LIST TIỂU THUYẾT KINH ĐIỂN NÊN ĐỌC MỘT LẦN TRONG ĐỜI (P2)
|Phần 2 list tiểu thuyết kinh điển nên đọc một lần trong đời của Sophia Mặc:
-
1984 – GEORGE ORWELL (ANH)
Số 5 trong danh sách tiểu thuyết kinh điển nên đọc một lần trong đời của tôi là cuốn tiểu thuyết viết về bối cảnh chính trị của một quốc gia giả tưởng. Nhưng đọc những trang văn của George Orwell khiến tôi có cảm giác không dám thở mạnh vì không khí ngột ngạt, bức bí ở đó. Cả thành phố, cả quốc gia ấy là một nhà tù lớn. Con người không chỉ bị cầm tù thân xác (bị theo dõi, quản lý mọi hành động) mà còn bị cầm tù cả tư tưởng, trí óc.
Ra đời năm 1949, cuốn tiểu thuyết 1984 đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở nước Anh mà còn trên toàn thế giới. Cuốn tiểu thuyết là một cách trình bày uyển chuyển và sinh động các quan điểm chính trị của chính nhà văn. 1984 được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng. Năm 2005, tạp chí TIME đã đưa 1984 vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất từ 1923 đến 2005.
-
MÙI HƯƠNG – PATRICK SÜSKIND (ĐỨC)
Cuốn tiểu thuyết về một kẻ giết người. Câu chuyện kể về cuộc đời của Jean-Baptiste Grenouille, từ khi hắn còn là một bào thai trong bụng mẹ cho đến tận khi chết, cùng chuyến hành trình lớn nhất cuộc đời hắn: đi tìm mùi hương tối thượng. Trong hành trình ấy, hắn sẵn sàng giết nhiều người, bất chấp tất cả để tìm kiếm một mùi hương tuyệt mỹ nhất mà hắn hằng theo đuổi.
Tôi đã đọc một mạch hết cuốn tiểu thuyết này, nó cuốn hút tôi từ trang đầu tiên đến tận những trang cuối cùng. Ban đầu, tôi cứ ngỡ Jean-Baptiste Grenouille sẽ theo ông chủ tiệm nước hoa, tìm kiếm giàu sang phú quý, vì điều đó xứng đáng với tài năng của hắn. Nhưng không, mỗi bước đường của hắn đều nằm ngoài dự đoán của một kẻ tầm thường như tôi. Để đến cuối cùng, khi hắn chết trong mùi nước hoa hoàn hảo của chính mình, tôi có cảm giác ngất ngây khi được đọc một áng văn toàn mỹ.
Vẻ đẹp của cảm giác giây phút ấy trong tôi, cũng như mùi nước hoa của Jean-Baptiste Grenouille, vĩnh viễn không thể mô tả cụ thể, rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận niềm hạnh phúc đến rùng mình lan tỏa khắp tế bào: niềm hạnh phúc của kẻ tìm kiếm và gặp gỡ được cái đẹp tuyệt đối.
-
TRĂM NĂM CÔ ĐƠN – GABRIEL GARCIA MARQUEZ (COLOMBIA)
Nói đến những cuốn tiểu thuyết hay nên đọc, không thể không nhắc tới Trăm năm cô đơn. Khi nói đến Trăm năm cô đơn, có lẽ mọi lời ngợi khen đều trở thành thừa thãi, vì thực sự đây là một cuốn sách quá tuyệt vời, quá vĩ đại rồi. Tôi chỉ muốn chia sẻ đôi điều về “quá trình” đọc cuốn sách này của mình mà thôi.
Trước khi đọc Trăm năm cô đơn, tôi luôn được nghe điều này từ những người đã đọc: khó nhớ tên nhân vật lắm! Mà khả năng ghi nhớ tên nhân vật của tôi rất tệ, chính vì vậy cứ lần lữa mãi, suốt mấy năm sau mới bắt đầu “liều mình” thử đọc. Nhưng hóa ra tất cả đều… nhầm. Đúng là tôi không thể nhớ được tên nhân vật, vì những cái tên này rất khó nhớ và các nhân vật lại đặt tên trùng nhau. Nhưng thực ra điều ấy chẳng quan trọng. Vì dù sử dụng cùng một cái tên đi chăng nữa, mỗi nhân vật của nhà văn Colombia đều mang những nét tính cách đặc trưng rất riêng biệt, không thể trộn lẫn, không thể nhầm với nhau. Chính nghệ thuật khắc họa nhân vật bậc thầy của Marquez khiến tôi thoải mái theo dõi câu chuyện mà không cần quá băn khoăn việc ghi nhớ và phân biệt.
Và khi đọc xong cuốn sách này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến với những người vì vấn đề nghe nói sách này khó đọc, khó nhớ mà không dám đọc cứ thoải mái đi, vì truyện xứng đáng để bạn dành thời gian đọc (thậm chí đọc đi đọc lại vì quá hay)!
-
TỘI ÁC VÀ TRỪNG PHẠT – FYORDO DOSTOEVSKY (NGA)
Cuốn sách đầu tiên của Dos mà tôi đọc chính là Tội ác và trừng phạt. Nhớ năm hai đại học học đến chuyên đề Văn học Nga, được đọc một loạt tác phẩm kinh điển của Nga, nói thế nào nhỉ, có lẽ là cảm giác choáng ngợp. Ngợp trước sự kỳ vĩ, rộng lớn, phóng khoáng của tâm hồn Nga trong những tác phẩm ấy. Và cuốn sách gây ấn tượng mạnh nhất với tôi chính là Tội ác và trừng phạt.
Một kẻ thái nhân cách, một con người trăn trở về sự tồn tại và giá trị bản ngã của mình. Một thế giới vừa sáng suốt thấu triệt vừa u tối điên cuồng. Một người trẻ tuổi như tôi giai đoạn ấy lạc bước vào thế giới của Dos có cảm giác dù chẳng thể hiểu rõ ràng điều gì nhưng lại rung cảm mãnh liệt.
Dostoevsky được ví là thần tượng của các thần tượng cũng chẳng sai. Thế giới truyện của ông chồng chéo rất nhiều triết lý của chính tác giả, mà có lẽ đọc ở tuổi 19 thì chẳng bao giờ hiểu cho tận tường. Truyện của Dos là truyện để đọc chậm, đọc nhiều lần, và suy nghĩ nhiều lần hơn cả đọc!
-
SUỐI NGUỒN – AYN RAND (MỸ)
Xếp thứ nhất trong list tiểu thuyết văn học kinh điển nên đọc một lần trong đời của mình chính là một tác phẩm cực kỳ quen thuộc với độc giả Việt Nam: Suối nguồn của Ayn Rand, một nữ nhà văn Mỹ sinh tại Nga. Tác giả là một triết gia, cuốn tiểu thuyết giúp chuyển tải tư tưởng triết học thì sẽ khô khan, khó đọc? Có thể đúng với các cuốn sách khác chứ hoàn toàn không phải để chỉ Suối nguồn.
Trong tác phẩm bạn sẽ bắt gặp vô số cuộc tranh luận, những bài tiểu luận đanh thép quan điểm về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Nhưng yên tâm, tất cả những tư tưởng ấy được lồng ghép vô cùng khéo léo trong một câu chuyện hấp dẫn tuyệt vời. Mỗi nhân vật là một mảng màu nổi bật, riêng biệt. Tình yêu trong truyện cũng đẹp đẽ như các công trình kiến trúc của Howard Roark (nhân vật nam chính trong Suối nguồn) vậy!
Nếu đã cầm Suối nguồn lên để đọc, tôi dám chắc bạn sẽ rất khó, rất khó đặt xuống được đấy!
Thực ra, list tiểu thuyết kinh điển nên đọc một lần trong đời này tôi lập ra chủ yếu cảm giác, ấn tượng của tôi về các tác phẩm là chính. Tôi không có thói quen giới thuyết quá nhiều về các tác phẩm. Nếu được nói, tôi chỉ muốn nói rằng, bạn hãy thử đọc và cảm nhận!
Nguyên Lê
26/12/2018
=> Đọc thêm: Con cú mù – thế giới siêu thực tuyệt đẹp mà cũng tuyệt vọng
Key liên quan:
- 100 tiểu thuyết từ 1923 đến 2005
- list tiểu thuyết kinh điển
- tiểu thuyết A Hương cô đơn
- tiểu thuyết hay nên đọc