CẢM NHẬN VỀ “LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT”
|Chúng ta khi nói về người Nhật đều có sự ái mộ riêng, về văn hóa, lối sống tối giản của họ. Người Nhật không cố tỏ ra một cung cách sống độc đáo bởi hàng trăm năm qua, tự trong nội tâm dân tộc Nhật đã kết thành một lối sống giản dị, tiết kiệm.
Tại sao chúng ta lại có quá nhiều đồ đạc trong nhà?
Đây cũng là câu hỏi của bản thân tôi, những khi tôi phải loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Và điều đó đã được giải đáp trong chương hai tác phẩm “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio.
Ông giải thích nguyên nhân cơ bản này là do chúng ta muốn sở hữu tất cả những món đồ mà mình mong ước. Và “tác hại của thói quen” theo ông là điều kích thích chúng ta liên tục mua sắm.
Ông cho rằng chúng ta sẽ “quen” với những món đồ mong ước mà mình có trong tay. Và vòng tuần hoàn mua sắm, quen thuộc, chán nản rồi lại tiếp tục mua sắm cứ mãi xoay vòng. Tôi nhận ra rằng mình hoàn toàn rơi vào trường hợp giống như ông phân tích, vì tôi chẳng bao giờ vừa lòng quá lâu đối với những thứ đang sở hữu, trừ khi nó có một nguyên do đặc biệt.
Con người quả là một sinh vật kỳ lạ, ông cho rằng nó nằm ở cơ cấu cảm nhận đặc biệt của con người.
“Bản chất của hệ thần kinh con người là cơ cấu tìm ra sự “thay đổi” giữa các kích thích”
Và ông đã đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh lập luận của mình.
Tôi chưa đọc hết tác phẩm này của ông, nhưng đọc xong chương hai đã làm tôi khai sáng được rất nhiều điều ở bản thân mình, vì vậy tôi rất muốn viết lại cảm nhận của mình ngay lúc này.
Sasaki Fumio đã khéo léo lồng ghép những dẫn chứng thực tế, khiến những lập luận của ông trở nên rất thân thuộc đối với tôi.
Ngoài ra, ông còn cho rằng nhiều người nghĩ “giá trị đồ đạc bằng giá trị bản thân”. Nó khiến tôi khựng lại, chợt nhận ra mình cũng đang theo đuổi những vật chất như vậy.
Ông đã chỉ ra rằng, chúng ta không có nhu cầu sử dụng hết lợi ích thực sự của những món đồ ấy. Và rồi những đồ vật ấy ngày một “chất đống” trong cuộc sống của chúng ta, trở thành những thứ “làm suy yếu” chúng ta.
Thật sự điều đó đã xảy ra với tôi. Mỗi một buổi sáng, đứng trước tủ quần áo, “tôi chẳng có gì để mặc” luôn là điều tôi nghĩ đến. Điều này làm tiêu tốn rất nhiều thời gian và tài chính của tôi. Sau khi đọc “Lối sống tối giản của người Nhật”, tôi mới vỡ lẽ ra được “căn bệnh” của mình.
“Con người là loài động vật có tập tính xã hội, sinh hoạt theo bầy đàn nên nếu không thể chứng minh được “bản thân có giá trị”, con người dễ mắc bệnh trầm cảm và đi đến tự sát. Do đó, con người cần phải được ai đó công nhận là có giá trị.”
Cuộc sống này, tôi nhận ra để nhận được sự công nhận của người khác, tất cả không nằm ở giá trị và số lượng đồ đạc. Trong “lối sống tối giản của người Nhật”, Sasaki Fumio đã phân tích kỹ và đưa ra dẫn chứng hợp lý cho sự tối giản đồ đạc sẽ đem tới nhiều khoảng trống cho cuộc sống của chúng ta.
Tôi quan sát giữa hai bức hình căn phòng của ông trước và sau khi tối giản đồ đạc, nhận ra sự khác biệt không chỉ nằm ở cách bài xếp, mà là tư tưởng của người sống trong căn phòng ấy. Có lẽ khi tối giản bớt những đồ vật xung quanh, chúng ta sẽ sở hữu nhiều không gian trống hơn, không chỉ là ở căn phòng mà còn là trong tâm trí. Từ đó, chúng ta có thể vận dụng đầu óc một cách hợp lý và hiệu quả hơn.
Có lẽ đã đến lúc tôi nên mạnh dạn vứt bỏ những món đồ đang làm chật hẹp cuộc sống của mình.
Từ Vân