TÂM MA | KHÁCH SẠN VŨNG TÀU (PHẦN I) : NGƯỜI KẾ TOÁN

No votes yet.
Please wait...

– Link đọc : Khách sạn Vũng Tàu (phần 2) Tại Đây

 

 

PHẦN 1: NGƯỜI KẾ TOÁN

Sài Gòn mấy ngày nay nóng như một cái lò hấp, chẳng ai muốn bước chân ra đường, Nhi nằm trên giường, chiếc quạt máy thổi vù vù bên cạnh phà vào người từng luồng hơi nóng rẫy. Nhi lăn lộn, điều hòa trong nhà đã hư mà vẫn chưa thấy người tới sửa, giờ cô nằm đây, cảm tưởng như mình sắp bị bốc hơi thành một cái xác khô.

Nhi nhắn tin cho Điền và Dũng. Tình hình của Dũng cũng chẳng khá khẩm hơn, nhà cậu còn chưa lắp điều hòa, chỉ có Điền là sung sướng, nhà cậu ta còn có hồ bơi. Hồ bơi! Đúng rồi, sao Nhi không nghĩ ra nhỉ? Chẳng cần Điền đồng ý, Nhi và Dũng đã hí hửng hẹn nhau đến nhà Điền chơi.

Điền ra đón Nhi và Dũng một cách miễn cưỡng, trông cậu có vẻ chán nản và khó chịu nhưng cả hai chẳng quan tâm, gần như lao xuống hồ bơi ngay lập tức.

– Ôi, thiên đường là đây! – Nhi vừa vào nhà đã kêu lên.

Dũng nhảy ùm xuống hồ; Điền không tin được là cậu ta đã mặc đồ bơi sẵn.

– Này Điền! Lấy cho tớ một ly nước đi, gì cũng được nhưng phải thật lạnh vào đấy nhé! – Dũng vừa bơi dưới hồ vừa nói.

Khi đã nằm dài trên ghế cạnh hồ bơi, tận hưởng cảm giác khoan khoái, dễ chịu và uống nước hoa quả mát lạnh, cả hai mới chú ý tới sắc mặt của Điền.

– Gì thế, cậu không hoan nghênh bọn này đến chơi hả? – Dũng hỏi.

– Không! Các cậu cứ thoải mái đi, đừng để ý đến tớ làm gì. – Giọng Điền buồn buồn, chán nản, tay chống cằm vẻ chừng như giận dỗi.

– Cậu làm sao đấy? – Nhi tò mò.

– Tớ đang buồn nẫu ruột lên đây!

Gạ hỏi một hồi, Điền cũng chịu nói.

– Ba tớ muốn sắp xếp cho tớ một vị trí trong công ty mà tớ thì không muốn. Tớ muốn tự đi xin việc, muốn tự khẳng định năng lực của mình. Tối qua vì chuyện này mà tớ với ba cãi nhau một trận.

Nhi có vẻ ngạc nhiên.

– Cậu không muốn tiếp quản công ty của ba cậu sao?

– Không phải thế, chỉ là tớ muốn có một khoảng thời gian tự lập. Tớ không muốn đi theo con đường mà ba mẹ đã dọn sẵn.

Dũng vỗ mạnh vào vai Điền động viên.

khach-san-vung-tau2
Truyện ma hay

– Cậu được lắm, có thế chứ! Mà ba cậu cũng lạ thật, tại sao lại không đồng ý nhỉ? Ít ra thì cậu cũng khá hơn nhiều cậu ấm vô dụng ở ngoài kia.

Điền buồn rầu không đáp.

Nhi thở dài.

– Đề tài cũng đã nộp xong rồi. Tớ đang chuẩn bị đi xin việc. Tự dưng ra trường rồi thấy hụt hẫng thật, nhớ những ngày tháng còn đi học ghê. Mà đến lúc bọn mình có công việc ổn định rồi mỗi đứa bận rộn hơn, sẽ ít gặp mặt. Không biết còn mấy buổi được họp mặt như thế này nữa.

– Ừ, cũng đúng.

– Này hai cậu! Đi làm rồi thì sao chứ? Chỉ cần muốn là chúng ta sẽ gặp nhau được thôi mà. Bây giờ không phải lúc để ngồi than thở đâu. À, sao chúng ta không đi chơi nhỉ? Cũng phải có một kỷ niệm nào đấy để kết thúc quãng đời sinh viên chứ. – Dũng hào hứng.

– Đi đâu giờ?

– Vũng Tàu! Chúng ta đi Vũng Tàu đi.

***

Cả ba đi lúc năm giờ chiều để tránh nắng. Từ Sài Gòn chạy xe xuống Vũng Tàu, đi nhanh chỉ mất chừng hai tiếng rưỡi là đến nơi nhưng Dũng phải ghé qua nhà dì Nga ở Đồng Nai. Cả nhóm quyết định ở lại đó qua đêm rồi sáng sớm hôm sau mới đến Vũng Tàu. Ánh nắng mặt trời đã dịu dần nhưng cái nóng vẫn còn hầm hập, không khí bức bối và ngột ngạt trong mùi khói bụi, xăng xe. Vất vả lắm Dũng và Nhi mới thoát khỏi dòng xe đông nghìn nghịt, ùn ùn túa ra từ các khu công nghiệp và các tòa nhà cao ốc.

Mặt trời đã lặn, nắng tắt ngúm, nhường chỗ cho bóng đêm phủ xuống nhanh. Rời khỏi thành phố đông đúc, không khí dịu hẳn, trong lành và mát mẻ hơn. Hai bên đường, rừng cây cao su bạt ngàn chạy những dãy dài tít tắp, hun hút trong ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn đường chiếu rọi qua. Nhi chạy xe, những hàng cây chạy ngược, tiến lới, lui dần về phía sau nhưng Nhi có cảm tưởng chính chúng mới là thứ đang chuyển động, còn Nhi đang đứng yên nhìn chúng lướt qua mình.

Không khí mát mẻ đến mức Nhi cảm thấy rùng mình vì lạnh. Rừng cây bạt ngàn, u tối, hun hút những khoảng trống cách đều, sâu hoắm thỉnh thoảng chớp lóe vài ánh đèn thấp thoáng.

Phía trước Nhi, Dũng chở Điền, Điền ôm ngang hông cậu, dường như đã quá quen với chuyện này nên Dũng chẳng còn phản ứng, thản nhiên chấp nhận nó. Hai cậu con trai trò chuyện với nhau vui vẻ, cười khúc khích, vì thế tốc độ cũng chậm lại. Nhi chạy phía sau, ghen tị lẫn bực mình nhưng vẫn không vượt lên trước, cứ để cho hai cậu thư thả chuyện trò.

Dũng rẽ vào một con đường nhỏ xen giữa rừng cao su, rừng cây im lìm, đen đặc. Nhi vội bật đèn pha, luồng sáng của đèn xe chiếu xuyên qua khoảng trống của hàng cây dài hun hút không có điểm dừng. Ở phía trước, chiếc xe của Dũng đã mất hút ở lối nào không nhìn thấy. Nhi bối rối nhìn quanh, không tìm thấy Dũng, cũng không thể định hình được phương hướng nên đi, bao quanh cô là những hàng cây dài, thẳng tắp.

Gió thổi trong rừng cây cao su nghe xào xạc, ì ào, gió cuộn mình qua những khoảng trống thẳng hàng thẳng lối của từng vạt cây cuốn lá khô và bụi đất. Gió thổi táp vào người Nhi, mù mịt. Nhi loạng choạng tay, mắt đau rát vì bụi. Nhi buộc phải dừng xe, dụi mắt, khi đã đỡ hơn, co mở mắt nhìn quanh. Rùng mình! Trước mắt Nhi là rừng cây ngút ngàn, u tối, không một bóng người, không điểm sáng; cô đang lạc giữa rừng cây.

Nhi vặn tay ga, thế nhưng xe không chạy. Chiếc xe cứ đứng ì ra một chỗ, đèn xe tự dưng mờ dần rồi tắt hẳn. Nhi vặn khóa, khởi động không biết bao nhiêu lần nhưng chiếc xe bất động, trơ ra như một khối đá.

Không gian trước mắt chìm trong một mảng tối đen. Những hàng cây đứng im lìm, bất động, tán cây vươn xòe trùm lên không gian không thể nhìn thấy được bầu trời. Nhi có cảm giác mình đang đứng trong một cái lồng, bị giam giữ bởi những lối dài mê cung không phương hướng, bởi những gốc cây thẳng đứng, lớp vỏ sần sùi, ứa mủ với những đường rạch chồng chéo vòng quanh như tù nhân chịu cực hình tra tấn.

Lớp lá rất dày phủ dưới chân Nhi. Có tiếng xào xạo, ở dưới mặt đất như có gì đó đang đùn lên. Ngay trước mắt Nhi, trong ánh sáng mờ mờ của ánh trăng không lọt qua được vòm lá phủ, có thứ gì đó vươn lên, ngoi ngóp bò ra. Ban đầu là một cánh tay đâm lên từ mặt đất, gạt hết đống lá phủ quanh mình, một cánh tay khác lòi ra, hai tay chống trên mặt đất rồi cái đầu trồi lên, tròn tròn, trọc lốc. Dường như bị kẹt, cái hình thù đó khựng lại, tức tối giãy giụa, quờ quạng, hất tung đám lá phủ xung quanh.

Nhi muốn bỏ chạy nhưng ở dưới chân, xung quanh cô, đám lá khô đang chuyển động, xào xạo đùn lên. Có gì đó ở dưới như đang sống dậy, muốn trồi lên. Một bàn tay thình lình vươn lên từ mặt đất, tóm lấy chân Nhi bóp chặt, lôi đi. Nửa người dưới nó trồi lên, đen đủi, chỉ có hai con mắt là sáng rực, hàm răng trắng bóng, khóe miệng kéo đến tận mang tai nhìn Nhi cười dài.

Nhi giãy giụa, nhưng bàn tay đó vẫn bóp chặt, cố kéo chân Nhi lôi đi. Khi sắp lôi Nhi kéo tuột xuống thì có ánh đèn xe lấp ló, tiếng Dũng và Điền gọi Nhi.

– Nhi! Nhi ơi!

Bàn tay đó đã buông Nhi ra, mọi thứ biến mất, vắng lặng, im lìm như thể vừa rồi Nhi hoa mắt. Dũng tìm thấy Nhi ngã nhoài dưới đất, lá khô phủ lên người và dính cả trên tóc.

– Có chuyện gì thế? Cậu không sao chứ?

Nhi lắc đầu. Dũng kéo Nhi đứng lên.

– Cậu đi xe được không?

– Nhưng xe hư rồi.

Dũng kiểm ra, xe nổ máy, vẫn bình thường. Nhi ngạc nhiên, cứ như thể mọi thứ vừa rồi chỉ là ảo giác.

Dũng chạy chầm chậm để cho Nhi theo sát mình. Đi được một lát, cả ba nhìn thấy ánh sáng thấp thoáng trong rừng cây. Đến gần hơn, khu vườn và ngôi nhà nhỏ hiện ra, sáng rực trong một giàn bóng đèn được bật sáng khắp nơi từ trong nhà ra ngoài ngõ. Tiếng chó sủa từ trong nhà vọng ra. Một chú chó toàn thân đen tuyền, lao đến nhưng vừa nhìn thấy Dũng là đã quẫy đuôi mừng rối rít.

– Dì ơi! – Dũng chạy xe vào trong sân gọi.

***

Dì Nga đã già lắm, chừng hơn bảy mươi tuổi, khuôn miệng móm mém, răng đã rụng gần hết, bước chân chậm chạp nhưng vững vàng, đủ thể hiện sự dẻo dai và mạnh khỏe của một người già sống một mình không cần ai giúp đỡ. Dì đi pha nước mời khách, hỏi han chuyện nhà Dũng.

– Dì dạo này có khỏe không? Dạo này ba mẹ con bận quá nên không đến thăm dì được.

– Dì vẫn thế, già rồi. Các con đã ăn uống gì chưa, để dì xuống bếp nấu cho mấy đứa.

– Dạ, để bọn con tự làm ạ, dì cứ nghỉ ngơi. – Nhi nói.

Dì Nga dẫn Nhi vào nhà bếp, căn bếp sạch sẽ nhưng trống vắng, trên kệ chỉ có một ít bát đĩa, vài đồ dùng nhà bếp và mấy cái nồi nấu ăn.

Thực phẩm chất đầy trong tủ lạnh, đủ để sử dụng trong một tuần cho cả một gia đình và cho cả tháng với khẩu phần của một người già sống neo đơn. Thỉnh thoảng, mấy người cháu sống gần đây sẽ chạy qua thăm, đi chợ mua đồ ăn cho dì, xem dì có đau ốm hay cần gì không. Một ngày nào đó, dì Nga đã nghĩ đến chuyện này, dì sẽ nằm còng queo chết khô ở xó nhà, chờ có người phát hiện, mang xác dì đem chôn.

Căn nhà nhỏ, đầy đủ tiện nghi, quá rộng rãi cho một bà già sống cùng với một chú chó, một con mèo mẹ và ba nhóc mèo con. Dì Nga ngồi trên ghế, xem ti vi, con mèo mẹ cuộn tròn trong lòng dì, chú chó nằm phủ phục dưới chân. Dì lim dim mắt, ti vi phát ca khúc của một nhóm nhạc trẻ Hàn Quốc với những bước nhảy sôi động.

– Dì, dì ơi! – Nhi gọi.

Con mèo nằm trong lòng thấy người lạ cựa mình nhảy đi, dì giật mình tỉnh dậy, đưa cặp mắt lờ đờ nhìn Nhi.

– Hả? Gì thế? – Giọng dì khàn khàn.

– Dì mệt rồi ạ! Con thấy dì ngủ gật ở đây, dì về gường ngủ cho đỡ mỏi.

– À, ừ!

Dì Nga đứng lên, hơi loạng choạng, bước từng bước chậm chạp về phòng.

Ba đứa ngồi ngoài sân ngắm trăng. Khoảng sân rộng, sáng trưng trong ánh đèn điện và ánh trăng vằng vặc, khu rừng trước mặt vẫn tối mịt, âm u, thỉnh thoảng vọng ra những tiếng kêu, tiếng rít dài kỳ dị.

– Dì ấy sống một mình ở đây sao? – Điền hỏi.

– Ừ! Chồng dì mất từ lâu, dì không có con, trước kia bố mẹ tớ cũng muốn đón dì về sống chung nhưng dì không chịu. Dì bảo dì còn khỏe và không muốn phiền đến ai.

– Nơi đây heo hút quá! Nếu một mình ở đây tớ sẽ không chịu nổi, tớ sẽ chết vì cô đơn mất. – Nhi nói, vẫn không rời mắt khỏi rừng cao su, ngoài kia, có thứ gì đó làm Nhi thấy sợ.

Dũng trầm ngâm, cậu còn nhớ ngày nhỏ, ba mẹ thường xuyên đi vắng, cứ mỗi lần nghỉ hè là ba mẹ hay đem Dũng và Khoa đến gửi nhà dì, thường thì ở một tuần, có khi lâu là cả tháng. Những kỷ niệm ngày đó Dũng còn nhớ rõ, những buổi chơi đùa, dí sóc trong rừng cao su, rừng cao su mùa lá rụng, đỏ rực một màu và rơi lả tả như mưa mỗi khi có gió. Nhưng bây giờ, nơi đây đem đến cho Dũng một ấn tượng khác, vẫn là ngôi nhà, vẫn rừng cây đó nhưng lại nhuốm một màu buồn cô quạnh, thê lương, hơn nữa còn có gì đó u ám và đáng sợ. Dũng không biết tại sao ý nghĩ của mình về nơi đây lại thay đổi. Có phải, do bây giờ Dũng đã lớn, dì Nga đã già đi? Nhưng rừng cây thì vẫn thế, nhựa sống vẫn chảy rần rật trong thân cây, mang lại giá trị, sự trù phú cho cả một vùng.

Dũng bỗng rùng mình khi nghĩ đến những vụ tự tử, giết người chôn xác trong rừng cao su, những tin tức giật gân như thế vẫn được đăng đầy trên báo. Dì Nga ngày càng già hơn, sống một mình, cô đơn giữa rừng cây heo hút. Đột nhiên Dũng thấy sợ, một nỗi sợ vô hình, lạ lẫm khi nhìn thấy bóng đêm ngập tràn trong rừng cây trước mắt.

Dự định đi từ sáng sớm nhưng mãi hơn tám giờ cả nhóm mới bắt đầu đi. Dũng tranh thủ sửa lại chuồng gà, dọn dẹp vườn cây, Nhi nấu bữa sáng, còn Điền thì nhất quyết phải bắt con Tuyền đi tắm – chú chó của dì Nga mà Điền mới đặt tên; nó trông có vẻ ốm yếu và bệnh tật, lông rụng ra từng nhúm, ve bám chặt hai vành tay và các kẽ chân, hai mắt rỉ ghèn ngước lên nhìn Điền tội nghiệp. Lúc cả ba rời đi, con Tuyền cứ chạy theo mãi, dường như, cuộc sống cô đơn ở giữa rừng cây heo hút đến nỗi một chú chó cũng cảm thấy buồn.

***

Cả ba đến Vũng Tàu vào lúc mười giờ. Dũng tìm thuê được phòng của một khách sạn nhỏ nằm sâu trong một con hẻm cách bãi biển khá xa. Có lẽ do vị trí nên giá phòng rẻ hơn hẳn so với những khách sạn xung quanh. Nhi nhìn, khách sạn trông giống như một ngôi biệt thự nhỏ của gia đình được cải tạo lại để kinh doanh, ở trước cổng vào trồng một cây me lớn phủ bóng mát rượi, dưới sân là quán cà phê lưa thưa vài bàn vắng khách.

Cô lễ tân nhận tiền và chứng minh nhân dân rồi đưa cho Dũng chìa khóa phòng. Phòng ở lầu bốn, Nhi nhấn nút thang máy nhưng nút bấm không sáng, bảng điện tử cũng không hiện số tầng. Cô lễ tân nói với cả ba bằng một giọng rất sẵng.

– Thang máy hư rồi nên không sử dụng được đâu, các anh chị chỉ có thể đi cầu thang bộ thôi.

Dũng hỏi.

– Thế bao giờ thang máy mới được sửa?

– Không biết! – Cô lắc đầu, đáp trống không.

Nhi chưa bao giờ thấy thái độ phục vụ tệ như thế. Dũng chưa kịp nói gì thì Điền đã đùng đùng đòi trả phòng.

Cô lễ tân tròn xoe mắt, nói bằng cái giọng the thé đầy ngạc nhiên.

– Các anh chị kỳ lạ thế, mới đặt phòng xong, giờ lại đòi trả?

Hai bên to tiếng với nhau. Dù cả ba có nói thế nào thì cô lễ tân cũng nhất quyết không chịu trả lại tiền và chứng minh thư, sự việc rối đến mức, chị phục vụ phòng khách sạn phải chạy đi tìm quản lý. Chưa đầy một phút sau, một cô gái trẻ đi ra, nghe kể lại tình hình thì rối rít xin lỗi.

Cô quản lý xinh đẹp với giọng nói ngọt ngào và thái độ chuyên nghiệp đến nỗi chỉ bằng vài câu thôi đã làm dịu hẳn sự bất mãn của khách hàng; nói chuyện thêm một lát nữa, cô thành công thuyết phục khách ở lại. Nhi không biết là do lời hứa giảm giá ba mươi phần trăm của cô hay do cô quá xinh đẹp và duyên dáng khiến hai anh chàng kia xiêu lòng và quyết định ở lại. Với Nhi thì sao cũng được, hơn nữa ba mươi phần trăm giá phòng cũng coi như một món hời.

– Thang máy sẽ được sửa, muộn nhất vào là vào sáng mai. – Cô nói.

Điền hỏi.

– Hình như cô làm ở đây chưa lâu nhỉ? Với cách làm việc của cô thì tôi không nghĩ lại có nhân viên cư xử như thế?

– Anh nói đúng rồi đấy! Đây là khách sạn của gia đình tôi, tôi mới về nước thôi. Ba mẹ muốn tôi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, mà mọi người cũng thấy rồi đấy. – Cô nhún vai. – Việc kinh doanh không được tốt lắm.

Mắt Điền thoáng ánh lên tia đồng cảm.

– Chắc cô phải vất vả lắm! – Cậu nói với cô mà cũng đang tự nói với mình.

– Các bạn là người Sài Gòn hả? – Cô chuyển chủ đề. – Có ai đến Vũng Tàu lần nào chưa? Tôi biết nhiều chỗ ăn uống, vui chơi thú vị lắm.

– Thế thì phải phiền cô rồi! – Dũng nhanh nhảu đáp.

Nhi thầm bĩu môi, không phải trước kia Dũng đã đến Vũng Tàu vài lần rồi ư, cả Điền cũng thế, trông hai cậu không khác gì hai chú cún con đang chạy trước mặt chủ xum xoe.

Cả ba đi lên phòng, cô gái còn phải nói chuyện với nhân viên về thái độ phục vụ khách hàng nên không lên cùng, luôn miệng xin lỗi và cam đoan rằng thang máy chậm nhất vào sáng mai sẽ hoạt động.

Cầu thang làm bằng gỗ nhỏ hẹp và dốc đứng. Ánh đèn vàng mờ hắt xuống các bậc thang một màu ảm đạm, không gian chật hẹp và bức bối, tiếng bước chân nện xuống sàn gỗ nghe lộp cộp, vang vọng như thể không phải ba mà đang có hàng chục người đang đi lên và bước xuống.

Cả ba thở phì phò khi lên được đến nơi. Hai chân như muốn rã ra, nếu ngày mai thang máy chưa sửa xong, dù có giảm giá đến năm mươi phần trăm đi nữa thì Nhi cũng không ở lại, cứ bắt khách hàng leo lên leo xuống như thế này, chẳng trách mà khách sạn lại vắng khách.

Tắm rửa xong đâu đấy, dù Dũng và Điền có nói thế nào thì Nhi cũng nhất quyết không chịu xuống dưới đi ăn. Cứ nghĩ đến việc leo lên, leo xuống thôi là Nhi đã thấy mệt. Tắm biển thì đến chiều mát mới đi, tuy ánh nắng của Vũng Tàu mát rượi hơi biển cả, không giống với cái nắng gay gắt của Sài Gòn nhưng Nhi cũng không muốn lết mặt ra đường vào giờ này, để làn da đã ngăm ngăm của mình lại thêm đen sạm đi, dù sao Nhi cũng phải để ý đến ngoại hình của mình cho thật ổn để còn đi phỏng vấn xin việc.

Dũng và Điền không thể thuyết phục được Nhi đành đi xuống dưới, Nhi gọi với theo dặn hai người nhớ mua đồ ăn cho cô.

***

Nhi nằm trên giường, lim dim mắt ngủ lúc nào không biết. Đêm qua, ở nhà dì Nga, Nhi không tài nào ngủ được, bóng đêm và rừng cây cứ xoắn chặt lấy tâm trí Nhi, những bàn tay xương xẩu, ngoi lên từ mặt đất, vươn dài tóm lấy chân, lôi cô đi thềnh thệch, kéo cô xuống một cái hố sâu thẳm đen ngòm, lá cây và đất đá xung quanh sụt lún, lấp vùi miệng hố. Trong giấc ngủ mê man, mờ ảo, Nhi thấy mình đang bị giam giữ, trói chặt trong một thân cây cao su vươn dài, thẳng đứng. Người công nhân mặc áo xanh đang đi đến, lưỡi dao lóe sáng cứa vào thân cây, kéo dài thành một vòng xoắn, đau đớn, từ thân cây ứa ra một dòng chất lỏng, nhưng không phải từng giọt mủ trắng mà những giọt máu đang chảy ra, đỏ lòm.

Lúc Nhi tỉnh dậy, căn phòng tràn ngập trong ánh nắng chiều vàng sậm, rèm cửa trắng bay phất phơ trong gió – thứ gió mang hơi thở mát rượi và mặn mòi của biển cả. Nhi lần mở điện thoại, năm giờ mười lăm, cô đã ngủ suốt cả buổi chiều. Trên bàn để một hộp đồ ăn, Dũng và Điền không có trong phòng.

Bụng Nhi ồn ào réo lên vì đói nhưng cô lại không muốn ăn. Ngồi ngơ ngẩn trên gường một lúc Nhi cũng bước xuống, rửa mặt cho tỉnh táo và ăn ít đồ ăn lót bụng. Nhi không thể tin được là Điền và Dũng lại bỏ mặc mình đi chơi riêng.

Dẫu vậy, Nhi vẫn không muốn đi bộ xuống dưới, thang máy có lẽ chưa sửa xong, chắc phải đến sáng mai, dù gì thì ba đứa cũng có nhiều thời gian ở Vũng Tàu, Nhi nghĩ, dành một ngày để nghỉ ngơi cũng không có gì là quá đáng.

Nhi cứ nghĩ Điền và Dũng sẽ nhớ ra cô mà trở về sớm thôi nhưng cô đã lầm. Phải đến tối muộn hai chàng trai mới lê bước về phòng, người phảng phất mùi rượu và khói thuốc. Dù Nhi hỏi thế nào hai cậu cũng nhất định không chịu nói mình đã đi đâu. Nhi bực mình, và cô cứ thể hiện sự khó chịu ấy rõ ràng ra mặt, sự thật là hai người đã bỏ mặc Nhi để đi riêng, cứ như thể cô là một người thừa vậy.

Có lẽ, do đã chếnh choáng hơi men nên chẳng ai trong hai cậu con trai để ý thấy thái độ giận dỗi của cô bạn cùng phòng – cái cảm xúc lạ lẫm mà chưa bao giờ hai anh chàng thấy ở Nhi. Chính Nhi cũng ngạc nhiên vì bản thân mình, từ bao giờ Nhi lại muốn trở thành một người bạn quan trọng của hai cậu con trai kia đến thế?

Dũng và Điền nằm lăn trên giường không thèm tắm rửa. Nhi mặc kệ, đi tắt đèn, nhưng ngủ cả buổi chiều khiến bây giờ Nhi không thấy buồn ngủ nữa, cô trở mình, lăn lộn trên giường. Cuối cùng Nhi ngồi dậy, khoác áo đi ra khỏi phòng.

Hành lang vắng lặng, các phòng đóng cửa im ỉm, không một tiếng động phát ra, giống như bên trong không hề có khách trọ. Nhi định đi xuống cầu thang nhưng vẫn đi kiểm tra thang máy. Màn hình điện tử hiện số tầng, Nhi nhấn nút, nút bấm sáng lên, màn hình chuyển tầng rồi cánh cửa thang máy mở ra.

Nhi bước vào thang máy, thầm thấy may mắn khi đã đến kiểm tra, đỡ phải tốn công đi bộ.

Nhi nhấn nút xuống tầng trệt, đã đi vào được một lát nhưng cánh cửa thang máy vẫn chưa khép lại, như đang chờ ai đó đi vào. Liếc nhìn ra bên ngoài, không thấy ai ngoài hành lang, cô nhấn nút, cánh cửa mới từ từ khép lại.

 Thang máy rất nhỏ, chừng như chỉ chở tối đa được hơn mười người, bốn vách bao quanh đều sáng loáng, như tấm gương soi. Nhi nhìn gương mặt mình in trên đó, rõ ràng nhưng méo mó, cong vẹo đi, như có bàn tay vô hình nào đang nắn bóp.

Thang máy chậm chạp đi xuống, dừng lại ở tầng ba, cửa từ từ mở ra, chờ đợi, nhưng không một ai bước vào. Cánh cửa thật lâu mới khép lại, Nhi sốt ruột nhấn nút, cô có cảm tưởng như thời gian ngưng đọng, giam hãm cô trong cái hộp kín đang chần chừ đi xuống.

Thang máy dừng hẳn lại, giật một cú giữa lưng chừng, cửa không mở. Ánh đèn chiếu trên trần chớp nháy, tắt phụt rồi sáng lên lập lòe. Không gian bó hẹp nhưng cảm giác lại rộng hẳn ra, kéo dài, sâu thăm thẳm nhờ bốn mặt vách sáng như gương trong ánh đèn chớp nháy, đến mức Nhi không rõ mình đang đứng trong thang máy hay là đang lạc trong thế giới phản chiếu trong bốn mặt gương. Trong ánh sáng lập lòe, Nhi nhìn thấy một người con trai đang đứng ngay cạnh mình, khuôn mặt méo xệch với cái đầu dập nát, lòi cả sọ ra ngoài. Người đó ngoảnh đầu sang nhìn Nhi, khuôn miệng mấp máy nhưng nói gì Nhi không nghe rõ. Khoảng cách của hai người gần nhau sát sạt, Nhi phải nép người vào góc thang máy, không muốn người kia chạm vào mình.

Cô… giúp… – Tiếng khàn khàn, khục khặc, cổ họng như bị vướng mắc bởi thứ gì đó, tắc nghẹn, không thành lời.

Giúp… tôi!

Bàn tay máu me vươn dài đến chỗ Nhi, Nhi ngồi thu lu trong góc, cố cuộn mình ra thật xa. Người đó ngã xuống, như một thân cây bị đốn hạ, não trong hộp sọ văng ra, lăn lốc dưới chân Nhi.

Đèn trên trần tắt hẳn, thang máy rơi tuột xuống, dừng lại, cửa mở ra, Nhi lao nhanh ra ngoài.

***

Quỳnh kiểm tra lại sổ sách kế toán của cả năm vừa qua. Tình hình kinh doanh của khách sạn vẫn ổn định trong năm trước, chỉ mới xuống dốc trong khoảng ba tháng gần đây. Trong khi tính toán lại, cô thấy những khoản tiền hụt rất lớn. Quỳnh vội gọi người kế toán đến, hỏi tình hình nhưng cô này mới đến khách sạn làm việc được hơn một tháng, không biết gì ngoài thông tin người kế toán cũ đã biển thủ tiền và bỏ trốn. Quỳnh ngạc nhiên, chẳng ai nói với cô chuyện này, mất đi một số tiền lớn nhưng gia đình cô không báo công an thì cũng lạ thật!

Cô Vân là người làm công lâu nhất trong khách sạn, chừng bảy tám năm, những người được gọi là gắn bó nhất chỉ làm được một hai năm, có khi vài tháng, nhưng người kế toán cũ kia đã làm được bốn năm – trong suốt khoảng thời gian Quỳnh đi du học. Cô Vân không tin Thành lấy cắp tiền của khách sạn rồi bỏ trốn. Cô nói cậu ấy là người thật thà, hiền lành và tốt tính, một người như thế mà bảo ăn cắp thì có cho tiền cô cũng không tin. Quỳnh đưa ra những chứng cứ chứng minh sổ sách đã bị làm giả, khai khống, những khoản nhỏ, lắt nhắt trước khi anh chàng cuỗm một khoản tiền lớn bỏ đi.

– Cậu ấy không phải người như thế! – Cô Vân nhắc lại, giọng kiên định.

– Nhưng sự thật thì anh ta đã bỏ đi. Đó là chứng cứ rõ ràng nhất, nếu anh ta không phải là người lấy số tiền kia thì việc gì anh ta phải bỏ trốn?

Cô Vân im lặng, suy nghĩ nhưng vẫn không hề bị thuyết phục.

– Biết đâu cậu ấy đã gặp điều gì đó chẳng lành. – Cô nói, giọng nói và gương mặt đăm chiêu, lộ rõ vẻ lo lắng.

Quỳnh đã mệt mỏi với sự đồng cảm đến ngốc nghếch của cô Vân, không muốn nói nhiều hơn về đề tài này, dẫu sao thì số tiền bị mất cũng không có khả năng quay về được. Quỳnh hỏi cô.

– Con vẫn không hiểu tại sao tình hình kinh doanh khách sạn gần đây lại tệ thế. Còn chuyện thang máy nữa, tại sao thang máy hư nhưng lại không gọi người sửa, để cho khách phải leo cầu thang?

– Chuyện đó thì cô nên hỏi anh trai cô đấy! Dù gì cậu ấy cũng là quản lý của khách sạn, trước khi cô trở về.

Nhắc đến anh trai, Quỳnh lại thấy bực mình và chán nản. Anh trai cô chỉ suốt ngày nghĩ đến chuyện chơi bời, ăn nhậu, có bao giờ để ý đến chuyện kinh doanh.

Không dưng, cô Vân nói.

– Có chuyện này tôi muốn nói với cô, mới gần đây thôi. – Giọng cô nhỏ lại, như đang sợ điều gì đó. – Có lời đồn rằng khách sạn mình có ma. Một con ma trong thang máy, cũng vì điều này nên khi thang máy hư, cậu Hưng không muốn gọi người đến sửa.

– Ma? Chuyện thật vớ vẩn!

Cô Vân nhún vai.

– Ai mà biết, có thể cô không tin nhưng mọi người cứ hay đồn như thế.

 

 

 

 

 

Key liên quan:

  • Chuyện ma vũng tàu người kế toán
No votes yet.
Please wait...

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *