[truyện ngắn] Xuân
|Xuân nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải drap trắng giữa căn phòng nồng mùi thuốc khử trùng. Gương mặt sưng vù bởi cú va đập quá mạnh trước đó – ở quãng đường Xuân suốt đời cô độc rong dài một mình – cùng vết mổ hãy còn mới toanh. Cái đầu tròn tròn của nó giờ trọc boong. Nhớ hồi đó – ngày tôi và nó còn nhỏ xíu – nó đã từng nói với tôi rằng: “Thể nào, có một ngày, tao cũng sẽ cạo đầu!”. Tôi tròn xoe mắt hỏi nó: “Chi?”. Xuân gãi gãi cái đầu xồm xoàm tóc rối bung, xoăn tít của nó, cười ngô nghê: “À… thì… thì để người ta thấy tao… giống… giống… giang hồ!”… Giờ mày nằm đó, đầu trọc rồi đó Xuân, có ai nói mày giang hồ không, thằng khùng? – Tôi muốn hỏi Xuân câu đó, mà thôi, không hỏi. Chả phải vì nó còn mê man bởi thuốc nên không thể nghe tôi hỏi, mà là hỏi, chỉ tổ làm nó đau thêm, làm nó buồn thêm. Đâu phải người ta không nói nó giang hồ tại cái đầu nó cạo do phẫu thuật chớ không phải do nó tự ý trút rũ đi những thứ vốn thuộc về cơ thể bình thường của nó. Người ta không nói, đơn giản vì, chả có người ta nào ở cạnh nó lúc này, trừ tôi!
Thằng Xuân khẽ cựa mình. Cái mặt sưng vù của nó không có chút gì thay đổi, chứng tỏ nó chỉ cựa theo quán tính của cơ thể quá mỏi. Tôi bật dậy, bước nhanh tới, cố kéo mớ dây nhợ phía trên để không vướng nó. Miệng thằng Xuân khẽ hấp háy… Hình như, nó gọi tên anh Đông!
Nhà Xuân nghèo như nhà tôi, mà, có thể là còn nghèo hơn cả nhà tôi. Vì, ba má tôi đẻ tám đứa con là cho ăn học hết tám đứa. Đứa nghỉ ngang cũng tại ham chơi hoặc ham kiếm tiền chớ không phải tại ba má không thể lo cho tới nơi tới chốn – dẫu sự lo tới nơi tới chốn đó là hết sức gồng của cả má và ba. Còn nhà Xuân, chỉ mình anh Đông được đi học. Năm đó, Xuân vừa xong lớp bảy, nó buồn hiu ngồi bó gối cạnh tôi bên bờ con sông quê đổ màu đỏ quạch: “Tao nghỉ học!”. Tôi thở dài, không dám hỏi nó lấy một câu, tại tôi biết rõ, lý do là gì. Xuân nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi. Chắc nó biết là tôi cũng hiểu, nhưng nó vẫn thèm được nói, như nó thèm tới lớp, tới trường như tôi, như đám bạn cùng lứa nhưng không thể làm gì hơn ngoài nói cho hả. “Má tao nói, nhà chỉ có mình anh Đông là học giỏi, nên để ổng đi học. Ba tao thì nói, ổng học thành tài, có nhiều tiền, nuôi hết cả nhà!” – Xuân khẽ khọt, như tự nói với chính mình. Tôi ngu ngơ huýt sáo – mà thiệt tình là không biết tại sao lúc đó mình lại huýt sáo nữa. Thằng Xuân bật dậy, hằm hằm: “Mày vui quá hả?”. Nói rồi, nó bỏ đi thẳng. Tôi tẽn tò nhìn theo Xuân, mày nghĩ sao, Xuân? Tao có thể vui khi mày nghỉ học đi làm mướn, hả Xuân?
Xuân không bao giờ giận hờn gì tôi. Chắc tại tụi tôi là con trai, không có chỗ cho mấy trò xúc cảm con gái, ủy mị đó. Nó quên bẵng luôn tiếng huýt sáo chiều đó, cứ mỗi ngày, cứ mỗi tháng, cứ mỗi năm, nó huênh hoang khoe với tôi mà nói to như cho cả làng nghe: “Anh Đông tao học giỏi lắm nghen mày!”, “Anh Đông tao vô đại học rồi nghen mày!”, “Anh Đông tao vô công ty nước ngoài làm rồi nghen mày!”, “Anh Đông tao có tiền gửi về cho ba má tao rồi nghen mày!”… Và những câu chuyện của tôi với Xuân rồi cũng chỉ dừng lại ở một cái tên – Đông!
Chiều mưa tầm tã, rách bươm cả trời Sài Gòn – nơi tôi và Xuân chỉ là hai con người trú tạm – Xuân rũ mềm gục trước mặt tôi, khóc tức tưởi như những ngày xưa bị đòn oan chạy qua méc tôi cho hả tức. Anh Đông mất rồi! Nửa linh hồn ba nó, má nó, anh chị em nhà nó, và cả nó… chết theo anh Đông! Sự hy vọng về một đứa thay đổi cả gia đình ra đi vĩnh viễn theo chuyến xe ác nghiệt lấy anh Đông ra khỏi đời họ. Xuân bảo với tôi: “Người ta thấy bọc tiền ảnh bọc cẩn thận, để trong túi áo, ghi là gửi ba má và các em…”…
Xuân đã thôi gọi anh Đông. Tôi bất thình lình thở hắt ra, nhẹ nhõm. Tự dưng từ nãy tới giờ, tôi toàn nghĩ quẩn, nghĩ anh Đông về, rủ Xuân đi! Nếu vậy, chắc tôi sẽ không thể tiếp tục thương anh Đông nữa – tình thương của một đứa em trai dành cho một người anh đúng nghĩa, chưa từng chết đi, cho dù anh đã không còn nữa. Cho dù tôi biết, sống tiếp, nghĩa là Xuân phải tiếp tục đối diện với những thứ cay nhất, đắng nhất mà cuộc đời cứ hả hê rắc lên đầu nó. Nhưng Xuân ơi, cuộc đời là vậy, mày biết không? Và, đã là con người được sinh ra thì phải biết cách mà đấu tranh, mà đối diện… Mày phải nghe tao, nghe chưa Xuân?
Tôi đứng yên đó, đợi tới khi Xuân nằm im trở lại, liêu xiêu trong giấc ngủ đầy thuốc mê chưa tan. Tới khi chắc chắn nó không còn mộng mị bằng linh hồn đang đau đớn của nó, tôi mới cúi xuống, kéo cái mền mỏng đắp ngang ngực nó. Chó quá, hả Xuân? Đời mày, mong được một lần nằm phòng có máy lạnh để biết được cảm giác đắp mền ngang ngực mà không sợ nóng, giờ, mày nằm rồi đó, giữa phòng máy lạnh nè, mền đắp tới ngực nè! Hả chưa con? – Tôi không hiểu sao tự nhiên mình cay nghiệt vậy?! Lỗi có phải của nó đâu chớ? Sao lại cứ phải trút cái đắng đót – dẫu chỉ là trong suy nghĩ – ra thành những câu nói không thành lời, nhưng vẫn hướng đến nó – thằng Xuân?
Tôi khựng mình lại lấy một lát, cố không nghĩ thêm gì nữa để thôi cái trò cáu gắt với Xuân. Tay tôi mân mê một quãng lâu ở mép chiếc mền cũng nồng mùi thuốc khử trùng. Bất thình lình, bàn tay Xuân cóng ngắt chộp vào tay tôi. Nó gào lên: “Đừng! Vy!”…
Hôm đó, trời gay gay, không mưa, chả nắng. Xuân đến gặp tôi, ngập ngừng, dè chừng và không có vẻ gì sẽ nói. Đến khi nó không thể làm thinh được lâu hơn nữa, đến khi nó nói ra cho tôi nghe cái tin vui với vẻ mặt sầu não một nửa và muốn hoan hỉ một nửa ấy, tôi chưng hửng. Xuân sắp lấy vợ! Hay, nói đúng hơn, nó sắp làm cha!
Xuân chưa từng nhắc đến một lần nào, nhưng tôi biết, Xuân chưa từng yêu Vy. Tôi không muốn vì mình là bạn của Xuân mà phải tìm cách để thanh minh cho cái hành động của nó, rồi bảo, đó đã là nó có trách nhiệm lắm rồi… Tôi chỉ biết, Xuân không hề yêu Vy và cứ thế lặng lẽ sống cạnh Vy những ngày chờ đứa con mà chính nó không biết, nó sẽ yêu thương được chừng nào… Và, chính vì không yêu, nên cái khi Vy bảo Xuân, hư thai rồi, Xuân chỉ thẫn ra một lúc, rồi chìm mình vào rượu tận đến ngày Vy xách gói theo trai, xáng thẳng vô mặt Xuân câu gì đó, nó chưa từng bao giờ chịu kể với tôi, chỉ đại loại là, nghe xong, thấy nhục nhã lắm!…
Sau ngày đó, Xuân như người tàn phế, hiếm hoi lắm mới thấy nó đi lại. Nó hầu như chỉ đứng khuất hẳn sau xe hủ tiếu gõ, múc, chan và chuyền cho thằng bé phụ việc. Những lần nó rủ tôi ra quán nhậu, nó cũng đã ngồi sẵn đợi tôi từ khi nào, tuyệt suốt buổi, nó không hề rời ra khỏi chiếc ghế, như cái kiểu, nó sợ tôi uống mất phần. Tôi hỏi gì, Xuân cũng không nói, chỉ chua chát đưa ly lên miệng vào cười khẩy một cái lạnh tanh: “Mày có uống không? Không uống tao uống à!”. Nói rồi, nó mút rượu đánh “chút”, nuốt ực và khà một tiếng đau đau. Rượu, có làm mày mụ đi không Xuân? Nếu có, mày uống nữa đi! Uống cho mụ người, mụ đầu, mụ luôn cả cái sĩ diện rẻ tiền của mày. Mày không yêu nó, gá tạm đời nhau, nó đi cũng phải. Đau gì? Buồn gì? Hả Xuân?
Và cứ thế, Xuân trải đời mình qua những ngày ngủ vùi không thèm đếm xỉa đến bình minh, những đêm lanh canh gõ tiếng mời chào món mì lề đường, và những khuya vục mặt vào rượu để tìm quên. Mà, hình như chính nó cũng không biết nó đang muốn quên gì – nhớ gì…
Có lần, vô tình, tôi hỏi nó – như cái lần vô tình tôi huýt sáo lúc nó bảo với tôi nó sẽ phải nghĩ học – về đứa con mà tôi biết nó đã âm thầm dành dụm tiền kiếm được từ mấy tô hủ tíu này. Nó giương cặp mắt đỏ ngầu nhìn tôi rồi cụp nhanh xuống, khe khẽ lắc đầu: “Cha con cũng là duyên, là nợ…”… Hết duyên rồi, sao không cứ ngẩng đầu lên mà nói với tao là, mày đau lắm, hả Xuân?
Tôi không biết trong giấc mơ ấy, Vy đã nói gì với Xuân? Tôi chỉ biết, Xuân thét gào chừng đó, rồi tắt tị, không gì nữa cả. Nó nằm im đến là bất động. Nó khiến tôi hoảng sợ đến độ phải đưa tay lên mũi nó để đảm bảo là nó vẫn còn thở. Ờ, nó vẫn còn thở…
Người ta nói, nó say như chết nên lên xe chạy, tai nạn cũng là thường. Tai nạn rồi, té xuống, cũng chả ai biết nó chết hay bất tỉnh, hay chỉ là say… Ai hơi đâu đi quan tâm cho thằng bán hủ tiếu gõ dở dở ương ương đó. Chuyện trò không nói, không một câu chào hỏi với bất kỳ ai. Cứ sống lặng lẽ như một cái bóng và đánh đôi đánh đọ với rượu chè, biểu người ta thương, thương sao nổi? Thương đã không thì lo bằng kiểu gì?
Tôi quành lại chỗ ghế ngồi. Sát bên lưng tựa chiếc ghế là cửa sổ trông ra ngoài – nơi lấp lửng giữa không trung, không cao, không thấp của tầng ba bệnh viện – trời đã vào đêm. Khuya! Tĩnh mịch! Ở đây, giữa Sài Gòn này – nơi suốt đời tôi và Xuân là hai kẻ sống tạm – thèm nghe một tiếng ếch kêu đến tê lòng mà chẳng bao giờ tìm thấy được. Hay, tại người ta cứ ồn ào quá, nên chẳng bao giờ tôi có thể tìm ra cái âm thanh thoát lên từ ẩm ướt ấy nhỏ bé, đơn độc lọt giữa những thanh âm không thật của cuộc đời? Tự dưng, tôi thèm thằng Xuân thức dậy quá! Tôi thèm được nghe nó gọi tôi, để tôi đi lại mà nói với nó một câu xin lỗi.
Khuya lơ, hai thằng xắn quần ống thấp ống cao vác đèn đi câu ếch. Thằng Xuân hí hửng hỏi: “Câu hùn hen?”. Tôi gật đầu liền, gật lia lịa. Gật sợ nó không thấy vì trời tối quá, tôi liên tiếp ừa ừa vài chữ dài dài nối tiếp nhau để khẳng định sự đồng tình của mình. Dại gì không đồng ý? Nó là thằng nổi tiếng câu ếch ở quê tôi. Câu hùn với nó, kiểu gì chia đôi tôi chả lợi hơn là tự câu một mình. Xuân chả biết cái đoạn toan tính này trong tôi, nó vẫn vô tư với cái tình bạn đẹp đẽ mà nó dành trọn vẹn cho tôi: “Câu về, tao nấu cháo mày ăn, hen!”. Tôi lặng đi, không gật nữa. Tự dưng, trong lòng thằng con trai 12 tuổi, thấy hổ thẹn với những gì mình vừa nhận được – nhiều hơn một câu nói quá nhiều.
Có tiếng chân người xoàm xoạp sau lưng. Tôi quay ngoắt lại nhìn. Là mấy anh lớn trong xóm, chả ai xa lạ gì. Tôi tỉnh bơ quay lại câu tiếp – hay nói đúng hơn là quan sát thằng Xuân đang câu ếch tiếp. Xuân dừng lại, mặt gừ gừ. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì nó nhảy tới cái giỏ ếch trên tay tôi cùng lúc mấy anh lớn làm hành động y chang nó. Nghĩ thử, thằng nhỏ 12 tuổi còi nhách như tôi, và thằng nhỏ 12 tuổi còi thua cả tôi – thằng Xuân – giằng kiểu gì lại với mấy thằng (lúc này là không thèm kêu anh kêu em gì tụi nó nữa) lớn tồng ngồng đó. Bỏ công cả đêm, hai thằng lếch thếch về nhà. Ếch bị cướp, mình mẩy trầy xướt vì giằng giật, áo quần rách bươm.
“Tại mày á!” – Xuân hét. “Mắc gì tại tao?” – Tôi cũng bực, nhưng ráng nhẹ giọng. “Chớ không thì tại ai? Thấy tụi nó thì phải biết mà giấu đi chớ!” – Xuân bước nhanh, hằn hộc. Tôi gí theo sát gót nó, nói giọng hết kiềm chế nổi: “Sao mày không ngon mà giấu đi? Cái giỏ to tổ bố, giấu đằng nào?”… Rồi gì sau đó nữa, tôi nhớ không rõ lắm. Chỉ biết, tôi và Xuân lao vào nhau, đánh, đá, dộng, cào, cấu, la hét… Chỉ biết, tới khi giãn được tụi tôi ra khỏi nhau, ba nó kiềm không nổi, quật cho mỗi thằng một trận. Vậy mà, tới cả ngay lúc đó – khi tôi và nó vừa chí chóe quánh nhau – Xuân vẫn lao tới, ôm chầm lấy tôi, đỡ hẳn cho tôi mấy roi đau điếng từ ba nó… Chưa từng bao giờ, tôi nói được với nó hai từ xin lỗi! Càng chưa từng bao giờ tôi dám nhìn nó mà nói hai từ cảm ơn!
“Ê!” – giọng Xuân mỏng tang, yếu ớt vọng lại từ sau lưng tôi. Tôi giật mình quay lại, hớt hơ hớt hải bước tới chỗ nó. Chỉ vài bước chân mà nghe như xa cả cây số không bằng, đi hoài sao chả tới được. Cái đầu trọc boong, cái mặt sưng chù vù, đôi mắt không thể mở to ra được – nhưng vẫn ánh cái nhìn đau đáu, khắc khoải của Xuân – cố rướn về phía tôi: “Sao mày không ngủ?”. Tôi nghe như mình bị bóp nghẹt. Thằng khùng! Mày đau vầy, vừa thức dậy đã đi lo cho tao?!
“Mày đem ếch bỏ gầm giường tao hả?” – Xuân hỏi, vô tư, thật tình. Tôi sững người nhìn chằm chặp vô mặt nó. Có lẽ, tôi đang hoang mang! Có lẽ, tôi đang hoảng sợ! “Khùng” – tôi cố trấn tĩnh mình – “Đem ếch vô đây chi, mày?”. Xuân cố cười mà thành ra mếu máo: “Thì… tại tao nghe có tiếng ếch”. “Mày đừng có khùng quá! Ở đây, có mình mày giống ếch thôi hà!” – tôi cố nói tỉnh, mà lòng nghe trào đầy một nỗi sợ hãi đến tê người.
Xuân dong mắt nhìn ra cửa sổ, nơi tôi vừa từ đấy đi lại. Cái nhìn của nó như cố soi những dòng suy nghĩ ban nãy tôi đã thảy ra chỗ đó. “Anh Đông…” – Xuân nói. Tôi điếng người, nạt ngang: “Cái gì nữa đây, trời?”. Xuân vẫn nhìn ra cửa sổ, mắt không hề nháy: “Ảnh tốt vậy, chắc phải ở thiên đường?”. Tôi ngồi thụp xuống cạnh chỗ Xuân đang nằm, cố tỏ ra bình thản: “Mày đừng có nói tùm lum nữa coi!”. Xuân khẽ đảo mắt trở lại, nhìn thẳng mặt tôi. Xuân cười, nụ cười hiền lành chưa từng bao giờ tôi nhìn thấy. Nó nói, nhẹ tênh: “Tao không phải là người tốt! Nên chắc tao không được lên thiên đường đâu…”. Tôi thật sự không còn kiên nhẫn nỗi nữa. Nếu bây giờ, mày không đang trọc lóc, không đang đau bịnh, tao dộng một cái thiệt đau vô mặt mày cho mày tỉnh ra, nghe chưa? Muốn chửi rủa sa sả vô mặt nó. Muốn gạt đi những điều gàn dở nó đang nói, mà sao không thể…
“Mày biết gì không?” – Xuân thều thào, không đợi tôi trả lời, nó tiếp luôn – “Không phải Vy hư thai đâu, nó bỏ đó!…”. Tôi lặng đi, không nói được lời nào. Xuân khe khẽ chớp mắt, ra chiều đó là sự thật, hãy tin đi! “Cũng tại tao thôi!” – Xuân tiếp, cố hết sức của mình – “Nếu tao thương Vy, nếu tao lo cho Vy đàng hoàng, Vy đâu có vậy…”. “Chuyện qua rồi…” – tôi cố tìm ra một câu nào đó an ủi để Xuân có thể tạm quên đi cái chuyện nó đang nói. Xuân nhìn tôi, thở nhè nhẹ: “Ờ, qua rồi!… Mày ra ngoài, tìm cho tao chút gì ăn, tao đói quá!”. Tôi lo lắng nhìn quanh. Xuân cố gục gục đầu, ra vẻ nó đã đỡ nhiều và tôi cứ yên tâm mà đi tìm đồ ăn cho nó.
Tôi dợm bước, chậm rãi đi về phía cửa. Xuân nói rõ ràng từ sau lưng tôi: “Khi nào khỏe, tao câu ếch, nấu cháo cho mày ăn, nghen!”. Lòng tôi chùng hẳn lại. Chân tôi vẫn bước tiếp. Và, vẫn sau lưng tôi, giọng Xuân đều, tròn, không nhiều âm sắc vọng hẳn ra ngoài cửa sổ: “Ba xin lỗi, con!”…
***
Đêm ngồi câu ếch một mình, muốn đem vô lại Sài Gòn, nấu chén cháo cho Xuân ăn. Tiếng ếch kêu nghe đau rát, như cái kiểu cả tuổi thơ tròn trịa của tôi và thằng Xuân túa về mà thiếu đi hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” chưa từng khi nào tôi có dịp nói với nó. Để mai! Mai tao đem cháo vô cho mày ăn, rồi… rồi… mà thôi, chắc mày hiểu hả Xuân. Nói ra, thấy kỳ kỳ, sến sến!
Khuya nằm gát tay lên trán, mắt mở thao láo nhìn trần nhà ba má dột lỗ chỗ lộ rõ trời đêm. Chả biết sao không tài nào ngủ được! Mấy con ếch choi choi nhảy xột xoạt trong cái bịch nylon cột gọn gàng chờ mai sớm đem vô Sài Gòn. Bất giác rùng mình giữa cái âm thanh cố tìm đường sống của đám ếch ưỡng tưởng như vô tri ấy!
Tờ mờ sáng, giọng thằng Xuân vọng sát tai tôi đều đều: “Thôi, thả tụi nó đi, thịt chi, tao không ăn đâu, tội nghiệp…”. Tôi quờ mền bật dậy, huơ chân xuống đất tìm dép. Không thấy, để luôn chân trần chạy lành bạch giữa nền xi-măng lạnh cóng tới chỗ để cái bịch nylon đựng mấy con ếch. Chả còn gì ở đó nữa cả! Tiếng xột xoạt cũng chỉ còn là kỷ niệm âm thanh đêm qua.
Sớm tinh mơ, tôi chạy như điên dại lên mấy bậc cầu thang cao chót vót dẫn lên phòng thằng Xuân nằm. Gặp Vy giữa chặng đường tôi lên – Vy xuống. Vẻ mặt cứng đờ, trơ ngắt của Vy khiến tôi chùng mình. “Ảnh nhắn với anh, là anh Đông và con nói, sẽ dẫn ảnh lên thiên đường”…
Nhóm 4.0
=> Đọc thêm: Truyện ngắn Ráng chiều