[truyện dài] Đời hoài : Chương 2
|Chương 2
Đương cái độ tháng mười. Khắp thung lũng Sủng Là bắt đầu nở rộ những triền hoa tam giác mạch nằm chênh vênh giữa lưng trời mây núi. Tam giác mạch vốn là thứ hoa đặc sản của Hà Giang – nơi được ví như “cổng trời” của Việt Nam với biết bao con đèo ngoằn ngoèo, quanh co, ôm trọn mấy thung lũng xinh đẹp cùng vùng cao nguyên đá hùng vĩ, đứng sừng sững hiên ngang ở cực Bắc tổ quốc. Thêm nữa, cái đẹp mà loài hoa này đem tới không phải từ bạt ngàn sắc trắng xen lẫn với hồng tím, điệp thêm màu lá xanh mơn mởn, hay thứ nụ bé tí hin nom yểu điệu mong manh – mà ở chính cái hồn, cái hương sắc đặc trưng chẳng phải đâu cũng có.
Và cứ thế, tôi mải miết ngắm nhìn mọi thứ chung quanh qua khung cửa sổ trống rỗng, mặc cho tấm rèm che nắng bùng nhùng bằng vải lanh rẻ tiền cứ bị gió thổi đập qua lại vào khuôn mặt chực muốn nứt nẻ ra vì lạnh. Còn chiếc xe khách đời cũ đang chở gia đình tôi vẫn lướt đi băng băng trên cung đường khúc khuỷu, khiến bức tranh về vùng núi tráng lệ kia luôn thoắt ẩn thoắt hiện, lướt qua trước mắt tôi hệt như một thước phim tua nhanh không xác định điểm dừng.
*
Băng qua nhiều ngôi nhà mái ngói thẫm màu, nhiều sắc vàng ươm ngọt tựa nắng trời hiếm hoi giữa khung cảnh lành lạnh của vùng cao nguyên đá. Bóng dáng mấy cô gái mặc trang phục dân tộc, lưng đeo gùi mây đang bộ hành ven đường cũng bắt đầu nhàn nhạt, hòa dần vào điểm nhìn ngút ngàn, xă xăm.
Chừng vài phút sau, tôi cảm giác vạn vật dường như đã đuối sức hẳn. Tất cả thưa thớt dần, chỉ lác đác dăm cái nhà bé xíu nằm rải rác giữa thung lũng rộng lớn. Mãi tới khi chiếc xe khách giảm tốc độ, chuẩn bị cua sang phía bên trái, tôi mới loáng thoáng nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn vào bến xe huyện được đặt gọn lỏn ngay cạnh một gốc cây xù xì. già cỗi. Bấy giờ, tôi liền quay sang lay lay người cái Vân – em gái tôi.
– Vân, sắp tới nơi rồi!
Nghe tiếng gọi, con bé khẽ lấy tay dụi mắt, mơ màng thức dậy sau giấc ngủ nửa vời trên chiếc xe khách đời cũ. Sau cái vươn vai đầy mệt mỏi, nó bất giác ngoái đầu xuống hàng ghế bên dưới, và trông thấy thầy u vẫn cứ ngồi im lặng như hai bức tượng vô hồn, chẳng ai nói với nhau câu nào.
Bấy giờ, nó mới nhíu áo tôi:
– Anh Trường! Em thấy thầy u buồn lắm. Từ lúc chuyển nhà tới giờ cứ như vậy mãi thôi…
– Ừ, chắc thầy u mệt. – tôi cố tình lảng sang câu chuyện khác, vì không muốn cái Vân phải suy nghĩ quá nhiều. Mà em thu dọn mấy túi đồ lỉnh kỉnh này đi, để lát anh đem xuống không lại quên.
*
Xe dừng bánh. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm sau quãng đường mệt nhoài từ vùng xuôi lên miền ngược, chỉnh trang lại đồ đạc cho cẩn thận rồi nhanh chóng bước xuống khỏi phương tiện chật hẹp ám đầy mùi bụi đường.
Còn gia đình tôi, sau khi xách hết đống hành lý nặng trĩu từ gầm chứa đồ ra ngoài, đặt tạm dưới nền đất nâu xì, gồ ghề toàn vết bánh xe dọc ngang, thì mới bắt đầu thấm thía cái mệt. R iêng con bé Vân nom vẫn vui vẻ lắm, miệng cứ lẩm nhẩm mấy bài hát ca trù được u tôi dạy từ thuở còn nằm nôi.
Tôi thoáng nghĩ, chắc là do nó đã kịp chợp mắt đôi chút trong lúc đi đường nên giờ mới phấn chấn được như thế, chứ tôi thì chịu: xe xóc nên ngủ chẳng được, đầu óc lúc nào cũng lênh đênh theo mây trời phiêu lãng vởi đủ mọi thứ chuyện đan xen nhau.
Lại quên chưa nói, lần này gia đình tôi chuyển tạm lên Hà Giang sinh sống cũng vì có nguyên do riêng. Nhưng thú thực, tôi chẳng mấy quan tâm vì đây không phải lần đầu tiên hai anh em tôi theo đoàn văn công nơi thầy u công tác lặn lội tứ bề, phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân. Tôi chỉ tiếc là không được ngắm mùa hoa gạo nở rộ vào tháng ba nữa, bởi chỉ có vùng quê Bắc Bộ nơi tôi từng sinh sống mới có hình ảnh từng cánh hoa đỏ rực đung đưa theo làn gió mát lành, hòa vào tiếng sáo diều vi vu, ngân nga tới tận cuối chân trời – đó thực sự là một vùng đất chứa đầy hoài niệm về tuổi thơ êm đềm bên cây đa, giếng nước mà tôi khó có thể quên được.
Nghĩ vu vơ hồi lâu, tôi chợt bị tiếng còi xe quanh đây kéo về thực tại. Bấy giờ, tôi mới quay sang hỏi thầy rằng:
– Thầy ơi, bao giờ mình mới về đến nhà mới ạ? – tôi vừa nói, vừa lấy tay gạt từng giọt mồ hôi mặn chát trên khuôn mặt nứt nẻ vì lạnh giá. – Nhà mới có đẹp không, thầy?
Nghe vậy, ông chỉ khẽ lấy tay xoa đầu tôi, rồi chỉ về phía trước.
– Phải chờ xe ba gác tới đã. – ông tiếp lời. Căn nhà ấy tuy nằm hơi khuất so với thị trấn, song đơn vị họ tìm chỗ ở cho gia đình mình như vậy là tốt lắm rồi con ạ! Mà, con thử ra xem cái Vân thế nào, chứ thầy thấy nó đứng một mình ở kia suốt từ nãy đến giờ…
Tôi vâng một tiếng, rồi cố bước thật nhanh tới chỗ đứa em gái đang đứng. Tôi thấy nó vẫn đeo khư khư một cái bọc đựng đàn bằng da sau lưng, tay lại ôm thêm một bọc nữa, không dám đặt xuống dưới vì sợ đàn ngấm nước sẽ bị nứt, âm thanh nghe không còn trong trẻo nữa. Mà cũng đúng thôi, ngay từ ngày nhỏ xíu, niềm đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc trong nó đã bắt đầu trỗi dậy và lớn dần theo năm tháng, nên giờ nó mới thấy trân trọng mấy món bảo vật ấy đến vậy!
Tôi nhìn cái Vân, khẽ mỉm cười với nó, rồi lại hướng ánh mắt về phía thầy u. Hôm ấy, dưới bóng chiều loang lổ đỏ rực một vùng trời, trông họ không khác gì hai lữ khách độc hành xa lạ. Sự yên ắng vẫn mải miết bao trùm.
Mãi tới khi bác tài xế già vận bộ quân phục màu xanh lá mạ lái ba gác qua đón, thầy u mới cùng nhau lên tiếng gọi với, giục hai đứa chúng tôi mau chóng sắp đống hành lý kia lên xe.
