KẾT TRUYỆN TẤM CÁM: GIẾT HOẶC BỊ GIẾT, TẤM CHỈ ĐƯỢC CHỌN MỘT!
|
Truyện Tấm Cám có thể nói là một câu chuyện vô cùng thân thuộc với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Hình ảnh quả thị thơm cô Tấm dịu hiền mỗi đứa trẻ đều mang trong mình để rồi nhẹ nhàng đi vào giấc mơ qua lời kể hằng đêm của bà, của mẹ. Nhưng mấy năm trở lại đây, kết thúc truyện Tấm Cám dấy lên nhiều luồng tranh luận xung quanh vấn đề này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số quan niệm, ý kiến về kết thúc truyện Tấm Cám, cũng như những kiến giải riêng của người viết.
Kiểu truyện Tấm Cám A – T 510 là một trong những kiểu truyện phổ biến nhất trên thế giới. Cuối thế kỷ XIX, nữ sĩ Roanphơ Coocxcơ, một nhà sưu tầm truyện dân gian người Anh đã tập hợp và giới thiệu 345 truyện kiểu Tấm Cám trên thế giới trong cuốn Truyện Cô Tro Bếp, ba trăm bốn lăm dị bản. Truyện kiểu Tấm Cám ở phần lớn các nước phương Tây thường gọi là truyện Cô Tro Bếp hay Cô Lọ Lem. Với cuốn sách Nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ của Mêlêtinxki xuất bản năm 1938 ở Maxcova thì con số đó đã lên đến năm trăm. Con số này chưa chắc đã bao gồm được tất cả các truyện kiểu Tấm Cám trên thế giới tính đến năm 1958.
Truyện kiểu Tấm Cám ở nước ta, qua nghiên cứu và đối chiếu, kiểu truyện này ở dân tộc Kinh và các dân tộc anh em khác tuy độ dài ngắn khác nhau, các bản đều chứa đựng ít nhất là hai chủ đề; chủ đề thứ nhất là mâu thuẫn dì ghẻ con chồng bao gồm sự chèn ép, bóc lột và bức hại của người dì ghẻ đối với người con chồng và sự đấu tranh của người này chống lại sự bức hại hai mẹ con dì ghẻ để sống và mưu cầu hạnh phúc; chủ đề thứ hai là tác dụng của một vật báu (một thứ cây linh thiêng, một sợi tóc vàng, và trong đa số trường hợp là chiếc giày) nhờ nó mà cô được một chàng trai (thường là hoàng tử) biết đến và đem lại hạnh phúc.
Tuy nhiên, gần đây dấy lên cuộc tranh luận về cái kết truyện Tấm Cám, mà chủ yếu xoay quanh hai luồng ý kiến; luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc giết Cám để trả thù là hoàn toàn hợp lý, phù hợp tâm lý cũng như quan niệm thiện giả thiện báo ác giả ác báo trong dân gian; luồng ý kiến thứ hai lại phản đối kết thúc Tấm trả thù bằng cách giết Cám, cho rằng kết thúc này quá dã man, dễ gây sang chấn tâm lý cho trẻ nhỏ.
Kết thúc truyện Tấm Cám trong bản kể của Vũ Ngọc Phan (trong Truyện Tấm Cám, NXB Kim Đồng, Hà Nội – 1966) kể về cái chết của mẹ con cô Cám như sau:
“Sau khi nhận ra vợ mình ở quán bà cụ bán hàng nước nhà nghèo, vua cho đón Tấm về cung. Cám thấy chị trẻ đẹp hơn xưa, sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng, được tươi giòn như Tấm. Nó giả vờ như không biết chuyện gì, hỏi Tấm:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm, chị dầm sương giãi nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?
Tấm đáp:
– Có muốn trắng để chị giúp cho.
Cám hí hửng bằng lòng ngay. Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống rồi sai người đem nước sôi giội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.
Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu:
– Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.
Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình, uất lên, ngã vật xuống đất mà chết.”
Về vấn đề cái chết của mẹ con Cám, có ý kiến đánh giá mang tính phê phán như của Phan Hải Triều, trong bài Thử phân tích vài biểu hiện của đặc điểm nhân ái trong truyện cổ tích Việt Nam đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số l năm 1996, cho rằng: “Cách nghĩ của người Việt trong đối nhân xử thế khi có mặt kẻ đại diện cho cái ác, là thiên về tính chủ quan, thụ động. Sự cảm hóa cái xấu phải bắt đầu từ sự thành thật và bao dung của chính mình. Người Việt trong loại truyện cổ tích này ít khi dùng tới tư duy “hồi cố” để suy xét sự việc.” Trên cơ sở nhận định về cách nghĩ của người Việt như vậy, tác giả bài báo cho rằng đoạn kết trong truyện Tấm Cám là “môtip quá xa lạ với tư duy xử thế của người Việt, nó xuất hiện duy nhất có một lần trong toàn bộ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”. Phan Hải Triều cho rằng “Cách kết trong truyện Tấm Cám vẫn là một “nghi án” về sự chắp nối khiên cưỡng, pha trộn yếu tố ngoại lai”.
Ý kiến như trên đây của Phan Hải Triều cũng đã từng được Nguyễn Đổng Chi nêu lên trong bộ sách lớn, biên soạn công phu của ông qua nhiều năm, bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Ở tập 5 của bộ sách này, trong phần thứ ba nhan đề Nhận định tổng quát về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ông viết: “Trong truyện cổ tích Việt Nam cũng không phải là không có những yếu tố “ác”, – những cách xử lý sát phạt và những kết cục khốc liệt cho nhân vật – chẳng hạn truyện Rạch đùi giấu ngọc (số 159) hay truyện Tấm Cám (số 154); nhưng cái ác trong kết cục Tấm Cám – một hành vi trả đũa có phần hả hê nhưng cũng gớm ghiếc – lại gần như là một motif du nhập từ ngoài tới chứ không phải “nội sinh”. (Nguyễn Đổng Chi, 1993, tập 5). Theo ông sở dĩ như vậy là vì “tính chừng mực về “độ” là một nét trong tâm lý của dân tộc chúng ta…, nghệ thuật truyện cổ tích Việt Nam không cho phép đẩy tình tiết tới những kết cục không có hậu” (Nguyễn Đổng Chi, 1993, tập 5).
Nguyễn Xuân Lạc, trong một bài viết nhan đề Phần văn học dân gian Việt Nam trong sách giáo khoa chỉnh lý trung học cơ sở đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số 4 năm 1995 đã đặt ra câu hỏi: “Lẽ nào lại bỏ đi một câu truyện từ lâu đã trở thành niềm say mê, thích thú, ước mơ đẹp đẽ của tuổi thơ… chỉ vì một chi tiết trả thù ở cuối truyện?” (Nguyễn Xuân Lạc, 1995).
Đối lập với xu hướng đánh giá có tính chất phê phán về hành động của cô Tấm, như vậy là có xu hướng bảo vệ truyện Tấm Cám, xu hướng này thường gắn liền với xu hướng đánh giá có tính chất khẳng định về hành động ấy.
Sự khẳng định này cũng có nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau với những lý do khác nhau.
Theo Đinh Gia Khánh, “trong truyện Việt Nam phải để cô Tấm trừng phạt Cám như vậy thì mới được chân thực”. Bởi vì “trong cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, cô Tấm nhất định phải rút ra được kinh nghiệm xương máu là nếu mụ dì ghẻ và con Cám còn sống thì chúng sẽ không để cho cô sống. Giữa hai cách xử sự sau đây, phải chọn lấy một: Để cho chúng sống rồi lại giết mình lần thứ năm, hay là giết chúng đi để có thể sống yên lành. Cô Tấm bắt buộc phải chọn cách thứ hai. Việc Tấm giết Cám và mụ dì ghẻ không hề làm giảm đạo đức của cô, làm giảm cái đẹp của hình tượng nhân vật”. Nhưng sau đó ông lại viết: “Tuy vậy, cô Tấm sẽ còn đẹp hơn nữa nếu cô không dùng những hình thức tàn khốc (giết bằng nước sôi, làm mắm thịt con cho mẹ ăn) để trừng trị bọn tội phạm…” (Đinh Gia Khánh, 1968, tr. 97 – 98).
Trong bài viết Văn hóa dân gian thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số 2 năm 1998, Nguyễn Xuân Kính cũng cho rằng “việc Tấm phải trả thù và tiêu diệt mẹ con Cám là tất yếu”. Ông còn cho rằng hành động đó “không có gì là xa lạ với cách nghĩ và tâm lý dân tộc”. Song ông cũng tỏ ra dè dặt khi nói thêm: “Ở thời điểm hiện tại, có thể chúng ta chưa tán thành cách thức trả thù của Tấm, nhưng việc Tấm trả thù là cần thiết và chính đáng.” (Nguyễn Xuân Kính, 1998, tr. 5 – 6).
Qua những luồng ý kiến trái chiều về cái kết kiểu truyện Tấm Cám ở trên, chúng ta có thể thấy cả hai luồng ý kiến đều có những lý lẽ, kiến giải của riêng mình. Theo chúng tôi, khi đánh giá một nhân vật nào đó, đặc biệt lại là một nhân vật trong truyện cổ tích như cô Tấm, chúng ta cần có cái nhìn phù hợp với thời đại, quan niệm cũng như những tư tưởng trong xã hội mà truyện Tấm Cám ra đời. Chúng ta không nên, không thể lấy cái nhìn, quan điểm của người hiện đại mà áp đặt cho những quan niệm từ cách đây rất nhiều năm, đặc biệt là đối với hình tượng một nhân vật văn học.
Xét theo sự phát triển tính cách của nhân vật Tấm, ta có thể thấy đây là một sự phát triển tất yếu, logic. Tấm vốn là một cô gái hiền lành, lương thiện nhưng bị mẹ con Cám hãm hại, không chỉ một lần mà tới tận bốn lần, một con người dù hiền lành, lương thiện đến đâu cũng không thể không biết học lấy cách tự bảo vệ, phản kháng lại cái xấu, cái ác. Nếu không biết cách phản kháng lại, liệu có chắc Tấm sẽ không bị giết đến lần thứ năm. Và có thể nói, quá trình phát triển tâm lý ấy không hề đột ngột, mà nó diễn ra từ từ, từng bước một, từ việc Tấm ngây thơ tin lời Cám, để Cám lừa mất giỏ tép, bị mẹ con Cám ăn thịt bống, Tấm đau khổ nhưng không oán hận. Tới khi Tấm nghe lời trèo lên cây cau, bị dì ghẻ chặt gốc cây, ngã xuống ao mà chết thì tính cách nhân vật đã có sự chuyển biến rõ rệt, không ai có thể bao dung với kẻ thù giết mình. Bằng chứng là những câu nói của Tấm với Cám khi biến thành chim vàng anh, biến thành khung cửi.
“Giặt áo chồng tao phơi nan phơi sào
Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”
Hay
“Kẽo cà kẽo kẹt
Cướp tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra”
Như vậy, một cô gái từ chỉ biết bưng mặt khóc và chờ mong sự trợ giúp của thế lực siêu nhiên đã biết đứng lên, biết vạch mặt, tố cáo kẻ làm hại mình. Nếu xét theo quá trình phát triển tâm lý ấy, ta sẽ không thấy lạ khi kết thúc truyện Tấm giết Cám, thậm chí làm mắm Cám và gửi về cho dì ghẻ ăn. Đó là sự phát triển của tâm lý đấu tranh sinh tồn, giết hoặc bị giết, Tấm chỉ được chọn một.
Nhưng vấn đề có lẽ sẽ không gây nhiều tranh cãi đến thế nếu như Tấm không làm mắm Cám. Có ý kiến cho rằng, cũng là quan niệm ác giả ác báo thiện giả thiện báo, trong Thạch Sanh, nhân vật Lý Thông và mẹ hắn đã bị trời trừng phạt, vẫn là sự trừng phạt cái ác, nhưng không cần sự can thiệp của con người. Nhưng có phải lúc nào cái ác cũng bị quả báo? Hay chăng như Tấm, bị giết hết lần này tới lần khác, nếu Tấm không tự mình học cách đấu tranh, học cách sinh tồn, loại bỏ kẻ thù thì Tấm vĩnh viễn sẽ chịu ức hiếp, sẽ bị giết thêm nhiều lần nữa. Nên có thể thấy rằng, quá trình phát triển tâm lý của Tấm từ đầu cho tới cuối truyện là một quá trình hợp logic, không bị những ý muốn chủ quan khiên cưỡng gò ép.
Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người lo ngại việc để kết thúc truyện Tấm làm mắm Cám như vậy sẽ gây sang chấn tâm lý cho trẻ. Nhưng điều cần làm ở đây, không phải chúng ta thấy khó thì bỏ qua, thấy không giải quyết được thì cắt bỏ, mà là phải giải thích cho học sinh hiểu được, cái ác phải bị trừng phạt một cách thích đáng, làm việc ác là xấu xa, để các em không bị mơ hồ bởi khái niệm “quả báo”, nếu chờ đợi ông trời quả báo thì biết đến bao giờ? Gieo nhân nào ắt phải gặp quả ấy ngay trong chính kiếp này, ngay với nạn nhân từng bị hãm hại. Để học sinh hiểu được sự ghê sợ cái ác (hành động của mẹ con Cám qua nhiều lần giết Tấm) và như lời khuyên răn về việc làm điều xấu ắt sẽ gặp chuyện xấu (như kết cục của mẹ con Cám).
Vì vậy, theo quan điểm của người viết, kết thúc truyện Tấm Cám là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với sự phát triển tâm lý của nội tại nhân vật. Đồng thời trong quá trình giảng dạy, thầy cô cần lý giải cho học sinh hiểu được quá trình tâm lý ấy, quan niệm của người xưa về ác giả ác báo thiện giả thiện báo, cũng như định hướng cho các em hiểu những việc làm ghê sợ sẽ phải gánh chịu hậu quả ghê sợ, để từ đó các em có được sự tự nhận thức đối với những hành động của cá nhân mình!
Sophia Mặc
Key liên quan:
- https://nhom40 com/ket-truyen-tam-cam-giet-hoac-bi-giet-tam-chi-duoc-chon-mot/
- hãy tưởng tượng và viết lại phần kết đoạn của truyện tấm cám
- suy nghi ve cach ket thuc truyen cua tac gia dan gian trong truyen tam cam
- kết thúc truyện tấm cám
- so sanh truyen tam cam va truyen thach sanh va ket cuc cua hai cau truyen tam cam va thach sanh