[truyện ngắn] SÂN TRƯỜNG CÓ HOA VÀNG MIMOZA

No votes yet.
Please wait...

Tôi và Chi học cùng suốt bốn năm cấp hai, đến cấp ba, tôi học chuyên Văn còn Chi học chuyên Lý, thời gian gặp nhau chỉ là những giờ trước trống vào lớp rồi sau trống tan trường – ngắn ngủi và nhiều luyến tiếc.

Giờ ra chơi, Chi ít khi ra ngoài. Có lẽ, Chi sợ phải nghe những từ ngữ không hay đám bạn dành cho mình. Tôi cũng từng có lần trách Chi tự ti quá! Tôi nghĩ, mập hay ốm cũng là bản thân mình, cứ mặc kệ người khác nói gì, nhưng hình như Chi không thể vượt qua như tôi bảo. Lúc ấy, Chi nặng khoảng sáu mươi cân.

Có những lần, khi chúng tôi đi cạnh nhau giữa sân trường trước khi tẻ ra mỗi đứa vào một lớp, tôi nghe những tiếng hinh hích cười, những câu đùa cũng chẳng quá ác ý, nhưng chắc làm tổn thương Chi, rằng, chúng tôi đi cùng hệt như một số mười di động. Sau vài lần phải nghe câu nói ấy, Chi tránh hẳn mặt tôi khiến tôi cảm thấy tình bạn của mình bị tổn thương quá nặng. Và, tôi cũng bắt đầu tập thói quen không ngóng tìm cái bóng tròn, cao và đầy nhút nhát của Chi mỗi khi bước chân vào hẳn trong cổng trường nữa. Đó có phải giận không, tôi không chắc, nhưng tôi chắc chắn, có một phần trong tôi – cho dù rất bé – tôi nghĩ, tôi sẽ tôn trọng quyết định của Chi.

hoa-mimoza1
Hoa vàng Mimoza

Cuối thu – đầu đông, tôi thi thoảng nhìn thấy cái bóng quen quen của cô bạn vẫn cố lảng tránh tôi, Chi có vẻ buồn và nhiều tâm sự. Tôi vài lần nán đợi Chi sau tiếng trống tan trường, Chi cố tránh nhưng rồi cũng phải đối diện trước sự kiên trì và lì lợm của tôi. Tôi hỏi. Chi bảo, Chi thích mặc áo dài hơn, vì hình như mặc lớp áo trắng tinh khôi ấy, trông Chi ít béo hơn. Tôi lại hỏi. Chi cười buồn, bảo, chỉ vài hôm nữa thôi, chúng tôi sẽ được miễn áo dài, sẽ được mặc quần tây, áo ấm để tránh cái rét tê tái mà mùa đông nào rồi cũng như mùa đông nào. Tôi thở dài, thấy chán ngán với cái suy nghĩ thích mặc áo dài chỉ bởi để ít mập đi – theo tư tưởng của Chi thôi, chứ đã mập thì mặc cái gì chẳng mập cơ chứ! Và hôm ấy, tự tôi quyết định rẽ ngang khi chưa đến lúc chào tạm biệt nhau.

Khi những đụm mimoza chưa kịp vàng, nhà trường thông báo, nữ sinh được miễn áo dài. Tiếng rú hét thích thú của đám con gái trường tôi lớn đến độ, át hẳn đi cả cái suy nghĩ bộc phát ngay tức thời của tôi về Chi, về những câu ngắn ngủi Chi từng nói tôi nghe ở cái lần sau cùng – tính đến lúc này – tôi và Chi bước cạnh nhau. Rồi, tôi quên hẳn, không sót lại chút gì trong đầu mình, tôi cỡn lên mà nhảy, mà hét, mà gào thét như những đứa con gái còn ham chạy nhảy tự do như tôi vậy. Chúng tôi được miễn áo dài suốt mùa đông!

Bài tập làm văn tháng ấy, cô chủ nhiệm bảo, cả khối sẽ cùng làm một đề – tả về cây mimoza lâu năm giữa sân trường. Tôi ngạo nghễ tự nhủ với mình, rồi bài văn của tôi sẽ được đọc vào tiết chào cờ tuần kế tiếp. Tôi dành hai buổi ra chơi của mình để ngắm nghía cái thân cây sù sù sì sì, cong cong quẹo quẹo một cách dị biệt ngay trước lớp tôi, nghĩ mà cảm thông cho những đứa chuyên Toán, chuyên Hóa, chuyên Lý, chuyên Sinh… đã ít vốn liếng từ vựng, lại cách quá xa thứ chúng phải tả, lẽ ra, nên để lớp tôi cách xa cái cây này nhất mới phải.

Tôi nhìn, rất rõ, những chúm hoa đang cố trải vàng giữa lớp vỏ bao ngoài xanh xanh, trắng trắng. Tôi nhìn, rất rõ, từng sợi tơ vàng mỏng tang, ngắn cũn của hoa đang cố chòi ra ngoài khoe sắc. Tôi muốn viết. Tôi muốn tả. Tôi muốn kiêu hãnh nói về loài hoa mà gần như chỉ quê tôi mới có – dĩ nhiên là vài nơi khác nữa, có cái lạnh này, có cái sương này cũng có mimoza, nhưng không bao giờ rộ được vào giữa mùa – để nếu bài văn của tôi vươn ra xa khỏi lớp tôi, khỏi khối tôi, khỏi trường tôi, khỏi thành phố tôi, có ai đấy sẽ khát đến Đà Lạt chỉ để nhìn ngắm loài hoa này. Tôi biết, đây là lúc trong tôi bắt đầu thành hình một tham vọng.

Cái tham vọng ấy được thể hiện khá rõ ràng, khá rành mạch trong bài văn dài gần bốn tờ giấy học trò. Cô chủ nhiệm đọc bài văn của tôi trước lớp vào tiết chủ nhiệm cuối tuần. Cô bảo, điểm chín cho tôi là hơi keo kiệt, nhưng để cho điểm mười một bài văn thì cô quả thật chưa dám làm. Tôi có chút ức chế về cái chuyện Văn không bao giờ đến thang điểm mười, nhưng cũng ngạo nghễ cười với cái chuyện bài văn của tôi, cô giáo bảo, đọc rồi, chỉ biết nghĩ đến chuyện đặt bút đỏ và cho một điểm số cao ngất, đến nhận xét, cô cũng thấy chùn tay…

Và, cái tham vọng ấy – cái suy nghĩ đưa bài tập làm văn của mình bay thật cao, thật xa – cái suy nghĩ viễn vông quá trẻ con của tôi bị đập bẹp gí vào sáng chào cờ đầu tuần. Bài văn được đọc trước trường không phải là bài văn điểm chín của tôi. Một bài văn chỉ đến điểm tám khuyến khích của Chi mới là bài được chọn để đọc. Cái phừng phừng nóng giận và tị nạnh khiến tôi không nghe rõ hết những gì Chi viết ra và đang được cô Hiệu phó đọc. Tôi chỉ nghĩ, à, một con bé chuyên Lý làm được bài văn suýt tám nên sẽ được ưu tiên…

Cuối đông, ở những ngày cuối cùng nữ sinh không phải mặc áo dài trắng, cũng là những ngày cái buốt rét thấm cắt thịt da bọn tôi qua từng lớp áo quần dầy cụi, Chi một mình, trong tà áo dài trắng, ngồi tựa mình vào thân cây mimoza trước lớp tôi. Hình như, Chi đang đợi!

Tôi quanh quanh nhìn. Tôi quanh quanh nghe. Tôi có phần thắc mắc khi không một đứa bạn nào gần tôi cười hay nói ra một câu đùa giỡn có thể làm tổn thương Chi. Không! Không đứa nào nói gì cả! Chúng nó cũng như tôi, nhìn về phía Chi như nhìn một thiên thần không cánh đang rong chơi ở xứ sở thần tiên – nơi mà sương và nắng quyện vào nhau bằng cái quyện lạ lùng và đầy huyền ảo.

Tôi hít sâu sau một chút tần ngần, chậm rãi bước lại chỗ Chi vẫn đang tựa lưng vào gốc cây già sù sì màu xám pha trắng. Chi ngước đôi mắt ấng nước nhìn tôi rồi cụp xuống rất nhanh. Tôi chắc chắn, Chi đang che giấu gì đấy. Và, tôi muốn mình phải tìm ra. Bởi, cái thứ Chi giấu quá vội trước tôi, chắc chắn, đang bào mòn Chi một cách khủng khiếp. Bởi, Chi vẫn trong bộ dạng mập ú, đôi má phính hồng nhưng quầng mắt sâu và đen đến tội nghiệp. Tôi nhất định phải tìm ra, dẫu, tự tôi có hỏi mình, tìm ra rồi, tôi biết sẽ phải làm gì đây?

Chi tuyệt không nói gì, cho dù một câu cũng không. Chi trở lại với một Chi rất khác, hay nói, hay cười, thi thoảng lắng lại rất nhanh rồi cũng vỡ ra quá nhanh. Đôi quầng mắt thâm vẫn hằn rõ trên gương mặt Chi bắt đầu xanh xao nhưng không giấu được vẻ tinh anh và yêu đời một cách rất lạ. Chi hỏi tôi, có thể cùng Chi mặc áo dài trắng đến cuối đông hay không? Bởi, Chi không muốn trở thành quá dị biệt. Tôi gật rồi tôi lắc. Hai đứa dị biệt, cũng chẳng có gì hay ho. Tôi tần ngần thêm vài ngày nữa trong khi Chi vẫn thản nhiên vận áo dài trắng, áo len xanh cổ tim giữa cái lạnh cố nuốt chửng con người ta. Vẫn chẳng một lời xì xào nào từ bạn bè cả. Và, tôi cùng Chi mặc áo dài, trong khi tất cả nữ sinh trường tôi vẫn quần tây xanh, áo sơ-mi trắng, áo len xanh.

Vài lần trong số những ngày cuối cùng của mùa đông quá lạnh năm này, vài đứa bạn nhìn tôi và mỉm cười nụ cười rất ý nhị, vẻ như chúng nó cảm phục tôi. Tôi nghĩ, chúng điên cả rồi. Thà cứ cười nhạo. Thà cứ hỏi trắng ra. Thà cứ xì xò tôi điên tôi khùng… Làm cái trò gì mà phải nể phục tôi vì tôi muốn thành một trong hai kẻ quái đản cơ chứ?

Độ mimoza vàng rộ là độ nghỉ xuân. Chi ghé nhà tôi, ngồi cùng tôi chuẩn bị phơi dưa kiệu, hỏi, sáng mai Chi có thể đón tôi, mặc áo dài trắng đến trường ngắm mimoza không? Tôi bật cười, cười khanh khách, hỏi, có khi nào năm sau Chi xin sang lớp tôi học không? Bởi, cái lãng mạn đến không tưởng trong câu Chi vừa nói, vượt xa khỏi những cái đầu hay mơ mộng của những đứa chuyên Văn như tôi. Chi không trả lời, chỉ nhìn tôi và hỏi lại, có thể hay không.

Hình như Chi đã khóc – tôi không chắc lắm, vì, tôi không dám nhìn thêm nữa. Từ sau Chi, tôi nhận ra đôi vai trở gầy bất thường run run, tôi nhìn thấy hai bàn tay vốn từng múp míp nay hằn gân xanh đưa lên miết nhẹ thân cây đến lá cây đến từng đụm hoa nay đã vàng rực rỡ. Tôi thôi không nhìn nữa, vì, lòng tôi dấy lên một nỗi sợ không tên.

Tết, Chi ghé, trao cho tôi một phong bì khá dầy, bảo, đấy là thứ Chi đã đợi để “lì xì” cho tôi. Đấy là bài văn của Chi lần nọ. Tôi đọc nó lần đầu trong thảng thốt – thật sự thảng thốt. Tôi đọc nó lần hai trong nhòe nhoẹt nước mắt – tôi nghe trái tim mình đau. Đoạn Chi tả hoa rất ngắn, đến độ người ta có thể quên ngay. Thứ người ta phải nhớ là những gì Chi tả về một mầm xanh cố vươn lên cho dù biết chỉ đi nửa đoạn đường sẽ gục ngã…

Thầy Hiệu trưởng không từ chối, thậm chí, thầy đồng tình ngay. Tôi vội vã tiến ra sân trường, ngắt nhánh mimoza ươm cái vàng cuối cùng của mùa hoa năm này, lao đến nhà Chi trong giàn giụa nước mắt. Chi nhìn tôi, bằng cái nhìn đẹp và dịu dàng. Chi cố chống hai cánh tay giờ đã gầy như hai que củi, đỡ thân hình tiều tụy đến thảm thương của mình ra, với lấy nhành mimoza tôi vội vàng đem đến. Lúc này, Chi chỉ còn ba mươi tám ký…

Chi đi ngay cuối mùa mimoza sau khi gửi lại cho tất cả chúng tôi cái tham sống của một mầm xanh biết rõ đoạn đường ngắn ngủi của mình. Mimoza sẫm màu nâu nhạt, cúi đầu chào Chi lần cuối trong những tiếng nấc nghẹn ngào.

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm: Màu 20

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...