*
Trời rét buốt như cắt ruột cắt gan, gió rít từng cơn mạnh qua từng thớ thịt. Dù đã mặc cả mấy lượt áo len, áo bông, rồi còn quàng thêm chiếc khăn đũi dày cộp mà chúng tôi vẫn run bần bật, ngồi lom kha lom khom trên chiếc xe ba gác toang hoác, chẳng có lấy một tấm bạt che chắn.
Đi qua mấy khung ruộng bậc thang đương độ chín tới, uốn lượn như dải lụa được mây trời chiều hôm duộm thêm chút sắc đỏ nồng nàn, bác tài xế già mới dừng lại ở một quán đa ven đường. Bác nói, suốt từ sáng phải chạy xe liên tục vì đơn vị có việc, nên xin đôi ba phút xuống rít hơi thuốc lào cho ấm người rồi mới lái tiếp được. Nghe vậy, thầy u tôi cũng vui vẻ đồng ý.
– Bác cứ nghỉ chút đi! Đến chúng tôi trẻ hơn bác mà có khi còn chẳng chịu được cái lạnh thấu xương thế này. – thầy tôi nói. Tiện thể gia đình cũng uống chén chè nóng cho ấm lòng, lại đỡ khan cổ họng nữa!
Quán đa ấy là một cái nhà nhỏ xiêu vẹo, sắp đổ nát nằm ngay sát một cây đa cỗi. Chỉ có độc một cụ già dọn hàng nước bán cho những người đi làm đồng, tầm chiều tối muộn sẽ dọn hàng về. Thi thoảng, cụ lại xoa xoa hai bàn tay nhăn nheo, chai sạn vết thời gian vào nhau cho ấm.
Thấy chúng tôi bước tới gần, cụ già vừa nhai trầu móm mém, vừa nói:
– Nhờ các cô chú lấy manh chiếu giải lên cái bục đất kia thay cho ghế ngồi, để tôi pha luôn ấm chè xanh mới.
– Vâng, cụ cứ để chúng cháu tự nhiên. – bác tài xế hồn hậu trả lời, còn đôi bàn tay xám ngắt vì lạnh đang cố với lấy chiếc điếu cày nằm ngay sát chân bàn bằng gỗ nom ọp ẹp, xập xệ.
Bác tài xế đánh que diêm lên, thoáng ánh lửa sáng, rồi lại bị trận gió áo ào thổi tắt. Những chiếc lá đa bị lật rơi lả tả xuống nền đất, tạo nên thứ âm thanh xào xạc giữa không gian vắng lặng – vắng tới mức nghe rõ được cả tiếng dép lê loẹt xoẹt của mấy đứa trẻ con đang chơi đùa ngoài kia. Phải quẹt thêm ba, bốn lần nữa, bác tài xế mới được thưởng thức vị thuốc lào quen thuộc. Cùng lúc đó, chén chè xanh thơm đượm cũng có luôn.
Bác hút xong, đặt điếu, ho vài tiếng rồi ngồi đợi chúng tôi. Xong xuôi hết, bác đương định gửi tiền cụ già bán nước thì thầy tôi gạt tay, nói bác đã vất vả đi đón gia đình rồi thì để thầy tôi mời. Bác cười xòa, cơ mà cũng vui vẻ gật đầu.
Ra khỏi quán, gió thổi mạnh làm tôi sởn gai ốc. Trời lấm tấm mưa, lại càng thêm rét buốt.
Tiếng máy xe nổ bành bạch, nghe giòn tan.
*
Xe dừng hẳn. Nơi đây trông vắng vẻ và yên tĩnh lắm, đến mức ai lần đầu đặt chân tới cũng đều có cảm giác nó đã bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống thường ngày – một không gian im ắng giống hệt ở quán đa hồi nãy. Thậm chí, tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng bản lề cửa rỉ sắt bên nhà hàng xóm bị gió thổi kêu cót két.
