“Ngã vào tim nhau, đau suốt một đời” – KHI NGƯỜI TRẺ THẤM THÍA KHÁI NIỆM “MẤT MÁT”
|“Tuổi trẻ trải qua sai lầm, vấp ngã là để trưởng thành” – rất nhiều người đã nói thế, nghĩ thế và áp dụng điều này cho thanh xuân của mình; thế nhưng, không phải tất cả họ đều trưởng thành. Trưởng thành không được tính bằng thời gian sống của một người, cũng không được tính bằng số lần vấp ngã; thực chất, trưởng thành là khi người trẻ hiểu giá trị của những thứ thuộc về mình – kể cả may mắn được nhận, hay đau đớn để vuột mất đi.
“Ngã vào tim nhau, đau suốt một đời” – tuyển tập truyện ngắn và tản văn của nhóm tác giả tự nhận mình là “Những kẻ khờ mộng mơ” – là tác phẩm ghi lại hành trình trưởng thành của những người trẻ, khi họ thấm thía được khái niệm “mất mát” và không còn quá vướng chấp với chuyện thiệt hơn.
“Những kẻ khờ mộng mơ” – tên nhóm – phần nào lột tả được “chất văn” của những tác giả tham gia tuyển tập này. Họ đủ trẻ để tự tin bước tiếp và làm mới cuộc đời mình; nhưng họ cũng đủ va vấp để khi cần thiết, dám lắng lại và sống chậm đi một chút. Dĩ nhiên, 7 tác giả sẽ mang 7 phong cách sáng tác khác nhau, sẽ đối thoại với độc giả theo 7 cách cũng hoàn toàn khác nhau; nhưng tựu trung lại, họ vẫn đứng cùng một tư thế – bình thản nhìn về những sai lầm cũ, những mất mát cũ, để trân quý hơn hiện tại của mình.
Nếu có một Megane “tưng tửng”, cá tính, và “thẳng đuộc” để tự nhận mình ngốc – “Em thật ngốc!”, thậm chí là lột trần sự thật phản bội của một người – “Hóa ra, nhìn thấu một người lại đớn đau đến vậy”; thì cũng sẽ có một Megane trưởng thành hơn, để nhìn về ngày cũ, gói trọn những tiếc nuối vào túi dư âm – “Gửi anh, tình đầu không còn là tình cuối”, “Chúng ta còn nợ nhau một cái tên”…
Nhưng khi trưởng thành rồi, người trẻ bao dung đến lạ, để không còn trách giận, không thù hận gì nhau; để họ có thể gọi nhau là “bảo bối”, dẫu đại từ quý giá ấy nằm ngay ở một cuộc chia ly – “Bảo bối à, chúng ta đã chia tay rồi!”, hoặc có thể tử tế nói lời tạm biệt với nhau – “Gửi cho những năm tháng ấy lời tạm biệt”… (Mạch Thượng Tang).
Những người trẻ, khi còn đắm mình trong đau khổ của những cuộc tình chưa kịp đặt tên, họ sẽ sợ hãi tất cả mọi thứ – như “Tôi sợ đêm buông” (Sophia Mặc), hay như “Những tinh cầu cô đơn” (Leona Nguyen), hoặc “Những chuyến tàu điện ngầm” (Nguyên Nguyên). Đó có thể là sợ thời gian, sợ phải bước ra thế giới rộng lớn nhưng không ai hiểu mình, hoặc sợ bản thân lãng quên một hình bóng cũ mà chấp níu đi tìm bản sao hoàn hảo cho hình bóng ấy…
Những người trẻ, bước một bước khỏi ngày hôm qua, họ sẽ bớt được một nửa yếu đuối, để tự tay kéo một nửa linh hồn của mình ra khỏi ám ảnh của mất mát, của tổn thương. Họ rồi sẽ dám thừa nhận mọi thứ chỉ là chuyện “Đã từng” (Harley Lê); dám thừa nhậm mình ổn, cho dù chỉ là “ổn một nửa” – “Em ổn, chỉ là… không có anh!” (Sophia Mặc); và thậm chí là dám nói về thứ mình đã ngu ngốc bước qua rồi ôm nuối tiếc một mình – “Tình yêu năm ấy từng bỏ lỡ” (Mạch Thượng Tang).
Thấm thía sự mất mát không phải để tự cào cấu trái tim mình bởi tiếc nuối; mà là để tìm một góc khuất đủ đẹp, đủ rộng chứa cho bằng hết ngày hôm qua và thi thoảng nhìn lại để hạnh phúc với chuyện cũ. Kỷ niệm, dẫu buồn – dẫu vui thì vẫn mãi mãi đẹp; và trưởng thành là khi quay đầu tìm lại những thứ sau lưng mình, người trẻ nhìn thấy được vẻ đẹp của quá khứ. Chỉ như thế, người trẻ mới có thể nhìn vào “Tách trà và vết son môi” (Leona Nguyen) như một vật thể lưu lại một dấu vết – có thể rất đau, nhưng vẫn là dấu vết đẹp; và họ cũng có thể bình thản nói với người cũ rằng, “Anh nợ em một điệu nhảy” (Harley Lê).
Khi người trẻ trưởng thành, họ có thể đứng giữa chênh vênh và tự nhủ với chính mình, rằng “Chỉ cần đúng người” (Mạch Thượng Tang) thì bất kỳ lúc nào cũng sẽ là đúng thời điểm. Họ có thể sống chậm lại một chút, để khẳng định lại rằng “Điều buồn nhất không phải là mất nhau” (Sophia Mặc) mà là để vuột mất khoảnh khắc tìm thấy nhau; như thế, cũng có nghĩa, nếu ngày mai họ tìm được một khoảnh khắc khác nữa, họ sẽ không lướt qua một cách vô tình.
Người trẻ trưởng thành, có thể giống như một “Vì sao trên bầu trời mùa đông” (Nguyên Nguyên) – hiu hắt buồn; nhưng chắc chắn sẽ ung nhiên với mọi thứ, để “Thất tình sau tuổi 25” không còn là lý do khiến họ phải gục ngã nữa. Chắc chắn, họ – những người trẻ bước chân đến trưởng thành – vẫn buồn, vẫn tiếc, vẫn đau; nhưng rồi họ sẽ biết cách tự chữa lành vết thương ấy để đủ sức đi tiếp.
Trưởng thành là khái niệm dành cho những người trẻ hiểu đúng giá trị của hiện tại mà cố gắng xây đắp tương lai. Trưởng thành, là khi người trẻ nhìn thấy chính mình trong gương và mỉm cười với hình ảnh phản chiếu và nói, “…người sẽ cùng mình đi trọn cuộc đời lại chẳng phải là người mình đã từng yêu tới mức tưởng như long trời lở đất.” – trích “Mắt đen” (Nhiên).
Họ – “Những kẻ khờ mộng mơ” – tự nhận mình là những người trẻ, dại khờ và chênh vênh, với những trái tim chật đầy cảm xúc nhưng cũng trống rỗng cô đơn… Họ – những người trẻ đã thấm thía đủ khái niệm “mất mát” – đang ung nhiên bước về phía trưởng thành!…
T.T.T
=> Mời các bạn kích vào đây để đặt sách với nhiều ưu đãi hấp dẫn
Key liên quan:
- https://nhom40 com/nga-vao-tim-nhau-dau-suot-mot-doi-khi-nguoi-tre-tham-thia-khai-niem-mat-mat/
- ngã vào tim nhau đau suốt 1 đời
- ngã vào tim nhau đau suốt một đời
- ngã vào tim nhau đau suốt một đời tác giả