CHƯƠNG 3 – ĐỒ NGỐC, EM SẼ LÀ CHỒNG ANH!
|CHƯƠNG III
ANH EM MỘT NHÀ
Nhật Di loạng choạng bước vào nhà, với tay tìm công tắc đèn, đôi chân quờ quạng vào phòng và đổ ập người lên chiếc nệm êm ái. Lâu lắm rồi, Nhật Di mới uống say, chính xác hơn là lâu lắm rồi, Nhật Di mới có một bữa nhậu ra trò với cấp trên trong trạng thái thoải mái chứ không phải căng thẳng như những lần tiệc tùng với khách. Khách sạn giữ được hạng sao, doanh thu cuối năm tăng vọt, Nhật Di không có lý do gì từ chối bữa tiệc ăn mừng, không có lý do gì không cho mình quyền được hết mình, dữ dội dẫu chỉ là trong tư tưởng.
Nhật Di nằm thẳng trên giường, dang tay dang chân thoải mái, đúng là không đâu dễ chịu và thoải mái bằng nhà mình. Cô nhìn ngắm căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi, thầm hài lòng với cuộc sống đang có. Lúc này, Nhật Di vẫn còn lâng lâng cảm giác sung sướng, hạnh phúc, không phải vì những lời khen ngợi của cấp trên, mà vì sự cố gắng của mình thu được kết quả tốt. Cứ đà này, chẳng bao lâu, Nhật Di sẽ tiến xa hơn trong công việc; ước mơ của cô hoàn toàn có cơ sở thành hiện thực. Rồi Nhật Di lại cảm thấy biết ơn ba mẹ đã chăm lo cho cô từng chút một, dẫu không cùng quan điểm, nhưng họ vẫn luôn ủng hộ cô; trên hết là biết ơn Nhật Khánh đã hy sinh việc học của mình để Nhật Di có cơ hội theo đuổi đam mê. Công việc này, cuộc sống đầy đủ hiện tại, tất cả là thành quả của sự nỗ lực, nhưng không thể phủ nhận, đó còn là kết quả của cuộc đời ba mẹ tần tảo và tấm lòng Nhật Khánh. Nhật Di nghe lòng mình rưng rưng. Lâu lắm rồi, cô không suy nghĩ về những điều vốn tưởng chừng hiển nhiên đó. Không dưng hôm nay lại nghĩ về. Lạ nhỉ? Nhật Di nhớ lúc nãy mình đã rất say, đầu óc quay cuồng tựa hồ chỉ muốn lao thật nhanh về nhà và ngủ một giấc đến sáng. Sao bây giờ lại tỉnh táo thế này? Càng suy nghĩ lại càng tỉnh táo? Tỉnh táo đến độ, chuyện của những năm trước nay hiện ra rõ ràng đến mức cô tưởng mình có thể đưa tay chạm vào.
*
Đó là những ngày tháng họ còn ở cạnh nhau – rất sát – và vẫn hay chí chóe bởi những chuyện không đâu… Nhật Khánh lúc nào cũng bừa bộn – theo lời Nhật Khánh, là một sự bừa bộn nghệ thuật mà Nhật Di không thể hiểu nổi. Có phải Nhật Di khó tính quá không, khi cứ nhìn thấy những con thú được gấp từ giấy bài trí khắp căn phòng là lại muốn dọn dẹp? Dù cô thừa biết rằng nếu có dọn đi thì nay mai, Nhật Khánh lại tiếp tục ngồi cặm cụi gấp gấp xếp xếp và đặt khắp nơi. Năm nay là năm cuối cấp, Nhật Di xoay tít mù với bài vở và lịch học dày đặc, căn phòng trở nên bừa bộn hẳn. Vừa thoăn thoắt sắp xếp lại chồng giấy lẫn sách vở trên kệ, Nhật Di vừa cảm thấy mình lúc nào cũng như chị của Nhật Khánh vậy. Thứ tự chị em này có nên đảo ngược lại không?
