DẤU HIỆU VĂN HỌC CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI TRONG “NGHỆ SĨ NHỊN ĐÓI” – FRANZ KAFKA
|Chủ nghĩa hiện đại trong văn học là một khuynh hướng bắt đầu từ thế kỉ XX đến 1945, xoay quanh chủ đề về cá nhân, sự ngẫu nhiên của cuộc sống, sự bất tín với chính quyền và tôn giáo, sự hoài nghi với chân lí tuyệt đối.
Chủ nghĩa hiện đại là cái nhìn hoài nghi với thế giới, không tin vào việc hiểu và giải thích thế giới. Chủ nghĩa hiện đại trong văn học chịu ảnh hưởng của kĩ thuật với phong cách sống của con người và cách tri nhận của con người về thế giới; hoài nghi về sự lạm dụng quyền lực và kĩ thuật; con người là thực thể phi lí.
Thi pháp của chủ nghĩa hiện đại trong văn học: Trải nghiệm của chủ thế được nhấn mạnh thông qua tự sự ngôi thứ nhất, độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức; nhân vật không cân bằng, xa lạ và lưỡng lự khi tìm kiếm căn cước và ý nghĩa của cuộc sống. Bối cảnh ngoại ô như là trải nghiệm xã hội mới, tạo ra những mối quan hệ mới giữa con người với con người, cá nhân với xã hội; cá nhân thường đối lập với xã hội và thiết chế xã hội; kết thúc mở; sử dụng lắp ghép trong trật tự cốt truyện, trộn lẫn đặc trưng thể loại và kĩ thuật; không gian hóa thời gian; châm biếm và giễu nhại; sử dụng huyền thoại để nhấn mạnh khoảng cách giữa quá khứ và cuộc sống hiện tại.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ phân tích một số đặc trưng của văn học hiện đại qua một truyện ngắn của nhà văn có ảnh hưởng rất lớn tới nền văn học thế kỉ XX – Franz Kafka với truyện ngắn Nghệ sĩ nhịn đói. Franz Kafka được coi là hiện tượng đặc biệt, là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX. Ngay từ khi ông xuất hiện, cả thế giới nghệ thuật vốn bình ổn, tĩnh lặng bỗng bừng tỉnh. Kafka đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của nghệ thuật. Chính nhà văn phức tạp này đã làm thay đổi tư duy trong cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết hiện đại. Các sáng tác của ông luôn là những tác phẩm mở ra nhiều hướng tiếp cận với các tầng nghĩa khác nhau, tạo ra bước đột phá mới trong lịch sử văn học nhân loại.
Đầu tiên, truyện ngắn Nghệ sĩ nhịn đói có dung lượng khá ngắn, lời văn lạnh lùng, tác giả gần như không hiện diện trong câu chuyện, không bình phẩm hay thể hiện thái độ, mà để câu chuyện diễn ra theo hướng tự nhiên nó phải thế, tự nhiên một cách lạnh lùng, khắc nghiệt.
Có thể nói, nhân vật trong các tác phẩm của Kafka là loại hình nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại, các nhân vật xa lạ và lưỡng lự khi tìm căn cước và ý nghĩa cuộc sống. Người nghệ sĩ trong Nghệ sĩ nhịn đói nhịn đói vì trình diễn? Hay như cuối truyện anh ta nói chỉ vì không tìm được món ăn khiến anh ta yêu thích. Nhân vật mang trong mình tính nghịch dị và phi lí. Sự phi lí ở ngay việc anh ta chưa bao giờ hài lòng với con số bốn mươi ngày nhịn ăn. Bốn mươi ngày như một lằn ranh giới hạn của những người nghệ sĩ, mà ở đó, người ta buộc người nghệ sĩ phải dừng lại, phải đón nhận sự hoan hô, tưởng thưởng của công chúng. Nhưng khát vọng thực sự, một khát vọng tha thiết, thậm chí điên rồ, đó là có thể vượt ra khỏi lằn ranh ấy, vượt ra khỏi những giới hạn mà con người dựng lên. Đối với người nghệ sĩ chân chính, không có rào cản hay giới hạn nào ngăn được anh ta. Điều đó cũng như chủ nghĩa hiện đại trong văn học, sự xé bỏ những rào cản, những giới hạn cũ, không ngừng tìm kiếm, sáng tạo những cái mới, lộn trái thế giới ra, phóng đại thế giới ra để xem xét cho tỏ tường, thậm chí soi phóng tới mức phi lí. Phi lí như nhân vật nghệ sĩ biểu diễn muốn nhịn đói không chỉ hơn bốn mươi ngày, mà là nhịn cho tới tận cái chết.
Và ở Nghệ sĩ nhịn đói, Kafka cho ta thấy một xã hội nơi cái ác ngự trị, cái ác là bản chất. Cái ác khi người ta dửng dưng trước người nghệ sĩ nhịn đói, bỏ mặc và đi lướt qua anh ta để xem các con thú trong rạp xiếc có lẽ cũng không ít ác hơn cái xã hội mà mọi người nhiệt liệt hoan hô người nghệ sĩ nhịn đói đến ngày thứ bốn mươi. Cái ác là bản chất, chỉ là hình thái nó thể hiện ra khác nhau mà thôi. Nhưng cái ác về sau có lẽ tàn khốc hơn, đó là sự lạnh lùng, người ta lạnh lùng nhìn một con người – một người nghệ sĩ với ánh nhìn còn không bằng nhìn một con vật, người ta lạnh lùng chôn một con người, một con người với khao khát xé bỏ những rào cản, những giới hạn như thể đem chôn một đống rơm. Sự dửng dưng ấy chính là đỉnh cao của cái ác.
