Ở MỘT NƠI, CHÚNG TÔI TỪNG HẠNH PHÚC!
|Giai điệu du dương của những bản nhạc Trịnh vừa kết thúc, cũng là lúc cơn mưa rào cuối hạ theo mây trời hờ hững trôi đi nơi khác. Chỉ để lại mình tôi với cô đơn…
Ngồi hờ hững trên chiếc ghế bằng mây màu vàng lạt, tôi khẽ ngả lưng xuống tấm đệm màu đỏ thêu họa tiết con công ở một quán cà phê đầy hoài niệm – mà theo tôi nghĩ, đó là những thứ đáng trân trọng, còn sót lại sau quá trình đổi mới của Hà Nội. Giữa không gian lờ mờ với ánh sáng vàng vọt hắt ra từ chùm đèn tự chế trên trần nhà, tôi bắt đầu nhâm nhi ly trà sen ấm nóng quen thuộc, và bình thản lắng nghe chút giai điệu du dương từ bản nhạc Trịnh – giống như khi có anh bên cạnh vào mùa hè năm ấy:
“Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau”.
Ngay khi từng câu chữ mang màu sắc đượm buồn trong ca khúc “Diễm xưa” được cất lên bởi giọng hát đầy cảm xúc của diva Khánh Ly, tôi có chút xót xa. Tôi cảm giác tất cả mọi thứ đều quay lưng lại với mình, tôi muốn cầm chiếc máy ảnh kiểu cổ đi khắp phố phường như mọi lần mà không thể – bởi vì, chỉ còn tôi đang đứng trơ trọi giữa không gian rộng lớn; và rằng, anh đã mãi mãi rời xa tôi theo đúng nghĩa đen ấy…
Tôi quen anh trong một chiều mùa thu hanh hao. Có gió. Có từng làn mây bay lờ lững trên bầu trời xám xịt tưởng chừng như sắp mưa. Anh cũng đeo chiếc máy ảnh màu đen trên cổ – một chiếc máy dành cho những người chuyên chụp hình nghệ thuật cho các tạp chí, hoặc ít nhất là báo mạng điện tử nào đó. Còn khi ấy, tôi vừa mới ra trường, đang đi lấy tư liệu cho bài viết về cuộc sống thường nhật của bản làng vùng biên. Hình như số phận đã sắp đặt cho chúng tôi gặp nhau tình cờ trên chuyến xe khách về xã Thượng Trạch, Quảng Bình; rồi trò chuyện như hai người đồng nghiệp quen nhau từ rất lâu – dù mới chỉ gặp gỡ trước đó vài chục phút.
Khi tới bến Đồng Hới, chúng tôi cùng di chuyển tới bản Troi, nằm trong vùng biên giới Việt Nam – Lào. Vì tòa soạn yêu cầu bức ảnh phải chân thực, khẳng định rõ sự đổi mới nhưng vẫn mang âm hưởng riêng của dân tộc Ma Coong ở đây, nên anh đã rủ tôi trò chuyện và làm các công việc thường ngày với họ – bao gồm đi lên rừng đốn củi, nhóm bếp lò và nấu nướng theo phong tục địa phương.
Tôi cố gắng vác đống cành cây khô nặng trĩu trên vai trái, mặc cho mồ hôi cứ túa ra mặn chát trên gương mặt lấm lem toàn bùn đất. Anh thấy vậy chỉ nhìn tôi cười, rồi tiếp tục xốc chiếc gùi đầy ắp “sản vật” đặc trưng của miền rừng núi tiến về phía trước theo sự chỉ dẫn của già Nu – vị chủ nhà tốt bụng đã mời chúng tôi ở lại ăn cơm, đồng thời cũng là người cao tuổi duy nhất nói được tiếng Kinh. Già Nu kể, ông từng có thời gian sống dưới thành phố, làm công nhân cơ khí nên học được cách người miền xuôi nói chuyện; ngoài sáu mươi tuổi mới quay về bản Troi sống cùng anh em họ hàng, tận hưởng nốt cuộc đời tại vùng đất quê hương. Câu chuyện ấy cứ kéo dài miên man, không có hồi kết. Giọng nói hơi ồm ồm của già hòa vào thứ khói bếp mờ ảo, bốc cao lên tận phần nóc của căn nhà sàn bằng gỗ lim. Tôi cảm giác phần tâm hồn mơ mộng của mình đang dần tan theo những câu chuyện truyền thuyết về thần Rừng, về nàng A Mân xinh đẹp nhưng bạc phận – mà trong đó, già Nu chính là người dẫn đường đưa tôi đến với đời sống tinh thần phong phú do đồng bào Ma Coong từng dày công vun đắp qua biết bao thế hệ. Còn anh vẫn âm thầm dõi theo từng nụ cười trong trẻo của tôi; thi thoảng lại bấm máy ảnh để chụp hình già Nu, và chụp cả tôi nữa.
Trên đường quay trở về Hà Nội. Qua tấm kính cửa sổ đục mờ, vương vãi những giọt nước mưa tròn xoe, long lanh như màu mắt của trẻ con vùng cao, tôi đã hỏi anh rằng: “Nếu có cơ hội đi tới những vùng đất đáng sống như thế nữa, anh có rủ em đi chung không?” – thực ra, câu hỏi ấy chẳng có ý gì cả, chỉ đơn giản là tôi không muốn đứng lạc lõng giữa một nơi đầy xa lạ. Anh lại tiếp tục nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, song lần này tôi mới trông thấy anh có núm đồng tiền rất duyên ở bên má phải. Anh gật đầu.
Từ đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau hơn. Rồi sau vài tháng hẹn hò ở đủ mọi nơi – khi là đi thực tế, khi ghé tới quán cà phê nhạc Trịnh có tấm đệm màu đỏ thêu họa tiết con công; anh đã nói lời yêu trong thời gian chúng tôi đi trực tin về tuyết rơi ở Sa Pa. Giữa màn đen thăm thẳm, xen lẫn từng cơn gió lạnh thấu xương, anh bảo, anh chưa dám hứa sẽ cùng tôi đi tới cuối cuộc đời, nhưng chắc chắn sẽ dành hết sức mình để che chở cho tôi – cô phóng viên với chiếc máy ảnh gắn hình con gấu nhỏ chẳng lẫn đi đâu được. Tôi bật cười và kéo nhẹ tấm khăn len dày cộp trên cổ anh về phía tôi, khẽ dựa đầu vào đó. Tôi cảm thấy ấm áp, ấm hơn cả lúc già Nu ở bản Troi đốt củi sưởi ấm trong đêm mưa não nề.
Nhưng chẳng ai nói trước được điều gì…
Năm ngoái, chừng cuối tháng bảy. Anh đi lấy tin ở vùng lũ. Tôi lo lắng vì điều kiện thời tiết ở đó rất khắc nghiệt. Tôi liên tục gọi điện cho anh, nhắc anh phải cẩn thận. Anh còn nói không sao đâu. Thế mà mấy tiếng sau, khi tôi gọi điện kêu anh gắng làm xong việc sớm, về Hà Nội cho an toàn và còn dự sinh nhật của tôi nữa thì đầu dây bên kia chỉ là tiếng tổng đài trả lời. Cốc nước ép cam trên tay tôi đột nhiên rơi xuống sàn, vỡ tan. Tôi linh cảm có điều gì chẳng lành. Hai tiếng sau, chị Minh Hạ – đồng nghiệp của tôi ở tòa soạn khác gọi điện tới nói anh đã bị lũ cuốn trôi trong lúc tác nghiệp. Tôi bật khóc như đứa trẻ lên ba. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng.
Ngày hôm sau, đội cứu hộ địa phương tìm được thi thể anh. Tôi đến dự lễ tang của anh mà không sao cầm nổi nước mắt. Làn khói nhang vương vãi khắp không gian tan tóc, tiếng gào thét xung quanh khiến trái tim tôi vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. Anh mãi mãi rời xa tôi thật rồi. Từ nay, ai sẽ che chở cho tôi, cùng tôi tận hưởng quãng tuổi xuân tươi đẹp phía trước? Và càng đau đớn hơn khi tới ngày sinh nhật lần thứ hai mươi tư của tôi – cách hôm anh an nghỉ chừng tám ngày, tiếng chuông cửa nhà tôi bỗng vang lên liên hồi. Tôi gạt vội nước mắt, lảo đảo ra mở cửa. Tôi nhận được một món quà, mà người gửi là anh. Tôi đã bóc món quà ấy – là chiếc khăn len dày cộp giống đêm ở Sa Pa. Trong tấm bưu thiếp, anh nói đã tự tay đan nó, và muốn gửi qua đường bưu điện vì sợ phải đi công tác bất ngờ, không kịp tặng cho tôi. Anh còn dặn dò rằng, nếu lúc nào thấy nhớ anh quá, cứ dựa đầu vào chiếc khăn đẹp nhất thế gian đó là sẽ cảm nhận được hơi ấm từ trái tim anh.
Nhưng giờ đây, tôi chỉ thấy lạnh lẽo và buốt giá. Ngày không anh, nhiều ngày nữa cũng không có anh…
***
Giai điệu du dương của những bản nhạc Trịnh vừa kết thúc, cũng là lúc cơn mưa rào cuối hạ theo mây trời hờ hững trôi nhanh đi nơi khác. Chỉ để lại mình tôi với cô đơn trong ngày sinh nhật lần thứ hai mươi lăm, ở một nơi mà chúng tôi đã từng hạnh phúc!
Nguyên An