Tâm ma| Khách sạn Vũng Tàu (Phần 2): Rừng cao su

No votes yet.
Please wait...

Dũng và Điền cực kỳ ngạc nhiên khi Nhi không chịu đi thang máy mà muốn đi cầu thang bộ.

– Chẳng phải hôm qua cậu nhất quyết không xuống dưới vì không muốn leo cầu thang sao? – Điền hỏi.

 – Hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay. – Nhi đáp, vẫn chưa hết giận.

– Cậu lạ thật đấy! – Dũng khó hiểu.

Nhi mặc kệ hai cậu con trai, bỏ đi trước. Cầu thang hẹp vang vọng tiếng bước chân vội vã của Nhi, Nhi nghe thấy tiếng lăn lông lốc ở sau lưng, tiếng nước chảy tràn qua các bậc cầu thang. Không dám ngoảnh đầu lại nhìn, chân lao nhanh như chạy, suýt nữa Nhi ngã bổ nhào, cắm đầu xuống đất.

Nhưng lúc xuống dưới sảnh, Nhi đâm sầm vào một người, cả hai ngã lăn trên nền, cô gái kia rên lên một tiếng đau đớn, tay bị đập vào cạnh tường.

– Xin lỗi… xin lỗi! – Nhi rối rít, nhận ra cô chủ khách sạn.

Quỳnh chật vật đứng lên, ôm lấy tay rên rỉ. Nhi còn ngơ ngác ngồi trên nền, ngoảnh đầu lại nhìn chân cầu thang, cái đầu nhảy lóc cóc quay ngược lên, dòng máu đỏ ngòm cũng rút ngược về, biến mất.

– Có chuyện gì thế, cậu không sao chứ?

Điền và Dũng từ thang máy đi ra, thấy Nhi và Quỳnh vội chạy đến. Điền kéo Nhi đứng lên.

– Sao thế?

– Tớ không cẩn thận.

Nhi đáp, quay sang Quỳnh, bối rối.

– Thực xin lỗi!

Quỳnh lắc đầu, nhưng đó là cái lắc đầu phiền chán và khó chịu, Điền và Dũng đưa Quỳnh đi bôi thuốc. Dù là kẻ gây ra lỗi nhưng thấy mình không còn chỗ chen chân nên Nhi đành đứng ngoài.

Lát sau, hai chàng trai đi ra, ánh mắt họ nhìn Nhi ra chiều trách móc.

– Cậu làm sao thế? – Dũng hỏi.

– Tớ không muốn ở khách sạn này, chúng ta thuê chỗ khác đi.

– Có chuyện gì thế? Tự dưng cậu lại đòi chuyển đi nơi khác.

Nhi bần thần nhìn vào cánh cửa thang máy đang đóng im lìm.

– Lúc nãy các cậu đi thang máy có nhìn thấy gì lạ không?

– Không! – Điền trả lời. – Bộ cậu nhìn thấy thứ gì hả?

Nhi gật đầu.

– Ừ, một hồn ma!

– Xin cô hãy cẩn thận lời nói, những tin đồn nhảm nhí, không chứng thực được sẽ gây phiền phúc cho khách sạn chúng tôi. – Quỳnh đứng sau Nhi dõng dạc nói, đôi mắt cương nghị nhìn Nhi chằm chằm.

Nhi hơi cụp mắt trước sự buộc tội của Quỳnh, nhưng tự cảm thấy mình chẳng làm gì sai trái, Nhi nói.

khach-san-vung-tau2
Truyện ma hay

– Có thể cô không tin nhưng đó hoàn toàn là sự thật, tôi chỉ nói những gì mình nhìn thấy thôi. Đây là khách sạn nhà cô, những gì đã xảy ra ở đây, cô phải là người rõ nhất.

– Vâng! Và tôi xin cam đoan với cô rằng không có một hồn ma nào hết. Chuyện ma quỷ, thật nhảm nhí!

Nhi thấy mặt mình nóng lên nhưng Dũng đã ngăn lại.

– Xin lỗi, bạn tôi không có ý gì đâu.

Quỳnh không muốn đôi co thêm liền trở về phòng giải quyết công việc, trước khi đi cô còn hỏi Dũng và Điền có muốn đi chơi cùng cô như hôm qua không.

Nhi bực mình.

– Thì ra tối qua các cậu đi với cô ta à?

Dũng và Điền ậm ừ trả lời rồi lảng sang chuyện khác.

– Nhưng chuyện cậu nhìn thấy ma là thật hả? – Điền hỏi, giọng lo lắng.