Toàn đồ không còn dùng đến, Nhật Di lẩm bẩm, sao Nhật Khánh chưa chịu vứt đi? Giấy màu, giấy nháp, tài liệu ôn thi đại học… tay Nhật Di khựng lại. Gì thế nhỉ? Nhật Di tò mò rút ra tờ giấy có dòng chữ “Giấy báo nhập học” được kẹp trong chồng sách cũ của chị. Tên Nhật Khánh, trường Nhật Khánh từng nộp vào, thông tin của Nhật Khánh… Nhật Khánh đỗ đại học sao? Vậy sao Nhật Khánh lại báo với cả nhà là mình đã rớt rồi lao đi tìm việc? Vậy giấy báo này ở đâu ra? Nhật Di lục tìm phong thư, giấy báo được gửi đến từ hai tháng trước, sao Nhật Khánh lại bình thản như rớt đại học là chuyện rất hiển nhiên và chị ấy đã chấp nhận rồi? Nhật Di quay cuồng với hàng loạt câu hỏi, cô ngồi bệt xuống nền nhà, đăm chiêu suy nghĩ, bình tĩnh gỡ từng nút thắt.
Rồi như bừng tỉnh, Nhật Di đã hiểu, Nhật Khánh không rớt đại học, Nhật Khánh không thể rớt được. Đó cũng là điều Nhật Di từng băn khoăn, cô vốn biết lực học và độ chăm chỉ của chị mà. Nhớ tới câu mà Nhật Khánh hay nói, rằng nhà mình chỉ có thể nuôi một đứa học đại học, Nhật Di càng vỡ lẽ. Vậy là Nhật Khánh đã cố ý giấu tin này, Nhật Khánh muốn nhường cơ hội đó lại cho mình sao?
*
Nhật Di lục túi tìm điện thoại gọi về cho mẹ, chợt nhớ giờ này cả nhà hẳn đã ngủ từ lâu, lại thôi. Mẹ đã đỡ bệnh chưa? Hôm nay, Nhật Di định gửi thuốc về cho mẹ, nhưng Nhật Khánh không đi làm. Nhớ lại vụ cự nự hôm trước của hai chị em ở căng tin khách sạn, Nhật Di tự hỏi Nhật Khánh có còn giận mình không? Mà hẳn không, Nhật Khánh có bao giờ biết giận ai lâu, với Nhật Di lại càng không. Hôm đó, tâm trạng căng thẳng, Nhật Di nhất thời nóng giận, tự nhủ mai cuối tuần sẽ về ăn cơm cùng gia đình, sẵn tiện xoa dịu Nhật Khánh luôn.
Tiếng rao đêm hòa theo cơn gió lạnh, ùa vào căn hộ. Nhật Di rùng mình, lồm cồm bò dậy, đóng cửa sổ. Tiếng rao lẻ loi trong đêm mưa gió, chạm vào lòng Nhật Di một nỗi niềm khó tả thành lời. Tự nhiên Nhật Di cảm thấy căn hộ vốn nhỏ bé của mình trở nên rộng thênh thang, trống trải và lạnh lẽo quá. Sống một mình đã một thời gian, Nhật Di đâu còn xa lạ gì với cảnh đi đi về về lặng lẽ mỗi sớm mỗi tối. Nhiều lúc, cô đơn, mệt mỏi, áp lực, nhiều điều tiêu cực bủa vây khiến cảm xúc của Nhật Di chạm đáy, nhưng cô luôn tự nhủ đây là cuộc sống mình lựa chọn, mình phải kiên cường vượt qua. Đêm nay, nỗi cô đơn đáng ghét lại ùa về, Nhật Di lại không có chút tinh thần kháng cự. Có phải khi say, con người ta thường cảm giác lòng mình trống trải, khi say, người ta thường trở nên yếu đuối hơn?
Ngày quyết định dọn ra ngoài sống, trong thâm tâm Nhật Di cũng nhiều phần không dám và không nỡ. Nhật Di biết thế nào ba mẹ cũng phản đối; cô sợ những giọt nước mắt của mẹ, sợ tiếng thở dài bất lực của ba và cả cái giọng lèo nhèo năn nỉ ỉ ôi của Nhật Khánh. Nhưng Nhật Di phải lạnh lùng đưa ra quyết định mà cô nghĩ tốt cho bản thân mình, ít ra là trong thời điểm hiện tại. Nhật Di vừa được thăng chức, công việc nhiều, cuộc sống bận rộn đi sớm về khuya, nếu có ở nhà cũng không gần gũi gia đình được bao nhiêu. Chưa kể, Nhật Di nghĩ mình sẽ không chịu đựng nổi trước tư tưởng an phận của gia đình. Ba mẹ và cả Nhật Khánh đều không thích Nhật Di làm quản lý; họ ngày ngày thuyết phục mà không quan tâm Nhật Di đã mệt mỏi như thế nào, đến mức đầu óc muốn đóng băng mỗi khi nghe. Gia đình không thể hiểu ước mơ, hoài bão của Nhật Di, cô không trách, cũng không có ý định sẽ thay đổi tư tưởng của gia đình mình, nhưng bắt phải sống theo lối sống đó, Nhật Di nhất định không làm được. Nhật Di cần một cuộc sống tiện nghi, hơn nữa, cô muốn khám phá cuộc sống của giới thượng lưu, muốn thoát ra khỏi cuộc sống cũ để xây dựng một cuộc đời mới.
