CHIẾN BINH CẦU VỒNG – TÁC PHẨM XUẤT SẮC CỦA VĂN HỌC INDONESIA

No votes yet.
Please wait...

Chiến binh cầu vồng” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Adrea Hirata, đồng thời cũng là một tác phẩm có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với nền văn học Indonesia. Đọc “Chiến binh cầu vồng”, điều duy nhất đọng lại trong tôi là sự khâm phục và cảm động.

Câu chuyện kể về một ngôi trường tiểu học Hồi giáo nghèo nàn và xập xệ đến mức trở thành cái gai trong mắt những viên thanh tra giáo dục. Trong ngày khai giảng, sự xuất hiện của cậu bé thiểu năng – cũng là học sinh thứ mười – đã giúp ngôi trường thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, và ước mơ được đi học của chín đứa trẻ còn lại – mà sâu xa hơn đó còn là ước mơ của ba mẹ chúng, của những người thuộc cộng đồng Belitong Mã Lai nghèo khổ – thành hiện thực.

binh luan - chien binh cau vong

Ảnh minh họa

Cùng với sự nỗ lực của cô giáo trẻ Mus và thấy Harfan – là những người coi việc giảng dạy là cả đam mê và tâm huyết – bọn trẻ vẫn ngày ngày vô tư học tập, vui chơi, sống những ngày tháng hồn nhiên trong trẻo với những kiến thức thú vị được nạp mỗi ngày. Mặc kệ những ngày nắng chiếu ngay đỉnh đầu hay những ngày mưa cả lớp phải đội dù ngồi học; mặc kệ tiếng ồn của những chiếc máy xúc vẫn ầm ì đe dọa ngoài kia; mặc kệ viên thanh tra giáo dục luôn đều đặn ghé thăm và tìm mọi cách để xóa sổ ngôi trường… họ – những chiến binh cầu vồng vẫn miệt mài học tập và từng bước chinh phục ước mơ.

Có lẽ độc giả sẽ không thể nào quên được những cô bé cậu bé gan dạ, dũng cảm đấu tranh với rất nhiều khó khăn để được đến trường. Nào là quãng đường bốn mươi cây số mỗi ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, nào là đầm cá sấu gớm ghiếc, nào là sức cám dỗ của những đồng tiền từ công việc cu li, hay những điều hấp dẫn mới lạ ở đảo Hải Tặc,… Độc giả cũng không thể nào quên những Lingtang, Harun, Flo… và từng thành viên còn lại của lớp. Những đứa trẻ nghèo khổ, đen đúa nhưng thông minh và dũng cảm ấy, đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho cô giáo Mus và thầy Harfan, khiến họ đủ sức vượt qua tất cả những chướng ngại trong sự nghiệp trồng người của thời đại bấy giờ.

Bằng giọng kể nhẹ nhàng nhưng sắc bén, đôi chỗ hài hước, dí dỏm ở ngôi thứ nhất, nhà văn đã đưa người đọc đi qua những ngày tháng khó khăn nhưng cũng đầy vui nhộn tại ngôi trường Muhammadiyah. Tác giả đã mở ra một xã hội khá phức tạp, lai trộn giữa nhiều nền văn hóa và sự phân biệt giai cấp quá rõ ràng – kết quả của âm mưu thống trị và bành trướng thuộc địa. Có một điều chưa được trọn vẹn đó là ở cuối tác phẩm, những cô bé cậu bé kia đã không thắng nổi nghịch cảnh và có một tương lai xán lạn như độc giả vẫn mong chờ. Tuy nhiên, chính điều đó lại nói lên một thực tại phũ phàng của cuộc sống mà tôi nghĩ thời nào cũng có. Không phải những người thông minh, tài giỏi và trí tuệ đều sẽ trở thành những vĩ nhân.

Qua những suy tư của nhân vật tôi ở cuối tác phẩm, tác giả đã làm nổi bật một điều rất giá trị rằng đối với những con người đó, điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời họ là những năm tháng được học tập và vui chơi dưới mái trường chẳng khác gì chuồng bò kia; nhờ đó tâm hồn và nhân cách của họ vẫn luôn sáng mãi, dù sống giữa cuộc đời nghèo túng, bon chen và đầy bợn nhơ.

 

 

Diệp Thanh

Key liên quan:

  • https://nhom40 com/chien-binh-cau-vong-tac-pham-xuat-sac-cua-van-hoc-indonesia/
No votes yet.
Please wait...