PHIM “KIÊU HÃNH VÀ ĐỊNH KIẾN” – JOE WRIGHT
|Kiêu căng và kiêu hãnh là 2 điều hoàn toàn khác nhau. mặc dù cả thế giới thường dùng nó như một cách đồng nghĩa. Một người có thể tự hào nhưng không kiêu căng. Kiêu hãnh liên quan nhiều hơn đến ý kiến về chính bản thân chúng ta, kiêu căng là những gì mà người khác nghĩ về chúng ta.
“Kiêu hãnh và định kiến” là một tác phẩm điện ảnh của Anh, được đạo diễn bởi Joe Wright và chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết danh tiếng cùng tên của Jane Austen ra mắt năm 1813. Bộ phim được xem như một bức chân dung sống động về nước Anh thế kỷ XIX cùng với câu chuyện tình yêu của Elizabeth Bennet với Ngài Darcy vượt lên những định kiến của một hệ thống phân tầng giai cấp đã in hằn vào tiềm thức mỗi con người.
Elizabeth là con thứ của gia đình Bennet – một cô gái thông minh và ham đọc sách. Khi nhà quý tộc Charles Bingley tới Netherfield cùng với người bạn thân Darcy, Bingley đã phải lòng Jane – chị gái Elizabeth – trong khi Elizabeth và Darcy lại không ưa nhau. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều thử thách khác nhau, tình cảm trong cả hai cuối cùng cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Trong bộ phim, mọi sự kiện đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phân biệt tầng lớp ở nước Anh, đặc biệt là những vấn đề như vị trí trong xã hội, phép cư xử hay hôn nhân và tình yêu. Dường như người Anh có nhận thức rất rõ ràng về sự bất đồng tầng lớp bởi họ không dễ dàng giao du với bất kỳ ai không thuộc cùng tầng lớp với họ bởi mỗi sự phân chia ấy đều có những đặc trưng rất riêng. Bingley và Darcy có thể làm bạn thân bởi họ cùng thuộc tầng lớp quý tộc, đều giàu có và nhiều tiền của – họ sẽ thấy xứng đáng hơn khi có một người đồng hành ngang tầm. Dù Bingley và Darcy không thực sự thể hiện sự phân biệt đối với tầng lớp trung lưu, như gia đình Elizabeth, Catherine – chị gái của Bingley – lại tỏ rõ thái độ khinh miệt khi cô không công nhận Jane cũng như coi thường gia đình Bennet vì dính dáng đến cuộc đời của em trai mình.
Ngoài hành động của các nhân vật, sự phân chia giai cấp tác động sâu sắc đến chính cảm xúc của họ. Giới thượng lưu có xu hướng được giáo dục cặn kẽ hơn nên họ thường giấu cảm xúc thật phía sau những phép cư xử chuẩn mực; từ giới trung lưu đổ xuống, cảm xúc không hoàn toàn bị chuyện này chi phối, có phần thoải mái hơn. Chưa kể đến tình yêu, việc cưới một người thuộc tầng lớp trên sẽ đem lại nhiều lợi ích khi người đó có thể hỗ trợ về mặt tài chính và danh tiếng. Đó là lý do mẹ của Elizabeth luôn nóng lòng để các cô con gái nhà Bennet được gả vào một gia đình tốt. Thậm chí, có những người, vì lo sợ quá lứa nhưng mong có cuộc sống yên bề, sẵn sàng chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu chỉ để bảo toàn danh dự, với nhân vật Charlotte là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, điều Jane Austen mang đến chính là tình yêu luôn tồn tại, dù tầng lớp có còn tồn tại đến muôn đời sau trên nước Anh. Chính tình yêu mãnh liệt mà Darcy có với Elizabeth đã giúp anh vượt lên để khi họ đứng đối diện nhau, dường như mọi “kiêu hãnh và định kiến” không còn tồn tại – họ chỉ là hai con người bình thường với những xúc cảm chân thật đang gắn kết với nhau trong sự vĩnh cửu.
Harley Lê
=>>Đọc thêm:
https://nhom40.com/su-mang-than-chet-niem-hy-vong-moi-cua-dong-phim-chuyen-the-2/
Key liên quan:
- phân tích phim kiêu hãnh và định kiến