ĐỪNG BỎ QUÊN NHÂN VẬT PHỤ!
|Vừa qua, Waka công bố tác phẩm gây tò mò với độc giả – tiểu thuyết “Không thể chạm vào em”. Điều gây tò mò đầu tiên, đây là tác phẩm hiếm hoi về nhóm người vô tính; tiếp đến, đây là sản phẩm của một nhóm tác giả – điều mà gần như chưa từng có ở Việt Nam. Có khá nhiều ý kiến đánh giá cao tác phẩm này, tuy nhiên, cũng cần mổ xẻ tác phẩm theo một góc nhìn khác, cặn kẽ hơn và “công bằng” với nhân vật hơn.
Nhìn chung, chỉ đọc phần tóm tắt tác phẩm, người đọc cũng có thể nắm được chủ đề tư tưởng và tính nhân văn được gửi gắm trong tác phẩm. Như đã khẳng định ở trên, đề tài về người vô tính rất mới lạ và khá nhạy cảm; thế nên, rất ghi nhận việc nhóm tác giả vẫn theo đuổi, dẫu nguy cơ nhận nhiều ý kiến trái chiều có lẽ ai cũng lường trước được; thực tế, nếu tác giả nào cũng e ngại dư luận thì rất khó có tác phẩm về những đề tài bị đánh giá là “khó nhằn”. Và rõ ràng, không bất kỳ tác phẩm nào vừa lòng được tất cả độc giả, và những người đi tiên phong trong đề tài mới thì không tránh khỏi làn sóng trái chiều kia.
Về mặt kỹ thuật, đây là một tác phẩm được đầu tư công phu. Lối hành văn “thuần”, từ ngữ phong phú, giọng văn mượt, đáp ứng được tiêu chuẩn của thể loại ngôn tình hiện đại. Có những câu văn dài được cài cắm khéo, khiến đoạn văn như ngân ra, tạo cảm giác sâu lắng cho người đọc. Lại có những đoạn mà câu văn ngắn gọn, súc tích khiến mạch truyện nhanh, gấp gáp hơn, làm người đọc có cảm giác như đang cùng trốn chạy với nhân vật. Cơ bản, nhóm tác giả 4.0 xử lý kỹ thuật tạo tiết tấu cho sản phẩm khá tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, “Không thể chạm vào em” vẫn còn nhiều điểm gây bối rối cho độc giả, mà đầu tiên phải kể đến là quá nhiều nhân vật trong tác phẩm. Ở những chương đầu, hầu như các nhân vật đều xuất hiện, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Có thể đây là dụng ý giao đãi nhân vật của tác giả, cho người đọc làm quen dần với từng nhân vật từ đầu. Nhưng nhiều nhân vật và nhiều bối cảnh như thế sẽ tạo cảm giác rối rắm, khó nắm bắt và khó mắt xích các nhân vật lại với nhau. Và ở một vài chương đầu, người đọc dễ dàng đưa ra nhận định, nếu câu chuyện không đủ sức hấp dẫn, e rằng tác phẩm sẽ không thể “giữ chân” được độc giả đi cùng đến những chương sau.
Nếu nói “Không thể chạm vào em” là cuốn tiểu thuyết dành cho những người muốn tìm kiếm tình yêu thật sự, thì hóa ra những nhân vật phản diện trong tác phẩm – mà cụ thể ở đây là Tuyết Hà, Hoàng Phong, Duyệt Quân – vốn từ đầu đã không được coi trọng, không có “đất sống”. Bởi ngoài nhân vật chính ra, họ cũng là những người dùng cả cuộc đời chỉ tìm kiếm, theo đuổi một tình yêu thật sự nhưng lại có kết cục đáng tiếc, bẽ bàng. Phải chăng, tác giả có sự thiên vị về nhân vật, hay tác giả tạo ra họ chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm nền cho chuyện tình yêu đẹp đẽ của Miên Tú và Trần Kha, làm “đòn bẩy” cho cái tình yêu thuần khiết mà tác giả đang muốn hướng người đọc tới?
Tuyết Hà là một điển hình khá đặc biệt cho việc bị tác giả “bạc đãi”. Dĩ nhiên, chạy suốt câu chuyện, dã tâm của nữ nhân vật này rất đáng sợ – khi giết cả bạn thân để có được người đàn ông trong mộng, mưu toan giết cả con riêng của chồng để chiếm vị trí độc tôn trong gia đình; và hậu quả là sống tiếp quãng đời còn lại sau song sắt là điều tất yếu. Nhưng, nếu xét ở góc độ một con người, chuyện một phụ nữ dùng cả tuổi thanh xuân để ấp ủ, theo đuổi và chờ đợi tình yêu với một người đàn ông – Bạch Quân – nhưng suốt đời chỉ là một sự thay thế tạm bợ mà hoàn toàn không nhận được bất kỳ sự cảm thông nào; thì rõ ràng phải suy ra rằng, tác giả cố tình xây dựng một điển hình “cực ác” để tạo nên sự bi đát trong thân phận nữ chính mà thôi. Bản thân nhân vật Tuyết Hà đã bất hạnh từ khi vừa xuất hiện, cho dẫu có mang dã tâm thế nào, thì rõ ràng, tác giả đã không hề cho nhân vật này cái quyền được sống đến một ngày hạnh phúc; như thế là hoàn toàn không công bằng với nhân vật.
Bạch Quân là nhân vật xuất hiện không nhiều, tuy nhiên, những lần ông xuất hiện lại có những ảnh hưởng không nhỏ đến nhân vật chính Miên Tú, và từ đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến đường đi của câu chuyện. Từ những đoạn tả về sự xuất hiện của Bạch Quân, nhân vật này có vẻ chỉ là một người đàn ông nhu nhược và không công bằng; và suy cho cùng thì chính ông mới là người đáng trách nhất. Ông có thể yêu thương và không quên được Ngân Bình – vợ ông – nhưng không có quyền bắt người khác phải chấp nhận điều đó, đặc biệt khi người đó là Tuyết Hà – vợ hiện tại của mình. Hôn nhân là kết quả của tình yêu, người ta có thể vì những mục đích khác mà kết hôn, nhưng chuyện chưa quên được vợ cũ mà kết hôn với một người khác hoàn toàn không có tình yêu để rồi đối xử với họ lạnh nhạt, thờ ơ, như một vệt mờ sau cái bóng vợ cũ, tôi cảm thấy đó là một tội ác.
Bạch Quân không công bằng với Tuyết Hà đã đành, ông cũng không công bằng với cả con gái mình, nhất là trong bối cảnh cuộc hôn nhân gia tộc của Miên Tú. Nếu nói tình thương của Bạch Quân là tình thương thầm lặng thì chưa chắc đúng. Bởi trong một lúc yếu đuối và vì cơ nghiệp, ông đã nhẫn tâm đẩy đứa con gái duy nhất của mình vào một cuộc hôn nhân mà chưa một lần hỏi ý kiến và lắng nghe để biết rằng phía sau cuộc hôn nhân kia, sẽ là hạnh phúc hay đau khổ. Ông không yêu Tuyết Hà nhưng ông lại giữ Tuyết Hà bên cạnh để rồi vô tình hành hạ bằng sự hờ hững, vô tâm. Ông yêu thương Miên Tú nhưng ông lại nghe lời Tuyết Hà đẩy Miên Tú đi để rồi đứa con gái đáng thương đó phải chịu sự giày vò từ một người cũng vô tội khác. Bạch Quân chính là mấu chốt tạo nên xung đột và bi kịch cho tất cả vấn đề. Cuối truyện, Bạch Quân còn có ý muốn Miên Tú và Trần Kha về kế thừa cơ nghiệp và sống bên cạnh ông mà hoàn toàn không hề quan tâm thử, con gái mình thật sự mong muốn cuộc sống như thế nào. Bạch Quân mới là người ích kỷ và đáng trách nhất, thế nhưng lại được tác giả xây dựng thành một tượng đài khi là người đã xuất hiện, giải cứu Miên Tú và tháo gỡ mọi nút thắt xung đột một cách êm đẹp.