Tôi quay sang nhìn thầy u, thắc mắc:
– Con thấy mọi thứ tiêu điều lắm. Liệu có ổn không ạ?
Đáp lại câu hỏi ấy, thầy tôi chỉ ừ một tiếng nghe rất nặng nề. Tôi thầm nghĩ, chắc là thầy đang mệt mỏi vì đi đường xa, hay vì thái độ lạnh nhạt của u tôi chăng? Tôi không biết nữa. Nhưng cảm giác lo lắng bắt đầu dâng lên.
Thấy vẻ mặt ấy của tôi, bác tài xế mới lên tiếng trấn an:
– Ở đây cũng thú vị lắm, cháu ạ! Mùa hè nghe rõ tiếng ve kêu lao xao, còn mùa đông có thể cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt qua từng vòm lá. – bác vừa nói, vừa móc chùm chìa khóa trong túi áo bông tàu ra đưa cho tôi. Phụ thầy u chuyển đồ vào trong đi cháu!
*
Đó là một căn nhà nhỏ nhắn. Đi qua chiếc cổng sắt được sơn màu vàng chanh là khu vườn bé xinh, nhưng lâu ngày không có ai chăm bẵm, tưới tiêu nên cây cối cũng dần héo mòn, khô quắt. Nhiều chiếc lá già bị gió thổi rơi xuống nền đất, phủ kín lối đi.
Thực ra, trên đường tới đây, bác tài xế đã kể lại rằng, căn nhà này vốn chẳng còn toàn vẹn sau trận hỏa hoạn cách đây chừng hai chục năm. Nên khi bước vào trong, nhìn thấy nền tường ở tầng trệt bị bong tróc loang lổ, có đoạn trơ cả gạch đỏ cam, lại ám thêm màu đen kịt từ khói, gia đình tôi cũng không mấy bất ngờ.
Riêng phòng gác mái, tuy chưa bị ngọn lửa hung hãn năm xưa thiêu đốt, song vẫn chẳng tránh khỏi cảnh bị bụi phủ mù mịt: chỉ cần di nhẹ trên mặt bàn gỗ mục nát, là ngón tay cũng đủ ngấm hết dấu tích của thời gian.
Chắc phải tốn kha khá thời gian để sửa chữa và dọn dẹp thì mới ổn định được – tôi thầm nghĩ.
Đúng lúc đó, thầy u tôi cũng gọi với lên:
– Trường, xuống bê mấy thứ đồ này bỏ ra ngoài, mai nhà mình sắm mới đồ đạc, chứ thế này không ở được con ạ! – thầy u nói. Giờ dọn sạch tầng trệt, tối trải chiếu ra ngủ tạm. Mai thầy u lên đơn vị nhận phân công công việc, rồi sửa sang lại hết.
Tôi dạ một tiếng, rồi nhanh chóng chạy xuống tầng trệt. Lúc này, tôi mới thấy căn nhà mất đi sự bình yên vốn có khi ai nấy đều tất bật với công việc chung: thầy u thì luôn tay bê vác, lau chùi đống tàn dư còn sót lại sau mấy mươi năm, còn cái Vân cứ loay hoay xếp vài miếng gỗ cũ mèm thành hàng thẳng ngay ngắn, xong mới khẽ đặt hai chiếc bao đựng đàn lên đó.
Nhưng cũng chỉ lúc ấy thôi, còn thì lại lặng yên như cũ.
*
Tầm tối muộn, đang cữ đông rét mướt. Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thoả, ngay ngắn, chẳng còn phải lo toan hay sắp xếp gì nữa. Tôi với cái Vân mới rủ nhau bắc ghế ra vườn ngồi.