Nhi trả lời.

– Tớ đã bao giờ lừa các cậu chưa? Tớ có linh cảm xấu về nơi này, nhưng có quyết định đi hay không còn tùy các cậu nữa.

– Mệt mỏi thật! – Dũng cáu tiết. – Nhưng thôi, ma mãnh gì thì cũng bỏ qua hết. Đi, giờ chúng ta đi chơi thôi.

***

Biển xanh rì, ồn ào, những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau tới tấp xô vào bờ. Nhi ngồi trên một mỏm đá, sóng vỗ dưới chân, nhìn Dũng và Điền đang bơi ngoài xa.

Gió thổi lồng lộng, mát mẻ; vì không phải ngày lễ hay cuối tuần nên bãi biển không đông người lắm. Bãi cát lưa thưa vài chiếc dù, xa xa những ngọn cờ đen bay phấp phới, đánh dấu những chỗ nước sâu, nguy hiểm, cấm bơi đến gần.

Một gia đình bốn người cắm trại gần chỗ Nhi, ông bố dựng cây dù còn bà mẹ đang trải bạt, sắp xếp đồ ăn. Hai bé trai chạy ùa ra đón sóng, tiếng trẻ con cười vang vui vẻ khiến Nhi cũng thấy vui lây.

Chợt, gió thổi bay chiếc mũ màu đỏ lựu, rộng vành của thằng em nhỏ, chiếc mũ lăn vài vòng trên bãi cát. Thằng anh lớn chạy đuổi theo, nhưng không kịp, gió thổi tung chiếc mũ bay ra biển, những con sóng chồm tới đón lấy, cuốn ra xa. Thằng bé vội lội xuống biển, bơi theo, giành lại mũ cho em, gần, rất gần nhưng sóng cứ cuốn chiếc mũ trôi lềnh bềnh ra xa, thằng bé thì cứ bơi lao tới. Cái đầu nhỏ đen của nó nhấp nhô trên mặt nước, điểm đỏ hồng của chiếc mũ cũng nhấp nhô, càng ngày càng nhỏ lại, trôi xa.

Chỉ vài giây Nhi rời tầm mắt đã không thấy thằng anh lớn đâu, trên bãi biển, thằng em nhỏ đứng lặng người, ngơ ngẩn nhìn ra xa.

Theo hướng thằng bé, Nhi nhìn, chiếc mũ đỏ nhấp nhô ngay chỗ mấy cây cọc cắm cờ đen.

Nhi vội bật dậy, lao nhanh ra biển, bơi đến. Trời ạ! Thằng bé đâu?

***

Khi Quỳnh sắp xếp công việc và xử lý sổ sách xong thì đã mười một rưỡi, vẫn chưa thấy ai trong nhóm Điền, Dũng về; nghĩ lại những lời nói ban sáng của Nhi, Quỳnh không khỏi tức giận. Khách sạn nhà cô có ma ư? Thật là nhảm nhí! Nhưng Quỳnh cũng không thể giải thích được những điều kỳ lạ xảy ra trong khách sạn, tình hình kinh doanh xuống dốc, những lời đồn đại, thái độ cư xử kỳ lạ của nhân viên… Kể cả chuyện người kế toán đã lấy cắp tiền bỏ trốn. Tất cả mọi chuyện xảy ra, thật mù mờ, phi lý. Quỳnh đã điện thoại hỏi ba mẹ, anh trai nhưng chỉ nhận được những câu trả lời qua loa, lấp lửng. Thái độ gay gắt của anh trai cấm cô đừng xía mũi, đào bới chuyện của người kế toán cũ càng khiến cho Quỳnh nghi ngờ và lo lắng hơn. Liệu còn có điều gì bí ẩn sau những gì Quỳnh đã được nghe và nhìn thấy?

Nhức đầu, Quỳnh rời bàn làm việc; nghĩ lại những lời nói ban sáng của Nhi, Quỳnh muốn đi kiểm chứng. Một con ma trong thang máy ư? Quỳnh nhếch môi mỉm cười, cô thật muốn được nhìn thấy ma một lần cho biết!

Quỳnh nhấn nút, cửa thang máy mở ra, bước vào, cánh cửa thật lâu sau mới đóng lại, chậm rì.

Quỳnh nhìn quanh, chẳng có gì, chỉ là một cái hộp khép kín, bốn mặt vách sáng như gương, soi hình bóng Quỳnh từ bốn phía. Thang máy chầm chậm đi lên, thật chậm, đến mức Quỳnh thấy sốt ruột, mãi mới đi lên được một tầng.

“Có lẽ mình nên gọi bảo trì lần nữa”, Quỳnh nghĩ, cảm thấy nếu cô là khách thuê phòng cũng thật khó chịu; đi thang máy thế này, thì leo cầu thang bộ còn nhanh hơn.

Chợt, thang máy chững lại, cô không còn cảm thấy sự di chuyển, dường như có một thứ gì đó nặng nề đang đè lên, nén lại, chặn đứng sợi dây ròng rọc ở phía trên. Thang máy dừng hẳn lại, Quỳnh ngước nhìn lên. Trên trần, mặt gương sáng loáng in gương mặt Quỳnh và gương mặt của một người đàn ông với cái đầu dập nát. Quỳnh giật nảy người hét lên, lùi ra xa, tròng mắt của người đàn ông di chuyển nhìn theo Quỳnh, máu từ mắt, miệng và mũi của anh ta nhỏ xuống, rớt từng giọt tong tong. Từ khe cửa, máu cũng tràn ra, chảy ào ào. Gương mặt người đàn ông trên trần biến mất nhưng có tiếng đập cửa ầm ầm. Những ngón tay luồn qua khe cửa, tách ra, cánh tay thò vào, nhắm Quỳnh hướng đến.

– Không!… Tôi không ăn cắp… Nghe không?!

Tiếng vang vọng gầm gừ, nghèn nghẹn đầy phẫn uất, hai con mắt từ khe cửa đỏ ngầu tơ máu nhoèn lẫn với đất cát, nhìn chòng chọc vào trong.

Quỳnh co rúc trong góc thang máy ú ớ, ngất lịm đi.

***

– Cậu Hưng, tôi không thể làm thế được. Tôi chỉ là một người làm công thôi, cậu là cậu chủ, khách sạn này về sau cũng là của cậu. Cậu cứ phải làm khó tôi làm gì.

– Ra anh cũng biết tôi là chủ ở đây à? – Hưng tức giận đập bàn.

– Sao cậu không nói cho ông bà chủ biết? Rồi họ cũng sẽ giúp cậu thôi.

– Nói cho ông bà già tôi? Hay thật, bao nhiêu tiền của ông bả đổ cho đứa con gái cưng đang du học bên Mỹ kìa. Chết tiệt! Cái khách sạn này sau rồi cũng thành của nó thôi. Ông bả muốn cho tôi ra rìa đây mà. Hừ, nhưng thằng này không dễ chịu thiệt đâu.

Thành im lặng, tai giả điếc vờ như không nghe, anh chỉ muốn làm tốt công việc của mình.

Hưng đổi giọng nhỏ nhẹ, ra chiều dụ dỗ.

– Này anh, tôi biết anh cũng chẳng giàu có gì, sao anh không hợp tác với tôi nhỉ? Dù sao đây cũng là khách sạn nhà tôi mà, anh giúp tôi lấy tiền của tôi. Đôi bên cùng có lợi, anh cũng đâu mất gì!

Hai tai Thành đỏ hết lên, anh nói bằng giọng cương quyết.

– Cho dù đây là khách sạn nhà cậu nhưng người trả tiền công cho tôi là ba mẹ cậu chứ không phải cậu. Xin lỗi cậu! Tôi không thể giúp cậu việc này được. – Nói rồi, Thành xách cặp bỏ đi.

Hưng không ngờ mình bị từ chối thẳng thừng như thế, cậu tức giận, chửi đông đổng.

– Đồ ngu! Nghèo mà còn bày đặt sĩ diện. Mày nghĩ mày là ai hả?

Thành quay người lại, hai hàng chân mày nhíu rịt lại với nhau, Hưng tưởng Thành sẽ nổi điên, sẽ lao đến đánh mình nhưng Thành chỉ đứng đó, nhìn Hưng, cái nhìn mà Hưng cảm thấy chưa bao giờ cậu bị sỉ nhục như thế này.

– Tôi không nghĩ tôi là ai cả. Tôi là chính tôi – không phải một thằng ăn cắp. Thưa cậu chủ của tôi ạ!

Cánh cửa đóng sập lại, Hưng đập bàn, thở phì phò.

