SÁNG TÁC NHÓM – THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN ?
|Đây là câu hỏi mà bản thân mình được hỏi vào ngày đi phỏng vấn về công việc sáng tác nhóm này. Chắc chắn một ngành nghề nào, một phương thức hoạt động nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Dưới đây là một số điều bản thân mình đúc kết được trong gần nửa năm làm công việc sáng tác nhóm này.
Có lẽ nhiều người sẽ nhìn thấy khó khăn trước tiên và nhiều hơn, bởi đơn giản mô hình sáng tác nhóm quá lạ lẫm. Rất nhiều câu hỏi mình nhận được về công việc đang làm, nào là: Sáng tác sao lại làm nhóm được?, Cứ làm nhóm vậy rồi một thời gian sau tất cả sẽ giống hệt nhau thì sao?,… Mọi người bâng khuâng cũng là điều dễ hiểu, bởi đúng là, sáng tác nhóm có những khó khăn riêng của nó mà thực tế cho thấy, không phải ai đam mê văn chương và lựa chọn con đường sáng tác đều làm được.
Đầu tiên phải kể đến chuyện hòa hợp. Hòa hợp – tưởng như đơn giản nhưng thật ra là một vấn đề gồm rất nhiều vấn đề lớn nhỏ bên trong. Hòa hợp ở đây không phải chỉ là chuyện vui vẻ với nhau, không có xung đột,… mà còn là chuyện thật sự mở lòng và hiểu nhau. Trong một tập thể, chúng ta có thể chơi hợp với người này mà không hợp với người kia, điều đó rất thường tình. Nhưng trong công việc, tất cả đều phải được đặt ở một vị trí ngang hàng và cần được mở lòng cũng như thấu hiểu ở mức độ giống nhau, ít ra đủ để lợi ích chung là sản phẩm đạt hiệu quả tốt. Hòa hợp ở đây còn là chuyện tiết chế cái tôi cá nhân của mình trong quá trình làm việc, lắng nghe nhiều hơn. Bởi suốt quá trình sáng tác, từ giai đoạn làm đề cương, ý tưởng cho đến khi bắt tay vào viết sản phẩm chi tiết, tất cả đều phải được thống nhất và trôi chảy như một người làm. Nhiều người lầm tưởng rằng nói như vậy nghĩa là về với Nhóm 4.0 thì phải trở nên những con người hèn nhát, mờ nhạt, có tính bầy đàn và không dám nói ra chính kiến. Sự thật hoàn toàn ngược lại, cả Nhóm đã có nhiều lần tranh cãi gay gắt khi bàn đề cương, ý tưởng, thậm chí “lệch pha” nhau trong sản phẩm chi tiết, thậm chí phải xáo team, thay đổi cộng sự,…
Vì là sáng tác nhóm nên chuyện hỗ trợ nhau là một trong những điều thiết yếu mà các thành viên đều phải đáp ứng. Trước đây, tất cả đều quen với chuyện sáng tác cá nhân, nên thời gian đầu về với Nhóm, mọi người vẫn còn mang tư tưởng mạnh ai nấy viết. Viết tốt không có nghĩa sẽ hỗ trợ được người khác tốt, chưa kể chuyện hỗ trợ – theo đúng nghĩa – thì tốn thời gian hơn rất nhiều là tự mình nhận lấy về làm. Thời gian đầu, một phần vì chưa thân thiết nhau, chuyện hỗ trợ nhau của cả nhóm hầu như rất hời hợt, qua loa, lấy lệ, và đương nhiên không đem lại hiệu quả gì. Tất cả đều phải tập làm quen.
Khó khăn lớn hơn nữa đó là chuyện đưa văn phong về một giọng. Vốn dĩ, mỗi người có một giọng văn riêng, không ai giống ai; có người viết văn ngắn gọn súc tích, có người lại viết mượt mà lê thê; có người giọng văn đanh và rắn rỏi, lại có giọng văn bay bổng, nhẹ nhàng,… càng rất khó để học. Hơn nữa, giọng văn còn được cho là thứ đánh dấu phong cách cá nhân của mỗi người, nên bên cạnh chuyện có thể hay không thể hòa hợp, thì nhiều người thậm chí không sẵn sàng để hòa hợp. Đã thế, không phải cứ làm nhóm với người này thì sẽ chết dí với người này, vừa xong một sản phẩm đã xáo team ngay, vừa vật vả thay đổi giọng văn theo cộng sự đó xong, lại “lao” vào hành trình chinh phục một giọng văn khác.
Tuy nhiên, khó khăn là vậy, nhưng thuận lợi cũng rất nhiều. Cái lợi dễ dàng nhìn thấy nhất đó là tốc độ sáng tác cực kỳ nhanh. Khi đã khắc phục được những khó khăn trên và dần ổn định về cách thức làm việc, thì việc còn lại chỉ là tập trung vào sản phẩm chi tiết, thì chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm đã thành hình thành dạng. Thay vì nếu một người viết một bộ tiểu thuyết trong vòng ba tháng, thì sáng tác nhóm đã rút gọn lại thành một tháng với một nhóm ba người.
Song song với chuyện rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, là việc mở rộng quy mô của sản phẩm. Nếu trước đây, một người có thể chỉ viết được một tác phẩm tiểu thuyết khoảng 100 nghìn từ, thì bây giờ hoàn toàn có thể xây dựng những bộ tiểu thuyết gồm nhiều cuốn 100 nghìn từ. Nếu có mười người, một bộ mười cuốn là điều hoàn toàn khả thi.
Ngoài ra, lợi ích lớn nhất mà sáng tác nhóm mà mình nhận thấy được, đó là như ông bà ta vẫn nói: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần một thành viên trong nhóm bí dù chỉ là từ ngữ, tiểu tiết, hay ý tưởng, thì ngay lập tức sẽ có sự trợ giúp. Làm việc nhóm, nhiều cái đầu cùng làm việc, cùng tư duy, cùng bắt lấy ý tưởng của nhau, nên ít có vấn đề gì mà không giải gỡ được. Đây cũng là lợi ích mà mình thích thú nhất ở Nhóm 4.0.
Mong rằng thời gian tới, Nhóm 4.0 sẽ nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn và phát huy tối đa những thuận lợi, để ngày càng phát triển và vươn xa hơn, đem đến cho bạn đọc những sản phẩm giá trị nhất có thể.
DIỆP THANH