TÔI NGHE GÌ KHI VIẾT
|Tình tiết câu chuyện khi dồn dập, lúc thảnh thơi, khi hận thù trùng trùng lớp lớp, lúc lại tha thiết trữ tình… Để điều chỉnh nhịp điệu cảm xúc của chính mình, đôi khi, tôi cần đến âm nhạc – những giai điệu thực bên tai.
Thường thì tôi vẫn lại tìm về những nghệ sỹ vốn đã biết và yêu thích. Nếu là nhạc US – UK, sẽ là nhạc của Ed Sheeran, Sleeping at Last và Adele. Nếu là nhạc Việt, hẳn tôi tìm nghe Hà Anh Tuấn, Đức Phúc, Bích Phương; vào những ngày thâm trầm hoài niệm hơn, một chút Thu Phương, Trần Thu Hà hay Phạm Hoài Nam sẽ là lựa chọn không tồi.
Âm nhạc có sức mạnh to lớn và bí ẩn lắm đối với người nghệ sỹ trong tôi, nó đầy sức gợi và chứa chan cảm hứng, thậm chí vẽ nên cả câu chuyện cho tôi.
Tưởng tượng như thế này đi… Một cô gái lẻ bóng giữa quán trà nhỏ góc đường, mái tóc ngắn màu nâu lạnh xòa xuống che đi nửa gương mặt, những ngón tay gầy thờ ơ lướt lướt màn hình điện thoại nhưng dường như chẳng nhìn nó. Cô ấy chờ đợi điều gì? Tôi chưa nghĩ ra câu chuyện nào cả, nhưng vẫn cố sức lưu giữ hình ảnh đấy trong đầu óc. Dù vậy, cô gái vẫn trượt khỏi tâm trí tôi, như cách tấm ảnh polaroid mờ đi theo thời gian, cho đến một ngày. Cô vụt quay trở lại khi tôi nghe đến một playlist nhạc indie Việt và giọng hát của Hy vang lên, ung nhiên mà trĩu tâm sự đến ngỡ ngàng. Chẳng phải cô vẫn luôn ngồi đó sao, duyên dáng trên ghế sô-pha trong ánh chiều chạng vạng, khung cảnh chỉ còn thiếu khúc nhạc nền cất lên:
“Hai tay em ôm xương rồng rất đau
Đôi vai em mang nỗi buồn rất lâu.”
(Buồn của em)
Tôi nghe gì khi viết
Nhưng cũng có lúc chính nhân vật và câu chuyện đã đưa tôi đến với những dòng nhạc mới, ca khúc mới, cảm xúc mới.
Khi tôi nghĩ ra nhân vật trung tâm cho bộ truyện mới với bối cảnh một thị trấn nhỏ vùng Trung Tây nước Mỹ, như một lẽ tự nhiên, những ý tưởng đó dẫn tôi thăm mảnh đất nhạc đồng quê ngọt ngào. Tôi đắm chìm trong Luke Bryan và Carrie Underwood trên từng cung đường bụi mù mỗi khi bánh xe lướt qua thị trấn ấy, những khúc nhạc chân phương không chiêu trò, không cầu kỳ và thân thương đến lạ.
Rồi cả khi viết về câu chuyện có nhiều yếu tố nặng tâm lý, những biến chuyển suy nghĩ phức tạp và mớ cảm xúc hỗn mang buộc tôi tìm đến thể loại “psychedelic music” – âm nhạc gây ảo giác thức thần, và cả những ca khúc nổi tiếng với việc khiến người nghe… muốn tự tử. Từ thứ folk rock tưởng chừng dễ nghe của dòng psychedelic của The Beatles, cho đến Pink Floyd, Jimi Hendrix hay những bài hát như “Gloomy Sunday” mà ồn ào xoay quanh khiến chẳng mấy ai biết đến người thể hiện nó nữa. Tôi chẳng lấy những bi kịch đó làm phiền, cũng không buông rơi mình trong nỗi buồn đau, chỉ là mở lòng tiếp nhận mọi điều trong nỗ lực thấu hiểu nhân vật của mình.
Những giai điệu và lời hát mở ra trước mắt tôi tiềm năng của rất nhiều câu chuyện chưa được kể, và những câu chuyện tôi sắp kể cũng khẩn thiết cần tôi mở rộng thế giới âm nhạc của riêng mình. Tôi tìm nghe khúc nhạc khi viết, rồi khi viết, khúc nhạc nào sẽ tìm đến tôi? Đó là bí ẩn mà tôi luôn háo hức chờ đợi mỗi lúc những con chữ xoay vần…
Leona Nguyen
#byleonanguyen
=> Đọc thêm:https://nhom40.com/khi-em-lua-chon-se-song-cho-minh/