CẢM HỨNG ĐẾN TỪ ĐÂU?
|Gần đây khi dạo quanh những diễn đàn viết lách quen thuộc trên mạng. Tôi bắt gặp một câu hỏi dường như được hỏi đi hỏi lại, đó là khi viết truyện có cần cảm hứng không? Tưởng chừng đây là một câu hỏi tương đối dễ dàng với khá nhiều người viết. Bởi lẽ, văn chương bắt nguồn từ những xúc cảm, sự sáng tạo, nguồn cảm hứng để cho một nhà văn, tác giả đặt tay lên bàn phím và viết. Tuy nhiên nếu như mở rộng hơn vấn đề thì câu hỏi này chưa chắc đã có một câu trả lời nhất định, là có hay không?
Có một ý kiến cho rằng, cảm hứng là quan trọng, nhưng viết truyện cần cảm hứng thì lại không cần thiết. Họ chỉ ra rằng, đơn giản hóa mọi chuyện khi bạn viết, bởi lẽ khi đã tạo cho mình một thói quen. Ví dụ ngày ngày viết được khoảng 2000 tới 3000 từ chẳng hạn. Như Murakami ông dành khoảng thời gian từ 4 giờ sáng tới 6 giờ sáng mỗi ngày để viết. Tạo dựng một thói quen để viết được một câu chuyện hoàn chỉnh. Tôi cho rằng, đó là một ý hay mà tác giả nào cũng cần phải tiếp thu.
Tuy nhiên khi lật lại vấn đề, nếu như không còn nguồn cảm hứng thì lấy gì để sáng tác. Một câu chuyện cơ bản được hoàn thành, dựa trên những yếu tố cơ bản về cốt truyện, tình tiết hay cụ thể hơn là hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng còn phần cảm xúc. Chắc chắn nó là một phần không thể thiếu. Nếu như vậy thì nguồn cảm hứng lấy từ đâu? Câu trả lời là bất kỳ từ đâu trong cuộc sống đời thường này.
Qua những câu chuyện mà bạn chứng kiến qua sinh hoạt thường ngày, tiếp xúc gặp gỡ với những con người. Hay câu chuyện với một người xa lạ cũng dễ đưa tới một cảm hứng nhất định, ám ảnh quẩn quanh trong tâm trí của bạn suốt quãng đường từ bến xe buýt về đến nhà, thậm chí cả trong những giấc mơ. Rồi những nhân vật xuất hiện, những câu thoại và bước đi của nhân vật đó. Đó là nguồn cảm hứng.
Hẳn ai từng đọc tác phẩm The Things They Carried (tựa tiếng Việt: Những thứ họ mang) của nhà văn Mỹ Tim O’ Brien. Những trải nghiệm thực tế từ cuộc chiến tranh Việt Nam được tái hiện lại trong những trang văn của ông khiến người đọc vừa xót thương, ngập ngùi hay thậm chí cả sự ghê tởm. Rồi những ai đã từng đọc Hội hè miên man của Hemingway đều biết cái Paris nghèo mà hạnh phúc trong họ đều là thực, đều phản ánh và lấy cảm hứng từ cuộc sống, những người họ gặp, lướt qua, để lại những câu chuyện.
Theo tôi, nói một cách đơn giản thì mọi thứ chỉ bắt nguồn từ những mảnh ghép vô cùng nhỏ trong đời thường, ở bất cứ nơi đâu hay đơn giản là một dòng hồi tưởng, một giấc mơ lưu lại trong đầu bạn khi thức thứ dậy, dần dần hình thành một ý tưởng mà bạn chắc chắn rằng sẽ cần ghi lại nó bằng bất cứ giá nào.
Nguyên Nguyên