TÌNH YÊU KÉO DÀI BA NĂM
|Tình yêu kéo dài ba năm là như thế nào?
Năm đầu tiên, người ta mua đồ.
Năm thứ hai, người ta chuyển chỗ kê đồ.
Năm thứ ba, người ta chia đồ.
Marc Marronier, một tay chơi thứ thiệt đang “ăn mừng” bữa tiệc ly dị với người vợ, bỗng nhận ra sự mất phương hướng của bản thân cũng như tìm thấy quy luật ba năm của mọi tình yêu dựa trên những thống kê và kiến thức khoa học mà gã đọc được. Gã cũng từng có một tình yêu như bao người; gặp gỡ, tán tỉnh, yêu đương, cầu hôn để rồi mỗi người đều lần lượt có những mối tình ngoài luồng và kết thúc bằng hai chữ “ly dị”.
Điểm nhìn của Marc tiêu cực và tàn nhẫn; gã chấp nhận và khẳng định cái sự thực rằng “tình yêu sẽ chỉ gói gọn trong ba năm”, rằng tình yêu dù có màu hồng và nên thơ đến đâu thì không một ai có thể nói trước tương lai. Hôm nay còn mặn nồng, sao dám chắc ngày mai không thể lạnh nhạt? Tuy nhiên, quan điểm này khá thú vị, không ngừng đặt ra câu hỏi cho mọi độc giả; mọi tình yêu đều thực tế chỉ dừng lại ở mốc số ba hay có những trường hợp hơn thế nữa? Nói cách khác, nó giống như một thử thách đối với niềm tin và lý tưởng của mỗi con người khi va chạm với tình yêu vậy.
Hôn nhân của Marc chắc hẳn sẽ giống với nhiều độc giả từng đi qua sự đổ vỡ của hạnh phúc hôn nhân. Không nhất thiết cụ thể ở con số ba năm trọn vẹn mà chính là ba giai đoạn tất yếu cặp vợ chồng nào cũng phải hoặc vượt qua hoặc giơ tay xin hàng. Ở năm thứ nhất của một cuộc hôn nhân, vợ chồng thường cùng tích góp chung tay mua nhà, mua xe cho đến từng cái bát, cái chén nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng ý kiến cá nhân của nhau – anh không thích cô thích đều không phải chuyện to tát. Những tin nhắn mùi mẫn ngọt ngào cùng những nụ hôn vội trước khi đi làm anh đều không quên một ngày. Sang đến năm thứ hai, sự phân chia vai trò cũng như quyền lực trong gia đình rõ rệt hơn, người này đôi lúc sẽ phải nhường nhịn người kia để giữ yên ấm. Vấn đề nào xảy đến cũng cần quyết định của cả hai; tuy nhiên, thay vì nhẹ nhàng bày tỏ, họ sẵn sàng lớn tiếng khi không thể tìm được tiếng nói chung. Khi năm thứ ba chạm vạch, anh dần vô tâm hờ hững sau khi sống trong sự quen thuộc một thời gian, cô chỉ biết nói bóng gió những mong muốn để rồi thương tổn tích tụ, chất đầy phiền muộn và cả hai lại phải cùng nhau đem đi xử lý – hoặc bán đi tình yêu vốn chẳng còn mặn nồng này hoặc xây dựng lại, tái thiết điểm khởi đầu.
Frederic tuy là nam giới nhưng lại không hề có ý bênh vực Marc; hạn cuối của tình yêu luôn là lỗi đến từ hai phía. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những sự đổ vỡ đơn giản là do đàn ông luôn khao khát, còn đàn bà luôn muốn hy sinh. Cứ dấn thân vào tình trường, đàn ông càng muốn có nhiều hơn thực tại – yêu cô ấy thì muốn hôn cô ấy, hôn cô ấy thì muốn làm tình, làm tình rồi thì muốn cưới, cưới rồi lại muốn thích một người khác mới hơn; đổi lại, phụ nữ yêu bao nhiêu hy sinh bấy nhiêu, mải miết chạy theo mong muốn của đàn ông mà không hay rằng mỗi lúc bị bỏ lại một xa. Marc tự bạch chẳng bao giờ thấy “đủ”. Vậy như thế nào thì từ “đủ” mới được dùng trong một mối quan hệ? Hay đơn giản, ngay từ đầu Marc thực sự đã không hề đả động đến khái niệm “đúng người, đúng thời điểm”? Phải chăng người vợ của gã là “sai người”?
Và rồi, thật chẳng bất ngờ khi tay chơi của chúng ta cũng vật lộn với chính quan điểm của bản thân bởi suy cho cùng, anh chàng Marc cũng chỉ là một con người bình thường, vẫn sống với ước muốn được yêu thương và gắn kết. Người tình của Marc – Alice – xuất hiện đúng trong giai đoạn thảm hoạ của cuộc đời khi ngày đêm gã mải mê tiệc tùng và ăn chơi, đã khiến con người và suy nghĩ của gã phải thay đổi. Một gã trai cay nghiệt với tình yêu và cuộc đời nay trở thành một kẻ ngốc và chịu thua trước những cảm xúc tưởng như chết từ lâu. Gã ngỡ ngàng nhận ra, có lẽ quy luật của gã chẳng đúng một chút nào; thứ tình yêu hữu hạn của gã có khi chỉ là “một nguyên khối rơi từ trên trời xuống” mà thôi. Sau ba giai đoạn kia, gã và vợ đã chọn đem thanh lý thứ tình yêu phai nhạt thay vì nắm tay nhau đi qua chông gai. Có lẽ, đó còn chẳng phải là một câu chuyện tình khắc cốt ghi tâm. Nhưng, với Alice, liệu đây có là tình yêu, là “đúng người, đúng thời điểm”, là sự chân thực trong cảm giác từng đánh mất hay đơn thuần lại là một quy trình ba năm khác khi các chất xúc tác hormone tạo hưng phấn trong cơ thể sắp biến mất dần và mọi chuyện sẽ đâu vào đó?
Không phải một câu chuyện ngôn tình về hôn nhân hay tình yêu thông thường với những tình tiết sến sẩm, không có những lời thoại đầy yêu thương ngọt ngào, thậm chí không có cả sự xuất hiện của một bông hoa hồng, Frederic Beigbeder mang đến cuốn sách tựa một bài phân tích và giải thích những suy nghĩ của con người về đời sống tình cảm nhưng mang văn phong hài hước và mỉa mai khiến người đọc không khỏi bật cười ngã ngửa mà đồng tình ngay tức thì. Có thể xem “Tình yêu kéo dài ba năm” là một cuốn sách giả ngôn tình hay nên đọc – phong cách mới lạ mà khơi gợi đủ những xúc cảm trong mỗi người, mang những triết lý hoạt kê mà mọi kẻ đang quay cuồng trong yêu đương nên tìm đến.
Harley Lê
=>>Đọc thêm:
https://nhom40.com/author/vanltt/