Tất cả người làm công trong khách sạn đều để ý thấy rằng cậu chủ ghét cay ghét đắng anh nhân viên kế toán. Bản báo cáo, kiểm kê của tháng đưa về, chưa cần xem đã bị trả lại, cậu ta soi từng lỗi nhỏ nhất, vô cớ nhất, mắng chửi Thành thậm tệ trước mặt các nhân viên. Ai cũng bức xúc, nhưng Thành chỉ đứng đó, nở nụ cười nhàn nhạt, nhìn Hưng như cậu ta là một sinh vật không hề tồn tại cũng chẳng đáng quan tâm, điều này lại khiến Hưng tức giận hơn bao giờ hết. Tuy vậy, Hưng không dám tự ý đuổi Thành, dù căm ghét thái độ xấc xược, không nể mặt của anh ta nhưng cậu biết anh ta là một người được việc, dù gì, việc quản lý khách sạn từ trước đến nay đều một tay Thành lo liệu, cậu chưa bao giờ động tay xử lý việc gì. Hơn nữa, anh ta lại là một người được ba mẹ cậu cực kỳ tin tưởng.

Hưng bắt tay vào công việc quản lý khách sạn. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên, dè chừng, cứ như thể cậu chủ đang âm mưu điều gì đó. Hưng chỉ đạo, sắp xếp mọi việc, làm theo ý mình và cậu làm xáo tung mọi thứ vốn dĩ đã đi vào nề nếp và đang hoạt động trơn tru. Những nhân viên không chịu được bất mãn nghỉ làm, Hưng thay bằng những người biết chạy theo bợ đỡ cậu, biết nịnh nọt nhưng lại không biết việc để làm. Tất cả sổ sách Hưng giữ lại, chất đống, thỉnh thoảng cậu sẽ gọi Thành lên trách cứ, bắt Thành giải trình về những khoản hụt trong sổ sách mà Thành chẳng được động tay. Tin đồn về anh nhân viên kế toán đang rút rỉa tiền của khách sạn được lan ra, đồn thổi trong đám nhân viên mới.

Thành được gọi lên phòng Hưng, cậu mở cửa phòng, Hưng gác chân lên bàn làm việc, tay kẹp một điếu thuốc rít từng hơi dài.

– Cậu cho gọi tôi?

Hưng chỉ vào chiếc ghế, ra hiệu cho anh ngồi xuống, nhưng Thành vẫn đứng đó, như không nhìn thấy.

– Anh thấy tôi làm việc có tốt không? – Hưng nhìn Thành, cười thỏa mãn.

– Cậu đang phá hỏng mọi thứ đấy. Cậu hãy dừng lại khi còn kịp.

– Ồ! Anh đang dạy khôn tôi đấy à? Dạo gần đây, anh có nghe thấy gì không nhỉ? Có tin đồn anh đang ăn cắp tiền khách sạn nhà tôi đấy. Ba mẹ tôi cũng đã hỏi thăm đến anh. Ồ, anh đừng lo lắng quá! Anh đang tức giận đấy à? Tôi đã giải thích với ba mẹ tôi rồi, rằng anh thật thà lắm. Anh thật thà, và trung thành lắm, cũng chẳng hơn một thằng ăn cắp là bao.

Hưng cười rũ rượi, cực kỳ khoái chí, tiếng cười vang vọng khắp căn phòng. Thành  vẫn đứng đó, nhìn Hưng, không bộc lộ vẻ tức giận nhưng ánh mắt anh lạnh lùng đến nỗi Hưng không còn cười nổi nữa.

– Hừ! Anh lại ra vẻ thanh cao đấy à? Rốt cuộc anh cũng là một thằng ăn cắp, một thằng ăn cắp mà thôi.

– Cậu thôi mấy trò trẻ con của cậu đi cậu chủ ạ. Tôi không quan tâm người khác nghĩ gì về tôi, miễn rằng tôi không làm điều gì sai trái. À, khách nói thang máy khách sạn gặp trục trặc rồi đấy, cậu gọi người đến bảo trì đi. Tôi xin phép!

– Rồi anh sẽ phải quan tâm thôi, tôi sẽ cho anh thấy. – Hưng lẩm bẩm.

Thành bước vào thang máy, nhấn nút, cánh cửa đóng lại, từ từ đi lên. Đến nơi, thang máy dừng lại, cánh cửa chần chừ mãi chưa mở ra. Chợt, đèn trên trần tắt phụt, tối om, thang máy rơi thẳng xuống.

***

Nhi choàng tỉnh dậy, trước mắt cô là một màu trắng tinh, lát sau mới lờ mờ hiện ra khuôn mặt của Dũng và Điền đang dồn đến.

– May quá, cuối cùng cậu cũng tỉnh. Cậu làm bọn này lo quá.

