BAJRANGI – GÃ ĐIÊN HAY ANH HÙNG?

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Những người xung quanh đặt cho Pawan biệt danh Bajrangi nhưng cha anh lại gọi anh là Zero bởi thành tích trượt đến mười lần trong một kỳ thi quan trọng. Bạn bè khuyên anh nên gian lận nhưng anh lấy lý do là môn đệ của Bajrangi Hindi, mà đã là như thế thì anh buộc phải là một người trung thực; cũng có nghĩa, Bajrangi thà trượt chứ không bao giờ gian lận. Cuối cùng, sau cái chết của cha, anh đến Delhi ở nhà một người quen; và ở đây, cuộc đời chàng trai Ấn Độ đã thay đổi hoàn toàn.

Anh gặp và phải lòng Rashika, hẳn người xem sẽ hình dung ra một câu chuyện tình yêu ngọt ngào. Nhưng “Người hùng Bajrangi Bhaijaan” lại không phải là một bộ phim ca ngợi tình yêu như tất thảy những bộ phim Ấn Độ khác; vả lại, Rashika cũng không phải là người con gái duy nhất Bajrangi yêu, có một người còn khiến anh dùng cả cuộc đời mình để bảo vệ, thậm chí phải dùng cả tính mạng mình để đánh đổi.

Bajrangi - Bhaijaan
Ảnh minh họa

Munni, cô bé sáu tuổi người Pakistan đến Delhi cùng mẹ với hy vọng sẽ chữa được bệnh câm. Nhưng trên chuyến tàu trở về, chú dê con ven đường làm cô bé thích thú, và một cách vô tình, Munni ở lại Delhi mà không có mẹ bên cạnh.

Cô bé với ánh mắt to tròn, không thể nói chuyện với bất kỳ ai lạc lõng giữa thành phố xa hoa, nhộn nhịp với âm nhạc và sắc màu. Munni đói, khát, và bơ vơ giữa những con người xa lạ. Chính lúc này, cô bé gặp Bajrangi, khoảnh khắc hai người nhìn thấy nhau cũng là lúc định mệnh được an bài.

Munni đi theo Bajrangi, và bởi vì là một người tốt bụng nên anh không thể bỏ rơi Munni; anh dẫn cô bé theo và đặt tên cho cô bé là Munni; vì không một ai biết tên thật của cô bé. Trên chuyến xe buýt, anh cố kể tên những thành phố để Munni xác nhận nhưng tất cả đều không phải; cô bé lại không thể nói mình là người Pakistan. Cho đến khi, trong một trận đấu bóng chày giữa Ấn Độ và Pakistan trên truyền hình, Munni nhảy múa vui vẻ khi Pakistan ghi bàn trước ánh mắt sững sỡ của tất cả những người xung quanh. Cô bé hôn lên lá cờ đất nước mình qua chiếc tivi màu trong khi trên má cô bé được vẽ quốc kỳ của Ấn Độ. Cha Rashika tức giận, buộc Bajrangi phải đem cô bé đến đại sứ quán Pakistan ngay ngay hôm sau.

Munni nhớ mẹ và cô bé cũng muốn trở về, nhưng giữa cuộc bạo loạn trước cổng đại sứ quán, Bajrangi chỉ còn cách lấy thân mình che chở cho Munni và cõng cô bé chạy khỏi nơi này. Một lần khác, anh chấp nhận bỏ ra số tiền lớn cho một người đàn ông hứa sẽ giúp đưa Munni qua biên giới. Nhưng, như có một sự mách bảo vô hình, anh chạy theo và cứu thoát Munni khỏi tay buôn người bỉ ổi. Đến lúc này, thì số phận dường như đã buộc chặt hai người lại với nhau. Một người đàn ông Ấn Độ quyết vượt biên qua Pakistan để mang cô bé trở về nhà; giữa lằn ranh sự sống và cái chết, anh vẫn giữ lấy cho mình lời hứa với thần Hindi; giúp Munni trở về nhà trở thành sứ mệnh của anh.

Một đồng cỏ xanh, bầy cừu và gió lồng lộng là nơi Munni ở nhưng để đến được đó, họ đã cùng nắm tay nhau vượt qua bao xa mạc nắng gắt. Bởi bản tính trung thực mà Bajrangi bị nghi ngờ là  điệp viên, bị bắt và bị đánh. Những người lính Pakistan nhìn anh ái ngại, họ gọi anh là kẻ điên, họ tin những lời anh nói, tin những việc anh đang làm nhưng chỉ có thế; mối thù giữa hai đất nước khiến họ không thể ra tay giúp đỡ một người đàn ông Ấn Độ. Nhưng tận sâu ánh nhìn đau đáu của mình, dường như họ đã bị cảm động bởi kẻ điên Bajrangi.

co - gai xinh - dep

 

Một phóng viên người Pakistan cùng tham gia cuộc hành trình giữa bác cháu Munni. Cậu ghi lại những khoảnh khắc khó khăn mà hai con người thuộc hai thế hệ, hai đất nước đã cùng nhau trải qua, những vùng đất mà họ đã đặt chân đến, tất cả đều hiện lên một cách chân thực và rõ ràng. Trên suốt quá trình gian nan ấy, kẻ điên Bajrangi luôn lấy thân mình che chở cho Munni, không một ai khác đồng cảm với họ, không một ai khác đưa tay ra giúp đỡ anh; thậm chí là cô bé Munni – đồng bào của họ. Munni không thể nói, Bajrangi không thể nói dối; cứ thế, hai người đã cùng nhau vượt qua bao thác ghềnh, để đến một ngày, Munni trở về trong vòng tay của cha mẹ ruột; còn Bajrangi bị đánh đập bởi những người Pakistan. Họ quyết định trả anh về nước cũng theo cái cách mà anh đã đến được đây.

Bajrangi bước đi xiêu vẹo giữa lằn ranh biên giới. Hàng nghìn người cùng đứng ở hai bờ của hai đất nước, họ đến để tiễn anh trở về với quê hương của mình, họ đến bởi câu chuyện của anh rất đỗi thần kỳ, rất đỗi xót xa. Khi tình người còn lớn hơn cả những chia rẽ tôn giáo, dân tộc thì chẳng còn điều gì có thể ngăn cách được những trái tim đồng điệu.

Shahida, tên thật của Munni, chạy qua hàng rào biên giới khi Bajrangi đã gần như ở trong vòng tay của những người thân thuộc; giữa những tiếng hò reo, khi chiếc hàng rào ngăn cách hai đất nước bị xô đổ, người người lặng đi để được nghe tiếng nói đầu tiên của cô bé. Miuni ú ớ, rồi dần phát ra thanh âm nơi cổ họng, và cô bé gọi “bác!” – liên hồi và da diết. Thậm chí, Munni còn chẳng thể gọi được cái tên Bajrangi nhưng như thế đã là quá đủ cho cả một hành trình nghiệt ngã nhưng cũng tràn ngập tiếng cười của cả hai con người.

co - gai - trong - phim - nguoi - hung

 

Bajrangi quay đầu lại, họ bắt đầu chạy từ hai bờ đất nước của mình, rồi dừng lại ở chính giữa – nơi hàng rào điện đã không còn nữa. Anh bế bổng Munni lên; còn cô bé, nở một nụ cười trong sáng hơn cả nắng mai.

Nhiều người gọi Bajrangi là kẻ điên. Cũng đúng, nhưng là một kẻ điên với trái tim đầy ắp yêu thương và cũng mạnh mẽ vô cùng. Chỉ có một kẻ điên như thế mới dám liều lĩnh viết nên một câu chuyện cảm động của chính mình. Bajragi – một kẻ điên đúng nghĩa, một người hùng đúng nghĩa.

 

 

  Megane

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...