Mưa nặng hạt hơn, tiếng mưa đập vào ô cửa sổ, gió rít từng cơn vừa dữ tợn, vừa thê lương. Nhật Di nhớ ngày còn ở nhà, những đêm mưa rả rích, hai chị em cuộn tròn trong chăn, nghe mẹ hát những bài tình ca ngọt ngào về quê hương, thỉnh thoảng mẹ còn ngâm những câu thơ cổ. Có những hôm mẹ gặng hỏi chuyện tình cảm của hai đứa, Nhật Khánh rúc rích cười như thiếu nữ mới lớn, Nhật Di chỉ im lặng và bâng khuâng nhớ đến một bóng hình. Lâu rồi Nhật Di không có những bữa cơm quây quần bên gia đình, tự nhiên cô thấy thèm những món ăn mẹ nấu, thèm nghe giọng nói trầm ấm mà hóm hỉnh của ba. Dường như ở nhà lúc nào cũng ấm áp hơn hẳn căn hộ tiện nghi của Nhật Di. Gì thế nhỉ? Nhật Di lại thế rồi, cô tự hỏi sao hôm nay mình lại ủy mị đến thế? Nhà nhỏ mà người đông thì tất nhiên phải ấm cúng hơn một mình Nhật Di giữa căn hộ này rồi, nhưng đâu phải lúc nào cũng yên ổn như thế, nếu được vậy, cô đâu ở đây một mình… Nhật Di lắc đầu như không muốn lún sâu vào hoài niệm. Cô cố dỗ mình đi vào giấc ngủ.
***
Đình Thiên nhốt mình trong phòng, miệt mài làm việc cho đến khi trời hưng hửng sáng. Cuối cùng cũng xong, Đình Thiên mang tập tài liệu sang phòng anh trai, nhẹ nhàng đặt lên bàn làm việc lúc Đình Phong đang trong phòng tắm – có lẽ sửa soạn và sắp đi. Sau đó, Đình Thiên quay về phòng, ngủ một giấc như phần thưởng cho chính mình.
Đình Thiên thức giấc lúc đã trưa trờ trưa trật, anh nhận ra điều đó qua không gian sáng sủa, quang rạng bên ngoài ô cửa sổ lớn. Mặt trời hẳn đã lên cao, trời khô ráo và ấm áp, ngoài vườn, tiếng chim chí chóe cãi nhau thật sinh động. Đình Thiên thầm nghĩ giờ này chắc ba mẹ và Đình Phong đã đi rồi. Vừa làm động tác vươn vai, Đình Thiên vừa lười nhác nghĩ có nên dậy hẳn không. Từ khi bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu này, đồng hồ sinh học vốn khác người của Đình Thiên lại càng chệch hơn, anh không buồn bận tâm đến giờ giấc nữa. Nhớ lại cuộc xung đột tối qua với gia đình, Đình Thiên cảm giác một cơn buồn bực, khó chịu ập đến.
Tối qua, cuối cùng thì ba mẹ và anh trai cũng ra khỏi nhà trong trạng thái không mấy vui vẻ còn Đình Thiên quay trở lại phòng với tâm trạng không thể bức bối hơn. Thậm chí đến tận bây giờ, câu nói của ba vẫn văng vẳng bên tai, chỉ là anh đã cố ép mình vào công việc với lý do phải hoàn tất trước khi Đình Phong rời khỏi nhà. Ba mẹ không hiểu mình – chưa bao giờ hiểu, thậm chí họ cũng như bao con người ngoài xã hội kia, vẫn luôn khinh thường, dè bỉu tâm huyết và đam mê của mình – Đình Thiên chua chát nghĩ. Bao lâu nay, ba mẹ để mặc cho Đình Thiên tập trung vào công trình nghiên cứu đó, không phải vì họ tôn trọng hay ủng hộ, mà chỉ đơn giản là vì họ bất lực và không muốn quan tâm. Đình Thiên luôn hy vọng sẽ được hiểu và đón nhận, bởi trong gia đình này, trước anh còn có ông nội là người nghiên cứu và lựa chọn lối sống như một nhà nho. Đến nay, Đình Thiên mới ngộ ra rằng, mong ước tưởng như đơn sơ đó của mình hóa ra lại là một điều xa xỉ.
Đình Thiên biết mình sai khi tỏ thái độ như vậy về Nhã Hân. Nhưng vấn đề không phải ở Nhã Hân mà là giữa anh và ba mẹ vốn không hiểu nhau. Nếu hiểu anh, ba mẹ chắc chắn sẽ không có những hành động gán ghép hay tác hợp kiểu ấy – tệ hơn nữa là còn tác hợp anh với một nữ doanh nhân. Ba mẹ không hiểu rằng, không phải chỉ bản thân Đình Thiên không muốn theo con đường kinh doanh, mà sự thật là anh thấy khó hòa hợp với những người phụ nữ làm nghề này. Những phụ nữ hiện đại yêu thích kinh doanh thường mạnh mẽ, độc lập và tự chủ; Đình Thiên không phải là một người đàn ông hiện đại, dù được sinh ra trong một gia đình giàu có và lớn lên trong nhung lụa. Vậy hẳn nhiên, Đình Thiên không thể hợp với những người phụ nữ mà xã hội đang đề cao vì sự tiến bộ kia. Đình Thiên vốn biết, mình đã sinh nhầm thời, vậy nên ở kiếp này, sự tồn tại của anh có thể mãi mãi là vô nghĩa. Thứ duy nhất mà anh luôn bấu víu để tin rằng cuộc sống của mình còn có ý nghĩa, đó là kiên định theo đuổi lý tưởng.
Đình Thiên thở dài, may mà ba mẹ sẽ vắng nhà một thời gian dài; việc chạm mặt nhau ngay sau khi vừa xảy ra xung đột vốn là điều luôn khiến người ta khó xử và mệt mỏi nhất. Đình Thiên không khó xử, anh có thể không tương tác nếu cảm thấy không cần thiết hoặc sự tương tác kia không giúp ích trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa họ; nhưng anh mệt mỏi khi phải nghe những lời giáo huấn của ba hay nhìn thấy nét mặt ưu tư phiền muộn của mẹ. Cứ mỗi lần như vậy, Đình Thiên lại cảm giác mình như kẻ tội đồ vừa gây nên một lỗi lầm không thể chấp nhận được. Trong khi, người tổn thương nhiều hơn lẽ ra phải là chính anh. Từ nhỏ đến lớn, Đình Thiên cảm thấy mình chưa khi nào sống khác với bản chất, vậy cớ gì đã hơn hai mươi năm từ ngày Đình Thiên có mặt trên đời, mà ba mẹ vẫn không thể chấp nhận những thứ thuộc về con người anh, dẫu nó có khó chấp nhận và khác biệt bao nhiêu?
***
– Mẹ ơi, bà này đánh con!
Nhật Khánh quay lại khi nghe một giọng nói trong trẻo non nớt từ phía sau. Một bé gái chừng mười tuổi đang mếu máo chỉ tay vào một người phụ nữ bán hàng rong bên vỉa hè của con đường vào chợ sầm uất. Nhật Khánh dừng tay một chút, chú ý nhiều đến người phụ nữ đang lúi húi nhặt những trái táo cạnh một chiếc xe đạp chở đầy hoa quả – người mà con bé vừa chỉ. Đối diện bà là một người phụ nữ trẻ, ăn mặc sang trọng, cặp kính râm che đi nửa khuôn mặt, chỉ để lộ gò má cao và đôi môi đỏ chót đang cong cớn như sẵn sàng gây chuyện.
Nhật Khánh lại quay đi, tiếp tục lựa rau củ với Nhật Di. Tò mò chưa bao giờ là điều mà cả hai chị em cho là tốt, nhất là khi sự tò mò đó không giúp ích được gì cho người trong cuộc hay bản thân mình. Nhật Khánh vừa nghĩ vừa nhanh tay lựa mớ rau thơm, trưa nay, hai chị em sẽ trổ tài nấu món mì Quảng.
– Sao bà đánh con tôi? – Một giọng nói đanh đá và sắc lạnh vang lên.
– Tôi… không có! – Người phụ nữ bán hàng rong quay sang bé gái phân trần. – Con ơi, dì đâu có đánh con, con đụng xe của dì nên rớt trái cây xuống, dì chỉ nhặt lên thôi!
– Ối chao! – Giọng người mẹ cao vút. – Đã đánh con tôi còn đổ thừa? Bán hàng rong ngoài đường còn đổ thừa người ta đụng phải?
Nhật Di, Nhật Khánh và rất nhiều người có mặt trong không gian chợ đồng loạt quay lại nhìn hai mẹ con. Họ chú ý không chỉ bởi tiếng ồn được gây ra mà còn bởi sự bất bình trong lòng trước tình huống vốn chẳng có gì đáng để xung đột. Người phụ nữ bán hàng rong đã lớn tuổi, tầm tuổi mẹ mình, Nhật Di nghĩ bụng. Gương mặt khắc khổ của bà hơi nhăn nhó, bối rối vì hành động của người phụ nữ trẻ kia. Một thoáng suy nghĩ, bà tiếp tục dịu giọng như nén hết những uất ức vào lòng, đặt táo vào giỏ, cầm tay bé gái săm soi.
– Thôi dì xin lỗi, con có sao không?
– Bỏ tay con tôi ra! Tay bà có sạch sẽ không mà động vào con tôi?
Vừa nói, người mẹ vừa hất tay người phụ nữ bán hàng rong. Nhật Di khẽ nhíu mày trước hành động không thể thô lỗ và xấc xược hơn của người mẹ trẻ. Vài tiếng xì xào vang lên, mọi người đang bàn tán về cách hành xử của một người phụ nữ có vẻ ngoài giàu có và trí thức. Một vài người bất bình lên tiếng.
– Chị ấy có đánh con bé đâu?
– Đúng rồi, không ai đánh nó hết, nó tự va vào xe của họ mà!
– Đã sai rồi còn hung hăng nữa!
Lúc này, người phụ nữ trẻ kia vừa sờ nắn bé gái, ngó nghiêng xem con mình có bị gì không vừa làu bàu cho rằng người bán hàng rong đang cố tình ăn vạ. Cô ta lôi bé gái đi, vừa đi vừa nói lớn.
– Con thấy không? Học hành không tới nơi tới chốn thì lớn lên chỉ có ra đường bán hàng rong thôi.
Hai mẹ con đi rồi, không gian lắng xuống trong một khoảnh khắc với rất nhiều cảm xúc. Ai nấy đều thở dài ngao ngán trước thái độ của người phụ nữ tự cho mình cái quyền khinh thường nghề nghiệp của người khác kia. Nhật Khánh lặng nhìn người phụ nữ bán hàng rong đang lặng lẽ kéo vạt áo đã bạc màu, lau đi giọt nước mắt tủi hờn. Nước mắt hòa với mồ hôi, nghe chừng mặn đắng. Nhật Khánh cảm thấy xót xa, căm phẫn. Nhật Di đăm chiêu nhìn theo bóng người phụ nữ kia cho đến khi khuất hẳn. Trong lòng cô cuộn lên một cơn tức giận lẫn khinh thường; ở đâu ra loại người luôn cho mình là mẹ thiên hạ và không coi ai ra gì thế kia? Hai chị em chìm trong những suy tư, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.
Trên đường về, Nhật Khánh im lặng một cách lạ kỳ, còn Nhật Di thì dường như chưa dứt ra khỏi những suy tư của bản thân. Tình huống ở chợ sáng nay như đưa hai chị em trôi về miền ký ức của rất nhiều năm trước.
*
Đó là một mảnh ký ức tưởng như rất nhỏ, nhưng lại có thể ám ảnh người ta rất lâu. Cũng phải, không cần thiết phải là thứ gì to lớn thì mới có khả năng tạo ra nỗi sợ hãi. Và ở đây, là chuyện sợ sự so sánh giữa giàu và nghèo; dĩ nhiên, mỗi người sẽ sợ theo mỗi cách khác nhau.
Nhật Khánh vừa ngồi trông quán cùng mẹ vừa ôm quyển truyện đọc chăm chú. Bà Bảy đang nhẩm tính tiền hàng, mùa này buôn bán ế ẩm, sắp hết ngày mà thức ăn vẫn còn dư nhiều quá.
Một tốp phụ nữ ăn mặc sang trọng, thậm chí có phần lòe loẹt, đi ngang qua, có tiếng xì xào, chỉ trỏ.
– Hàng thịt nướng này không vệ sinh. Em ở gần em biết, bữa nào em mời mấy chị tới nhà hàng bên phố!
Bà Bảy nghe giọng nói quen thuộc, ngẩng mặt lên, sững sờ khi nhận ra người vừa phát ngôn là người hàng xóm từng thân thiết với gia đình mình từ những năm đầu tái định cư về đây. Gương mặt bà Bảy bàng hoàng trước giọng nói lảnh lót, giọng điệu hớn hở khoe mẽ của người phụ nữ mình từng coi như chị em. Cô ta đi lướt qua hai mẹ con Nhật Khánh đang nhìn theo, phớt lờ ánh mắt chứa nhiều điều khó tả của bà Bảy.
– Dì Tám nói gì kỳ vậy mẹ?
Nhật Khánh tức giận buông quyển sách, đứng dậy như muốn đuổi theo. Bà Bảy thở dài, nhìn đôi mắt trong veo, đen láy của Nhật Khánh đang ngùn ngụt những tia lửa giận. Bà níu tay con gái.
– Thôi, con!
Sâu trong thâm tâm, bà Bảy hiểu đó là một trong những thái độ xa lánh mà nhà hàng xóm dành cho gia đình mình từ hơn một tháng nay. Từ ngày gia đình nhà hàng xóm trúng số độc đắc và đổi đời, họ dường như muốn hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ thân thiết trước đây, để sánh ngang hàng với tầng lớp giàu có mà họ cho rằng họ đủ tiêu chuẩn để gia nhập. Sợi dây thân tình giữa hai gia đình cứ ngày một lỏng dần và bà Bảy tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là đứt hẳn. Trước đây, thuở còn khốn khó, các con còn nhỏ, gia đình họ không ít lần gõ cửa nhờ sự giúp đỡ, ông bà Bảy chưa bao giờ từ chối, thậm chí không ngại giúp đến miếng ăn cuối cùng trong nhà. Hai gia đình vốn đúng nghĩa chỉ cách nhau duy nhất một vách. Con cái hai bên cũng thân thiết như anh em, sớm tối có nhau. Nay họ gặp cơ may, gia đình bà Bảy cũng chưa từng có ý xin xỏ hay đòi hỏi họ chia sẻ điều gì, vẫn chỉ đơn sơ và chân tình như vốn dĩ. Bây giờ, thái độ đó của dì Tám chẳng phải là quá đáng lắm sao? Sao có thể vì để thỏa mãn nhu cầu khoe khoang, ra vẻ giàu có của mình mà đi miệt thị, coi thường người khác, bất chấp hậu quả? Gia đình bà Bảy đã làm gì để phải chịu thái độ kia?
Nhật Khánh nhìn gương mặt nhiều biểu cảm của mẹ, cơn tức tối trong lòng vẫn chưa nguôi. Người nói ra câu đó nếu là một ai khác, Nhật Khánh có lẽ đã không giận nhiều nếu đó là một ai khác; nhưng đây lại là dì Tám – người mà Nhật Khánh hằng thương yêu, kính mến thì lòng không phải chỉ có buồn giận đâu, đó còn là tổn thương, là mất lòng tin vào những mối quan hệ quanh mình. Nhật Khánh quyết tâm về sau, không bao giờ giao du, hay thậm chí là tử tế với những người giàu có. Mà thật ra, những người giàu sổi, những người có cơ may đổi đời rồi hống hách như vậy, chỉ ngửi mùi từ xa, Nhật Khánh đã cảm thấy không thể nuốt nổi một lời nào từ họ.
*
Nhật Di dĩ nhiên cũng không bao giờ muốn nhớ lại những mảnh ký ức không vui sau đó; bởi với cô, đó từng là một trong những giai đoạn buồn bã của tuổi thơ, khi mà nhà dì Tám càng ngày càng tỏ ra quá đáng, dè bỉu ba mẹ mình, chê bai chị em mình. Nhật Di nhớ lại hôm trước sang nhà tìm anh Rin, dì Tám còn đuổi khéo với lý do anh Rin đang bận học. Nhật Di không rõ lắm, nhưng có cảm giác rằng gia đình họ đã không còn thân thiết với nhà mình như xưa, hoặc chí ít, họ đang muốn vậy.
Câu nói mà mãi về sau Nhật Di không thể nào quên được đó là dì Tám mắng Nhật Di – “thấy sang bắt quàng làm họ” – trong một lần cô chở anh Rin từ biển về lúc anh Rin bị mảnh chai đâm vào chân. Lần đó, Nhật Di đã chạy về nhà khóc tức tưởi, cô cảm thấy lòng tốt của mình bị xúc phạm.
Sau hôm đó, lúc tan học, anh Rin đợi Nhật Di tại gốc phượng già quen thuộc trong sân trường. Cả hai cùng về, vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Vừa ra đến cổng trường, có tiếng gọi khiến hai anh em quay đầu lại, bác Tám đang đứng cạnh chiếc xe tay ga đời mới cáu cạnh, vẫy vẫy tay.
