EM TRAI TÔI LÀ GĂNG TƠ!
|Đứa trẻ nhấp nhô trên những cánh đồng lúa, quần áo xộc xệch, nó chạy, rồi ngã, rồi đứng lên, rồi lại chạy; những chiếc lá xanh sắc nhọn cứa vào tay, chân, thậm chí là mặt nó. Nhưng, nó vẫn phải chạy, bởi nếu dừng lại, nó sẽ chết.
Mẹ tôi ôm ghì lấy thân thể máu me của nó giữa nền nhà lạnh toát. Nó nằm đó, cơ thể quặn lại vì cơn đau giằng xé, mắt nó nheo lại, thi thoảng, cố mở ra để nhìn xem ai đang nức nở bên cạnh. Nó tựa hồ không còn ý thức nữa. Rồi nó ngất đi, đôi mắt đen nhắm nghiền khiến mẹ tôi như chết lặng. Bà lay mạnh vai nó, gào lên đau đớn, nhưng nó chỉ nằm yên bất động, chẳng hề có dấu hiệu của sự nghe thấy tiếng gọi kinh hãi của mẹ xen lẫn với những tiếng nức nở nhạt nhòa. Nước mắt mẹ tôi giàn giụa, nhưng vẫn cố gượng dậy, chạy những bước xiêu vẹo ra con đường vắng ngắt đã chìm hẳn vào đêm đen. Bà cứ lặp đi lặp lại những tiếng cầu cứu ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào, chưa bao giờ, mẹ tôi cảm nhận được sự vô vọng rõ ràng đến thế. Tiếng bà lọt thỏm giữa màn đêm – tĩnh mịch và tuyệt vọng.
– Có ai không? Con trai tôi,…làm ơn, cứu con trai tôi!
Em trai tôi tỉnh dậy trong bệnh xá, bên cạnh là mẹ tôi đang thiếp đi vì mệt mỏi. Nó khẽ cựa mình, rồi lập tức nhăn nhó bởi vết thương ở bụng vẫn khiến nó đau nhức, dù đã được băng bó cẩn thận. Nó muốn ngồi dậy, muốn ra khỏi nơi này, mùi thuốc sát trùng khiến nó khó chịu. Nhưng, mùi máu tanh chưa khô hẳn từ chiếc áo bà ba đã sờn màu của mẹ mới thật sự làm nó phát ói. Nó biết, những vết máu đó là của ai, từ đâu mà có, nhưng trong khoảnh khắc nó không muốn chấp nhận. Ánh mắt nó vô cảm nhìn người phụ nữ đang lim dim ngủ, không đau xót, không ân hận, cũng không mảy may chút hối cải. Phần thiện lương ít ỏi còn lại trong nó, dường như, đã đánh mất từ ngày bố tôi bỏ rơi ba mẹ con, nhu nhược để chạy theo một người đàn bà khác. Kể từ ngày đó, em trai tôi hận, hận bố, hận mẹ, hận luôn cả cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, cũng bởi vì nghèo nên bố mới rời bỏ ngôi nhà tranh vách đất để đi đâu đó, giàu có hơn.
Mẹ tôi khẽ cựa mình, rồi tỉnh dậy, chúi húi suýt ngã trên chiếc ghế nhựa đã bị nứt một chân. Vừa nhìn thấy nó, mẹ tôi mừng rơn, đưa đôi tay chai sạn của mình sờ một lượt khắp người nó để chắc rằng không còn vết thương nào; cuối cùng, mẹ dừng ở gò má trái nó – nơi một vết xước dài, to đã được che đậy bởi miếng gạc trắng vụng về. Ánh mắt mẹ rưng rưng, rồi mẹ khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống bàn tay nó – lặng lẽ.
Nhưng, nó gạt tay mẹ ra – lạnh lùng và vô tình. Nó nhìn mẹ bằng ánh mắt như thiêu đốt, ánh mắt của một đứa con trai mười hai tuổi, sao lại đáng sợ đến nhường đó? Mẹ là ai, là người đã lặn lội trong đêm tối, dành giật nó từ tay từ thần; là người, đôi mắt đỏ hoe vì chăm sóc và cầu nguyện cho nó; là người, chẳng gây ra lỗi lầm gì nhưng vẫn mặc nhiên bị nó căm ghét. Mẹ cũng là người đang nhìn nó bằng ánh mắt đau đáu, nuốt những dòng nước mắt ngẹn ngực vòng trong, đút cho nó từng thìa cháo lạt thếch rồi bật khóc khi nó một lần nữa vô tình, hất văng sự ấu yếm của mẹ xuống nền nhà.
Một ngày mùa đông, tôi đèo nó trên chiếc xe đạp cà tàng mà mẹ đã dành dụm tiền hàng tháng mới mua được, cái lạnh như cắt vào da thịt chị em tôi khiến chúng tôi rúm ró trong chiếc áo ấm, gọi là áo ấm nhưng chẳng đủ xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Gió thốc vào người, tôi gồng mình lên đạp, còn nó, dửng dưng như chẳng hề cảm nhận được cái khó nhọc mà tôi đang trải qua.