– Sao rồi? Cậu thấy ổn không?

Đầu Nhi váng vất đau, Nhi nhìn quanh, ngơ ngác.

– Tớ bị sao thế này?

– Cậu bị đập đầu vào đá, thật là, cậu cứu người mà suýt nữa thì mất mạng luôn rồi. Đừng làm bọn tớ lo vậy chứ.

– Thằng bé, thằng bé sao rồi?

– Ổn rồi, không sao hết, may mà cậu nhìn thấy kịp. Ba mẹ nó sợ hết hồn, cứ tự trách mình mãi.

Nhi thở phào.

– May quá!

Cả ba đứa đi thăm thằng bé. Ba mẹ nó cảm ơn Nhi rối rít, luôn miệng gọi cô là ân nhân. Thằng em nhỏ được mẹ bế trên tay, hai mắt tròn xoe, vẫn còn dại ra, ngơ ngác nhìn anh nó đang nằm ngủ trên giường truyền nước. Nhi vuốt hai má phúng phính của nó, nhỏ nhẹ.

– Anh bé không sao đâu, ổn rồi.

Mặt thằng bé xịu xuống. Tức thì, thằng nhỏ òa khóc, ré lên, nức nở. Nhi gượng cười, ngượng ngùng như mình vừa làm điều gì xấu. Nhưng dẫu sao mọi chuyện cũng ổn cả rồi!

Khi cả ba ra về thì trời đã tối mịt. Vết thương trên đầu Nhi không quá nghiêm trọng, chỉ bị trầy sơ và u lên một cục. Điền và Dũng luôn miệng trách Nhi, dặn cô không được hành động hấp tấp, suýt nữa thì Nhi đã gặp nguy hiểm rồi.

– Khi tớ đã túm được thằng bé, tớ cảm giác dường như có ai đang cầm chân mình kéo xuống. Lúc ấy tớ tưởng mình sẽ chết.

– Rồi cậu tự thoát ra? – Điền hỏi.

– Không! Có ai đó đẩy tớ lên và kéo tớ vào bờ. Tớ nói thật đấy. Tớ đã được cứu, bởi một ai đó. Tớ nghĩ chắc đó là thần hộ mệnh của tớ.

– Vậy bọn tớ phải cảm ơn người đó rồi, dù sao thì bây giờ cậu vẫn bình an mà đứng đây. Bọn tớ lo lắm đấy! – Dũng nói, gương mặt cậu cực kỳ nghiêm túc.

Nhi cười hì hì, hơi ngượng ngùng trước sự quan tâm của hai bạn. Cô biết Điền và Dũng đã rất lo lắng cho mình.

Trở về khách sạn, quầy lễ tân không thấy ai, tự lấy chìa khóa phòng, cả ba đi lên. Nhi không muốn đi thang máy nhưng Điền và Dũng kéo cô đi, hai cậu rất muốn kiểm chứng thử rằng có thật trong thang máy có ma không.

Nhấn nút, cửa hai máy từ từ mở ra, không thấy con ma nào nhưng cả ba đều giật mình khi nhìn thấy Quỳnh ngất lịm trong thang máy.

***

Nhi ấn huyệt nhân trung, Quỳnh bị đau, nhíu mày tỉnh dậy. Cô hốt hoảng, nhìn quanh, thở phào khi không phải đang ở trong thang máy.

– Sao trông cô hoảng sợ thế, cô đã nhìn thấy gì à? – Nhi hỏi, nở một nụ cười, như thể cô đã biết hết.

Quỳnh chột dạ, bối rối, nhưng rất nhanh, cô đã lấy lại sự bình tĩnh.

– Có chuyện gì phải sợ chứ, chỉ là tôi mệt quá mới ngủ quên thôi. – Nói rồi Quỳnh vội đứng dậy, đi nhanh ra khỏi phòng.

– Đã muộn rồi, tôi xin phép!

Nhi đi theo Quỳnh ra đến cửa, chân Quỳnh bước nhanh trên hành lang, đi về hướng cầu thang bộ.

– Thế đấy! – Nhi khoanh tay thở dài.

***

Hơn mười hai giờ đêm nhưng Quỳnh vẫn lôi điện thoại gọi cho anh trai mình. Tiếng nhạc chuông đổ, không ai bắt máy, Quỳnh nhấn nút gọi tiếp. Cô muốn biết sự thật, cô phải tìm cho ra.

Cuối cùng, người ở đầu dây bên kia cũng bắt máy, giọng ngái ngủ, chửi xối xả một tràng.

– Con điên! Làm gì mà gọi giờ này hả? Có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?

Giọng Quỳnh gấp gáp.

– Anh, chuyện ở khách sạn nhà mình là sao hả? Có ma… em đã nhìn thấy, trong thang máy… Người kế toán, có phải, có phải… anh ta đã chết rồi không?

Im lặng, người bên kia, không trả lời.

– Anh, nói cho em biết đi! Rốt cuộc chuyện này là sao hả? – Giọng Quỳnh van vỉ.

Giọng anh cô gắt lên.

– Chẳng có chuyện gì hết. Ma quỷ gì ở đây, thôi cái trò lắm chuyện của mày đi. Đừng có bao giờ nhắc đến chuyện đó với tao nữa, nó là một thằng ăn cắp, nó đã bỏ trốn rồi. Mày nhớ lấy.

– Nhưng…

Cúp máy, tiếng tút tút chạy dài. Quỳnh gục người trên ghế, hoang mang, cô linh cảm được điều gì đó chẳng lành, có chuyện gì ghê gớm và khủng khiếp mà anh trai cô đang giấu giếm? Có khi nào anh trai cô đã… Ôi, không! Quỳnh không dám nghĩ tới.

Tiếng cậy cửa kêu lạch cạch, một bàn tay thò qua khe cửa luồn vào trong. Cánh cửa hé rộng ra để lộ thân ảnh của một người con trai với vóc người mảnh khảnh, tiều tụy, đôi chân khẳng khiu dính đầy đất cát và lá cây đi vào.

***

Dũng nhận một cuộc điện thoại, gương mặt cậu chợt căng thẳng và lo lắng.

– Sao thế, có chuyện gì à? – Điền hỏi.

– Dì Nga bị ngã trật chân, người em họ của tớ sống gần dì mới báo cho tớ biết. Tớ phải về Đồng Nai!

– Có nghiêm trọng lắm không? – Nhi hỏi.

– Không sao, nhưng giờ dì đi lại bất tiện, cần có người chăm sóc.

Điền vội vàng nói.

– Thế thì tớ cũng đi.

– Hai cậu về trước đi, tớ còn có chút chuyện muốn ở lại. Tớ sẽ theo các cậu sau.

Nhi ở lại phòng; hai cậu con trai thu dọn đồ đạc rồi xuống trả phòng khách sạn. Dũng và Điền muốn chào Quỳnh nhưng không thấy cô đâu, hỏi nhân viên lễ tân thì biết được Quỳnh đã rời khách sạn từ đêm qua, tới giờ chưa thấy đâu.

***

Nhi ngồi thẫn thờ trong phòng, chẳng biết cô đã ngồi như thế được bao lâu, đôi mắt đăm đăm nhìn cánh cửa, như thể đang đợi chờ ai đó.

– Vào đi! – Nhi gọi.

Cửa chốt bên trong xoay cái “tách”, cánh cửa từ từ mở ra, khép lại, không thấy người đi vào.

– Anh muốn tôi giúp gì?

Im lặng.

Nhi thở dài, vẻ mệt mỏi.

– Lẽ ra tôi không nên dính vào chuyện này. Tôi đã có thể đi rồi, anh biết không? Nhưng tôi vẫn ở lại. Vì sao nhỉ? Chính tôi cũng chẳng biết, ngày hôm qua tôi vừa cứu một đứa trẻ, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến anh. Biết đâu anh cũng đang cần được cứu. Không! Những người ở đây mới cần được cứu!

Lọ hoa trên bàn đột nhiên phát nổ cái “bụp”, vỡ tung, nước và các mảnh thủy tinh vương vãi trên sàn.

– Tôi muốn gặp quản lý.

– Xin lỗi, hiện tại cô ấy không có trong khách sạn.

– Vậy phiền cô gọi điện cho cô ấy giùm, bảo cô ấy đến khách sạn ngay, có người cần gặp cô ấy gấp.

Cô lễ tân chần chừ, không muốn điện. Nhi nói.

– Bảo với cô ấy rằng tôi biết chuyện về người kế toán. Cô ấy sẽ gặp tôi thôi. – Nói rồi, Nhi bỏ đi.

Chưa đầy nửa tiếng sau, phòng Nhi đã vang lên tiếng gõ cửa.

– Cô vào đi!

Đẩy cửa, Quỳnh bước vào phòng, vẻ mặt hằm hằm tức giận.

– Rốt cuộc cô muốn gì?

