NGƯỜI TÌNH – KÝ ỨC ĐÔNG DƯƠNG
|Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1920, những vũng nước sót lại từ cơn mưa đêm, ứ đọng trên những con đường. Trời vẫn nóng hầm hập, không lấy chút gió. Khi ấy, trong khu phố người Hoa dơ dáy, ngập ngụa trong mùi thức ăn xào rán đặc trưng, tại ngôi nhà nhỏ ánh sáng loang lổ, nàng và gã người tình “lớn” tuổi của mình đang nằm bên cạnh, sau khi làm tình. Mỗi người đều đeo đuổi một suy nghĩ, có vài lần gã châm điếu hút thuốc nói vài câu vu vơ, còn người tình bé nhỏ thì vẫn lặng im như thế.
Câu chuyện trong “Người Tình” của nữ nhà văn người Pháp Margurite Duras không phải bắt đầu từ chi tiết đó. Nhiều khi tôi nghĩ, mỗi một người cầm bút đều ý thức được rằng, mình nên bắt đầu với hình ảnh thật sự ấn tượng nào cho câu chuyện đang kể. Điều đó thật khó. Bản thân Duras trong một cuộc phỏng vấn, bà đã nói rằng: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng, và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”.
Nhưng trong câu chuyện này, tôi nghĩ rằng, bất cứ hình ảnh nào về xứ Đông Dương đang dần dần “lụi tàn” và “sụp đổ” ấy đều có thể mở đầu cho câu chuyện này. Và khi ấy, nữ nhà văn của chúng ta đã bắt đầu câu chuyện bằng hình ảnh trên chiếc phà xuôi dòng sông Mekong hùng vĩ, nơi cô gái bé nhỏ, người thiếu nữ 15 tuổi của bà đã chọn cho sự xuất hiện của mình bằng một hình ảnh không kể nào tàn tã hơn. Thứ trang phục mà nàng cho rằng, thật kỳ quái, ngay cả chiếc mũ nàng đang đội trên đầu mình, cũng không phải dành cho phụ nữ. Nhưng không vì thế mà nàng đánh mất đi sự trong trẻo, ngây thơ vốn có qua ánh mắt, đôi môi, cử động thân thể. Và khi ấy, như một định mệnh nàng đã gặp người tình Hoa Bắc của đời mình.
Sự đan xen giữa hiện thực và những ký ức luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho những nhà văn chọn lối viết “dòng ký ức”. Đôi khi tôi thường quan niệm rằng, họ thực sự là những kẻ đeo bám dai dẳng, những kẻ không chịu buông tha ký ức và hơn hết là những nỗi đau. Ký ức là những nỗi đau. Những ký ức, đôi khi “đau rát” về xứ Đông Dương lụi tàn.
Ở xứ Đông Dương ấy, nàng bảo rằng, gia đình nàng là một trong những gia đình người Pháp đang sa sút, thất bại do chính cái chết của cha nàng, sự mắc sai lầm trầm trọng của mẹ nàng, những viên chức thuộc địa đã lừa dối gia đình họ. Một hiện thực phũ phàng được phơi bày ở xứ thuộc địa, nghiễm nhiên vẫn tồn tại sự suy kiệt của một gia đình người da trắng. Hơn hết, chính hoàn cảnh đó đã đẩy họ đến với sự biệt lập, thiếu thốn, tủi nhục và cô độc hơn bao giờ.
Nàng lớn lên và trở thành người thiếu nữ 15 tuổi với bao khát khao về cả tâm hồn lẫn thể xác. Người ta vẫn thường chiêm nghiệm về những thứ lấp lánh ẩn sâu trong vũng bùn tối tăm. Ngôi sao lấp lánh trong màn đêm hay như một bông hoa dại xinh đẹp và hoang dã. Nàng cứ thế lớn lên.
Trong chuyến phà xuôi dọc sông Mekong ngày hôm đó, hình ảnh lôi thôi, không chút tương đồng và ngây dại của nàng đã lọt vào mắt của gã người Hoa, mà sau này trở thành người tình của nàng. Có lẽ trong cái khung cảnh nhốn nháo của chiếc phà chở dăm bảy loại người, dăm bảy thứ hàng hóa, nàng nổi bật hơn bao giờ. Nàng càng trở nên nổi bật như thế khi trên chiếc xe của gã, khi hai người chạm tay nhau, khi tay gã đặt lên đùi nàng, hay cả khi họ quấn lấy nhau trong căn phòng tranh tối tranh sáng loang lổ ấy. Ở nàng, gã dường như tìm thấy sự khác biệt mà không một cô gái nào gã từng quen trước đây có được. Nàng làm dấy lên sự khát khao, mãnh liệt cùng với đó là cảm giác muốn chiếm đoạt xen lẫn cả sự yêu thương khốn cùng.
Có thể khẳng định rằng, giữa họ đã và đang tồn tại thứ tình cảm khác biệt, mà nếu nói thẳng ra thì có lẽ người ta khó mà tin được. Nếu hiểu theo nghĩa, nàng tới với gã chỉ vì tiền của gã, còn gã muốn chiếm đoạt sự ngây thơ, trong trẻo của nàng. Có lẽ nếu hiểu theo nghĩa đó thì sẽ rõ rệt hơn và làm người ta có thể chấp nhận được.
Nhưng tôi vẫn tin rằng, đâu đó trong những cuộc đối thoại vô nghĩa sau khi làm tình, hay những cử chỉ mơn trớn ve vuốt. Hay ánh nhìn của nàng khi gã phải đi lấy vợ thì tôi tin rằng, có thứ tình yêu nào đó đã lớn dần dần trong nghịch cảnh ấy. Thứ tình cảm khó xác định và khó nắm bắt mà hàng thập kỷ, qua sự chia rẽ sâu sắc của lịch sử, chiến tranh đã khiến cho hàng trăm mối tình đã không thể trở thành hiện thực.
Thứ nghịch cảnh đã ngăn trở họ khiến họ không thể nào tiếp nhận được, có thể thực tế phơi bày ra và họ nghĩ mình đang làm những điều sai trái. Có lẽ chính ý nghĩ đó đã ngăn trở họ chăng? Thứ tình cảm sau cùng chỉ dừng lại ở một nghĩa duy nhất, mà nó đã tồn tại trong cả hai con người ấy. Chữ “người tình” chưa bao giờ đúng hơn. Chính xác họ chỉ là những “người tình” của nhau mà thôi. Người tình trong một góc nhỏ bé của xứ Đông Dương đang đổ nát.
Trong một lần làm tình giữa họ, hình như gã có hỏi nàng, nàng đang nghĩ gì. Nàng ngập ngừng rồi nói rằng, nàng chỉ nghĩ tới đại dương mênh mang, đen thẳm.
Trên chuyến tàu trở về Pháp năm ấy, đã mang theo người tình bé nhỏ của gã trở về cố hương rời xa mảnh đất thuộc địa u tối này. Trong chuyến tàu trở về Pháp năm ấy, đã mang theo người tình của nàng hay những ký ức về Đông Dương.
Trên con tàu, vào buổi đêm, nàng bước đi trên sàn tàu. Bước vào một căn phòng trống trải. Nàng bỗng nghe thấy những giai điệu, những giai điệu của Frédéric Chopin dìu dặt vang lên giữa đại dương mênh mang. Khi ấy nàng chỉ nghĩ tới đại dương mà thôi. Mênh mang, thăm thẳm, vô định. Và thế rồi nàng khóc. Khóc cho cuộc đời. Khóc cho chính mình.
Sự thực là cuộc đời của nàng còn kéo dài thêm nhiều đoạn nữa, mà dám chắc rằng, nếu sau này nàng có thể thành người đi kể những câu chuyện thì ắt hẳn nàng đã phải viết nhiều hơn. Nhiều hơn bất cứ những gì nàng nghĩ quẩn quanh trong đầu mình.
Vào một ngày, gã đã gọi cho nàng, khi ấy nàng đã trở thành bà lão già lụ khụ, gã đã nói với nàng rằng, gã yêu nàng, chưa bao giờ ngừng yêu nàng và sẽ giữ cảm giác này cho tới khi chết.
Và gã tin nàng hiểu. Bản thân nàng cũng thế. Chúng ta cũng tin thế. Khi mọi thứ đều hóa những hoài niệm. Chỉ mong rằng, đừng bao giờ để bụi thời gian phủ kín lên trên bề mặt của nó, hỡi những người tình.
Marguerite Duras, sau cùng đã để lại những áng văn tuyệt đẹp, buồn bã về xứ Đông Dương tàn lụi gắn với tuổi trẻ của chính bà. Nơi người ta đã sống và làm sống lại những ký ức đau đớn nhưng mạnh mẽ vô cùng.
Nguyên Nguyên