”KHÔNG THỂ CHẠM VÀO EM” – THIẾU DỤC TÍNH NHƯNG THỪA NHÂN VĂN

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

 “Không thể chạm vào em” của Nhóm 4.0 là một trong những tiểu thuyết viết về tình yêu mang giá trị nhân văn và khơi gợi những thổn thức sâu thẳm về xúc cảm của con người. Nội dung cuốn tiểu thuyết, không chỉ đơn thuần ca ngợi sự thuần khiết của tình yêu mà còn thể hiện cách nhìn từ các nhân vật về quan niệm tình yêu phi giới tính, những mối quan hệ xã hội, gia đình đối với giới trẻ hiện nay. Những cảm nhận về cuộc sống hạnh phúc của mỗi nhân vật.

Tại sao lại là “Không thể chạm vào em”?  Nhan đề tiểu thuyết như một câu hỏi, cũng là câu khẳng định, khiến người đọc háo hức lần từng trang để đi tìm lời giải. Đó là một nghệ thuật dẫn độc giả đến với những thắc mắc để tự giải mã nội dung.

Mở đầu tác phẩm là sự xuất hiện bất ngờ của Miên Tú trong cơn mơ, hốt hoảng tìm lối ra với bộ pijama rách tươm. Đó là ẩn ý báo trước hay chính là cuộc đời đầy giống tố của Miên Tú sẽ được kể tiếp trong những trang tiếp theo? Lối kể đan xen quá khứ hiện tại khiến mạch văn bị ngắt ngừng, thi thoảng tạo cảm giác “hẫng” nhưng khi đã “bắt nhị” được, chắc chắn độc giả sẽ tìm thấy ngay sự hấp dẫn ngay chính ở tiết tấu có vẻ “trúc trắc” này.

ve - dep - thuan - khiet
Ảnh minh họa

Tiểu thuyết là chuyện tình nhiều cung bậc, khi trắc trở, khi hạnh phúc viên mãn ngọt ngào của hai cô gái. Mỗi phân đoạn, mỗi chương là một câu chuyện khác nhau về sự kiện, về cuộc sống của nhân vật trong đó. Lúc day dứt đau đớn, khi vỡ òa niềm vui. Câu chuyện xoay quanh lần bỏ trốn của Miên Tú được Nhã Đồng – chủ cửa hàng thời trang cưu mang. Tại cuộc sống mới Miên Tú gặp được Trần Kha, người quan tâm, hy sinh lo lắng và yêu Miên Tú với tình yêu trong veo của một người con gái đi qua những đổ vỡ.

Miên Tú là cô gái đẹp, mảnh mai có một tâm hồn yếu đuối dễ bị tổn thương chất chứa nhiều niềm đau. Cuộc đời của cô bị Tuyết Hà – mẹ kế ép buộc lấy Hoàng Phong trao đổi với những hợp đồng kinh tế. Cuộc sống hôn nhân không tình yêu của Miên Tú, với thân phận con dâu của tập đoàn Hoàng Đình danh giá nhưng lại không khác một nô lệ tình dục. Công tâm mà nói, ở những đoạn mô tả cảnh ân ái giữa Miên Tú và Hoàng Phong, tác giả có phần khắt khe với hành vi của nam nhân vật này. Nếu xét về diễn biến tâm lý thông thường – một người đàn ông có vợ đẹp, không yêu mình, không “hợp tác” trong chuyện gối chăn, say rượu… cũng có phần đáng được thông cảm với sự thô bạo mà anh ta đã tạo ra, thay vì chịu sự phản ứng từ chính cảm xúc của người đọc. Thông cảm cho nữ chính cũng không nhất thiết phải gay gắt với nam phụ.

Mối tình của Trần Kha và Miên Tú là hữu duyên hay định mệnh của cuộc đời Miên Tú? Nhưng rõ ràng Trần Kha xuất hiện đã xóa tan tháng ngày u tối của Miên Tú. Và cũng chính Trần Kha mới khiến Miên Tú khám phá được rõ nhất, tận cùng nhất tình yêu và tính dục trong con người mình. Yêu, Miên Tú vô cùng yêu người con gái mạnh mẽ, cứng cỏi, chu toàn, bao bọc cô như báu vật. Tình yêu ấy được cổ vũ từ Tử Du – cô gái xinh đẹp có cảm xúc cả nam và nữ, Nhã Đồng – người phụ nữ với nội tâm phức tạp, mối tình mười năm với bạn trai kết thúc bằng cuộc hôn nhân nhưng ly hôn sau hai tháng không lý do. Những mảnh vụn của cuộc đời họ cứ dần được phơi sáng, chiếu rọi dưới con mắt ngây ngô, u buồn, đôi khi bất lực của Miên Tú. Cô cảm thấy đau khổ vì chỉ yêu mà không gần gũi được bạn tình. Đó là nỗi đau dày vò tâm can khiến Miên Tú tự rời xa Trần Kha. Cô thuộc thế giới asexual, thế giới đó, chính Miên Tú cũng không lý giải được, chỉ biết là cô không có khoái cảm, cô sợ hãi ngay với cả người cô yêu.

Cuốn tiểu thuyết với mạch văn lúc thâm trầm sâu lắng, khi nhẹ nhàng mát dịu như tâm hồn cô gái mới biết yêu Miên Tú. Diễn biến chuyện xung quanh cuộc đời Miên Tú ngày càng nhiều nút thắt mở, khiến người ta nghẹn ngào, chua xót khi dõi theo từng bước trốn thoát của nữ chính. Nhưng lần trốn thoát cuối cùng có lẽ là lần trốn thoát trong tâm tưởng của cô. Bản thân Miên Tú luôn cố gắng gần gũi Trần Kha, vì càng cố tỏ ra gần gũi chỉ chứng minh rằng cô đang bỏ trốn thực sự con người asexual của mình. Đó là cuộc đào tẩu tâm tưởng đau khổ nhất trong cuộc đời Miên Tú. Nhưng, Trần Kha, người con gái đáng để cho Miên Tú dựa dẫm cả đời, người đã hiểu thấu đáo nỗi niềm tâm tư của người yêu, đã thức tỉnh chúng ta điều đơn giản tình yêu là yêu thuần khiết, yêu vì người mình yêu mà làm mọi thứ. Ở Trần Kha, có một sự kiên định về tình yêu và tình dục, cô có ham muốn cháy bỏng mỗi khi ở gần người yêu với vóc dáng mỹ miều, nhưng cũng chính cô là người từ bỏ ham muốn đó cốt để nâng niu người yêu, sống vì tình yêu thuần khiết, không để dục vọng chiếm chỗ của tình yêu “Trần Kha có thể đón nhận mọi cố gắng của Miên Tú, dù nó không thể tháo gỡ nút thắt chăn gối này. Nếu đã không thể tháo được, thì có lẽ, nên thắt chặt hết mức có thể, để nó không còn chiếm mất diện tích của tình yêu”. Một chuyện tình đồng giới đẹp, nhẹ nhàng, nhân văn.

Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện tình yêu trong trẻo của Trần Kha và Miên Tú, nhưng lồng ghép qua hai nhân vật chính là những cuộc đời, thân phận của các nhân vật khác với mong mỏi tìm kiếm hạnh phúc đích thực của mình. Những đan xen đó tạo sự hấp dẫn lôi cuốn người đọc đặc biệt là những bí mật nghiệt ngã trong gia đình Miên Tú. Một nhân vật thứ chính rất đáng quan tâm và có liên quan chặt chẽ đến hoàn cảnh gia đình Miên Tú, là Tuyết Hà, người vợ sau của Bạch Quân, cũng chính là dì ghẻ của Miên Tú, đã sống vì những quyền lực và tham vọng vật chất của mình. Từ yêu Bạch Quân, chồng người bạn thân, mà bà đã hãm hại bạn và đặt chân vào ví trí phu nhân tổng giám đốc. Bà ta phải trả giá bằng phần đời còn lại của mình trong đau khổ. Người ta, khi đã vứt bỏ nhân phẩm, vứt bỏ nhân cách sang bên để sống vì mục đích riêng, vì tham vọng thì dễ dàng đi vào con đường tội lỗi. Chỉ có tình yêu, trái tim yêu thương mới khiến con người luôn sống lương thiện, hy sinh vì người khác, và cuộc sống tràn ngập hạnh phúc.

Vấn đề nhìn nhận về tình yêu phi giới tính cũng được đề cập trong tiểu thuyết vô cùng tinh tế đủ đầy, Hoàng Phong đại diện cho số người không chấp nhận chuyện yêu đương đồng giới, anh cảm thấy ghê tởm khi tưởng tượng hai cô gái vuốt ve nhau. Duyệt Quân, người yêu đầu mang tới cho Trần Kha những rung động thật sự của ham muốn cho rằng yêu là sự thăng hoa, và nhất thiết phải có tình dục. Còn Nhã Đồng, Tử Du, tôn thờ về tình yêu không phân biệt giới tính, miễn là sống hạnh phúc với cảm xúc thật của mình.

Người ta sẽ thắc mắc tại sao Bạch Quân – cha Miên Tú – lại đón nhận mối quan hệ đồng tính của con gái mình dễ dàng đến thế. Bởi hơn ai hết, ông là một người cha luôn muốn con gái tìm được niềm vui. Trải qua nhiều đau khổ, đổ vỡ, ông hiểu rằng, việc để con cái sống vui vẻ với lựa chọn của mình hơn là những bản hợp đồng kinh tế hay những định kiến của xã hội.

Bất cứ ai đọc xong tác phẩm cũng có những nhìn nhận khác nhau, tuy rằng cũng có người tiếc nuối cho mối tình chưa rõ ràng của Bá Lâm – Tử Du, hay số người hy vọng vào chuyện Hoàng Phong và Nhã Đồng sẽ bước một bước mới, bởi một câu thoại “tôi có thể trở lại đây không?”. Song sự tiếc nuối ấy là một hạn chế hay cũng là một dụng ý bỏ ngỏ để người đọc miên mang với suy tưởng sau đó của mình?

Đề cập đến vấn đề asexual trong mối tình Trần Kha – Miên Tú, có lẽ nhóm tác giả cũng lường trước được những bất đồng ý kiến về điều đó. Sẽ có phản đối gay gắt về chuyện yêu thuần khiết và không thể chấp nhận kiểu yêu như thế và phủ nhận sạch trơn những cảm xúc của nhân vật. Phải chăng nó sẽ tạo ra làn sóng phản ánh dữ dội về quan điểm bất đồng với nhóm người asexual? Tuy nhiên, cách mà các tác giả thuộc Nhóm 4.0 muốn truyền thông điệp tới bạn đọc – vô tính, nhưng không phải không có tình yêu. Một tình yêu đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu, sẻ chia đâu nhất thiết phải có tính dục!?

 

 

Nhóm 4.0

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...