Trong câu chuyện, Duyệt Quân là một cô gái trẻ cá tính với “bộ đồ đen bó sát, mái tóc buộc cao”. Duyệt Quân không hẳn nằm ở nhóm nhân vật “phản diện”, nhưng ít nhiều vẫn sẽ bị ghét bởi cô là người bằng cách này hay cách khác đã tạo nên những chia cắt trong chuyện tình Miên Tú – Trần Kha. Tương tự như Tuyết Hà, Duyệt Quân đáng thương ở chỗ chỉ được tạo ra để làm nền cho chuyện tình của cặp đôi nữ chính trong khi Duyệt Quân cũng là một cô gái tài giỏi, xinh đẹp, sống rạch ròi, quân tử và đặc biệt là xứng đáng được yêu thương. Và rõ ràng, ở nữ nhân vật thứ chính này, thì khó để không khẳng định rằng, vì quá ưu ái cho cặp nhân vật chính mà tác giả vô tình lãng quên đi rất nhiều tầng bậc cảm xúc của những nhân vật khác. Duyệt Quân có những hành vi, mà nếu so sánh với Miên Tú và Trần Kha thì khá suồng sã, tính toán và bất chấp; nhưng thực tế đấy chỉ là một phần cá tính, cộng với sự tuyệt vọng trước nỗi sợ mất người mình yêu mà bất kỳ con người nào rồi cũng có nguy cơ vướng phải.
Một nhân vật thứ chính nữa cũng chịu sự “bất công” của tác giả, không thể không kể đến là Hoàng Phong – chồng hợp pháp của Miên Tú. Là con một đại gia, giỏi kiếm tiền, có bề ngoài nổi trội, chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt để “cứu” lấy công ty gia đình vợ; thế mà, tất cả những gì nam nhân vật này nhận được là sự thờ ơ, lạnh nhạt, đến cả chuyện chăn gối cũng thiếu hợp tác từ Miên Tú… Có công bằng cho Hoàng Phong không khi mà tác giả xây dựng mọi tình tiết theo chiều anh chỉ là “một con thú” trong những cuộc truy hoan với vợ? Tại sao tác giả không khai thác đúng mức độ tâm lý của một con người bình thường để thông cảm cho nhân vật này, thay vì lên án anh?
Không thể phủ nhận việc tác giả đã cài cắm những nhân vật phụ, với những trăn trở, loay hoay đi tìm tình yêu đích thực của đời mình cực kỳ khéo léo trong tác phẩm. Khi đuổi theo đến cùng, rõ ràng, mỗi nhân vật có dấu ấn riêng – rất đặc biệt và không bao giờ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, việc mặc định cặp đôi Miên Tú – Trần Kha mới xứng đáng gọi tên là câu chuyện tình đẹp rõ ràng không công bằng với những nhân vật khác. Số phận của những nhân vật trong truyện không giống nhau, từ đó, cuộc đời cũng theo những lối rẽ khác nhau. Có người dùng cả sự chân thành của mình cho người mình yêu để rồi cả đời chôn chặt mối tình câm lặng, có người phải mất rất lâu mới gặp được một người phù hợp để yêu thương, có người lại phải trải qua đau khổ tột cùng… Mặc dù biết đó có thể là một phần bức tranh hiện thực cuộc sống vốn không công bằng, nhưng giá mà tác giả san sẻ bớt phần yêu thương dành cho nhân vật chính sang những nhân vật khác, biết đâu, người đọc cũng sẽ bớt đi phần nào tiếc nuối.
Nhóm 4.0