng đi nhưng đâu có trở về.
Có một lần khi còn nhỏ, tôi đã hỏi ba thế này. Câu chuyện đó, tôi đã dần lãng quên nó nhưng không hẳn là lãng quên hết.
Khi ấy tôi có hỏi ba :
“Tại sao ba nói ba luôn đi trên những con đường hạnh phúc. Vậy tại sao, ba không chở mẹ đi cùng. Như vậy sẽ rất tốt”.
“Ba muốn đi nhưng mẹ thì lại không”.
“Tại sao ? ”
“Rồi sau này con sẽ biết”.
“Những chuyến đi có hạnh phúc không ba ? ”
“Chuyến đi nào cũng hạnh phúc con à”.

Ba đi trên những con đường hạnh phúc nhưng mẹ lại không muốn đi. Đơn giản vì hạnh phúc của mẹ là ở sự chờ đợi, chờ đợi ba trở về từ rừng sâu hay trên những con đường dài tưởng chừng như bất tận. Dù đường có xa hay dài tít tắp tới đâu đi chăng nữa thì ba vẫn trở về. Và ông luôn tin chắc rằng, bà vẫn sẽ đợi ông. Mãi mãi là như thế !


Chiếc xe của ba hư hỏng rất nặng. Ông nói là nó đã sửa xong rồi, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Tôi dành nốt những ngày yên ả của cuộc đời mình, trước một chuyến đi xa để giúp ông sửa chữa lại chiếc xe và chỉ dành cho mẹ tôi thôi. Không dành cho ai khác.

  • Xe sửa xong rồi, nhưng mẹ đâu biết lái xe hả ba ? Tôi hỏi.
    Ba mỉm cười !
  • Ba sẽ chở mẹ đi chứ ? Tôi lại hỏi.
    Còn ba vẫn cười.
  • Con chuẩn bị một chuyến đi xa ba à ?
  • Con sẽ trở về chứ ?
  • Dĩ nhiên !
  • Ba cũng chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
  • Ba lại đi đâu ?
    Ông không nói gì cả, ông lại cười một lần nữa.
    Ông không nói là ông sẽ đi đâu ? Nhưng tôi tin chắc rằng, đó sẽ là chuyến đi vĩ đại lớn lao và ý nghĩa nhất của cuộc đời ông. Mỗi chúng ta đều phải thực hiện một chuyến đi vĩ đại và lớn lao của cuộc đời mình. Dù nó có dẫn chúng ta đi đâu ? Đi tới phương trời nào đi chăng nữa ?

Vào một ngày cuối thu, khi những chiếc lá cuối cùng trên cây Dương cổ thụ trong thung lũng rơi xuống. Ba cũng sửa xong được chiếc xe của mình. Chiếc xe được lau chùi bóng loáng trông y như mới vậy. Khi hoàn tất mọi thứ, ông vẫn ngồi im tựa đầu vào chiếc ghế, trên tay ông vẫn còn cầm nguyên chiếc giẻ chùi dính những vết dầu mỡ. Đầu ông khẽ tựa vào thành ghế. Đôi mắt thì nhắm nghiền, trông ông như đang ngủ vậy.
Khi tới giờ ăn cơm, chúng tôi gọi ông vào nhưng ông không vào. Ông không bao giờ tỉnh lại nữa. Không bao giờ.
Dĩ nhiên, khi ấy tôi biết rằng, ông đã bắt đầu những bước đi đầu tiên trong chuyến hành trình vĩ đại nhất của cuộc đời mình rồi. Và dĩ nhiên ông cũng không đi một mình đâu. Ông đi cùng mẹ tôi !

Nguyên Nguyên

 

No votes yet.
Please wait...

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *