[Truyện ngắn] Sự thật

No votes yet.
Please wait...

Bôn ba cũng nhiều năm rồi, nhiều nơi rồi, nên chuyện tìm cách để sống được giữa những con người xa lạ không còn là quá khó với bà Năm.

Hồi còn ở quê, chuyện bán buôn với bà Năm là chuyện xa lạ lắm. Bà ra chợ, thấy người ta ngọt lạt mời mọc, chào hàng, hay bị cái cảm giác tội tội, nghĩ, nếu lỡ có bữa nào không vui, hay không khỏe, biết những con người lúc nào cũng nói cũng cười đó, có còn chào mời được không? Mà nếu không, biết họ bán buôn được tới mấy đồng? Rồi, thấy người ta vì tranh giành nhau chút chỗ đặt đít ngồi giữa nơi đông đúc, khạc vô mặt nhau những lời nặng nề chói tai, bà Năm tự hỏi, có khi nào họ vượt qua được hết mấy thứ nhỏ nhặt, bực bội đó, để sống thanh thản thêm một giây?

Bà về nhà, kể, ông Năm la bà ruồi bu, mấy đứa nhỏ cười bà mắc chi cứ phải để ý rồi nghĩ cho những người chả ảnh hưởng tới đời bà, tụi nó xui bà một câu ngắn cũn – kệ hết đi!

Nơi xa lạ đầu tiên bà Năm đến là Đà Lạt.

Con bé Hai đậu đại học trên này. Bà chả biết mô tê gì ráo, chỉ biết, nó học chừng được nửa năm mà than khổ qua điện đàm tới cả chục lần, bà tự ý xách gói vô kiếm đường kiếm tiền lo cho nó ăn học. Đêm bà chuẩn bị đi, ông Năm rầy, hỏi còn ông, còn mấy đứa nhỏ thì sao? Bà Năm thở dài, nói thiệt ra là cũng muốn kiếm cách có thêm tiền mà gửi về nhà để ông lo cho mấy đứa nhỏ, chớ lăn ở quê hoài, đói hoài, cũng được chi mô? Ông Năm thở ra cái sượt, không nói nữa, lại nốc rượu tu tu. Mấy đứa nhỏ chắc buồn nhưng không dám nói, chỉ tựa cửa nhìn theo dáng bà xiêu vẹo đi, tay quệt ngang, chùi nước mắt.

Ở quê, mùa lạnh cũng lạnh thấu gan thấu óc, nhưng Đà Lạt lạnh cái lạnh lạ lùng, nó cứ ngấm sâu vô người ta, bới móc từng ngóc ngách nhỏ nhất để người ta sống mà cứ đăm đăm về những khổ cực xa xưa, mà nhớ, mà thương, mà hy vọng. Có lúc, bà Năm cứ tần ngần tự hỏi mình, hay tại mình xa xứ nên thành ra đa cảm như vầy, chớ người ở đây mà sống với cảm giác như rứa, chắc họ thành khùng?!

Sao, cái bữa ở quê, chòm xóm, họ hàng qua mừng con bé Hai vô đại học, nghe người ta nói, người Đà Lạt hiền lành lắm, sống chậm lắm, mà sao con bé Hai mới vô hơn nửa năm, cái ù lì, cục mịch của nó đâu mất hẳn? Chả biết nó học được ai, mà khi bà Năm vô chừng được ba ngày, là nó đem về cái xe đạp cũng còn mới, hai cái rổ lát và cây đòn gánh ngắn, giúi cho bà thêm gần triệu bạc, biểu chỗ cho bà ra lấy cá mà đem bán rong, nghe đâu lời lắm.

Bà Năm hỏi xe đâu ra, tiền đâu ra, con bé Hai gạt ngang, biểu bà cứ biết vậy mà làm đi, hỏi han chi nhiều. Bà Năm ngài ngại nói, tính bà buôn bán chắc không được. Con bé Hai dùng dằng, biểu thôi bà không làm được, thì để nó làm sớm rồi tới trường sau. Nghe vậy, bà Năm lật đật chạy đi theo lời nó.

Đường ngoằn ngoèo, xa lạ. Bà Năm lạc tới hơn tiếng đồng hồ. Đến trưa trờ trưa trật đem hai giỏ cá còn nguyên si về, con bé Hai giậm chân giậm cẳng, nói, chắc bốc cá ăn cả tuần. Rồi nó đùng đùng lôi hai cái rổ lát xệch xệch ra đường, nửa tiếng sau quay vô, hết ráo, giúi lại cho bà triệu bạc tiền vốn, nói, bán buôn dễ òm, chả biết sao bà Năm không làm được? Bà Năm thấy buồn buồn, lo lo. Buồn vì mình chừng này tuổi mà chả làm được gì cho con, để nó phải dạy ngược tùm lum thứ. Lo vì nếu lỡ ngày mai lại không làm được, con bé Năm chắc ham bán buôn mà bỏ học đi thay bà.

Ngày thứ hai cũng đỡ, đến đầu giấc chiều thì chỉ còn lại mớ cá ngon bà để riêng, tính về kho cho con bé Hai nồi kho măng như nó vẫn thích. Vốn chỉ triệu bạc, giờ trong túi bà Năm bao nhiêu, bà không chắc lắm, chỉ chắc chắn là có lời, lời nhiều, rờ rờ vô cộc tiền dầy cộp trong túi, bà Năm nghe lòng mình mừng húm, tất tả đạp xe về. Con bé Hai nhìn nồi cá kho, nguẩy đi một cái, than, cả đời gắn với mùi cá tanh rình rồi, giờ phải dính tiếp. Nói rồi, nó bỏ đi, nói là đi ăn đi uống với bạn, để bà Năm lại một mình với ngài ngại mùi măng kho.

su-that-ganh-hang-rong1
Sự thật về gánh hàng rong

Ngày thứ ba rồi những ngày tiếp nữa, hai rổ lát cột chặt vô hai đầu đòn gánh ngắn bắt ngang cái yên sau xe đạp không còn cá, chỉ còn mùi tanh không thể rửa sạch bao giờ. Vốn triệu bạc, lời cũng non triệu bạc. Chuyện kiếm tiền ở đây dễ vầy, hèn nào dân quê bà đổ vô trong này hết. Buôn bán, nhanh giàu vầy, hèn nào dân quê bà cứ đi đâu xa cũng nghe là kiếm đường kiếm thứ buôn bán. Mấy đứa nhỏ méc lại qua điện đàm, có tiền, ông Năm tu rượu còn dữ hơn. Bà Năm buồn buồn, nói, thôi kệ ba bây đi, ổng có tiền hay không cũng vậy, bây phải biết nhín riêng ra để bây có tiền mà học hành.

Nơi thứ hai xa lạ bà Năm đến là Sài Gòn.

Thằng cu Ba đậu đại học dưới đó. Bà Năm nghe tin mà khóc ròng rã cả đêm. Mừng cũng có, thiệt ra là có nhiều, nhưng thấy tội nghiệp cho thằng nhỏ nhiều hơn. Từ hồi xưa, tuy có chị, nhưng việc gì trong nhà cũng tới tay thằng cu Ba. Nó chăm em, nhà cửa, cơm nước, lớn một chút thì theo người ta đi biển kiếm tiền phụ ông bà. Con bé Hai trước ngày vác giỏ đi học đại học, nói thằng cu Ba, mày làm giỏi, thôi nghỉ học cha nó đi, kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em cho rồi. Thằng cu Ba cười cười, gật gật, nhưng bà Năm biết, nó không bao giờ chịu nghe, tại nó từng nói với bà, phải ráng ăn ráng học mới mong đổi được đời. Giờ nó bước được thêm một bước trên con đường để nó đổi đời, hoàn toàn bằng tự sức của nó, chả ai giúp đỡ, chả ai khuyên răn, tới bà Năm cũng đi biền biệt, để thằng nhỏ cứ lủi thủi một mình… Bà Năm nghĩ, mà nước mắt chảy ròng ròng.

Con bé Hai giận lẫy nói bà Năm, thương nó – tức thằng cu Ba – quá thì cứ về Sài Gòn với nó. Bà Năm cố giải thích một câu, rằng thiệt tình bà chỉ muốn ghé xuống coi em nó ăn ở chỗ nào, học hành ra sao thôi, rồi bà về lại liền, nhưng con bé Hai không chịu nghe, biểu bà cứ đi, nó tự lo được. Thằng cu Ba hình như biết chuyện, gọi điện vô máy con bé Hai để nói chuyện với bà Năm. Nó dặn bà đừng lên xuống chi cho mệt, nó tự lo được cho mình. Bà Năm cũng tự dằn lòng mình, nghĩ, nó giỏi giang vậy, chắc tự lo được, nên đã định không đi. Nhưng cái kiểu con bé hai cứ son son phấn phấn, về tới phòng trọ là ngửa tay đòi tiền, không có là tru tréo méo giật, nói tiền vốn cũng đi vay đi mượn cho bà mà tới khi xin thì lại bị bà làm khó, làm bà Năm bực quá, xách giỏ đi luôn. Đi, mà lòng bà Năm cứ quặn lên lo sợ, biết con bé Hai học hành sao mà se sua dữ vậy hả trời?

Thằng cu Ba nghe chuyện bà Năm kể, cũng buồn buồn, nhưng vẫn khuyên bà thôi về lại lo cho con bé Hai, nó tự lo được, với lại, cuộc sống ở Đà Lạt chắc cũng dễ chịu hơn. Bà Năm nguầy nguậy lắc đầu, nói không được, về đó, tiền lời con bé Hai lấy một nửa, một nửa gửi về nhà thì ông Năm uống rượu hết thêm phần tư, chả còn mấy mà lo cho mấy đứa khác nên bà phải ở lại. Bà Năm nghĩ, ai cũng nói Sài Gòn ngon ăn, Đà Lạt kiếm ngày non triệu được thì ở đây phải hơn. Thằng cu Ba thở ra cái sượt, nó cũng đành tùy bà.

Mấy ngày chưa nhập học, thằng cu Ba chở bà Năm bằng chiếc xe máy cà tàng nó tự để dành tiền đi biển mua được, kiếm ra mấy chợ đầu mối cá ốc rẻ bèo. Bà Năm mừng húm, nghĩ, bán buôn với giá đầu vô vầy, chắc sướng. Sướng cũng sướng thiệt mấy ngày đầu, khi thằng cu Ba còn đèo bà đi lấy hàng, đèo bà về bán, làm cá, làm ốc phụ bà, tiền lời nhiều tới mức bà Năm ngây thơ nghĩ, vài năm nữa chắc đủ tiền mua nhà ở đây. Nhưng tới độ thằng cu Ba đi học, lo nó lại lơ là, bà Năm đinh ninh tự mình làm được. Đạp xe cả mấy chục cây số từ sáng sớm tinh mơ, hàng họ xong, đạp loanh quanh bán, bà Năm nghe chừng người mình chịu không đặng năm hôm nhưng cố cắn răng chịu hết.

Ngày đầu tiên tự làm một mình, bà Năm bị hai thằng trời đánh tóc xanh tóc đỏ giựt mất cái bịch ny-lon đựng tiền bà nhét không kỹ vô túi. Lồm cồm bò dậy sau cú ngã bởi tụi nó đập mạnh vô hông, bà Năm hoảng hồn lại liền, chụp tay vô túi áo, thở ra cái khị, còn may, tiền chẵn bà bọc kỹ trong người. Ngày thứ hai tự làm một mình, bà Năm bị trật tự phường hốt. Bà xin xỏ ghê lắm mà không được gì, mấy anh chàng trật tự phường – chắc cũng chỉ tầm thằng cu Ba – nói với giọng cũng thông cảm, là việc trên giao, họ không làm khác được, biết bà khổ nhưng ai cũng khổ rồi chiếm hết vỉa hè như bà, thành phố đâm loạn. Bà Năm nhìn theo chiếc xe chở hai giỏ lát đựng cá của bà đi mất mà muốn khóc. Tiền bạc, vốn liếng ở đó hết, giờ biết làm sao? Có tiếng đồng hương gọi bà Năm ới ới, rủ bà vô cái nhà to bự sát chỗ bà vừa bị bắt hàng. Nói, biết người quê mình vô đây khổ lắm, nên cho cái gánh đậu hũ cũ với thêm ít tiền vốn, về nấu lên rồi gánh bán kiếm tiền.

Thằng cu Ba chắc thương mẹ nhưng cũng biết phận nhà nghèo, không làm là khỏi có cái để ăn, nên cứ lo lắng, khổ sở mà vẫn phải lặng thinh phụ bà nấu đậu hũ. Bà Năm cười hiền, nói thằng cu ba yên tâm, bà có cách nấu đậu hũ ngon cực kỳ, ai ăn rồi cũng sẽ thích. Người ta thích thiệt nên bu đông đen. Bà Năm múc đậu hũ không kịp mà miệng thì cứ ngoác ra cười, tại bà nhớ, hồi đó, có lần con Bé hai nói bà có duyên buôn bán, nên mới vừa chạy chợ một hai ngày là quen, là mối lái đầy ra.

Còn hai chén cuối cùng, bà Năm quyết định không bán nữa, dẫu có người hỏi mua. Bà muốn để lại cho thằng cu Ba với bà tối nay ăn tráng miệng. Ai dè, vừa quảy gánh đứng thẳng dậy, chiếc xe xịn có chữ SH bên hông chạy ngang, tông vô bà Năm cái rầm, tông mạnh tới độ bà Năm té cái huỵch, còn gánh đậu hũ văng ra, đổ nghiêng. Vốn trong thùng cũng chỉ còn hơn hai chén, nên số đậu hũ đổ ra chẳng nhiều nhặn gì. Chỉ là, không dưng nghĩ, tối về hai mẹ con có thứ để vui với nhau, giờ đổ bể hết rồi, bà Năm bật khóc. Người đàn ông chạy xe xịn vừa tông vô bà Năm luýnh quýnh đi lại, rối rít xin lỗi rồi móc ra hai tờ giấy bạc năm trăm ngàn đưa bà, nói coi như đền phần đậu đổ rồi lên xe chạy đi mất. Bà Năm nhìn theo chiếc xe trăm triệu, nhìn xuống hai tờ giấy bạc quá lớn kia, chưng hửng, rồi lại khóc. Đời bà nghèo thiệt, nhưng không phải ăn xin, mắc chi người ta lại đối với bà như rứa. Bà Năm cứ vậy, gục đầu lên gối, hai bàn tay cuộn tròn, nắm chặt hai tờ giấy bạc bị vo tròn bên trong, khóc tức tức. Người qua, kẻ lại nhìn bà cảm thông, mỗi người ghé lại, góp cho bà ít tiền, nói, thôi đậu cũng lỡ đỗ rồi, giờ họ phụ bà tiền vốn, đừng khóc nữa, đứng dậy, về đi.

Bà Năm xiêu xiêu bước giữa ráng chiều của cái thành phố nóng như thiêu con người ta, cộm tiền trong túi cộm mạnh vào hông bà khiến bà đau nhói, nghĩ, nghèo là hèn, mà hèn không phải vì bà đã chịu nhận thứ người ta bố thì, hèn là vì, trong đầu bà Năm đang cứ rực lên một suy nghĩ, một toan tính cho ngày mai!

Bà Năm trở lại Đà Lạt.

Sau những ngày diễn cái tuồng bị tông xe đổ gánh đậu trơn tru, có một ngày, chuyện bà Năm làm bị người ta phát hiện. Cũng không biết sao người ta lại biết được trò của bà nữa, vì cứ mỗi ngày là một địa điểm khác nhau, không quá xa cũng không quá gần. Chỉ biết, người ta thậm chí chụp hình của bà đăng lên báo, viết cái gì đó bà nghe loáng thoáng người khu trọ bàn với nhau là chiêu trò lừa đảo mới ở Sài Gòn.

Thằng cu Ba không trách bà lấy một câu, cũng không giận, nó chỉ bảo bà về lại với con bé Hai đi, từ đầu nó đã nói rồi, đất Đà Lạt dễ sống hơn. Bà Năm giúi cho nó ít tiền trong số tiền bà dành dụm được từ gánh tuồng của mình nhưng thằng cu Ba cương quyết không chịu lấy. Cái cương quyết của thằng cu Ba khiến bà Năm chạnh lòng, bà biết, đó là sự cương quyết của lòng tự trọng. Biết vậy, nên khi lên xe về với con bé Hai, bà Năm khóc, nghĩ, không biết thằng cu Ba đi học có bị bạn bè gièm pha vì chuyện mẹ nó gây ra không?

Con bé Hai không còn ở phòng trọ cũ nữa, nó cũng đã không còn đi học nữa rồi! Bà Năm bàng hoàng. Giờ con bé Hai ở nhà riêng mà thằng đại gia nào đó mua cho nó để nó dưỡng cái bụng đã bắt đầu lùm lùm. Bà Năm thấy con bé Hai khi vừa leo xuống khỏi xe ôm mà muốn xỉu. Sao, sao mày dại vậy, hả con? Con bé Hai tỉnh bơ hỏi bà, có chắc đó là dại không? Bà Năm nói, đàn ông, nó phỉnh mày, lừa lấy được mày rồi bỏ thôi. Con bé Hai cười khẩy, nói, bị lừa mà có tiền, có nhà, có xe cũng tốt, tốt hơn những người phải bỏ công đi lừa người ta để lấy tiền. Bà Năm nghe xong mà chết đứng.

Con bé Hai cương quyết không cho bà Năm vô nhà nó ở. Nó nói, tại bà quyết định quay lại với hai cái giỏ cá tanh rình, nó không chịu nổi, nên bà phải ở ngoài. Con bé Hai thuê thợ thuê thầy về làm cái chái gỗ bên hông nhà nó cho bà Năm ra vô tạm. Nó nói, bán cá, ở vậy là ngon rồi. Bà Năm nghe xong mà rớt nước mắt.

Ông Năm vẫn uống rượu tu tu từ số tiền ít ỏi bà Năm gửi về, giờ, bán cá không lời lãi như hồi đó nữa vì hình như người Đà Lạt hết thích hàng rong. Con Út Gái một hai đòi vô Đà Lạt, theo chị hai của nó, vì thấy áo quần, son phấn chị hai gửi về đẹp quá mà chị hai nói còn nhiều, nên nó nghĩ, trong đó, dễ kiếm áo quần, phấn son. Thằng Út Bẹt một hai đòi nghỉ học vì nghe cảnh anh ba của nó ngày đi học, đêm đi làm cu li kiếm ăn, nó ở nhà, theo người ta đi biển cũng không chết đói. Bà Năm hết khóc nổi với cái suy nghĩ, gia đình bà giờ đã tang hoang. Phải sống tiếp, bà vẫn còn phải sống tiếp, còn phải làm kiếm tiền, ít nhất là để mua hai cái hòm cho bà và ông Năm ngày ông bà trăm tuổi, rồi để gửi phụ thằng cu Ba cho nó còn sức học hành, chắc, tiền tanh mùi cá sẽ làm nó dễ chịu hơn.

Thấy cảnh con bé Hai ra đón con Út Gái, lòng bà Năm quặn lại, muốn khuyên con mà chả biết phải khuyên sao. Bà Năm lặng lẽ đẩy cái xe đạp đã cũ của mình ra đầu ngõ, đạp đi kiếm chút cá chút ốc về buôn bán làm lời. Có vài lần, người ta hỏi bà về chồng con bà mà bà thiệt không dám kể, có chăng, cũng chỉ là câu chuyện về kỷ niệm ngày xưa, khi sáu con người rúc trong cái chòi rách gần biển mà còn vui, còn sướng, chớ sự thật bây giờ, khi bà đã bôn ba rồi, đã biết chạy chợ kiếm tiền rồi, thi thoảng cũng khạc vô mặt những đứa nào giành chỗ đứng của bà rồi, nói ra nghe nó đau lòng. Thôi thì, cứ để bà Năm gói sự thật của mình lại, trong hai cái rổ lát tanh rình mùi cá tối tối nằm tiu nghỉu trong góc cái chái tạm bên hông cái nhà to.

 

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm: Truyện ngắn Sân trường có hoa vàng Mimoza

 

 

 

 

 

 

 

No votes yet.
Please wait...