Chúng tôi cứ thế ngắm nhìn cảnh vật hiu hắt chung quanh, rồi cố gắng lắng nghe thứ âm thanh đặc trưng của loài ếch, loài nhái hắt ra từ mấy bụi cây rậm rạp cho vui tai. Một lúc sau, cái Vân bỗng chỉ tay lên ánh trăng sáng vằng vặc giữa trời đêm tĩnh mịch, bảo rằng:
– Trăng đêm rằm tròn xoe, lại sáng thật anh nhỉ? Em thấy chỉ có mỗi ánh trăng là sáng nhất thôi, còn mọi thứ ở đây cứ tối tăm lắm. Không giống như phố huyện quê mình. – nó vừa nói, vừa ngước đôi mắt phảng phất buồn lên vầng mây đen kịt, chẳng có lấy ngôi sao nào le lói.
Nghe vậy, tôi chỉ biết thở hắt một tiếng, nghe nặng nề không kém tiếng ừ của thầy u ban chiều. Dù thấy hơi nhói lòng, song tôi vẫn cố hướng cái Vân nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai.
– Bao giờ quen đường đi lối lại, anh sẽ dẫn Vân đi chơi khắp nơi. Vân có thích ngắm hoa tam giác mạch, ngắm ruộng bậc thang không?
– Thật hả anh? Hoa tam giác mạch là gì, có đẹp không ạ? – mắt con bé ánh lên sự tò mò, xen lẫn nụ cười mỉm đáng yêu trên môi.
…
Vậy là, câu chuyện của chúng tôi cứ kéo dài miên man theo những câu hỏi ngây ngô của cái Vân, và cả câu trả lời dài đằng đẵng của tôi nữa. Mọi thứ chỉ dừng lại khi trong nhà chợt vang lên tiếng bát đĩa đập xuống nền đất, vỡ tan tành. Bấy giờ, tôi với cái Vân mới chạy lại, nép ở góc cửa mà nhìn vào.
Thầy u tôi lại cãi nhau, giống hệt như buổi tối hôm ấy…
***
Đêm tháng sáu oi bức.
Thầy u tôi lại to tiếng. Đồ đạc trong phòng vương vãi tứ tung, mấy cái bình đựng nước hay dùng để hãm trà xanh vỡ vụn thành nhiều mảnh, nằm tan tác dưới nền gạch in hoa sẫm màu.
Khi ấy, cái Vân đương ốm, sốt cao, vừa uống chén thuốc bắc được u tôi sắc ban chiều nên nằm ngủ thiếp đi ở mãi nhà dưới. Còn tôi, vì nằm ngay ở buồng đối diện nên mới vô tình chứng kiến hết cảnh thầy u cãi vã nhau qua tấm ri-đô bằng vải mỏng. Mà thú thực, tôi cũng chỉ dám nép sau đó mà quan sát, chứ nào dám ra ngoài.
Tiếng u tôi chì chiết vọng cứ thế vọng vào. Lại nói thêm, u tôi chẳng bao giờ quát tháo ầm ĩ như mấy bà đi đánh ghen chồng ngoài đường ngoài chợ, nhưng mỗi lần u bực tức điều gì, nói theo kiểu gằn giọng, tuy âm vực nhỏ nhưng lại có cái uy khiến người đối diện phải nể sợ.
– Tại sao cô ta lại tìm được tới tận đây? Ông không lén lút thư từ qua lại thì đời nào như thế, đã một lần mà ông không thay đổi gì cả. – u tôi cau mặt, đôi long mày lá liễu mỏng manh hơi xếch lên trên.
Thầy tôi nghe xong hơi cúi mặt, liên tục nói xin lỗi.
– Tôi cũng xin lỗi mình rồi, chứ tôi nào dám phản bội mình thêm lần nào nữa. Tôi cũng không biết tại sao Hiền lại có địa chỉ nhà mình mà đến. Thực sự, tôi và Hiền đã chấm dứt từ hồi đó rồi. Tôi…
U tôi vẫn chẳng mảy may tin lời thầy nói.
– Hiền? Nghe thân mật quá nhỉ? – u nói giọng mỉa mai. Bây giờ, một là tạm thời chuyển công tác lên Đông Bắc như đơn vị gợi ý ban chiều. Hai là chia tay. Tôi sẽ nuôi hai đứa nhỏ, còn ông theo cô ta đi đâu thì đi!
Nghe xong lời u nói, thầy tôi chỉ kịp hít một hơi thật sâu, đôi bàn tay thô ráp bám chặt vào cạnh bàn tỏ vẻ bất lực. Cuối cùng, sau giây phút ngập ngừng ấy, thầy đành gật đầu chấp nhận trước sự lựa chọn đầu tiên: chuyển công tác.
– Được rồi, tôi đồng ý với mình. Tôi không biết phải làm thế nào để mình tin tôi nữa. – thầy tiếp lời. Nhưng chuyển công tác cũng nhiều thủ tục, như thế các con lại chậm gần nửa tháng đi học. Mình xem…
– Chuyện ấy tôi khắc lo được. – u tôi lạnh lùng đáp.
Quay trở lại giường ngủ, tôi thầm nghĩ lại một chuyến đi xa nữa sắp tới rồi. Và cứ thế, không biết tự lúc nào, tôi dần chìm vào giấc mộng miên man…
***
Lúc chúng tôi nép ở góc cửa, cái Vân nom giống đang chực khóc. Nó có biết việc thầy u cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt từ trước khi chuyển tới đây sinh sống, song nó chỉ nghe qua lời tâm sự từ tôi chứ nào đâu chứng kiến tận mắt thế này. Lúc ấy, tôi chỉ biết đẩy đầu cái Vân dựa vào vai mình, vuốt nhẹ lên mái tóc đen tuyền, còn vương mùi bồ kết thoảng thoảng.
– Vân, không sao đâu! Rồi ngày mai thầy u lại vui vẻ thôi mà. Em đừng buồn…
Cái Vân khẽ lấy bàn tay trái gạt đi giọt nước mắt đang lăn dài trên má, còn tay kia thì đưa lên bịt miệng, ngăn cho tiếng nấc nghẹn không thốt ra bên ngoài. Và, chúng tôi chỉ chịu quay về buồng riêng khi trông thấy thầy tôi ngồi phịch xuống tấm phản được lắp ghép tạm bợ, ôm đầu thề thốt với u tôi.
Như thường lệ, u chỉ im lặng rồi thở dài một tiếng. Đó là sự chấp nhận.
– Đây là lần cuối cùng.
Nghe xong câu nói ngắn ngủn ấy, thầy tôi mới đứng dậy, tiến lại gần chỗ u tôi đang đứng. Hình như, thầy phải cố lấy hết can đảm mới dám đặt tay lên bờ vai mảnh khảnh của vợ mình, vỗ vỗ nhẹ hai cái.
– Tôi hứa với mình. Tôi chỉ có mình và các con thôi! – đôi môi thầy hơi mím lại, còn ánh mắt ánh lên chút niềm vui le lói.
…
Ánh sáng vàng vọt từ ngọn đèn Hoa Kì tắt ngúm. Hẳn là, tôi và cái Vân sẽ phải trải qua một đêm chẳng mấy trọn vẹn, khi mà những lời cãi vã của thầy u cứ văng vẳng bên tai, hệt như thứ âm thanh chát chúa ám ảnh mãi không thôi. Thực lòng, tôi cũng khó chấp nhận việc thầy lén lút sống bên cạnh một người đàn bà khác, dù đã có gia đình riêng với vợ và hai đứa con thơ. Nhưng, nếu u đã chấp nhận tha thứ cho thầy, nuốt nước mắt vào trong vì hai anh em tôi, thì việc ngày đêm đay nghiến lại sai lầm đã qua liệu có hơi quá đáng?
Cứ thế, tôi lại nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ về mấy câu chuyện trống rỗng cho tới khi bờ mi dần khép lại.
Ngoài kia, gió bấc vẫn cứ thổi theo trận mưa ào ạt.
***
Còn nữa…
Nguyên An