Và có lẽ, thật đau lòng khi Kafka để nhân vật nghệ sĩ của mình xuống cùng hàng với loài vật, để xếp chung hàng cũi với những con vật khác, trình diễn mua vui đôi chút cho mọi người tới rạp xiếc tham quan. Nhưng còn đau lòng hơn khi người nghệ sĩ ấy thậm chí còn không bằng một con vật. Đầu tiên, anh ta không bằng con vật khi mà phải giành chút ít chút ân sủng của loài người bằng cách chiếc lồng đặt trước lối đi tới những cũi thú phía sau, để những ai muốn đi xem các con thú phải đi qua anh ta, và nếu chiếc lồng đặt người nghệ sĩ khuất phía sau hay ở nơi khác thì chắc chắn chẳng ai thèm ngó ngàng tới anh ta. Và dần dần anh ta càng không bằng con vật, chẳng ai ngó tới anh ta, thậm chí khó chịu vì cái lồng chắn lối đi. Đỉnh điểm của vấn đề chính là cái chết của người nghệ sĩ, như trên đã trình bày, đó cũng là đỉnh điểm của cái ác, khi người ta thậm chí quên luôn sự tồn tại của người nghệ sĩ, và dửng dưng trước cái chết của anh ta, chôn anh ta như chôn đống rơm nơi anh ta ngồi. Và khi người ta thả vào chiếc lồng ấy một con báo con, mọi người đều thích thú với con vật mới ấy. Như vậy, có thể nói, với câu nói của người nghệ sĩ trước khi chết, “Là tại vì tôi không tìm được thứ thực phẩm tôi thích. Chứ nếu tìm được thực phẩm tôi thích, thì ông cứ tin tôi đi, tôi không làm điệu bộ gì đâu, tôi ngốn như ông hay như mọi người ngay.” và kết thúc mang tính mở như vậy, truyện ngắn Nghệ sĩ nhịn đói của Kafka không cần rườm rà, thậm chí rất kiệm lời nhưng khiến người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần hơn, suy ngẫm nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn.
Truyện ngắn Nghệ sĩ nhịn đói nói riêng và các tác phẩm của của Kafka nói chung, giống như một chiếc kính vạn hoa hay tháp Bayon, ở mỗi góc độ nhìn vào sẽ cho ra những chiều kích khác, những cảm nhận khác. Đó cũng là một đặc trưng tiêu biểu của văn học hiện đại, sự cô đọng, gợi mở, đa thanh, để người đọc tự khám phá, tự suy ngẫm. Và cũng bởi lẽ đó, tác giả đã trao quyền quyết định tác phẩm vào tay người đọc, tùy từng cảm quan, phông văn hóa, tầm kiến văn… khác nhau của độc giả mà mỗi người sẽ có những cách hiểu, cách cảm thụ riêng các tác phẩm của Kafka, sẽ không có một cách hiểu nào là “đúng” hay duy nhất. Khi ddocj tác phẩm của Kafka, mỗi người đọc đã tự sáng tạo cho mình một câu chuyện, một câu chuyện duy nhất người đó có. Giống như phó giáo sư, tiến sĩ Đào Duy Hiệp từng viết, “Truyện ngắn hiện đại hết sức đa âm, nhiều nét nghĩa và mang nhiều chất thơ. ‘Ở Kafka mọi sự đều bất cập, giống như Làng gần nhất. Người đọc không thể thấy cái gọi là ý đồ, mà đơn giản, chỉ cảm nhận một cách hồn nhiên mà thôi. Bởi vậy, đọc truyện của Kafka, ta chỉ cảm thấy dư ba của nó ngân lên trong tâm tưởng như một bài thơ’.”
Nghệ sĩ nhịn đói không phải là tác phẩm người ta thường nói đến khi nhắc tới Kafka như Hóa thân, Lâu đài hay Vụ án. Nhưng người viết muốn chọn một tác phẩm không phải là tiêu biểu nhất của nhà văn, để thấy rằng, khi ta rút một tác phẩm bất kì trong những sáng tác của Kafka, ta đều thấy được những nét đặc trưng không thể trộn lẫn của Kafka, của văn học hiện đại, đó là cái nghịch dị, sự phi lí, đa thanh, phức hợp, đó là những nhân vật xa lạ và lưỡng lự trong hành trình đi tìm căn cước bản thân, ý nghĩa cuộc sống. Và kết thúc mỗi câu chuyện luôn là những khúc ngân âm vang, day dứt trong lòng người đọc!
Sophia Mặc
Key liên quan:
- https://nhom40 com/dau-hieu-van-hoc-chu-nghia-hien-dai-trong-nghe-si-nhin-doi-franz-kafka/