(Review) Độ ta không độ nàng ? – Cơn sốt của giới trẻ và những tranh luận xung quanh
|Thời gian gần đây bài hát “Độ ta không độ nàng” hot hơn bao giờ hết trên nhiều bảng xếp hạng, trở thành xu hướng nghe nhạc mới của giới trẻ. Tại Zingchat bài hát lọt top 10. Kênh Youtube các clip liên tục lot top thịnh hành có lượt nghe lên tới con số hàng triệu như của Thiên An, Anh Duy, Ca sĩ Khánh phương.Vì sao bài hát nhạc Trung lời Việt lại thu hút giới trẻ mạnh như thế? Và lời bài hát có gây hiểu lầm về giới tu hành hay không?
Những yếu tố tạo thành cơn sốt của “Độ ta không độ nàng”.
Bài hát có giai điệu da diết lúc ngân nga nhẹ nhàng nhưng mang nỗi đau ai oán. Người nghe như lạc vào câu chuyện mà quên mất thực tại. Bên cạnh đó, lời bài hát ấn tượng ca từ lạ lẫm sử dụng nhiều sự tích “hoa bỉ ngạn”, “hoa bồ đề”. Hai loài hoa đều mang những câu chuyện tình bi thương. Cuối cùng phải kể tới điểm đặc biệt bài hát mang cốt truyện kể về mối tình đơn phương của quận chúa với tiểu hòa thượng. Độc giả của truyện ngôn tình luôn hấp dẫn với nhiều đề tài ngược luyến tàn tâm. Nam nữ chính chia đôi ngả nhưng vẫn nhớ về đối phương. Tuy nói là theo đuổi loại truyện ngôn tình ngược nhưng người đọc luôn mong một cái kết hạnh phúc. Và khi kết thúc truyện nam nữ chính không tới được với nhau họ lại đau khổ, khóc thương. “Độ ta không độ nàng” bởi thế trở tạo nên cơn sốt.
Tóm tắt nội dung (sưu tầm trên mạng):
Tiểu quận chúa năm đó nhà cạnh một thiền tự nhỏ, từ khi còn bé đã được cha thường xuyên dắt sang chùa lễ Phật.
Trong một lần phụ thân đang bàn chuyện cúng dường, tiểu quận chúa mãi mê ra sau núi du ngoạn, chẳng may té xuống vực, chân tay trầy xước. May mắn có tiểu hòa thượng đi ngang nhìn thấy, đỡ nàng quay lại về chùa.
Tiểu quận chúa mang ơn chú tiểu, bèn hỏi chú muốn gì, nhất định mình sẽ đền đáp. Chú tiểu ngẫm nghĩ hồi lâu, mới dám nói mình muốn ăn hồ lô ngào đường dưới thị tứ. Quận chúa nhớ lời, mỗi lần đến thăm chùa sau đó đều mang kẹo hồ lô cho chú tiểu.
Sư thầy biết chuyện, quở trách chú tiểu, cứu người há phải đòi người trả ơn. Chú tiểu cũng nói quận chúa lần sau đến chùa đừng mang hồ lô ngào đường cho mình nữa. Quận chúa ngạc nhiên hỏi, có phải chú tiểu trách giận gì ta, không coi ta là bạn? Chú tiểu vội vã lắc đầu, ta nào dám, vẫn coi quận chúa là tri kỷ, nếu người có bất kỳ chuyện gì, ta nhất định cứu giúp.
Bẵng đi nhiều năm sau, tiểu quận chúa nay đã xinh đẹp ngời ngời, chú tiểu kia cũng đã trưởng thành, học Phật uyên thâm.
Một ngày quận chúa đến chùa, tìm gặp hòa thượng, tay cầm hồ lô ngào đường như năm xưa. Quận chúa hỏi, ngươi vẫn giữ lời hứa sẽ bảo vệ ta? Hòa thượng gật đầu. Quận chúa nói tiếp, vậy ngươi có yêu ta không?
Hòa thượng vội chấp tay, cúi đầu, a di đà Phật… Quận chúa vẫn cương quyết hỏi lại, ngươi nhất định không thể có tình ý gì với ta sao?
Hòa thượng im lặng, cúi đầu từ biệt. Quận chúa cũng quay lưng đi. Một ngày, hai ngày, ba ngày… hòa thượng không thấy quận chúa đến chùa. Mãi cho đến bảy ngày sau đó, gia nhân phủ quận chúa mới tới mời hòa thượng mang theo pháp khí, ghé phủ một chuyến vì có người cần tụng kinh siêu độ.
Nằm trên giường là thi thể đã lạnh băng của quận chúa, vẻ mặt điềm nhiên không gợi cảm xúc. Quận chúa treo mình tự vẫn đêm qua, trong di ngôn để lại có nói rằng muốn đích thân hòa thượng đọc kinh vãn sanh cho mình. Cạnh giường còn đặt một cây hồ lô ngào đường, theo lời quận chúa dặn trong di thư.
Hòa thượng hỏi việc mới nghe được cớ sự. Có tên hoàng tử muốn cưới quận chúa về làm thê thiếp nhưng nàng vốn không đồng ý vì trong lòng đã có tình cảm cùng hòa thượng. Cha của quận chúa đã phải cầu xin nàng chấp nhận mối hôn ước này vì tính chính trị của nó. Quận chúa đến chùa tìm hỏi hòa thượng có tình cảm với mình không để hòng mong bỏ đi cùng nhau.
Sau khi nhận được câu trả lời, quận chúa về gật đầu đồng ý gả cho hoàng tử. Nhưng ngay trong đêm đó, hoàng tử đã đến tìm quận chúa và cưỡng bức nàng, với ý nghĩ dù gì cũng sẽ thành thân. Không chịu được uất nhục, quận chúa treo cổ tự kết thúc đời mình.
Hòa thượng tụng xong kinh vãn sanh, cũng quay về chùa. Vài ngày sau đó, nhân dịp lễ Phật lớn, hòa thượng có cơ hội đến gặp hoàng tử kia. Khi đối diện đã rút trong tay ra trủy thủ mà đâm thẳng vào tim hoàng tử.
Trước khi bị quân lính bao quanh, hòa thượng cũng tự đâm vào tim mình tự vẫn. Trước khi nhắm mắt, đã nói được câu nói sau cùng.
“Phật đã độ ta, nhưng không độ nàng, vậy ta sẽ nhập ma để bảo vệ nàng…”
“Độ ta không độ nàng” mang cốt truyện ngôn tình ngược tâm hút người nghe tuy nhiên bên cạnh đó xuất hiện một số tranh cãi xung quanh ca từ.
“Vì sao độ ta không độ nàng?”. Phật giáo coi chúng sinh là bình đẳng, không phân biệt nam nữ. Nếu Phật độ cho hòa thượng thì sẽ độ cho cả quận chúa và nhiều chúng sinh khác. Câu hỏi như thế là không hiểu gì Phật giáo. Mà đối tượng được nhắc tới trong bài hát lại là người tu hành. Người tu hành hỏi một câu sai căn bản giáo lý vậy có thỏa đáng không?
Tiếp tới là một số ca từ dễ gây hiểu nhầm cho người tu hành: “Tiếng mõ xưa rối loạn… Một tay ta gõ mõ; Phá nát cương thường biến loạn”. Khi bước chân vào con đường tu hành thất tình lục dục để lại ngoài cửa Phật. Nhưng bài hát nói lên sự phiền muộn nhiễu loạn trong lòng hòa thượng. Lời ca vô tình khiến người nghe hiểu nhầm trí tu kém cỏi của người tu hành.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn bài hát qua góc độ đời thường thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Hòa thượng là người tu hành nên vượt qua lục dục thất tình là bài học đầu tiên để đạt giác ngộ. Nhưng không phải ai cũng gạt được hoàn toàn sắc dục ấy. Vậy nên dù hòa thượng có gõ mõ hàng ngày, mặc áo cà sa bảy năm mà tâm vẫn loạn, thất tình chưa buông thì vẫn đau khổ. Và còn đau khổ tức là còn phải vượt qua nhiều chướng ngại để đạt tới cảnh giới niết bàn trong tâm. Thế nên hòa thượng trong câu chuyện này dường như chưa vượt qua được trở ngại trong tâm của mình.
Hòa thượng vì uất ức trước cái chết của quận chúa đã diệt vị thái tử kia và vào ma giới để bảo vệ linh hồn nàng. Hành động đó có thể lý giải hòa thượng thực chất chưa dành hết tâm mình cho tu hành, vẫn ngụp lặn trong bể khổ luân thường. Hơn nữa tình kiếp mà quận chúa và hòa thượng phải trải qua có thể liên quan tới nhân duyên nghiệp báo với nhiều kiếp trước.
Hòa thượng tuy vào ma giới nhưng mọi thứ có lẽ chỉ là bắt đầu của nghiệp báo. Trải qualuân hồi, đến cuối cùng hòa thượng có ngộ ra luyến ái nam nữ sẽ cản đường người tu hành hay không? Hòa thượng có nhận ra nghiệt duyên của hai người là vòng luân hồi chưa kết thúc hay không? Câu hỏi cuối bài hát là mở đầu cho con đường tu hành của hòa thượng? Vì chướng duyên với quận chúa mà kiếp tu hành này không thành đạo lạc vào ma giới cứu quận chúa.
Qua bài hát “Độ ta không độ nàng” người nghe sẽ hiểu thêm về con đường tu hành của Phật giáo. Không vượt được qua chính mình, không tự độ cho mình thì sẽ rơi vào “ma giáo”. Thực chất Phật không độ ta, cũng không độ nàng, vì hòa thượng tâm loạn, thất tình chưa buông bỏ được nên mới hỏi câu hỏi “đời” như thế.
Swallow
=> Đọc thêm: Đóa hoa anh đào năm ấy – sự xúc động bình thản