Nhi vẫn ngồi trên ghế, nhún vai.

– Cô hỏi tôi muốn gì mà không quan tâm tôi đã biết gì sao?

– Cô… cô. – Quỳnh chỉ tay vào mặt Nhi, nói không nên lời.

Nhi đứng dậy, bước đến gần Quỳnh. Mỉm cười.

– Hẳn cô cũng đã thấy rồi, hồn ma trong khách sạn này ấy. Cô xem anh trai cô, gia đình cô đã làm gì nào?

– Đó chỉ là một tai nạn! – Quỳnh hét lên.

Nhi nắm thóp.

– Một tai nạn được xử lý quá khéo! Không một thông tin nào lộ ra ngoài, không ai biết. Anh ấy không có người thân, cho nên càng thuận lợi, đúng không?

– Không!

– Nhân cái chết của anh ta, anh trai cô lại thừa cơ lấy đi một khoản tiền lớn, vu cho anh ta là ăn trộm, cuỗm tiền bỏ đi; như thế là đã hợp lý hóa sự biến mất vô cớ của người kế toán.

– Không, không phải! Cô… cuối cùng thì cô muốn gì hả?

Nhi lạnh lùng nói.

– Đừng hiểu nhầm, tôi chẳng muốn gì hết. Tôi chỉ là có ý tốt thôi. Tôi muốn biết, các người đã chôn anh ấy ở đâu?

– Tôi không biết! – Quỳnh thều thào đáp.

Nhi nhìn Quỳnh thật lâu.

– Này cô, tuy rằng ngay từ đầu tôi đã không thích cô nhưng tôi nghĩ cô không phải là người xấu. Anh trai cô, gia đình cô đã làm những gì, chắc bây giờ cô là người rõ nhất. Cô không thể biện minh cho hành động của họ được đâu. Oan có đầu, nợ có chủ. Cô có tin vào nghiệp báo không? Ôi, cô đừng nghĩ rằng tôi mê tín thế. Tôi không thể giúp gì cho cô được. Tôi không thể bắt ai đó hối hận về hành động họ đã làm. Nếu cô thấy lương tâm mình cắn rứt thì hãy làm điều gì đó đi. Ít ra mọi chuyện còn có thể cứu vãn được.

***

Con Tuyền từ trong nhà lao cái ào ra ngõ, quắn quýt vẫy đuôi mừng. Người em họ của Dũng đứng nói chuyện với cậu được một lát, kể lại tình hình rồi gấp gáp rời đi. Dì Nga ngồi trên ghế, bàn chân sưng vù, bầm tím đang chườm đá.

– Dũng đấy hả con? – Dì Nga khàn khàn gọi.

– Dạ, con nghe dì bị té. Dì sao rồi, còn đau lắm không?

– Dì không sao, chỉ là giờ không đi được. Già rồi, mắt cũng kèm nhèm quá. – Dì cười nhẹ. – Mấy đứa cũng đến thăm dì đấy à. Phiền mấy đứa quá, đang đi chơi mà bị dì phá rối thế này.

– Đâu có gì đâu ạ. Là bọn con muốn thăm dì mà. – Điền tươi cười nói.

– Nhưng sao dì lại bất cẩn thế, dì bị ngã ở đâu?

Khuôn mặt dì Nga vốn đã hằn sâu những vết nhăn giờ trông lại rúm ró hơn.

– Tại tối đó dì nghe tiếng chó sủa, cứ tưởng ai đến thăm. Dì thấy một người đàn ông đứng ngoài sân – mấy đứa cứ bảo dì nhìn nhầm nhưng đúng là dì đã thấy. Dì đến gần, hỏi ai đó thì người đó bỏ đi, rồi biến mất nhanh như một bóng ma vậy. Dì đuổi theo, bị ngã, may mà dì còn lết vào nhà được rồi gọi điện cho mấy đứa.

Dũng căng thẳng.

– Nguy hiểm quá, may mà dì không sao, lần sau đêm tối, dì đừng có đi ra ngoài nữa. Nhưng thật, dì nhìn thấy có người à?

Dì Nga gật đầu.

– Đúng là dì nhìn thấy người mà, dù mắt dì đã mờ lắm nhưng rõ ràng đó là một người đàn ông. Không chỉ dì nhìn thấy, nó còn nhìn thấy mà, đúng không? – Dì Nga chỉ vào con Tuyền.

Chú chó ngồi trên nền nhà, le lưỡi, ngoe ngẩy đuôi như đồng ý.

– Bây giờ thì dì cứ nghỉ ngơi đi. Cháu sẽ ở đây chăm sóc cho dì.

– Ừ.

Dì Nga lại ngả người trên ghế lim dim, miệng rít những tiếng rên hừ hừ nho nhỏ.

Dũng phải đi mua ít thực phẩm và đồ dùng cần thiết. Từ đây đến chợ cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ, dù rất muốn đi cùng Dũng nhưng Điền phải ở lại để chăm sóc dì Nga.

Hầu hết thời gian dì Nga đều im lặng, lim dim mắt, như ngủ, Điền không biết dì có ngủ thật hay không. Những lúc nhìn dì nằm yên nhắm mắt như thế, chẳng hiểu sao cậu lại thấy sợ, như thể đó không phải là một người sống mà là một xác khô, ngồi yên, bất động. Điền kinh sợ khi nghĩ đến một ngày, dì cứ ngồi như thế rồi chết đi trong ngôi nhà lạnh lẽo, giữa rừng cây hoang vu thảng hoặc mới thấy một bóng người.

Điền dọn dẹp, quét tước sân vườn, xong đâu đấy, chẳng còn việc để làm, cậu buồn chán đi lại trong nhà, đếm thời gian trôi trên chiếc đồng hồ treo tường nhích từng mũi kim chậm chạp. Mỗi phút giây trôi qua thật buồn chán và kinh khủng, cứ như cậu đang bị bỏ lại, một mình, giữa rừng cao su u ám với xác một bà già chết khô.

Dì Nga nhấc chân, làm đổ chậu nước, ho khù khụ. Điền giật mình, vội chạy đến. Hai mắt dì mở lớn, như đang hốt hoảng điều gì – đôi mắt đã đục ngầu, nhìn không rõ.

Dì rên lên vì đau, Điền thay đá chườm, gợi dì nói chuyện, nếu không hẳn cậu phải chạy ngay khỏi ngôi nhà này vì sợ – nỗi sợ mà Điền cũng chẳng biết là do đâu.

– Lúc nãy dì mơ thấy gì thế? – Điền hỏi, rồi lại tự ngạc nhiên với câu hỏi của mình.

Dì Nga lúc này trông giống một đứa trẻ đang còn ngái ngủ, bị giật mình tỉnh giấc. Dì quạu quọ, rên rỉ, trở người, muốn đứng lên nhưng cái chân đau giữ dì ngồi lại. Mắt dì ngơ ngẩn nhìn khắp nhà, như đang tìm kiếm thứ gì đó, dì nói, Điền biết rõ rằng dì không nói với mình.

– Cậu là ai thế? Đến tìm tôi làm gì? Bà già này không giúp gì được cho cậu đâu!

Một luồng gió thoảng qua khiến Điền rùng mình, ớn lạnh, gió cuốn cát bụi và lá khô vào nhà. Lá cao su khô cong vàng rực rải rác dưới nền.

Có tiếng xe máy chạy ngoài sân, Dũng đã về, Điền thở phào, nhẹ nhõm.

***

Trời đã mờ mờ tối, xiên thịt nướng phơm nức, kêu xèo xèo. Điền thấy lạ, cậu chẳng thấy con Tuyền đâu, cậu đi khắp trong nhà; ngoài vườn gọi nó, vẫn không thấy bóng dáng.

Điền xách đèn pin đi tìm, trời sắp tối hẳn. Rừng cao su trước mắt âm u, mịt mùng trong một làn hơi mờ mờ, quanh quẩn vừa như sương lại vừa như khói.

Điền đi, không chủ đích, biết rằng có thể mình sẽ bị lạc trong rừng cao su nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc, dẫn cậu đi. Đôi chân dường như đã không còn do cậu điều khiển nữa. Bóng đêm phủ xuống nhanh, mịt mùng, không gian lờ mờ trước mắt.

Ánh đèn pin quét qua từng luồng sáng loáng, Điền nghe tiếng lạo xạo phía trước. Trong ánh sáng của cây đèn trong tay, Điền nhìn thấy con Tuyền đang hì hục cào đất, bới tứ tung thành một cái hố rộng, như thể đang nó đang tìm kiếm thứ gì. Con Tuyền chuyên tâm tới nỗi, cậu gọi mà nó không nghe, vẫn hì hục cào, rồi nó chúc đầu xuống, dùng mõm ngoạm lên. Điền chết điếng! Trong mõm chú chó là một bàn tay người.

 

 

No votes yet.
Please wait...

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *