CHƯƠNG 2 – ĐỒ NGỐC, EM SẼ LÀ CHỒNG ANH!
|CHƯƠNG II
CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG LỰA CHỌN
Nhật Khánh cho xe rẽ vào con hẻm dẫn về nhà mình. Mưa ngày càng nặng hạt, xối xả trút xuống, nhấn chìm cảnh vật trong một màn nước trắng xóa. Một thằng nhóc mải chạy chơi, lao vào phía trước xe. Nhật Khánh hoảng hồn phanh gấp. May quá! Thằng nhóc bất ngờ và hoảng sợ vì sự vô ý của mình, mặt trắng bệch, đưa cái nhìn lấm lét về phía Nhật Khánh, lí nhí xin lỗi. Một thoáng suy nghĩ, Nhật Khánh quyết định nhảy xuống khỏi xe, dắt bộ về nhà. Cũng chẳng còn bao xa, nhà cô ở cuối hẻm kia rồi.
Đi bộ dưới mưa từng là một trong rất nhiều sở thích quái gở của Nhật Khánh, mà theo lời Nhật Di là dở hơi và không thể chấp nhận được. Thật ra, Nhật Khánh thích mưa nên mọi thứ liên quan đến mưa, cô đều thích. Ngày nhỏ, cứ mỗi lần trời đổ mưa, Nhật Khánh sẽ gác mọi việc đang làm lại, chỉ để ngắm nhìn những giọt mưa dù lất phất hay nặng hạt. Nhật Khánh có thể ngồi hàng giờ liền, chỉ để lắng tai nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà và mơ mộng về những điều tốt đẹp đang tới.
Có lần, một ngày mưa của rất nhiều năm trước, hai chị em tan học và mắc kẹt ở trường, cả hai chỉ có một chiếc áo mưa. Nhật Khánh không suy nghĩ, nhường áo cho Nhật Di, còn mình dầm mưa về với gương mặt tươi cười hớn hở. Nhìn nụ cười rộng ngoác và bộ dạng ướt như chuột lột, run lên vì lạnh của chị, Nhật Di cau mày, bặm môi bất lực. Nhật Di rất ghét mưa. Với Nhật Di, mưa là những ngày hàng quán của mẹ ế ẩm, khách vắng tanh teo, gió lùa vào nhà buốt giá. Mưa là những đêm chứng đau lưng và căn bệnh thấp khớp của ba trở lại; ba ăn uống không ngon miệng, ánh mắt mẹ đầy thêm nỗi lo âu. Nhật Di từng tuyên bố rằng, lớn lên, hai chị em phải chọn một nghề không bị lệ thuộc bởi thời tiết. Nhật Di ngây ngô chưa hiểu hết, ở miền Trung khắc nghiệt này, nghề gì rồi cũng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết cả thôi, kể cả lĩnh vực rồi đây hai chị em theo làm.
Lúc này, Nhật Khánh mới để ý thấy tiếng trẻ con cười đùa rộn rã hòa lẫn với tiếng mưa khuấy động cả không gian. Trẻ con ùa cả ra đường từ lúc nào, đuổi nhau đùa giỡn. Mưa tháng này thường dai dẳng cả ngày, có khi cả tuần liền, nhưng vẻ như tụi nhóc vẫn thích thú với trò tắm mưa lắm. Những ngôi nhà trong hẻm đã lên đèn, vài cụ già bắc ghế trước hiên ngồi nhìn mưa, ánh mắt xa xăm và có phần u uẩn như đang hồi tưởng và tiếc nuối thời tuổi trẻ. Thường ngày, chỉ cần rẽ vào con hẻm này, những mỏi mệt, phiền muộn của một ngày dài làm việc sẽ tự động tan biến. Nghe những âm thanh quen thuộc từ tiếng trò chuyện của các cụ già, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ, thoảng mùi thức ăn từ bếp nhà ai bay lên thơm phức, Nhật Khánh thấy lòng bình yên sau những chông chênh.
***
– Con mới được chuyển lên tầng áp mái làm việc!
Nhật Khánh thông báo bằng một giọng không mấy hồ hởi như vốn dĩ phải có đối với tính chất của thông tin. Ông Bảy ngừng và cơm, cất giọng từ tốn, hỏi.
– Chuyển lên đó thì có vấn đề gì không con?
– Dạ… chắc… không đâu ba! Có điều đó là tầng sang nhất của khách sạn!
– Em đưa con lên hả? – Bà Bảy chen vào, giọng có phần lo lắng.
– Không mẹ! Di đâu liên quan gì!
– Không vui hả con?
– Con thấy lạ lạ sao đó, mẹ! Chuyển có mình con, mà chuyển đột xuất, không theo đợt.
Ông bà Bảy đưa mắt nhìn nhau, bữa cơm chỉ còn lại tiếng bát đũa va vào nhau thật khẽ. Nhật Khánh buông đũa sớm, vào phòng lôi đống giấy nhiều màu xanh đỏ, chăm chú gấp những con chim hạc. Nói Nhật Khánh có sở thích trẻ con cũng không sai, bằng chứng là chiếc hũ thủy tinh đầy hạc giấy trên bàn, lại không phải là chiếc hũ duy nhất. Mỗi khi buồn, Nhật Khánh thường tự giải trí bằng thú vui gấp giấy origami. Những con chim hạc, thỏ, gấu, mèo… được gấp từ đôi bàn tay khéo léo của Nhật Khánh, như những người bạn nhỏ đáng yêu mà chỉ cần nhìn thấy, cô đã có thể tự cân bằng lại cảm xúc của chính mình. Nhật Khánh nghiêng đầu, chăm chú nhìn con chim hạc nhỏ xíu trên tay, mỉm cười như vừa nghe được câu nói từ chiếc mỏ dài dài – “Chị Khánh đừng buồn nữa!”. Thật ra, gọi những cảm xúc rối rắm trong lòng cô lúc này là nỗi buồn, thì cũng không đúng. Không hẳn buồn, dù rõ ràng là không vui kể từ khi nhận được thông báo đến tận bây giờ. Trong lòng Nhật Khánh lúc này rất hồ nghi, có cả sự hoang mang, kèm một chút lo lắng. Cô lo càng gần giới thượng lưu, cô càng có nguy cơ từ bỏ công việc này.
***
Ông bà Bảy ngồi trong căn phòng khách nhỏ, mâm cơm vẫn chưa dọn xuống dù đã xong bữa từ lâu. Cả hai đều trầm ngâm, dường như đang theo đuổi một suy nghĩ riêng, nhưng điều khiến họ bận lòng thật ra chỉ là một. Ngoài trời mưa rả rích, tiếng mưa như đưa họ về với những ký ức cách đây không lâu, cũng trong một đêm mưa gió, đứa con gái út tức giận lao ra khỏi nhà, mất hút trong đêm đen. Buồn thay, đó lẽ ra phải là đêm tất cả mọi người trong nhà nên vui mới phải. Ông bà Bảy có lẽ không bao giờ quên được gương mặt đầy phấn khởi của Nhật Di đêm đó -đêm mà cô quyết định đi theo con đường rất riêng của mình…
*
– Ba, mẹ! Con được thăng chức! – Nhật Di hồ hởi thông báo.
– Thăng chức hả con? – Giọng bà Bảy lộ rõ sự quan tâm.
– Vị trí quản lý đó mẹ! – Nhật Di mỉm cười đầy tự hào.
Quản lý cơ á? Quản lý chẳng phải là một chức vụ rất cao sao? Gương mặt người mẹ có nhiều biểu cảm như chính nội tâm của bà lúc này. Cô con gái út của bà luôn giỏi giang như vậy, từ nhỏ đến lớn luôn là một học sinh ưu tú, ra trường một năm đã đạt đến chức quản lý của một khách sạn năm sao. Cảm giác tự hào len lỏi trong trái tim người mẹ. Nhưng mà, lên chức đó rồi, chẳng phải Nhật Di sẽ càng vất vả hơn, bận rộn hơn nữa sao? Chưa kể làm vị trí cao, thu nhập sẽ càng cao, Nhật Di sẽ chính thức bước chân vào thế giới của những người giàu có và đuổi theo tiền tài danh vọng? Mà đó là điều chưa bao giờ bà muốn ở cả hai đứa con. Thứ bà cần, chỉ đơn giản là các con sống bình an, mạnh khỏe. Cuộc đời càng ít bon chen, tâm càng dễ thanh tịnh. Nhìn gương mặt hớn hở, ngập tràn hạnh phúc của Nhật Di, bà Bảy không biết nên nói thế nào về những mâu thuẫn trong lòng, bà nhẹ nhàng hết mức có thể.
– Làm quản lý vất vả lắm con!
– Đâu sao mẹ! Gì cũng có giá của nó mà! – Nhật Di vừa dọn chén vừa trả lời.
Ông Bảy vẫn im lặng lắng nghe, nét mặt đang chuyển dần sang lo lắng, thậm chí là khó chịu, không hài lòng.
– Mình có thể không nhận vị trí đó được không con? – Giọng ông Bảy từ tốn nhưng có phần cứng rắn như mệnh lệnh.
– Tại sao, ba?! – Nhật Di chau mày.
– Làm công việc bình thường nhẹ nhàng như chị con là được rồi. Con gái bon chen nhiều cực tấm thân!
Nhật Di khựng lại, tròn mắt, há hốc miệng, cô dường như không tin những lời mình vừa nghe từ miệng ba. Tại sao ba mẹ lại có những suy nghĩ vô cùng ấu trĩ như vậy chứ? Cô học đại học để làm gì? Công sức ba mẹ và Nhật Khánh vất vả mưu sinh nuôi cô ăn học, chẳng lẽ họ chỉ mong cô có một công việc “nhẹ nhàng” như Nhật Khánh mà thôi? Biết tin được cất nhắc lên vị trí quản lý, cô đã cố gắng lắm mới không nhảy cẫng lên sung sướng, đã ước mọc thêm cánh để bay về nhà báo tin ngay cho ba mẹ. Nhật Di đã tưởng tượng một tương lai xán lạn và cơ hội đổi đời, tưởng tượng ra viễn cảnh mình từng bước cống hiến cho khách sạn, từng bước chinh phục ước mơ. Cô thậm chí còn hy vọng được nhìn thấy nụ cười tự hào, mãn nguyện của ba mẹ trước cô con gái tài năng là mình. Lẽ ra, ba mẹ nên vui mừng thay cô mới phải, đó là tin vui, đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ từ khi bước chân vào Vanda Orchids? Lẽ ra ba mẹ nên hiểu rằng Nhật Di đã mong đợi đến ngày này như thế nào, đã sung sướng khi nghĩ đến chuyện đỡ đần cho ba mẹ với mức thu nhập mới ra sao! Vậy mà giờ đây, thái độ của ba mẹ khiến Nhật Di cảm giác mọi thứ sụp đổ, tan hoang. Niềm vui, niềm tự hào, hy vọng, động lực, tất cả đều lịm tắt!
– Con đã nhận lời rồi! Con sẽ nắm lấy cơ hội đổi đời! – Đè nén sự uất ức xuống tận đáy lòng, Nhật Di kiên định nói.
– Con à! Đừng lấy tiền tài danh vọng làm mục đích! Không bền vững đâu con! – Ông Bảy vẫn kiên nhẫn.
– Ba!…
Nhật Di gần như hét lên, cảm thấy cổ họng nghẹn lại, tại sao kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của cô lại bỗng chốc như trở thành một điều sai trái? Tại sao công việc cô dẫu mơ cũng không ngờ có thể nắm bắt được ở giai đoạn này, lại khiến ba mẹ cho rằng cô đang mù quáng đuổi theo những sai lầm?
– Điều ba mẹ mong muốn ở con chỉ là một cuộc đời bình lặng. Đừng tham vọng quá, con!
Đến lúc này, Nhật Di không thể chịu nổi nữa, chén đũa trên tay tự nhiên trĩu nặng. Nhật Di đặt mạnh xuống bàn, lao ra khỏi nhà trước cái nhìn sửng sốt của ba mẹ. Trời tối đen như mực, cơn mưa nặng hạt không làm chùn bước chân, Nhật Di lao đi trong đêm tối.
*
Bà Bảy trầm ngâm nhìn màn mưa hay là khoảng không vô định đen ngòm trước mặt, giấu hơi thở nặng nhọc như cố nén những lo lắng của mình vào lòng, tự huyễn hoặc rằng mọi chuyện không có gì đáng lo đến thế. Từ khi bước về nhà cho đến lúc báo tin mình được chuyển khu vực làm việc, Nhật Khánh không hề vui vẻ, hoạt bát như mọi ngày. Có lẽ bản thân con bé không thích lên tầng sang trọng kia. Bà Bảy hiểu tính cách các con, bà hiểu Nhật Khánh vốn không phải là đứa có nhiều tham vọng, ngược lại còn rất an phận, hài lòng với cuộc sống đơn giản của mình.
Nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Khánh sẽ mãi như vậy, không có nghĩa Nhật Khánh sẽ không thay đổi khi có cơ hội tiến thân, đổi đời! Nếu như lời Nhật Khánh nói, thì việc thuyên chuyển đó có thể được hiểu là một bước tiến trong công việc. Làm việc ở một nơi sang trọng, xa xỉ, thường xuyên gặp gỡ những người ở tầng lớp giàu có, áp lực nhiều, cám dỗ sẽ càng nhiều hơn. Người bản lĩnh đến đâu cũng có thể vấp vào những cám dỗ đó, nói gì một cô gái vốn vô tư, ngây thơ như con gái bà. Bà lo Nhật Khánh sẽ không trụ vững mà sa vào những hào nhoáng của vinh hoa. Hay, có lúc nào đó, bà lo rằng, rồi có một ngày, Nhật Khánh cũng sẽ rời bỏ ngôi nhà này, như Nhật Di đã từng?!
*
– Con sẽ dọn ra ngoài ở! – Giọng Nhật Di nhẹ tênh nhưng thông tin cô mang đến thì nặng như đá.
– Dọn ra ngoài? Sao vậy con? – Bà Bảy hớt hải lo âu.
– Con muốn sống tự lập, với lại, ra ngoài ở sẽ tiện cho công việc của con hơn!
– Con có gia đình, sao lại muốn sống một mình như những người tha phương? – Ông Bảy đang nằm trên giường, tấm chăn mỏng tụt xuống sau câu nói dài và tràng ho còn dài hơn.
– Con quyết định rồi, con chỉ thông báo cho nhà mình biết vậy thôi! Tháng sau con sẽ dọn ra gần khách sạn!
Nhật Di nói rồi im lặng vào phòng, bỏ lại sau lưng sự hụt hẫng đến chênh chao của ba mẹ. Chưa bao giờ ông Bảy cảm thấy bất lực trước con gái như vậy. Ông biết, Nhật Di từ nhỏ đã là một đứa trẻ thông minh, nhưng lầm lì. Khác hẳn với Nhật Khánh lúc nào cũng hồn nhiên và cởi mở, Nhật Di kiệm lời hơn. Đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng đó là sự già dặn, khôn ngoan trước tuổi và những mục tiêu, tham vọng lớn. Nhật Di là một đứa sống nội tâm, ít khi nào chịu chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Ông Bảy tự hỏi có phải sự quan tâm của mình không đủ nên con bé luôn tự chui vào một góc như vậy? Có phải tuổi thơ chật vật, khó nghèo đã khiến con bé quyết tâm làm giàu, bằng mọi giá chọn vật chất làm mục đích hướng tới?
Lý do để Nhật Di quyết định dọn ra ngoài, chắc chắn không đơn giản chỉ có vậy. Có phải con bé đã cảm thấy bất mãn với gia đình, với tư tưởng, lối sống của mình rồi không? Ông có sai không khi khuyên nhủ Nhật Di chọn cuộc sống bình lặng? Ông chỉ lo và muốn tốt cho con thôi mà! Căn nhà đã chìm trong bóng tối từ lúc nào, ở giường bên kia, vợ ông đang ri rỉ khóc. Tiếng khóc được kiềm nén, như có như không, xát vào lòng ông những xót xa không nói thành lời. Ông Bảy lại không kiềm được, ho một tràng dài, dữ dội. Cứ vào mùa mưa, những căn bệnh lặt vặt lại rủ nhau kéo về hành hạ. Ông đã có tuổi rồi! Vậy mà các con còn hoài thơ dại, ông chẳng thể nào yên tâm!
Với những đứa con, cụm “dọn ra ngoài” như một cánh cửa đưa chúng đến với tự do. Nhưng với những người làm cha mẹ, đó là cụm từ mang một nỗi mất mát, xót xa mà không bao giờ họ muốn nghe; nhưng nghe rồi, họ lại không bao giờ có thể phản đối. Với cha mẹ luôn là thế, miễn con cái hạnh phúc là đủ lắm rồi! Và ngày đó, khi Nhật Di muốn đi con đường đó, ông bà Bảy ngoài im lặng chịu đựng nỗi mất mát trong mình, họ không làm gì cả!
***
Khi Đình Thiên ngẩng đầu lên, trời đã nhá nhem tối, bầu trời bên ngoài ô cửa kính đen ngòm báo hiệu sắp có một trận mưa to. Thời tiết năm nay thất thường quá, mọi năm khi bước sang tháng Mười hai, Đà Nẵng lạnh nhưng khô ráo. Năm nay, những cơn mưa cứ đều đặn ghé thăm, thậm chí có đợt triền miên không dứt. Hiện tượng của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, tiếng oán than gầm gào từ mẹ thiên nhiên đã ngày càng dữ dội hơn; hậu quả từ sự tàn phá thiên nhiên của con người, nay chính con người đang phải tự gánh lấy.
Đình Thiên đứng dậy bật đèn, căn phòng tràn ngập trong ánh sáng ấm áp. Ánh đèn vàng vọt tỏa ra từ những bóng đèn led làm nổi bật màu gỗ sang trọng của nội thất trong căn phòng. Đình Thiên thong thả đi về phía ô cửa kính, đưa mắt nhìn xuống khu vườn đã chìm trong bóng tối từ lúc nào. Từng đợt gió ùa vào phòng, mang theo hơi lạnh, Đình Thiên không buồn đóng cửa, cứ để mặc cho gió làm rối bù mái tóc vốn không còn thẳng nếp của anh. Không ngờ mình đã ngồi làm việc suốt từ trưa đến tận bây giờ. Anh không hề cảm thấy mệt mỏi, dù ngón tay cầm bút đã đỏ tấy như muốn sưng lên. Mà hẳn với nhiều người, chuyện Đình Thiên tối ngày cắm mặt vào đề tài nghiên cứu này, không được cho là đang làm việc, nếu không muốn nói là làm điều nhảm nhí giết thời gian. Chịu thôi, Đình Thiên chẳng thể thay đổi được cái nhìn hay suy nghĩ của người khác về anh, chỉ là, anh cảm thấy càng ngày thế giới của mình càng bị thu hẹp. Giữa một xã hội luôn đề cao tiền tài, vật chất thì một người có tư tưởng “an bần lạc đạo” như Đình Thiên sao có thể tồn tại, nói gì đến chuyện hòa hợp.
Nghĩ đến công trình nghiên cứu sắp hoàn thiện của mình, Đình Thiên bất giác mỉm cười, nụ cười nhẹ tới mức như có như không. Đình Thiên vẫn bị ba mẹ phản ánh nhiều về chuyện khuôn mặt luôn không có một biểu cảm nào của mình; thậm chí có lúc họ phải thốt ra lời phàn nàn trong bất lực vì cảm nhận được từ sâu bên trong, Đình Thiên vốn cũng chẳng có một chút cảm xúc nào với cuộc sống xung quanh. Cũng phải, rất lâu rồi, Đình Thiên chưa hề biết nở nụ cười, dù chỉ là những nụ cười xã giao cho phải phép với những người thân trong gia đình, kể cả với Đình Phong. Có hề gì, những điều sáo rỗng đó có thật sự cần thiết hay không? Khi mà thứ con người cần hơn là một trái tim bao dung với đồng loại – điều Đình Thiên cho là nét đẹp trong đối nhân xử thế! Với Đình Thiên, nếu con người có thể cười nói vui vẻ trước mặt nhau để rồi sau đó ngấm ngầm công kích, ngáng đường nhau vì mục đích cá nhân, vì con đường tiến thân của mình thì còn đáng hổ thẹn hơn việc cứ lạnh lùng nhưng giữ được thiên lương trong sáng. Đình Thiên không sống bàng quan như mọi người vẫn nghĩ, dẫu vậy, anh tin rằng họ luôn có cơ sở để nghĩ thế về anh.
Công trình nghiên cứu đầu tay đầy tâm huyết đang vào giai đoạn cuối, mấy ngày nay, Đình Thiên dường như không có thời gian nghĩ đến chuyện ăn ngủ vốn được cho là những nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Cả ngày, Đình Thiên nhốt mình trong phòng, cặm cụi ghi ghi chép chép những điều đúc kết được từ việc nghiên cứu, tìm tòi, chiêm nghiệm nhiều năm qua. Nếu ai đó hỏi Đình Thiên dồn công sức vào đề tài nghiên cứu này để làm gì, bản thân anh cũng không thể có câu trả lời thỏa đáng. Đình Thiên chỉ cảm thấy niềm thôi thúc được thực hiện nghiên cứu này và thỏa mãn khi ngày ngày được sống với nó, đón đợi nó thành hình, như trước đây anh vẫn muốn làm những điều mà người khác không thể hiểu được. Nếu hỏi Đình Thiên có tin rằng đề tài nghiên cứu của mình sẽ đóng góp được gì đó cho xã hội hay không, Đình Thiên không ngần ngại trả lời là không, anh không tin có ai đó sẽ thấu hiểu được những vấn đề như anh đang nhìn nhận. Công trình nghiên cứu này, Đình Thiên làm vì bản thân anh, vì ông nội. Anh làm, để tin rằng mình vẫn còn giữ được khí chất của một người cả đời học sách thánh hiền như ông nội anh đã từng.
*
Đình Thiên đã từng thế nào khi ông nội ra đi à?! Thật khó để nói rõ ràng, vì đó chỉ là những lần anh lặng im đứng nhìn di ảnh của ông nội trên bàn thờ. Di ảnh ông nội đã được phủ một lớp bụi mờ của thời gian, nhưng thời gian không thể phủ bụi lên ký ức và lòng kính ngưỡng Đình Thiên hướng về ông. Thấm thoắt, ông đã rời xa cõi đời hơn một thập kỷ. Cũng là chừng ấy thời gian, Đình Thiên sống trong những khắc khoải khôn nguôi, ngày ngày chăm chỉ đọc sách, thu nạp kiến thức và mong mình lớn lên, trưởng thành để hoàn thành tâm nguyện của ông còn dang dở.
Vậy mà hôm nay, khi bước sang tuổi mười tám – cái tuổi đánh dấu cột mốc trưởng thành của một con người – khoảnh khắc Đình Thiên hằng chờ đợi để được trình bày về đam mê, lý tưởng của mình và hy vọng nhận được sự ủng hộ từ gia đình, thì anh lại nhận lệnh phải theo học một ngành nghề khác để sau này cùng Đình Phong gánh vác sự nghiệp. Ba mẹ chưa từng ép buộc anh, nhưng lại luôn biết dùng chính sự chân thành và tha thiết của mình để hướng anh làm theo ý họ, Đình Thiên cảm thấy mình thua cuộc rồi. Quả là một cuộc chiến không cân sức!
Nén nhang trên bàn thờ còn nghi ngút, từng vòng khói tỏa tròn rồi thong thả bay lên cao. Đình Thiên đưa tay quệt những giọt nước còn đọng trên mí mắt, cảm thấy nhẹ nhõm một phần như vừa trút được bầu tâm sự trong lòng với ông. Từ nhỏ, Đình Thiên đã theo ông, nghe ông đọc sách thánh hiền, được ông dạy luân thường đạo lý. Ông từng là thần tượng, từng là một bậc thánh nhân trong lòng Đình Thiên. Từ ngày ông mất, những nỗi niềm, tâm sự, ước mơ của Đình Thiên không còn có nơi để giãi bày nữa. Không ai có thể hiểu Đình Thiên như ông đã hiểu, kể cả Đình Phong là người luôn cố gắng lắng nghe anh. Có lẽ, đây là một sự thử thách với Đình Thiên. Đình Thiên phải gặp nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện lời tự hứa với ông cũng như chứng tỏ được niềm đam mê của mình. Đình Thiên sẽ không bỏ cuộc. Đình Thiên sẽ học vì ba mẹ, đó có thể coi là sự trả ơn, còn bản thân Đình Thiên, anh có bổn phận và sứ mệnh cao cả khác.
*
Nhà nho ẩn dật không phải là hình tượng xa lạ gì với số đông người nghiên cứu Nho giáo, thậm chí đối với người trí thức Việt Nam xưa. Ông nội chính là một trong những cảm hứng lớn để Đình Thiên chọn đề tài này, và một trong những cảm hứng còn lại là bản thân anh. Đình Thiên từng tự cười mình vì ở những năm tuổi đời mười tám đôi mươi, anh tự cho bản thân là người có sứ mệnh cao cả với cuộc đời và theo đuổi mẫu hình nhà nho hành đạo. Càng lớn, Đình Thiên càng nhận ra, để “hành đạo” một cách đúng nghĩa, không đơn giản như anh vẫn nghĩ, đặc biệt với một người có tính cách lập dị quái gở như anh thì chuyện “hành đạo” là cả một quá trình thay đổi bản thân. Không sao, Đình Thiên nghĩ rằng thời khắc anh nhận ra điều đó cũng giống như những cơ duyên giác ngộ trong đời người. Mà đời người, thì hẳn không chỉ giác ngộ một lần. Càng thêm tuổi, càng chiêm nghiệm nhiều đạo lý, Đình Thiên càng cảm thấy bản thân ngộ được nhiều điều hơn ngày hôm qua.
Anh háo hức mong chờ giây phút đứa con tinh thần của mình được rõ hình hài nguyên vẹn, chỉ còn một chút nữa thôi, Đình Thiên muốn xong thật nhanh để đem cho Đình Phong đọc. Ngoài Đình Phong ra, có lẽ rồi anh cũng chẳng đủ tự tin để trao nó cho bất kỳ ai khác. Có ai hiểu được những điều Đình Thiên làm đâu, Đình Phong chưa hẳn đã hiểu, nhưng anh tin Đình Phong sẽ trân trọng và nghiêm túc đón nhận. Vậy nên Đình Thiên càng phải cố gắng và tập trung hơn. Đình Thiên cảm thấy phấn chấn vô cùng, sức lực tràn trề, tựa hồ có thể tiếp tục quay lại bàn làm việc một mạch cho đến khi hoàn thành.
Tiếng gõ cửa kéo Đình Thiên ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Anh giật mình quay lại, cửa không khóa, Đình Phong ló mặt vào, tươi cười.
– Tối nay có tiệc tất niên bên khách sạn, em nhớ không?
– À! – Đình Thiên hờ hững.
– Em chuẩn bị rồi mình cùng đi, ba mẹ cũng đang chuẩn bị đó!
– Không đi được không anh? – Đình Thiên nhớ tới công việc của mình và cảm giác háo hức khi nãy.
Đình Phong dứt câu nói, định đóng cửa lui ra thì khựng lại bởi câu hỏi của em trai, một thoáng ngập ngừng, anh dịu dàng nói.
– Ba mẹ sẽ không vui đó em! Sáng mai anh bay sớm, ba mẹ cũng đi Sing du lịch, em nhớ không? Tháng sau gia đình mình mới lại đoàn tụ!
Đình Thiên gật gật đầu, ra chiều đã rõ. Đình Phong nói không sai, đây không chỉ là tiệc tất niên của khách sạn mà còn là bữa cơm gia đình cuối năm để rồi một thời gian dài sau đó, các thành viên mới được đoàn tụ. Anh không nỡ từ chối, anh biết ba mẹ sẽ không vui, Đình Phong cũng không vui. Anh đã từ chối quá nhiều bữa tiệc rồi, nhưng lần này có lẽ không được nữa. Đình Thiên vốn ghét tiệc tùng và chốn đông người, đặc biệt là những bữa tiệc mà ở đó anh sẽ bị ba mẹ lôi đi như con rối chào hỏi giới thiệu với khách khứa và nhận những cái xoa đầu, những lời khen như dành cho trẻ lên ba. Đình Thiên hít một hơi thật sâu như tự dỗ dành, rằng mình có thể thức làm việc đến sáng để bù vào khoảng thời gian phí hoài ở buổi tiệc.
Khi Đình Thiên quần áo chỉnh tề bước ra khỏi phòng, bà Lâm hớn hở đi về phía anh, gương mặt vốn trẻ so với độ tuổi ngoài năm mươi nay lại thêm phần kiều diễm, sang trọng vì lối ăn mặc quý phái. Bà đon đả.
– Con trai, mẹ có một bất ngờ dành cho con trong bữa tiệc tối nay!
– Gì vậy mẹ? – Đình Thiên chau mày nhìn mẹ, cảm giác bất an ập đến.
– Đã nói là bất ngờ mà! – Giọng bà Lâm vui vẻ.
Đình Thiên dừng hẳn lại, nhìn mẹ bằng ánh mắt vô cùng nghiêm túc. Bà Lâm vốn là một người sống tình cảm, lại xuề xòa trong giao tiếp, đặc biệt luôn chủ động để mình “ngang hàng” nhằm thân thiện với các con hơn. Bà nhất thời bối rối trước sự nghiêm túc quá mức của Đình Thiên. Đình Thiên thấp giọng.
– Mẹ không nói thì con không đi đâu!
– Ơ… con… thật ra… không có gì đâu. Chỉ là chuyện Nhã Hân cũng có mặt trong buổi tiệc tối nay thôi mà.
Đôi mày Đình Thiên chau rịt lại, khuôn mặt tuấn tú trắng trẻo của anh chuyển dần sang trạng thái cau có, khó chịu. Cái tên Nhã Hân gợi lên trong anh hình ảnh một người con gái điệu đà đỏm dáng, suốt ngày chỉ biết nói chuyện làm giàu và kinh doanh. Còn nữa, tệ hơn là cô gái đó đã để lại cho anh một ấn tượng khủng khiếp về kiểu phụ nữ “cọc đi tìm trâu” khi buông những lời chọc ghẹo mà Đình Thiên không thể nào nuốt nổi. Đúng là xã hội tha hóa rồi, phụ nữ bây giờ, một chút công dung ngôn hạnh cũng không có.
– Cô ta thì liên quan gì đến con!
– Con bé rất thích con đó, mẹ thấy cũng khá hợp với con.
– Mẹ! – Đình Thiên gần như sẵng giọng.
– Con à, chỉ là tìm hiểu thôi mà, nhà bác Lý với gia đình mình là chỗ thân thiết, Nhã Hân vừa xinh đẹp lại vừa giỏi giang…
Đình Thiên không để mẹ kịp nói hết câu. Anh gạt phắt đi như không thể nghe thêm một lời nào nữa.
– Con không đi!
Ông Lâm và Đình Phong xuất hiện ở phòng khách từ lúc nào, Đình Phong im lặng quan sát, cảm thấy khó hiểu khi câu chuyện diễn tiến theo hướng này, rõ ràng mọi người đang chuẩn bị đến bữa tiệc, một viễn cảnh hòa thuận và đầm ấm sắp diễn ra. Sao bây giờ lại thành ra to tiếng, kẻ nói qua người nói lại? Ông Lâm lúc đầu rất vui vẻ khi nghe vợ dụ dỗ con trai, nhưng khi thấy thái độ của Đình Thiên, ông không hài lòng, nghiêm giọng.
– Nhã Hân chỉ đến dự tiệc thôi, con có cần phải làm quá lên vậy không?
– Con không thích cô ta, có cô ta thì con không đi! – Đình Thiên kiên quyết.
– Đây là tiệc tất niên của khách sạn, ba mẹ mời khách khứa, con không thể nói vì không thích vị khách nào đó mà không tới dự được?!
– …
Bà Lâm bối rối thật sự trước phản ứng của con trai. Hình như bà đã quá vô tư đến mức trở nên vô ý khi đụng chạm đến đề tài mà Đình Thiên không hề thích, nếu không muốn nói là rất dị ứng. Nhưng thật lòng, bà vẫn có ý muốn tác hợp Nhã Hân cho cậu con trai này, với hy vọng sự khéo léo, mềm mỏng của Nhã Hân có thể dung hòa được bản tính lập dị của Đình Thiên và kéo Đình Thiên ra khỏi bốn bức tường mà nó tự dựng quanh mình.
Đình Phong thầm thở dài, anh quá hiểu tính em trai. Anh biết, vốn dĩ, Đình Thiên đã chẳng mặn mà gì chuyện đi dự tiệc. Nếu không phải vì ngày mai anh và ba mẹ đều đi xa, chưa chắc Đình Thiên chịu đi cùng mọi người. Nhưng, Nhã Hân rõ ràng cũng không có gì đáng ghét hay đáng sợ đến thế. Đình Phong ôn tồn xoa dịu em trai.
– Mẹ chỉ đùa em thôi, em không thích thì mẹ đâu có ép em tiếp Nhã Hân đâu, em! Thôi, mình đi chứ trễ!
– Em đã nói em không đi đâu! Em còn đang dở việc. – Đình Thiên vẫn bướng bỉnh, dường như Đình Phong càng dịu dàng, Đình Thiên sẽ càng cho mình cái quyền bướng bỉnh.
Đến lúc này, ông Lâm cảm thấy một cơn bực bội xâm chiếm, ông không thể chịu được khi đứa con trai út cứ liên tục có thái độ như một đứa trẻ thích gây sự và cần được dỗ dành. Bao nhiêu tuổi đầu rồi mà còn kỳ kèo với ba mẹ chuyện có đến dự tiệc hay không? Đình Thiên có còn là trẻ con nữa đâu, có phải do ông cho phép Đình Thiên được tự do làm những gì mình thích nên Đình Thiên mặc định rằng nhà này không còn phép tắc nữa. Ông Lâm gằn giọng.
– Con cho rằng công trình nghiên cứu vớ vẩn của con quan trọng hơn thể diện của ba mẹ hay sao?