Chát mặn niềm riêng

No votes yet.
Please wait...

Những nỗi đau đớn mà con người gây ra cho nhau giống hệt như hương vị nơi biển khơi xa xôi: Mặn chát và xót xa tới tận cùng trái tim!

Dưới ánh đèn vàng vọt ở khoang tàu đêm, tôi lặng lẽ giở từng trang sách đã hoen màu thời gian – những trang sách viết về cuộc đời của một người phụ nữ làng chài đáng thương, sẵn sàng chịu không biết bao nhiêu trận đòn roi khủng khiếp từ chồng chỉ để con cái mình có được cuộc sống no đủ hơn.   Và, tôi cứ suy nghĩ mãi về sự bi kịch ấy, một dòng suy nghĩ miên man không hồi kết cho tới khi bị kéo về thực tại bởi tiếng phanh gấp lúc đoàn tàu vào sân ga Sài Gòn.

Như thường lệ, tôi vội vàng đeo chiếc máy ảnh quen thuộc lên cổ, xách theo chiếc túi nhỏ có họa tiết thổ cẩm, bắt thêm chuyến xe khách nữa để di chuyển xuống thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu.

chat man niem rieng
Ảnh minh họa

Ba tiếng đồng hồ trôi qua. Tôi xuống xe và bắt đầu lắng nghe được thứ âm thanh rì rào của biển cả. Tôi cảm nhận từng cơn gió thổi hương vị mặn chát từ ngoài khơi xa xôi đang ập thẳng vào da thịt, rồi hình ảnh về con người nơi đây dần hiện ra trước mắt tôi như thước phim quay chậm mang hơi hướm đời sống mãnh liệt: Xa xa là gã đàn ông đang chuẩn bị ghe thuyền ra khơi, gần hơn là đám trẻ nhỏ cứ mải miết nô đùa dưới bãi cát trắng muốt in hằn những dấu chân tuổi thơ. Mà lạ lùng thay, tất cả mọi thứ ở đây lại làm tôi nhớ tới một truyện ngắn từng đọc – hình như là “Chát mặn niềm riêng” của tác giả Trương Thanh Thùy. Bởi, điều khiến tôi ấn tượng nhất ở biển chính là sự mặn mòi tới xót lòng – và câu truyện nói trên cũng mang tới hình dung tương tự…

Chat man niem rieng
Ảnh minh họa

“Thằng Bi lại nhậu say, lại về quậy! Nó, cũng như mọi lần, đập phá tan tành hết mọi thứ mà người đàn ông lẽ ra nó phải gọi là dượng mua về cho má nó”. Đúng, mọi việc bắt đầu từ thằng Bi – con trai út của bà Liên với ông Hồng – người vì quá ghen tuông mà ra sức đánh mắng vợ con, đập nát cửa nát nhà nhưng lại chấp nhận cho bà Liên đem theo thằng Bi với con Xíu bỏ nhà đi lay lắt ngoài đường. Ông biết, nếu có thêm tụi nhỏ thì vợ mình chắc chắn không thể nào yêu đương thêm người đàn ông nào khác trong đời, ngoài ông. Nhưng sự thực, sau mấy chục năm lăn lộn một mình nuôi con, bà Liên vẫn đẹp và dư sức lo cho bọn trẻ khôn lớn, có công ăn việc làm đàng hoàng chứ nào phải loại hư hỏng trắc nết; và quan trọng hơn, bà không bao giờ chấp nhận nối lại tình xưa với ông Hồng vì giữa họ chẳng còn ân nghĩa gì, nay lại thêm việc bà thương mến chú Tiến – mà theo lời thằng Bi mô tả thì gã đàn ông này chẳng tử tế gì khi sở hữu mái tóc quăn, cặp môi mỏng cùng đôi mắt cứ láo liên đảo đưa đó.

Lại nói chuyện thằng Bi, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà nó lại si mê thứ con gái mắt xanh mỏ đỏ, bỏ thằng này, cặp thằng khác không biết bao nhiêu lần như thế. Đáng ra, thằng Bi vẫn vui vẻ khi nghe tin chú Tiến hay phụ má dọn hàng, nhưng đứa con gái hư hỏng kia lại bồi vào đầu nó hàng tỷ thứ xấu xa, đại loại như: “Nhà má to, má có tới mấy cái sạp tiền tỉ, người ta bu vô là chuyện bình thường” khiến nó căm ghét chú ấy ra mặt. Nó năm lần bảy lượt, kể cả trong lúc say lẫn lúc tỉnh đều tới quán của má chửi bới, đập phá hết những món đồ chú Tiến từng mua cho má. Chứng kiến cảnh tượng đó, chú Tiến đã bỏ đi hai lần vì không muốn làm người khác phải đau khổ vì mình. Tới lần thứ hai, vào ngày chuyển mùa biển mặn chát thì chú đi hẳn. Má thằng Bi lặng lẽ bưng cà phê tựa cửa nhìn ra biển, nghe lòng mình chát mặn một niềm riêng. Đau đớn thay, người đàn bà từng gặp đổ vỡ trong hôn nhân, sống vì con vì cái hai mươi mấy năm trời, nay tìm được người bầu bạn tri kỷ thì lại ra cơ sự như vậy. Lòng bà nhói từng cơn bởi thằng con trai út hành xử quá bồng bột, song cũng chua xót trước sự bất lực của nó trong tình yêu: Ngày đứa bạn gái nó ôm bụng bầu chạy theo thằng khác, nó lập tức lao ù ra biển, hét thật lớn nhằm xả đi cơn tức đang hừng hực cháy trong lòng. Nó chẳng nghĩ được gì khác ngoài việc hiểu ra rằng, tình yêu đôi khi khiến con người ta mù quáng! Chính sự mù quáng ấy đã khiến nó tin lời kể xấu chú Tiến là thật, rồi về nhà đạp đổ hạnh phúc của người mẹ đã tần tảo nuôi nó trưởng thành. Vậy là, mọi bi kịch trong cuộc đời của thằng Bi, hay của chính má nó đều gắn liền với hơi thở mặn mòi của vùng biển quê hương; chỉ có điều, gió sẽ mãi tạt vào tâm hồn họ những nỗi niềm xót xa và mặn chát như vậy – từ ngày này qua ngày khác mà thôi!

Còn riêng với chú Tiến, cuộc đời cũng đâu có công bằng khi liên tục vùi dập trái tim người đàn ông bất hạnh ấy bằng rất nhiều bi kịch khác nhau, khiến hàng trăm vết cứa ở nơi lồng ngực cứ chồng chéo lên nhau theo sự khốc liệt của thời gian: Chú Tiến từng qua Campuchia làm ăn theo bạn từ hồi đứa con gái duy nhất mới lên ba tuổi, rồi thua lỗ và trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Ngày ấy, vợ chú khóc ngất, quỳ gục xuống đất lạy lục rồi bỏ đi lấy chồng mới. Do thiên hạ đồn thổi chú cờ bạc, nên chồng mới của bà vợ kia nhất quyết không chấp nhận cho đứa con gái mình coi như con ruột gặp cha. Vì thương con, chú Tiền chẳng cãi lại mà chỉ tìm mọi cách bám trụ ở mảnh đất Sài Gòn phồn hoa để lén lút nhìn con gái lớn lên từng ngày. Thậm chí, ngay cả khi bị đứa con rể chưa bao giờ biết mặt bố vợ thực sự tới đánh ghen thì chú vẫn tuyệt nhiên im lặng, quyết giữ mãi bí mật nhằm giúp con gái có thể sống bình yên với gia đình đôi bên. Cuối cùng, chú quyết định bỏ đi Vũng Tàu tìm quên – một nơi đủ gần với con gái, để nếu có chuyện thì có thể về ngay. Lâu dần, chẳng rõ tại sao mà chú lại thấy thương cái vùng đất lúc nào cũng mặn chát mùi biển này; rồi thực lòng muốn ở cạnh bà Liên – người phụ nữ có chất giọng ngọt như mía lùi với nụ cười buồn như con tàu độc hành giữa biển, muốn chăm lo cho hai đứa nhỏ tên Bi và Xíu nhằm thỏa khát thứ tình cảm gia đình mà mình từng đánh mất. Nhưng giờ đây, tất cả đều tan thành từng bọt sóng nhỏ li ti trên bờ cát dài thườn thượt của buổi chiều đông lạnh giá. Không ai biết chú Tiến đã đi đâu, chỉ biết đó chắc chắn là nơi gần với đứa con gái duy nhất của chú…

Vậy là, sẽ chẳng còn người đàn ông nào như chú Tiến sưởi ấm cho trái tim của má thằng Bi nữa. Nó luôn tự trách mình đã gây ra niềm đau cho rất nhiều người. Nó dường như tuyệt vọng, xen lẫn cả tâm trạng thất vọng nặng nề. Nó đang lê những bước nặng trĩu theo ánh mặt trời sau đỏ trên bờ biển, cùng nỗi chát mặn lăn dài trên gò má đen nhẻm: “Thu sắp tàn rồi, đông sớm qua lạnh lẽo giữa những bàn bạt gió nổi đưa sóng dâng trong lòng người. Biết, ai sưởi cho má nó ấm suốt mùa đông này? Biết ai sẽ hong cho khô lại những cóng lạnh do nó đã gây ra? Má ơi! Chú Tiến ơi! Bi gào, bằng kiểu lặng thinh nó cấy cho đời mình bấy lâu. Tiếng biển gặm bờ đìu hiu mà nghe rát buốt”.

Có lẽ, tác giả của truyện ngắn này đã mượn cái hơi thở mặn mòi chất biển để thổi vào những niềm riêng của bà Liên, của chú Tiến, và của thằng Bi chút gì đó xót xa tới tận xương tủy: Họ từng bắt đầu cuộc sống riêng, bắt đầu tình yêu đẹp ở khung trời mơ mộng với bao cánh chim trời đang vượt biển, bay về phía ánh nắng đỏ rực dần vươn mình trỗi dậy chào đón buổi bình minh tươi đẹp; và kết thúc bằng vô vàn niềm đau khi từng đợt sóng lớn đang dâng đầy trong lòng, khi hoàng hôn buông xuống nhường chỗ cho bóng tối mịt mù. Hẳn, đó cũng là thời điểm đông sang, khiến mùa thu trong trẻo ngày nào phải buông mình héo úa theo biết bao trái tim lẻ loi kia…

Nguyên An

No votes yet.
Please wait...
One Comment

Add a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *