ĐIỀU TỐT ĐẸP NHO NHỎ
|Đó là một câu chuyện của Raymond Carver, nhà văn viết truyện ngắn mà tôi yêu thích nhất. Ông đã từng nói, mình chịu ảnh hưởng nhiều từ Ernest Hemingway. Không có gì là lạ, khi một nhà văn thuộc thế hệ sau lại chịu ảnh hưởng của thế hệ đi trước, những người đi tiên phong. Alice Munro đã từng được mệnh danh là bậc thầy của truyện ngắn đương đại, một Anton Chekhov đương đại.
Về Carver, tôi cho rằng, ông chẳng ảnh hưởng bởi ai, ngoài chính bản thân ông. Ngoài cái xã hội hiện đại của nước Mỹ đầy sự đổ vỡ đó. Hơn cả là những bi kịch của cuộc sống đời thường, của hôn nhân, của thuốc lá và của rượu, thực phẩm chức năng… Ông đã tái hiện lại bức tranh ấy bằng những nhát cứa dao sắc ngọt, đớn đau.
Điều tốt đẹp nho nhỏ mở đầu bằng bi kịch và kết thúc không hẳn trong bi kịch, mà kết thúc trong ánh nắng ấm áp đã tràn vào gian phòng.
Vợ chồng Homarrd – Ann Wess và cậu con trai Scotty sống rất đầm ấm, hạnh phúc… Đột nhiên ngày nọ thảm họa giáng xuống gia đình họ, cậu bé Scotty bị tai nạn phải đưa gấp vào bệnh viện. Cậu bé rơi vào tình trạng nguy kịch và đã không qua được tai nạn hiểm nghèo, vài ngày nữa là tới sinh nhật cậu bé. Mẹ cậu Ann đã đặt cho cậu một chiếc bánh sinh nhật có điền chữ Scotty trên mặt bánh. Một bi kịch rơi xuống đầu đôi vợ chồng trẻ, họ hụt hẫng, đau đớn. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng của họ.
Một người làm bánh với vẻ bề ngoài cộc cằn và có phần thô lỗ. Ông ta gọi điện tới và nhắc về Scotty – cái bánh. Ông nói thêm, nếu như họ không tới nhận bánh thì ông sẽ quăng ngay vào trong sọt rác. Ann tức giận, cái tên Scotty một lần nữa được nhắc tới như nhát dao cứa vào vết thương chưa lành của cô. Họ tức giận. Họ muốn trả thù. Họ có súng. Họ tức tốc tới tiệm làm bánh. Họ uy hiếp. Họ sẵn sàng găm một viên đạn giữa ngực tên khốn đó. Tên khốn ấy đã giết chết Scotty dấu yêu.
Người làm bánh điềm tĩnh. Cộc cằn nhưng điềm tĩnh. Ông mời hai vợ chồng ngồi xuống, ông mời họ ăn bánh, và ông nhận lỗi. Ông nói rằng, ông không có con, nhưng ông dễ nhận thấy nỗi đau đang hiện rõ, rõ mồn một trên gương mặt của đôi vợ chồng trẻ. Ngoài trời đang nóng dần, bên trong cũng vậy. Ông mời họ ngồi xuống, ông mời họ ăn bánh. Ông kể về cuộc đời không con cái của mình, về chuyện làm bánh, và về sự trống rỗng đang hiển hiện trong lòng ông. Và ông nói thêm, rằng mình rất vui khi làm ra những chiếc bánh. Điều tốt đẹp nho nhỏ ở đây, ở người làm bánh, ở những chiếc bánh, ở sự cảm thông.
Ai bảo Carver tàn nhẫn, sắc lạnh và dửng dưng. Ai bảo ông thiên viết về những đổ vỡ bi kịch. Hơn hết vẫn ẩn chứa bên trong đó sự lấp lánh, chân tình, như ngôi sao ẩn hiện giữa khoảng trời dông bão, như mọi điều nho nhỏ tốt đẹp có trên thế giới này. Và như ba con người đó, hai vợ chồng mất con, một người đàn ông thô lỗ cục cằn với những chiếc bánh ngon tuyệt. Họ đã…
“Họ nghe ông nói. Họ ăn những gì mình muốn. Họ nhai nuốt chiếc bánh mì đen. Dưới ánh đèn huỳnh quang tựa không gian như ban ngày. Họ nói chuyện mãi tới rạng sáng, lúc những tia nắng yếu ớt xuyên qua cửa sổ, mà không nghĩ tới chuyện ra về.”
Nguyên Nguyên