(tản văn) Chuyện của những cơn mưa
|Năm 2012, tôi đến thành phố này cùng những cơn mưa. Khi ấy là tháng chín, trời mưa triền miên, lũ tân sinh viên mang nhiều tâm trạng hơn thường nghĩ. Hồi học ở cấp III, cứ đơn giản nghĩ rằng, việc bị ném vào một thành phố khác chẳng có gì là to tát cả, chỉ là ồn ã hơn, bon chen và trống trải hơn mà thôi. Chẳng một chút gì còn sót lại trong tiềm thức của tôi về những ký ức đầu tiên đó. Sau này, khi nhắc lại tôi chỉ nghĩ tới những cơn mưa mà thôi.
Có lẽ, tôi đã đứng nhìn anh trong suốt cơn mưa chiều tháng Chín ấy. Mưa dai dẳng, như tâm trạng của tôi, níu kéo lại, đứng dưới mái hiên nhìn sang phía bên kia tòa nhà thư viện, trước sảnh lớn, anh cũng đang đứng như tôi. Lặng lẽ, không ồn ã, bon chen. Khi ấy, trông anh như một sinh vật đã chết, buồn thảm hết sức.
Nhưng tôi đã nhận ra anh trong hằng hà sa hố những nhân ảnh vội vã lướt qua trong thành phố này, dễ nhìn thấy anh giữa quảng trường, trên sân ga, trạm dừng xe buýt hay lễ hội Halloween được tổ chức ở sảnh lớn một trung tâm thương mại. Đơn giản, anh sở hữu một chiều cao nổi bật mà thôi.
Dĩ nhiên, trong màn mưa trắng xóa ấy, tôi dễ dàng nhận ra anh, đầu hơi cúi chúi mặt vào màn hình điện thoại đang sáng. Thứ trắng xóa ngăn cách khiến tôi chẳng thể nhìn rõ gương mặt anh, thế rồi tôi hình dung, cố nhớ lại hình ảnh đầu tiên của anh được lưu giữ trong bộ não của mình. Tôi thường gặp một chút khó khăn trong chuyện, đó là sự khó khăn trong việc hình dung ra một gương mặt người để lại ấn tượng với mình. Điều đó thực mẫu thuẫn, nhưng nó lại hay xảy ra với tôi, thật khó để hình dung gương mặt ấy. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, đủ để cơn mưa này tạnh, đủ để tôi rảo bước về căn nhà trong ngõ hẹp, đủ để anh rời đi. Nhưng sự thật, tôi vẫn không thể có một hình dung thật chính xác. Tôi chỉ nhớ, ánh mắt ấy đã nhìn tôi trong một buổi sáng mùa Đông xa lạ ở thư viện thành phố. Và cơn mưa đầu tiên, chỉ là những ký ức mờ nhạt sau cùng nếu như tôi viết ra câu chuyện này.
Ánh mắt ấy đã rơi vào cuốn sách tôi đang đọc. Tôi nhớ. Đó là một cuốn sách của Modiano- người khơi gợi ký ức. Để em khỏi lạc trong khu phố. Tôi nhớ. Đó là tên cuốn sách ấy. Của Modiano. Của người Pháp.
“Cậu thấy gì trong đó”. Đôi môi mỏng luôn luôn mím chặt, hé mở.
Đôi tai thoáng nghe, giật mình. Đôi mắt mơ hồ ngước lên, mắt gặp một gương mặt nghiêm túc đang nhìn mình. Khuôn mặt đối khiến bối rối vô cùng. May thay lý trí đủ tỉnh táo để khiến đôi môi hé mở, cất tiếng.
“Mình chỉ thấy trống trải thôi. Như thành phố này.”
Khuôn mặt đối diện bật cười, sự lạnh tanh bay biến trong một khoảnh khắc hiếm hoi.
Một cách ví von lạ. Rất lạ.
Tôi không hiểu nổi câu nói đó của anh, câu nói kết thúc một cách nhanh chóng câu chuyện của Modiano. Chỉ nhiêu vậy thôi, giờ chẳng còn lại gì.
Sự thực là sau đó, chúng tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện hơn, sau câu chuyện về Modiano. Chúng tôi nói về thành phố này, của những người trẻ, của sự lạc lõng, vô định hay những giấc mơ đang bị rút mòn từng ngày, từng ngày, từng giờ, từng giờ… Rồi chúng tôi nói về những cơn mưa, những cơn mưa thực sự, mưa trên nền gạch, trên sân ga, dưới mặt hồ yên lặng, mưa trên mặt không đủ để khuấy động những điều sâu thẳm trong lòng. Và tôi biết rằng, điều bí ẩn sau cánh cửa của tâm hồn kia vẫn còn những bí mật, được giấu kín một cách hoàn hảo.
Khi ngồi bên cạnh anh, tôi không bao giờ hỏi những điều về anh, nếu muốn nói thì anh đã nói ra từ trước đó rồi. Việc tôi làm, chỉ là đôi tai, dỏng lên và nghe những câu chuyện của anh. Anh nói, về tuổi trẻ và đó là câu chuyện của chúng tôi. Đó là câu chuyện của tất cả chúng tôi về thành phố này, về những người trẻ, sự lạc lõng, vô định hay những giấc mớ đang bị đánh cắp…
Anh hơn tôi hai tuổi, nhưng lại học cùng tôi. Công việc của chúng tôi trong trường Đại Học là học cách điều khiển những con chữ khiến chúng nhảy múa, khiến dư luận nhảy múa, khiến tất cả những ai đọc nó đều có thể nhảy múa. Anh nói, anh thích những con chữ, nhưng đó không phải là tất cả của anh. Anh nói mình quan tâm tới những hình ảnh hơn, lưu giữ bằng đôi mắt, khối óc và con tim của mình. Đôi lần tôi thấy anh nán lại trên một góc phố, mắt dán vào những hình ảnh được vẽ trên những bức tường cả cũ, cả mới. Khi ấy, tôi thấy ánh mắt anh sáng lên những tia sáng nhỏ nhoi, rồi vụt tắt khi màn đêm kéo chiếc váy đen kịt của mình, phủ kín lên thành phố.
Cha mẹ anh thích anh theo nghề báo chí hơn, cuộc chơi đùa bất tận với con chữ. Tôi chẳng biết dùng cụm từ nào để miêu tả rõ ràng về ngành mình đang học, nhưng bất lực ở chỗ, tôi lại chẳng thể chia sẻ với anh được điều gì. Năm 2009, anh nói, có đôi lần anh đã nghĩ tới chuyện sẽ tự sát.
Và anh nói thêm, đó là những cái chết của tuổi trẻ. Tôi chưa từng chứng kiến cái chết của tuổi trẻ nào, anh bảo, anh không tin, anh bảo tôi cố nhớ lại đi. Công việc với ký ức bắt đầu và nó khiến tôi ngột thở. Năm 15 tuổi, một cậu bạn cùng làng với tôi đã bỏ đi sau khi mẹ cậu ấy nhảy xuống cây cầu bắc qua con sông, khi phát hiện cha mình đang ở cùng một người phụ nữ khác trong chính căn phòng của hai người. Trong đám tang người phụ nữ xấu xí, tôi đã không thấy cậu đâu, khi ấy tôi ước gì có thể nhìn thấy hình dáng nhỏ con của cậu lẫn vào trong đám đông nhộn nhạo kia. Tôi đã tự hứa với mình rằng, mình sẽ chạy tới ôm chầm lấy cậu ấy. Sau này theo một số nguồn thông tin tôi thu thập được, có một công nhân sửa đường tàu đã ôm chầm lấy cậu ấy trong lòng bàn tay mình, trong lòng mình, người công nhân dính đầy máu của cậu, gương mặt biến dạng, và tôi không tin người đó lại là cậu.
Năm 2009, anh đã nghĩ tới chuyện sẽ chết. Gieo mình từ cây cầu cổ xưa nhất thành phố xuống con sông ô nhiễm nhất thành phố. Anh nói, nếu rơi xuống sẽ chết vì nhiễm độc trước khi chết vì đuối nước. Anh đã đứng trước mặt cầu, nhìn xuống dòng sông mùa đông lững lờ chảy, chần chừ, chần chừ…
Năm 2012, anh đi học Đại học theo ý của cha mẹ mình, anh đọc sách, anh viết, anh đọc sách rất nhiều, rồi anh viết cũng rất nhiều. Cuối năm 2013, anh có viết một cuốn tiểu thuyết về những đường tàu. Đầu năm 2016, tôi thấy nó nằm trên kệ sách ở một cửa hàng sách ở trung tâm thành phố.
Tháng 5 năm 2015, tôi trở về làng khi ông nội tôi qua đời, trên chuyến xe lăn bánh từ thành phố về thị trấn, trời bắt đầu mưa, những vệt mưa chạy dài trên khung cửa kính. Tôi rời tay và thấy lạnh vô cùng.
Lần ấy, tôi chỉ mong cơn mưa kéo dài thêm, đoạn đường kéo dài thêm, khuôn mặt áp vào bàn lưng mỏng gầy đó. Tôi dễ dàng nhận thấy mùi mồ hồi, tiếng thở, tiếng trái tim đập nhanh, đập chậm. Nhưng thật lạ, trong cơn mưa ào ạt đó, tôi có thể hình dung mọi thứ một cách dễ dàng, tôi như lạc vào trong thế giới ngoằn ngoèo của những con đường trong thành phố nhưng chẳng có cảm giác sợ hãi như người đi lạc. Và rồi, khi cơn mưa chấm dứt thì sự im lặng lại bao trùm lên tất cả.
Sau đám tang của ông nội, tôi chỉ còn gặp lại anh một số lần trước khi anh rời khỏi thành phố này. Chuyện anh quyết định bỏ học giữa chừng là điều tôi dễ dàng nhận ra từ đó rất lâu, một sớm một chiều mà thôi. Anh nói, mình sẽ đi, tôi chỉ biết câm lặng, như màn đêm. Ngày hôm đó, trời không mưa, chỉ lạnh, cái lạnh thấu xương thấu tủy, dẫu cho tôi cố gắng giữ hơi ấm cơ thể bằng cách thọc sâu vào trong túi áo khoác của mình, nhưng hơi ấm dễ dàng trượt khỏi những ngón tay. Khi ấy, tôi biết không còn một cơn mưa nào nữa.
Thành phố của tôi đang mưa khi tôi viết gõ những dòng này trên màn hình word 2007 trắng xóa, những dòng chữ hiện ra trước mắt.
Bên ngoài thì trời đang mưa, còn tôi 23 tuổi. Anh 25 tuổi. Tôi ở thành phố này. Anh ở thành phố khác. Có lẽ là trong một căn phòng khác với những hình ảnh, nhạc Jazz hay một cơn mưa nào khác.
Tôi viết tiếp, viết tới khi cơn mưa ở thành phố của tôi ngừng lại. Tôi mở cửa sổ ra. Mây quang nhanh chóng, dễ dàng nhìn thấy những đám mây chuyển động về đêm trong thành phố này. Khi ấy, tôi cố gắng nhìn về phía khoảng trời, như để tìm kiếm một ngôi sao. Một ngôi sao biến mất. Ngôi sao ấy, đã hoàn toàn biến mất trên bầu trời mùa hạ!
Nguyên Nguyên
=> Đọc thêm bài viết khác: truyện ngắn Một phép thử
Key liên quan:
- tản văn phía ấy cơn mua về