MOTIF CÁI SONG TRÙNG TRONG LOLITA CỦA NHÀ VĂN VLADIMIR NABOKOV

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...

Lolita là sự mê đắm, là mê cung tuyệt diệu của những ngôn từ. Như nhà văn Nabokov từng nói, đừng đi tìm những giá trị đạo đức, những bài học cuộc sống trong Lolita, Lolita như một ẩn số với trùng điệp những mã khóa, lại như một lâu đài ngôn từ lộng lẫy với muôn vàn cánh cửa bí ẩn. Chúng tôi không có tham vọng giải mã được tất cả những mã khóa ấy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tìm cách lí giải một trong những cánh cửa dẫn vào toà lâu đài bí ẩn mà tuyệt sắc kia: “Motif cái song trùng trong tác phẩm Lolita của nhà văn”

Cái song trùng (the double) đã tồn tại từ lâu trong các nền văn hoá nghệ thuật nhân loại. Đó là sự thể hiện các con vật, sự vật theo nguyên lý cặp đôi, thể hiện tính lưỡng diện, sự tồn tại song song không thể thiếu nhau của các đối cực… Tôn giáo truyền thống thường quan niệm “linh hồn là bản trùng của chủ thể sống, có thể tách rời thể xác khi chủ thể chết, hoặc trong giấc mộng hoặc do một thao tác ma thuật, và có thể thác sinh vào chính thể xác đó hay vào một thể xác khác. Như vậy, hình ảnh con người tự hình dung về mình là một hình ảnh nhân đôi.”

Cái song trùng tồn tại như một mẫu gốc (archetype) có sức sống rất lớn trong văn học các dân tộc. Đặc biệt, riêng trong lĩnh vực văn học, và cụ thể hơn nữa là văn học kì ảo, thì, đến giai đoạn chủ nghĩa lãng mạn, “chủ nghĩa lãng mạn Đức đã phủ lên cái song trùng (Doppelgänger) một màu sắc bi đát và oan nghiệt… Nó có thể là người bổ sung, nhưng thông thường hơn là đối thủ khiêu chiến với ta… Trong các truyền thuyết cổ, gặp cái song trùng của mình là một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết”. Trong tiếng Đức và tiếng Anh hiện đại, “Doppelgänger” có ý nghĩa “người xuất hiện đột ngột gây sự bất ngờ, làm giật mình người khác”, đôi khi nó đồng nghĩa với cả từ “bóng ma” (spectre).

Lotlia - motif - cai- song -trung

Ảnh minh họa – Lotlita

Cái song trùng vừa là người bổ sung thể hiện “sự tồn tại song song không thể thiếu nhau của các đối cực”, vừa là một ám ảnh, “một đối thủ khiêu chiến”, và “gặp cái song trùng của mình là một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết”.

Trong Lolita, ta có thể bắt gặp cái song trùng trong chính con người Humbert Humbert, hay Humbert với Quilty. Cái song trùng trong con người Humbert Humbert có thể ví như hai con người cùng tồn tại trong một cá thể. Đó là một giáo sư văn học đẹp trai, lịch sự, cư xử nhã nhặn và một kẻ bệnh hoạn luôn khát thèm những bé gái đang bước vào tuổi dậy thì. Hai con người ấy vừa bổ sung cho nhau lại vừa bài trừ nhau, tất cả tạo nên tấn bi kịch mang tên Humbert Humbert.

Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về con người bề ngoài, con người xã hội của ngài Humbert Humbert. Nhân vật nam chính, người kể chuyện xưng “tôi” trong Lolita là ngài Humbert, đây được giới thiệu là một giáo sư văn học Anh, một người có học thức, có sự am hiểu, tinh tế và lịch sự. Và chính con người đạo đức, con người xã hội, con người của những quy phạm này đã giúp kìm nén những khát khao, dục vọng mang màu sắc biến thái, điên rồ của Humbert Humbert. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài chắc chắn ta sẽ không thấy có gì có thể phàn nàn về con người này – một người đàn ông bình thường, mẫu mực.

Nhưng thẳm sâu trong con người Humber, hay cũng có thể nói, một nửa con người của Humber hoàn toàn khác, đó là sự cuồng si, tôn thờ dục vọng sai lạc, mang màu sắc bệnh hoạn. Humbert yêu đến si mê, điên cuồng những nymphet, đó không đơn thuần chỉ là những cô bé mới lớn. Mà nymphet là một cô bé mới lớn đầy mê hoặc tính dục, một con quỷ nhỏ mang đôi cánh thiên thần, một sự tổng hòa tuyệt diệu giữa sự ngây thơ, trong trắng và những hấp dẫn mê người đầy tính nữ.

Chính Humber cũng từng nhiều lần đào sâu suy nghĩ vầ đi đến kết luận rằng “Tôi lật đi lật lại những kí ức khốn khổ đó và không ngừng tự hỏi: phải chăng kẽ nứt của đời tôi đã bắt đầu toác ra từ dạo ấy, trong cái lấp lánh của mùa hè xa xăm ấy?” Và “mùa hè xa xăm mà Humber nhắc tới chính là mùa hè mà Humber khi còn là một cậu bé chưa đến tuổi trưởng thành đã yêu say mê, nồng nhiệt cô bạn gái bé nhỏ Annabel. Nhưng còn quá nhỏ tuổi, tình yêu ấy chỉ có thể dừng ở những cái hôn, sự khao khát cháy bỏng không thể thỏa mãn bởi sự quản lý nghiêm ngặt của gia đình Annabel. Rồi, căn bệnh bất ngờ cướp mất Annabel khỏi cuộc đời Humber, khiến những khao khát hòa vào làm một, tận hiến trong nhau của hai người vĩnh viễn không thể thành hiện thực, vĩnh viễn không thể thỏa mãn. Chính bởi những ám ảnh quá lớn ngày còn nhỏ ấy đã khiến bản thể Humber như bị “tách” làm đôi, một nửa lớn lên, phát triển với tư cách con người công dân, con người xã hội; còn một nữa vĩnh viễn bị ám ảnh, vĩnh viễn ngoái nhìn, tiếc nuối quá khứ, những đam mê càng không có lối thoát càng nhức nhối, giày vò. Nỗi ám ảnh tha thiết được một lần giao hòa cùng nhau cứ lên tâm thức Humber vết thương quá sâu, khiến sau này hắn luôn nhìn các cô bé – những nymphet bằng ánh mắt khao khát, bằng những si mê nồng nhiệt nhất, cháy bỏng nhất, như một cách thỏa mãn những ám ảnh, khuyết thiếu trong tình yêu tuổi trẻ không thể có được. Có lẽ, chính bởi nguyên nhân ám ảnh sâu đậm đó đã khiến con người Humber biến thành kẻ với hai bản thể song song, đối lập nhau lại không ngừng hoàn thiện nhau cùng chung sống trong một cơ thể, tạo nên chuỗi dài những tai họa, bi kịch.

Khởi đầu chuỗi bi kịch ấy là một kỳ nghỉ hè (lại là một kỳ nghỉ hè, mùa hè giống như mùa hè Humber gặp và đánh mất Annabel), Humbert Humert vô tình gặp được Lolita – nymphet đích thực của cuộc đời Humber, người nắm giữ linh hồn và trái tim Humbert. Lolita xinh đẹp, quyến rũ và khiêu khích đầy ngây thơ, sự ranh mãnh ngây thơ ấy khiến Humbert như phát cuồng. Dục vọng cố kìm nén cứ bị thổi bùng lên mỗi ngày, ngọn lửa rừng rực cháy trong lòng không cách nào dập tắt. Để thỏa mãn khát khao được nhìn ngắm, ở cạnh người tình nhỏ bé mỗi ngày mà Humbert đã quyết định kết hôn với mẹ cô bé – một người phụ nữ góa chồng, đỏm dáng và tôn sùng châu Âu. Và chính từ đây Humber càng dấn sâu vào bi kịch cuộc đời mình, khi phải chịu sự giằng xé giữa dục vọng và quy phạm, giữa việc khao khát yêu nymphet nhưng lại luôn phải đóng vai một người cha dượng đường hoàng, thân thiện.

Ngay từ giây phút đầu tiên khi nhìn thấy cô bé (mà Humber đặt cho cô cái tên thân mật rất nên thơ – Lolita), Humber đã bị cuốn vào cuộc tình tội lỗi ấy, không cách nào thoát ra. Như ngay chính những dòng đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng Lo.Li.Ta.”

Humber phải học cách chung sống với người vợ trên danh nghĩa của mình, người vợ mà khiến anh ta liên tưởng tới những con bò cái phì nộn. Thậm chí, vì quá ghê tởm người đàn bà ấy, Humber đã phải chuốc thuốc ngủ bà ta nhiều đêm, để trốn tránh việc phải làm nghĩa vụ của một người chồng. Charlotte – người phụ nữ đỏm dáng, tôn sùng châu Âu đó không thể ngờ được chồng mình lại còn một bộ mặt khác, một tính cách khác như vậy, cho tới ngày vô tình đọc được nhật ký của chồng, bà đã vội vã đi gửi thư cảnh báo con gái cần cẩn thận người cha dượng. Nhưng không may, bà đã bị tai nạn giao thông và chết ngay gần nhà mình. Chính từ biến cố ấy, Humber đã trượt dài trên con đường tội lỗi cùng Lolita, và ở đây, cái con người bản năng, cái khát khao vẫn thường phải chôn giấu đã bộc lộ hết. Humber chuốc thuốc ngủ cho cô bé Lolita với hi vọng sẽ chiếm được em. Và chính Humber đã thổ lộ “Sở dĩ tôi hơi dài dòng về những run rẩy và mò mẫm trong cái đêm xa xưa ấy, là vì tôi khẩn thiết muốn chứng minh rằng, trước đây, hiện nay cũng như về sau, tôi không bao giờ là hoặc có thể là một tên súc sinh tàn bạo.” Tình yêu trong Humber điên cuồng nhưng mê đắm, trong sự dữ dội có nét nhẫn nại, dịu dàng. Và Humber được đáp lại, bởi cô bé Lolita còn chưa đủ trưởng thành, Lolita lớn trước tuổi của mình, cô bé phá cách và muốn chứng tỏ mình đã là người lớn, đồng thời cũng muốn trốn chạy khỏi sự kìm kẹp, ràng buộc nơi người cha dượng của mình.

Hai tính cách, một lịch thiệp một khát khao tội lỗi ấy cùng chung sống trong con người Humber Humber, tồn tại song song như để bổ sung cho nhau, không thể thiếu nhau, nhưng lại vừa như một thế đối kháng nhau, khiến kéo dài bi kịch trong cuộc đời Humber. Humber luôn phải sống trong cái vỏ bọc đạo đức, che giấu những dục vọng (thứ dục vọng đi ngược với đạo đức, pháp luật), kìm nén cả những khao khát của mình, và đặc biệt, nửa sau cuốn tiểu thuyết Humber điên cuồng, đau đớn lần theo dấu vết Lolita, và càng tuyệt vọng hơn khi nhận ra Lolita thà sống cùng anh chàng Dick nghèo khổ còn hơn phải ở bên cạnh Humber.

Cái phức tạp trong truyện của Nabokov còn ở chỗ, motif cái song trùng không chỉ trong một con người Humber mà còn là sự đối kháng mang tính bài trừ nhau giữa Humber và Quily. Quilty, một gã lấy danh nghĩa nhà văn để dụ dỗ những cô bé, cậu bé tới chụp ảnh khiêu dâm cho gã, đó là một sở thích quái dị và bệnh hoạn của gã đàn ông này. Nếu Humber yêu Lolita đến cuồng điên, sẵn sàng làm mọi việc vì cô bé, bất chấp Lolita có yêu mình hay không, bất chấp cả việc Lolita dần đã trở thành người lớn, trở thành mẹ của một đứa trẻ, nhưng Humber vẫn yêu và nhìn thấy hình ảnh cô bé Lolita tinh quái, đáng yêu năm nào trong dáng vẻ của một bà mẹ với cái bụng bầu rất to sắp đến ngày sinh đang đứng trước Humber lúc này. Tình yêu trong Humber thiên về sự sùng bái, sùng bái một cách điên cuồng, mù quáng. Trái ngược với sự sùng bái ấy, Quilty coi những đứa trẻ như những con búp bê tình dục giúp hắn thỏa mãn những sở thích bệnh hoạn của mình.

Cuộc gặp gỡ giữa Humber và Quilty chính là cuộc gặp gỡ của cái song trùng. Nếu trước đó, hai người biết nhau, chính sự xuất hiện của Quilty đã cướp Lolita ra khỏi cuộc đời của Humber, thì nay, họ gặp lại nhau với một tâm thế hoàn toàn khác. Đó là cuộc truy lùng ráo riết, sự báo thù của Humber đối với kẻ đã gây ra tội ác cho đời hắn, kẻ đã cướp đi nữ thần mà hắn luôn sùng bái. Và như đã trình bày ở trên, khi cái song trùng gặp nhau, đó là dấu hiệu của cái chết, sự hủy hoại. Cái kết của cuộc gặp gỡ ấy, như một lẽ tất yếu của quy luật, chúng bài trừ lẫn nhau, một trong hai cái buộc phải biến mất, và cái chết của Quilty như một định mệnh. Quilty bị Humber bắn nhiều nhát vào người ““Cút ra! Cút ra khỏi đây!”, hắn nói, vừa ho vừa khạc, và trong một ác mộng kỳ diệu, tôi thấy con người bê bết máu nhưng vẫn linh hoạt này leo lên giường và vơ mớ chăn mền lộn xộn quấn quanh mình. Tôi bắn hắn qua tấm mền từ khoảng cách rất gần, thế là hắn ngã ngửa ra và một cái bong bóng hồng hồng to tướng đầy hàm ý trẻ thơ hiện ra trên môi hắn, phình to tới cỡ một quả bóng đồ chơi rồi tan biến.” Gã Quilty chết, Humber ngồi đó nhìn tất cả và “… hoàn toàn không giống cái kiểu biện minh bọn tội phạm thông thường “tôi-bị-ngất-xỉu”; trái lại, tôi muốn nhấn mạnh sự việc là tôi chịu trách nhiệm về từng giọt ứa ra từ cái bong bóng máu của hắn”, có lẽ một nửa con người trong Humber cũng đã chết. Humber bắn vào Quilty hay đang băn vào chính một phần bản thể trong con người mình? Bởi ngay sau cái chết của Quilty, Humber đã nghĩ “… tôi muốn quên toàn bộ cái vụ bầy nhầy này – và khi tôi biết chắc rằng hắn đã chết, điều thỏa mãn duy nhất tôi có được là cảm giác nhẹ nhõm do biết rằng mình không cần phải suốt nhiều tháng trời để tâm trí lẽo đẽo theo một kì dưỡng bệnh đau đớn và ghê tởm…”.

Motif cái song trùng trong Lolita gắn liền với motif trò chơi. Cuộc hành trình trình bằng xe ô tô, nghỉ chân tại các Motel của Humber và Lolita, cuộc rượt đuổi của Humber theo dấu vết của Quilty và Lolita, những vở kịch… đều là những trò chơi, những trò chơi mà các nhân vật khi chủ động, khi bị cuốn vào trò chơi ấy. Và hai bản thể trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau trong con người Humber cũng như một trò chơi. Humber chơi trò che giấu một cái tôi rất khác dưới lớp vỏ một cái tôi đạo mạo với chính mình, với tất cả mọi người. Nhưng trò chơi đó ngay lập tức lộ tẩy khi một bản thể khác, vừa giống lại vừa không giống Humber gặp Humber – Quilty. Ngay từ lần gặp đầu tiên Quilty dường như đã nhận ra cái bản thể thật – cái bản thể ham muốn nymphet trong con người Humber, và gã cũng vạch trần trò chơi che giấu ấy của Humber. Quilty cũng chính là người tạo ra trò chơi rượt đuổi, trốn tìm với Humber khi bắt cóc Lolita. Có thể nói, hai motif này đan hòa, lồng ghép, bổ sung cho nhau, tạo nên sự phức tạp, đa thanh, giàu ẩn ý và biểu tượng nơi cuốn sách Lolita.

Có thể nói, giải mã motif cái song trùng góp một phần không nhỏ trong việc giải mã, khám phá tính cách của nhân vật chính Humber Humber, một kẻ có vấn đề về thần kinh, yêu mê cuồng nymphet nhỏ bé. Và người viết mong muốn việc giải mã motif cái song trùng trong con người Humber Humber; trong sự đối chiếu, soi rọi và bài trừ lẫn nhau giữa Humber và Quilty sẽ có thể góp thêm một cách để tiếp cận lâu đài ngôn từ với dày đặc những tầng tầng lớp lớp mã khóa như Lolita.

 

 

Sophia Mặc

Rating: 5.0/5. From 4 votes.
Please wait...