– Lên ba chở về, con!
Anh Rin quay sang Nhật Di, giục.
– Em lên xe trước đi!
Nhật Di chưa kịp có phản ứng gì, bác Tám đã hắng giọng.
– Xe mới không chở ba được đâu con! Bé Di chịu khó đi bộ về nghe!
Nhật Di sững người, cảm giác vô cùng lạ lẫm trước thái độ cũng không thể khác lạ hơn của bác Tám. Sao thế nhỉ, ngày trước chẳng phải ba Nhật Di từng đèo hai anh em trên chiếc xe đạp cọc cạch về nhà sao?
– Sao không chở được ba? Bình thường xe cũ vẫn chở được mà?
– Con lên xe đi!
– Vậy thôi con đi bộ về với Di!
– Không nói nhiều! – Bác Tám nạt. – Lên xe! Nhà mình bây giờ không còn như trước nữa, con đừng đi bộ đi học, ba mẹ mất mặt lắm. Với lại, đừng có giao du với hạng người không cùng đẳng cấp nữa.
Hai đứa trẻ ngơ ngác hết nhìn nhau rồi lại nhìn người đàn ông mà tụi nó vốn kính trọng. Anh Rin mếu máo như vừa bị đòn oan, nhìn Nhật Di đầy áy náy. Chiếc xe máy vọt đi, bỏ lại Nhật Di bơ vơ giữa cổng trường đông đúc. Chưa bao giờ Nhật Di cảm thấy lạc lõng như lúc này, còn hơn cả những ngày anh Rin bị ốm, Nhật Di phải một mình đi học. Giá mà Nhật Khánh học chung buổi như những năm trước, hai chị em sẽ tự về, vẫn vui biết bao. Mà không, nếu có ở đây, Nhật Khánh cũng sẽ tủi thân mà khóc mất. Nhật Di mím môi, những lời nói cay nghiệt không rõ vô tình hay cố ý của bác Tám cứ văng vẳng trong đầu. Không cùng đẳng cấp, từ bao giờ bác Tám đã cho rằng họ không còn thuộc đẳng cấp của gia đình Nhật Di? Chiếc xe máy mới cóng kia là thứ quyết định đẳng cấp của một con người sao? Ồ, bác Tám đã tự cho mình thuộc tầng lớp giàu có, quý tộc và có quyền chọn bạn cho con. Tầng lớp đó, ghê gớm thế sao, Nhật Di nhất định sẽ bước vào, nhưng chắc chắn chẳng phải bằng kiểu cầu may như họ!
***
Tiếng piano khi dìu dặt lúc du dương khiến lòng Nhật Khánh nhẹ tênh. Dù đã không còn xa lạ gì với tầng áp mái nhưng mỗi khi đặt chân lên đây, Nhật Khánh đều cảm thấy không gian yên tĩnh và sạch trong này ít nhiều giúp cô có được cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Ngành nghề khách sạn tưởng chỉ đơn giản là kinh doanh nhưng thật ra lại vô cùng thú vị, thứ chúng ta đặt vào không chỉ là tâm huyết. Chất lượng dịch vụ là kết quả của một quá trình bản thân người làm dịch vụ đặt mình vào vị trí của khách để biết được khách mong muốn những gì. Ở đây, từng chi tiết nhỏ trong cách bài trí, sắp xếp đều giúp Nhật Khánh hiểu rõ hơn về điều đó. Cô cũng hiểu thêm rằng, trước đây những đồng nghiệp của cô cố gắng hết sức để được lên đây, cũng là có lý do hợp lý.
Ở tầng áp mái, ngoài việc lịch làm việc dày đặc hơn vì chỉ có Nhật Khánh và chị Hoa thay phiên nhau, thì cơ bản rất nhàn hạ. Tầng áp mái chẳng mấy khi có khách, nhất là khi không nằm trong mùa cao điểm du lịch như hiện nay. Nếu là người khác, hẳn sẽ thấy rất thảnh thơi, sung sướng. Còn với một người không thể quen với suy nghĩ có mặt đủ giờ làm và nhận lương như Nhật Khánh, sự rảnh rang này chỉ đem lại cảm giác buồn chán, bứt rứt, khó chịu, chẳng khác nào bị tra tấn. Nhật Khánh cũng nhiều lần tự hỏi vì cớ gì người ta lại thuyên chuyển cô lên đây, để rồi có những ngày cô phải cố gắng lau đi lau lại căn phòng tắm chưa đầy mười mét vuông vốn đã sạch hết mức, hay ngồi gấp những chiếc khăn tắm thành hình gấu mèo như một kẻ dở hơi theo lời nhận xét của Đan Thy?
Chắc chắn khách không có trong phòng, Nhật Khánh quẹt thẻ mở cửa. Đập vào mắt cô là một căn phòng bừa bộn với những chiếc khăn tắm bị xới tung trên giường mà trước đó cô đã chăm chút xếp thành hình đôi chim uyên ương xinh xắn, cực kỳ phù hợp với yêu cầu bài trí phòng tân hôn. Lạ nhỉ, khăn có vẻ còn sạch, nghĩa là chưa dùng đến, sao lại lộn xộn thế này? Nhật Khánh thấy buồn buồn, bởi đây là thành ý của cô, thể hiện sự chào đón nồng nhiệt và sự quan tâm của khách sạn đối với khách. Có phải những người giàu có thường không có thời gian dù chỉ vài phút để dùng tâm hồn cảm nhận mọi thứ xung quanh? Hay họ coi những chiếc khăn kia cũng chỉ là một trong những đồ dùng tại không gian mà họ đang bỏ tiền ra để được phục vụ, không có chút ý nghĩa hay giá trị gì?
***
Đình Thiên thong thả dạo quanh khu vườn vẫn còn hơi ẩm ướt. Không khí mát mẻ, dễ chịu bao trùm lấy anh. Đình Thiên hít một hơi thật sâu như muốn thu hết không khí mát mẻ, trong lành kia vào lồng ngực. Lâu lắm rồi anh mới ra vườn đi dạo, dù ngày nào cũng nhìn ngắm nó từ cửa phòng. Hàng dừa cảnh vẫn đứng sừng sững như những vệ sĩ lặng lẽ và trung thành. Những chú cá trong hồ hồn nhiên tung tăng bơi lội. Tự nhiên Đình Thiên thấy tâm hồn thanh thản, dễ chịu quá. Có phải vì thời gian vừa rồi anh đã quá căng thẳng nên bây giờ tâm hồn như được giải phóng hay không?
Vừa ngồi xuống chiếc xích đu trắng, Đình Thiên vừa nghĩ về công trình nghiên cứu của mình. Không biết giờ này, Đình Phong đã đọc nó chưa; Đình Phong là người rất biết tranh thủ thời gian, có thể ngay sáng hôm lên máy bay, anh đã đọc rồi cũng nên. Có thể đọc chưa xong nên Đình Thiên chưa nghe anh trai nhận xét gì. Rồi Đình Thiên chợt khựng lại, tự cười mình; Đình Phong mới đi một ngày, lại là đi công tác chứ có phải đi chơi đâu, sao anh có thể mong ngóng Đình Phong ưu tiên cho công trình nghiên cứu của mình như vậy được?! Hôm qua viết xong, chưa kịp đọc lại đã mang cho anh trai. Đình Thiên lo có vài chỗ chưa thật sự ổn lắm. Mà thôi, Đình Thiên tự trấn an, nếu chưa ổn thì Đình Phong sẽ giúp chỉ ra, như trước đây hai anh em vẫn cùng nhau làm mọi việc.
Trời sẩm tối, Đình Thiên đứng lên, đi vòng qua bể bơi để vào nhà. Ngang khoảng sân dẫn vào gian chính của ngôi biệt thự, Đình Thiên cúi người, nhặt những đóa hoa sứ trắng đang nằm chơ vơ trên nền đất lạnh dưới gốc cây. Những đóa hoa còn rất tươi, căng mọng, có lẽ do trận gió khi chiều mà phải từ giã mẹ cây, buông bỏ sự sống. Đình Thiên nhặt bằng hết, định bụng sẽ đem vào chưng trong phòng. Đúng lúc định đứng dậy vào nhà, anh chợt khựng lại khi thấy một tập giấy chi chít chữ lấp ló trong giỏ rác. Gì thế kia? Đình Thiên cúi xuống sâu hơn. Tập giấy trắng chi chít chữ viết tay. Chữ của chính anh! Đình Thiên trợn tròn mắt, hai bàn tay đang bụm lấy những đóa hoa sứ như không còn chút sức lực, buông thõng xuống. Những đóa hoa vừa được nhặt lên nay lại một lần nữa chao nghiêng, lả tả rơi. Đình Thiên cầm lấy tập giấy, anh không thể tin vào mắt mình. Trong tay chính là tập đề tài nghiên cứu của anh! Công trình nghiên cứu mà anh đã cố thức suốt đêm để làm cho xong trước khi trời sáng!