CẢM HỨNG TỪ ÂM NHẠC

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...

Có thể nói âm nhạc là một lĩnh vực có ảnh hưởng sâu sắc tới văn chương. Rất nhiều các tác giả, nhà văn đã lấy niềm cảm hứng bất tận từ âm nhạc. Âm nhạc cũng như văn chương trải qua rất nhiều thời kỳ, sự biến động, và ngày nay rất nhiều thể loại âm nhạc, sự kết hợp giữa các thể loại âm nhạc đã tạo nên những nghệ sỹ độc đáo với các bài ca bất hủ.

Như thập niên 80 của thế kỷ trước, thời kỳ thống lĩnh của những ca khúc mang phong cách pop, hay ngược trở lại những năm 60, thời kỳ The Beatles đã tạo nên một huyền thoại, mà cho tới tận ngày nay chúng ta vẫn âm ư theo ca từ của Yesterday, In my life, Let it be, Imagine…

Nobel văn chương năm 2016, đã trao cho một người nghệ sĩ âm nhạc chân chính và tài năng. Đó là Bob Dylan. “Người đã tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ”. Ở một vài khía cạnh, ta có thể nói rằng, vào một ngày nào đó âm nhạc và văn chương sẽ hòa trộn là một. Và không còn một ranh giới nào giữa hai lĩnh vực nghệ thuật đó nữa. Một câu hỏi còn bỏ ngỏ, thậm chí gây bàn cãi, nên chúng ta chưa bàn tới. Mà ở đây, ta đang nói về cảm hứng bất tận từ âm nhạc vào trong văn chương.

cam hung tu am nhac
Ảnh minh họa

Kazuo Ishiguro (chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn chương năm 2017). Ông đã dành một lời khen tặng của mình cho người đồng hương Haruki Murakami, rằng tác phẩm Phía Nam Biên Giới – Phía Tây Mặt Trời là một trong những tiểu thuyết hay nhất và ám ảnh nhất về nhạc Jazz, một trong những thể loại mà Kazuo rất yêu thích. Bản thân ông cũng thể hiện niềm ham thích âm nhạc của mình trong tác phẩm Dạ Khúc và Năm Câu Chuyện Về Đêm Buông của mình. Nơi dung hòa giữa cuộc sống của người nghệ sĩ bên cạnh nhạc cụ, giai điệu và cả những dấu ấn, thăng trầm của cuộc đời. Kazuo là một người yêu âm nhạc điên cuồng. Trước khi tới với văn chương, ông đã từng mơ mộng để trở thành một ca sĩ, một ca sĩ nhạc Rock hay nhạc Jazz, nhưng ông nhận ra mình không có tố chất về giọng hát nên ông đã từng bỏ. Vậy nên, minh chứng rõ ràng rằng, ông là một chàng nhạc sĩ viết văn quả là không sai.

Thêm một nhà văn nữa, không ai khác chính là Haruki Murakami. Dễ dàng tìm thấy bất kỳ tên một nhạc sĩ, một nhà soạn nhạc, một ca sĩ hay bất kỳ bản nhạc nào trong từng tác phẩm của ông. Rừng Nauy là một ca khúc của The Beatles, Yesterday cũng là một ca khúc của The Beatles. Hay ông đã mở đầu tác phẩm nổi tiếng Biên niên ký chim vặn dây cót bằng một bản overture “Con chim ác là ăn cắp” của nhạc sĩ người Ý Gioachino Antonio Rossini. Những nhân vật của ông nghe đi nghe lại một đoản khúc của Johann Sebastian Bach, một bản tứ tấu đàn dây của Mozart hay vài bản Jazz kinh điển của Louis Armstrong, Nate King Cole. Từng câu văn thấm đẫm thứ âm nhạc ngẫu hứng của Jazz, chất cổ điển, sâu lắng từ những bản nocturne, giao hưởng… Và khi ấy, chính Haruki cũng trở thành một nhà phê bình âm nhạc đang viết văn.

Một giai điệu, một ca từ, một giọng hát… ngẫu nhiên được phát ra từ radio, trên instagram, hay một quán cà phê nhỏ nằm sâu hun hút cũng dễ dàng đưa đến cho bạn một cảm xúc. Và khi là một tác giả bạn nên sẵn sàng nắm lấy điều đó.

 

Nguyên Nguyên

Rating: 5.0/5. From 2 votes.
Please wait...