NGHỆ THUẬT TINH TẾ CỦA VIỆC “ĐẾCH” QUAN TÂM
|Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm – chỉ ngay tựa đề đã gợi lên trong lòng độc giả nhiều tò mò, hứng thú. Cuốn sách không thần thánh hóa, không hô hào về năng lực thay đổi cuộc đời ai đó nhưng cực kỳ hữu ích cho những ai đang mong muốn có một sự thay đổi và giải quyết các vấn đề rắc rối của mình. Việc lựa chọn quan tâm và “đếch” quan tâm đến thứ gì là cả một nghệ thuật và đó cũng chính là chìa khóa cho một cuộc sống đơn giản, tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Vậy thế nào là nghệ thuật “đếch” quan tâm? “Đếch” quan tâm không có nghĩa là thờ ơ. “Chẳng hề có cái thứ gọi là không bận tâm trên cõi đời này. Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó. Việc luôn quan tâm tới một thứ gì đó là một phần trong cơ chế sinh học của ta và do đó mà ta bận tâm tới việc này hay việc khác. Vì vậy, câu hỏi ở đây là: Chúng ta bận tâm tới cái gì? Chúng ta lựa chọn bận tâm tới cái gì? Và làm thế nào để chúng ta không bận tâm với những thứ không có ý nghĩa khác?”
Theo Mark Manson giải thích, tâm trí con người thường bận tâm đến quá nhiều thứ và như thế cũng có nghĩa là chúng ta cũng bỏ qua nhiều thứ. Ta bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình, bận tâm đến việc so sánh mình với người khác, quá quan tâm đến những thất bại, cảm xúc tiêu cực của bản thân đến nỗi ta lại cảm thấy tiêu cực vì đã làm như thế…“Nếu bạn nhận thấy bản thân mình thường bận tâm quá nhiều đến những thứ vớ vẩn tầm thường thì có lẽ cuộc đời bạn chẳng có mấy sự kiện xảy ra để mà quan tâm tới một cách thích đáng. Và đó là một vấn đề đối với bạn đấy! Khi một người không gặp phải vấn đề gì cả, thì tâm trí họ sẽ tự động tìm cách để kiến tạo ra chúng. Hầu hết mọi người – đặc biệt là những người có học vấn, được gia đình bao bọc, thuộc giai cấp trung lưu – xem vấn đề của cuộc đời chỉ đơn giản là những tác động ngoại biên của việc chẳng có gì quan trọng hơn để mà bận tâm. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy là việc nhận thấy rằng điều quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời bạn có thể là việc tìm ra cách sử dụng thời gian và năng lượng một cách hiệu quả nhất. Bởi nếu như không tìm được thứ có ý nghĩa thì sự quan tâm của bạn sẽ rơi vào những mục đích vô nghĩa, phù phiếm”.
Tác giả không đưa ra một công thức cố định nào cho chúng ta về những điều ý nghĩa, hệ giá trị mà mỗi người cần theo đuổi. Nhưng tác giả hướng dẫn cách để tìm ra nó, bằng cách đặt ra những câu hỏi, nêu vấn đề và mỗi người phải tự trả lời để rút ra điều giá trị cho bản thân mình; bởi vì chúng ta là những cá thể riêng biệt có những hoàn cảnh, ham muốn, mục tiêu khác nhau. Những điều có ý nghĩa với người này nhưng chưa chắc nó có ý nghĩa với người khác. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn những giá trị để bản thân theo đuổi. Chúng ta không thể thay đổi khó khăn, nghịch cảnh nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách đối diện với vấn đề. Khi chủ động lựa chọn nghĩa là ta đang chịu trách nhiệm trước nó và tìm cảnh giải quyết chúng, còn khi ta nghĩ rằng các vấn đề xảy đến không như mong muốn ta cảm thấy mình là nạn nhân và đau khổ. Và nghệ thuật “đếch” quan tâm là khả năng điều hướng tâm trí, năng lượng của sự chú ý vào những điều ta chủ động lựa chọn.
Cuốn sách chứa đựng một lượng lớn kiến thức, triết lý, những lý giải và đánh giá thông minh, những ví dụ cụ thể, hài hước và những kinh nghiệm, trải lòng cực kỳ thẳng thắn của bản thân tác giả. Độc giả có thể khó nắm bắt hết thông điệp truyền tải của cuốn sách trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi một sự nghiền ngẫm lâu dài. Công sức bỏ ra luôn đi kèm với thành quả, cuốn sách hứa hẹn đem đến cho người đọc một chân lý và nghệ thuật của sự buông bỏ, “đếch” quan tâm để hướng năng lượng sự chú ý vào những mục tiêu và giá trị tốt đẹp.
Phạm Thanh