ĐỂ EM KHỎI LẠC TRONG KHU PHỐ

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Patrick Modiano sinh năm 1945 khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Ông không biết gì về thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng, đúng hơn là một trải nghiệm thực tế để ông lấy đó làm tư liệu viết. Tuy nhiên với một người ám ảnh về những ký ức thì điều đó không khó gì. Không cần thiết bạn phải trải qua một thời kỳ, biến cố của lịch sử thì mới có thể viết được một cách chính xác. Và Modiano đã thám hiểm ký ức theo cách của riêng ông. Ông viết:

“Một vết côn trùng chích, thoạt tiên rất nhẹ, sau đó khiến ta càng lúc càng đau dữ dội, và chẳng bao lâu là cảm giác rách toạc. Hiện tại và quá khứ trộn lẫn vào nhau, mà chuyện đó có vẻ thật tự nhiên, bởi chúng chỉ bị chia cách bởi một vách ngăn bằng màng nhựa trong. Chỉ cần một vết côn trùng chích là đủ làm rách lớp màng ấy.”

Ông đã bắt đầu câu chuyện của mình như thế, một sự gợi, sự liên tưởng để từ đó bám víu, và những hình ảnh và nhân vật hay sự kiện cứ thế tuôn ra. Sẽ không thể hình dung được một nhân vật nào cụ thể qua những trang viết của không. Họ ẩn hiện mờ nhạt trong màn sương mù Paris giữa tháng Mười một. Họ đi tới sở để trình báo, họ đi ăn trong những nhà hàng rẻ tiền, đi xem kịch, xem phim, hút thuốc lá… rồi trở về nhà ngủ trong những căn gác tồi tàn.

Để em khỏi lạc trong khu phố

Và việc duy nhất quan trọng đối với họ là bám víu vào những ký ức, để biết mình còn tồn tại. Tuy nhiên, ở thực tại này, họ đang trốn tránh quá khứ. Như Jean Daragane, ông không có ý định lên bất kỳ một chuyến tàu nào để trở về quá khứ.

Không có cuộc gặp gỡ nào từ rất lâu rồi, và một hồi chuông điện thoại bỗng réo lên trong một ngày buồn tẻ, hẳn là rất xa lạ đối với ông. Nhưng lạ thay, cuộc điện thoại đó, từ một người đàn ông với cái tên Gilles Ottolini đã thay đổi tất cả. Người đàn ông nói, Jean đã đánh mất một cuốn sổ và ông đang cầm cuốn sổ đó. Địa chỉ, số điện thoại đều được ghi trong đó.

Gilles Ottolini không đơn giản là muốn trả lại Jeans cuốn sổ đó, điều người đàn ông xa lạ quan tâm là một cái tên trong đó. Cái tên Guy Torstel không gợi cho Jeans bất cứ một dư ảnh nào. Dẫu cho Gilles đã nói, cái tên đó xuất hiện trong cuốn sách Bóng Đen Mùa Hè mà Jeans đã từng viết. Nhưng không thể, chỉ là một khoảng trắng. Những ký ức trong Jeans bị đứt đoạn mà ông không tài nào nhớ nổi. Có những đoạn hiện hữu khá mờ nhạt, có những đoạn bị tẩy xóa một cách vụng về, chỉ lưu lại một thứ dấu vết khiến cho ta nghi hoặc, nghi hoặc chính mình. Ta đã từng gặp cô ấy. Có thể. Ta đã từng quen người đàn ông này. Có thể. Ta đã từng phỏng vấn một người tên Guy. Có thể. Tất cả, sau cùng chỉ gói gọn trong những giả thiết, miền ký ức mênh mang xa thẳm, dẫu có với tay ra khoảng không phía trước cũng chẳng thể cảm nhận được gì.

Một Paris của hiện tại những đầy rẫy những dấu vết của ký ức, của thời kỳ chiếm đóng. Nơi xóa sạch đi ký ức của một người. Nơi gợi lại trong họ những ký ức nhạt nhòa, mà hơn cả là những nỗi đau, sự buồn bã vô hình sẽ sống dậy bất cứ lúc nào trong những con người ấy, như Jeans.

Jeans không biết mấy về bố mẹ mình, nếu như một cái tên có thể khái quát lên quá khứ của anh thì đó chỉ có thể là Annie Astrand. Họ đã từng có những kỷ niệm đẹp. Họ đã từng đi bên cạnh nhau. Và…“cậu bé sẽ đi bộ đến tận phố Laferrière thẳng một mạch, luôn luôn thẳng một mạch, với tờ giấy gấp làm tư trong túi. Trên tờ giấy đó, Annie đã viết địa chỉ của họ và dòng chữ: Để em khỏi lạc trong khu phố…”

 

Nguyên Nguyên 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...