SÁCH – TÔI VÀ CẬU
|Ngày nhỏ, một thời gian tôi sống với ngoại. Nhà ngoại rất gần nhà tôi, nhưng vì ngày đó mẹ bận chuyện buôn bán, ba đi làm xa nên ba mẹ quyết định gửi tôi vào nhà ngoại để cậu dì thay mẹ dạy dỗ tôi. Và có lẽ, thói quen tốt nhất tôi được nhận từ cậu dì – chính xác nhất là từ cậu – là thói quen đọc sách.
Thói quen đọc sách của tôi hình thành từ rất sớm, vì nhà ngoại đâu đâu cũng toàn sách là sách. Những ngày hè oi ả nắng, nếu không được chạy lông nhông với lũ bạn cùng xóm cho da đen nhẻm và tóc cháy khét ra, thì tôi sẽ ở nhà và đọc sách. Khái niệm sách của tôi lúc đó là những mặt giấy có chữ; thế nên nhiều người lớn khi hỏi đến hoạt động trong hè của tôi và được trả lời rằng đọc sách, đều nức nở khen giỏi, trong khi tôi lại chẳng hiểu tại sao. Những tờ báo Nhi Đồng, báo Thiếu Niên cậu tôi mượn về từ thư viện trường, hoặc cũng có khi là những tờ báo dì tôi đặt về từ cơ quan, là những người bạn thân thiết của tôi trong suốt mùa hè.
Lúc đó tôi mới chỉ khoảng bảy – tám tuổi, vừa biết đánh vần nên đọc chữ chưa trôi, viết chính tả thì còn sai be bét. Nhưng khi đọc đã trở thành thói quen, nhất là khi cậu hướng thói quen ấy thành một điều ham thích, thì khả năng đánh vần và nhận mặt chữ của tôi tiến bộ rất nhanh. Cậu dạy ở một trường tận miền biển, tuần về một lần; lần nào về cậu cũng dành thời gian kiểm tra quyển vở chính cậu đã mua cho tôi và dặn tôi chép bài thơ đã học thuộc vào. Khỏi phải nói một đứa ham chơi như tôi đã khổ sở như thế nào khi nhận “chỉ thị” đó; tôi không hiểu cậu bắt tôi làm những việc vô bổ đó để làm gì, và con sâu lười biếng cứ gào khóc trong tôi. Nhưng tôi rất sợ cậu, nên phải răm rắp làm theo.
Có một lần, khi tôi đang ngồi ê a học thơ thì tụi bạn í ới ngoài ngõ. Thơ còn chưa thuộc, vở vẫn chưa có chữ nào, tôi liền nguệch ngoạc cho xong rồi đóng tập đi chơi. Tối đó cậu về, tôi “cầu Trời khẩn Phật” cho cậu quên đi chuyện kiểm tra vở và dò bài; nhưng hình như Trời Phật ở xa quá nên lời khẩn xin ấy không được toại nguyện. Tôi đứng ú ớ trước mặt cậu, trong khi những con chữ như gà bươi – ấy là cậu tôi gọi thế – đang nhảy múa trêu ghẹo tôi. Cậu đưa vở cho tôi tự đọc không cần phải thuộc, nhưng chính tôi còn không tài nào đánh vần được chữ đó là chữ gì. Lần đó, tôi phải quỳ một tiếng đồng hồ và tự hứa sẽ không bao giờ dám tái phạm nữa.
Ngày nhỏ, tôi đọc sách không phân biệt thể loại, cứ có trong tay cuốn nào, tôi sẽ ngấu nghiến đọc hết. Sách của mẹ và cậu dì để lại, cũ kỹ đến sứt bìa, thậm chí có quyển giấy mục cả ra, nhưng tôi vẫn đọc. Từ những tác phẩm kinh điển như “Trăm năm cô đơn”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Cuốn theo chiều gió”; đến những thể loại văn học Việt Nam như “Truyện Kiều”, và cả truyện tranh như “Doraemon”, “Trạng Quỳnh”, “Thần đồng đất Việt”…, tôi đều cặm cụi đọc. Có quyển tôi hiểu – có quyển không. Và chuyện không hiểu như một cái duyên, để tôi đọc đi đọc lại khi mà giá sách ở nhà khá nghèo nàn mà thời gian rảnh rỗi của tôi lại vô hạn. Cậu lại dạy tôi rằng, “đọc sách là để lĩnh hội, một khi lĩnh hội được kha khá, hãy tập viết ra những điều của riêng con!”. Đó là động lực cho những ngày đầu tôi tập tành viết lách.
Lớn lên, đọc nhiều hơn, tôi rút ra được khái niệm “đọc sách có chọn lọc” cho mình. Tôi e dè vì thời điểm này, nội dung sách không hấp dẫn như bìa sách thể hiện; quá nhiều đầu sách, thể loại khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Kể từ khi đuổi theo chữ nghĩa và vào lớp chuyên Văn, tôi chỉ đọc duy nhất sách văn học. Nhưng cậu lại khuyên rằng, cần phải trung hòa và biết cân bằng khi đọc sách; đừng đưa mình vào sự mơ mộng thái quá đến mức xa rời thực tế khi chỉ cắm đầu vào tiểu thuyết văn chương. Tôi nghe lời cậu, đọc cả sách kiến thức, sách kỹ năng… Thời gian đầu vẫn chưa quen, tôi không thể “nuốt trôi” bất kỳ cuốn sách kỹ năng nào, nhưng tập dần, tôi nhận ra vô số điều hay ho trong thể loại sách kỹ năng và tri thức mà trước đây tôi vẫn cho là nhàm chán khô khan ấy.
Bốn năm Đại học là quãng thời gian tôi cảm thấy mình sống vô nghĩa nhất. Vì không được học ngành mình thích nên tôi học hành làng nhàng, cũng không còn đủ hứng thú để đuổi theo chữ nghĩa như trước đây. Đến tận giữa năm ba đại học, tôi tìm mua và đọc “Hành trình về phương Đông” theo lời giới thiệu của cô giáo chủ nhiệm; hoảng hốt nhận ra mình đã mất khả năng đọc và cảm thụ mất rồi! Tôi như người rơi xuống hố sâu khi đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng không thể bắt được nội dung chính của những trang đầu tiên. Cảm giác phải thừa nhận mình không còn khả năng làm điều mà mình tự tin làm tốt nhất là cảm giác đáng sợ nhất mà tôi từng phải trải qua – chính là đây, trước sách. Hốt nhiên, tôi nghĩ về cậu… Cảm giác có lỗi ập đến! Tôi đã làm mai một một thói quen tốt mà cậu cố gắng xây dựng cho tôi.
Dĩ nhiên tôi đã mất một đoạn loay hoay để tìm lại chính mình trước chữ nghĩa. Và dĩ nhiên khoảng thời gian ấy giúp tôi nhận ra thêm được rất nhiều điều đáng giá mà chắc chắn mãi mãi không bao giờ tôi dám quên. Để đến hôm nay, khi bước được những bước đầu tiên cùng chữ nghĩa, tôi thấy biết ơn cậu vô cùng! Đó không phải chỉ là một thói quen tốt cậu tạo cho tôi, mà là hành trang cho tôi đủ nghị lực để đuổi theo lý tưởng cuộc đời mình!…
Diep Thanh