Rồi, bên đường, có tiếng ai gọi tên nó, nó nhảy xuống khỏi chiếc xe đạp, chạy một mạch sang bên kia đường, cúi đầu chào người lạ. Tôi gọi nó, nhưng nó chỉ ngoảnh mặt lại nhìn mà không nói một lời rõ ràng, ánh mắt nó hoang dại nhìn tôi. Thình lình, một chiếc máy tút lúa xuất hiện ở giữa không gian chia cắt chị em tôi, đến khi chiếc xe cồng kềnh đi qua, chỉ trong chớp mắt, tôi không còn thấy nó nữa. Em trai tôi đã rời xa vòng tay của mẹ từ ngày hôm ấy.
– Vào nhanh đi!
Mẹ tôi rón rén mở cửa, một chàng trai trẻ bước vào; ngay lập tức, mẹ ôm chầm lấy cậu ta, rồi như một thói quen, mẹ bật khóc, miệng liên tục lắp bắp hai từ “con trai”. Sau ba năm, em trai tôi đã trở về, cũng theo cái cách lúc nó rời đi – nhanh chóng và lén lút. Mẹ cứ ghì chặt lấy nó, nức nở, quên mất đi thực tại, gương mặt mà mẹ đã luôn nhung nhớ ba năm trời đột nhiên xuất hiện khiến mẹ không thể kìm chế, nước mắt giàn dụa như cái ngày mùa đông ba năm trước. Mẹ khóc cho ba năm mỏi mòn trong chờ đợi, khóc cho đứa con trai mẹ yêu thương đã trở về – vẹn nguyên trong vòng tay của mẹ.
Nhưng, cũng như thường khi, nó vùng ra khỏi vòng tay ấm áp ấy một cách nhanh chóng, nhìn ngó nghiêng xung quanh, rồi ánh mắt sợ hãi lẫn tức giận nhìn mẹ.
– Mẹ điên à! Bọn nó nghe thấy thì sao?
Khi mẹ còn chưa kịp phản ứng gì thì cánh cửa cổng bị đạp đổ, hai tên râu ria bặm trợn bước vào với dáng vẻ hung tợn, tay chúng cầm dao – sáng loáng.
Em trai tôi đâm hoảng loạn, nó nhìn quất quanh tìm chỗ trốn, nhưng ngôi nhà đơn sơ của mẹ chẳng có chỗ nào là bí mật để nó có thể nấp mình, trong khi, hai tên kia đã ở rất gần.
Mẹ, quệt ngang dòng nước mắt đang chạy, đẩy nó vào trong một căn phòng nhỏ, rồi mở tiếp một cánh cửa ở đằng hông của căn phòng lụp xụp, giọng mẹ lạc đi nhưng nghe rất rõ ràng.
– Chạy ngay đi con! Chạy ngay đi!
Nó chấp chới rồi lao về hướng thoát thân mà mẹ đã bày cho nó, cùng lúc, hai tên kia bước vào, chúng lôi mẹ ra gian nhà chính, xô mẹ ngã, liên tục hỏi bà đã giấu thằng con trai trời đánh của mình ở đâu? Mẹ không trả lời, nước mắt cũng không rơi thêm một giọt nào nữa. Nước mắt của mẹ, chỉ dành cho con trai của mẹ mà thôi.
Đứa trẻ nhấp nhô trên những cánh đồng lúa, quần áo xộc xệch, nó chạy, rồi ngã, rồi đứng lên, rồi lại chạy; những chiếc lá xanh sắc nhọn cứa vào tay, chân, thậm chí là mặt nó. Nhưng, nó vẫn phải chạy, bởi nếu dừng lại, nó sẽ chết.
Nó nghe rất rõ tiếng quát mắng của hai tên râu ria bặm trợn, nhưng tiếng mẹ nó thì không, nó đâm lo lắng, rồi sợ hãi; bất giác, nước mắt nó rơi – những giọt nước mắt liệu có muộn màng?
Một tuần sau nó trở về, vứt bịch chiếc túi đựng vỏn vẹn vài bộ quần áo xuống nền gạch lạnh toát. Nó bước đến, quỳ dưới chân mẹ, dúi đầu vào đôi bàn tay trai sạn vì nắng mưa của mẹ.
– Con xin lỗi! – Nó khóc. – Con trở về rồi đây, mẹ!
Mẹ tôi cũng khóc, như một phép màu, thượng đế đã trả lại đứa con trai cho mẹ, dĩ nhiên là nguyên vẹn, như cái cách mẹ vẫn yêu thương và giữ gìn nó trong trái tim cằn cỗi của mẹ.
Năm đó, tôi mười bảy tuổi. Còn nó, em trai tôi, mười lăm tuổi.
Megane