CỬA HIỆU TỰ SÁT – KHÔNG PHẢI VỀ CÁI CHẾT ĐÂY LÀ CUỐN SÁCH GỢI MỞ CHO SỰ SỐNG
|Cửa hiệu tự sát của Jean Teulú viết về một đề tài khá nhạy cảm “tự sát”- một đề tài mà ít người dám đặt tay khai thác. Thông thường khi nghe đến hai từ này người ta sẽ liên tưởng ngay đến những con người ảo não, bế tắc, đầy sự tiêu cực và chán chường, không thể đối diện với cuộc sống ngoài cách chọn lựa một phương pháp đơn giản hơn – cái chết. Cửa hiệu tự sát vẽ ra một bức tranh đầy u ám về những con người như thế, đầy rẫy tự tiêu cực, chán chường, bi quan, tị ti và ham muốn tự hủy hoại mình…nhưng theo một cách đầy hài hước, dễ tiếp nhận đến bất ngờ. Tất cả mọi thứ diễn ra như một quy luật, hiển nhiên, đến mức gần như là phi lý.
“Đó là một cửa hiệu nhỏ, không bao giờ có ánh nắng hồng vui tươi lọt vào” chỉ bằng một câu đơn giản mở đầu cuốn sách đã ấn tượng cho độc giả về cái sự ảm đảm, bi quan cùng với câu khẩu hiệu “Quý khách đã thất bại trong cuộc sống? Đến với chúng tôi quý khách sẽ thành công trong cái chết”. Cửa hiệu tự sát do gia đình Tuvache nối nghiệp kinh doanh từ nhiều đời – nơi đây bày bán những dụng cụ hỗ trợ giúp người ta tự sát. Có ngàn lẻ một phương pháp để đến với cái chết, từ những cách truyền thống như sử dụng dây treo cổ, rạch tay bằng dao lam, mổ bụng, thuốc độc…đến những công cụ hỗ trợ đầy tiên tiến và sáng tạo, thậm chí là nghệ thuật. Ở cửa hiệu tự sát, quyền được chết trở thành một thứ quyền được công nhận, cái chết trở thành một giải pháp, sự cứu rỗi con người khỏi những bế tắc, chán chường, đau khổ trong cuộc sống.
Thế giới cứ vận hành như thế, cửa hiệu tự sát vẫn sẽ kinh doanh, hơn nữa lại còn làm ăn phát đạt vì có quá nhiều người muốn chết, nhưng một sự thay đổi lớn đã xảy ra. Khi bà Tuvache sinh đứa con thứ ba – Alan – thằng bé khác hẳn mọi thành viên trong nhà và cũng khác hẳn mọi người. Alan luôn luôn vui vẻ và lạc quan, cậu luôn nhìn mặt tích cực của vấn đề, đối với cậu cuộc sống này quả là kỳ diệu và tươi đẹp, cậu tận hưởng, sống và trân trọng như mọi thứ đối với cậu đều là món quà tuyệt vời. Sự vui tươi, những suy nghĩ của cậu làm đảo lộn những người xung quanh – những người đã quen sống với nếp nghĩ bi quan và tiêu cực, tự chìm đắm, giam hãm mình trong những đau khổ, phiền muộn của bản thân. Alan giống như một thiên thần nhỏ truyền đến những năng lượng tích cực, niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Nhờ cậu mà chị gái Marilyn vốn luôn tự ti mình xấu xí, vô dụng không được tích sự gì đã nhận ra mình là một cô gái xinh đẹp, và tìm thấy tình yêu cho cuộc đời mình. Anh trai Vincent luôn tự ám thị bởi chứng đau nửa đầu, gầy gò vì chứng biếng ăn đã hết đau bệnh và bắt đầu tăng cân. Bà mẹ trở nên vui vẻ, hạnh phúc với những món ăn mình làm cho gia đình và người cha đang dần dần dứt ra khỏi căn bệnh trầm cảm, những người khách hàng khoan thực hiện cái chết của mình để chú ý đến những điều thú vị hơn…
Mọi thứ trở nên tươi sáng, tốt đẹp hơn khi cuối cùng mọi người cũng nhận ra được niềm vui, giá trị của cuộc sống. Thế nhưng đó cũng là lúc Alan nở nụ cười mãn nguyện và buông xuôi tất cả. Cái kết khiến cho độc giả nghèn nghẹn, xốn xang đầy bi thương nhưng cũng đầy ý nghĩa. Alan đã hoàn thành sứ mệnh của mình, ra đi trọng hạnh phúc và sự thanh thản. Nhưng tại sao cậu lại không lựa chọn khác đi? Phải chăng cậu cũng đầy ưu phiền cũng đau khổ, cậu sợ cuộc sống này?
Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, cũng giống như việc mỗi chúng ta đều sẽ phải đặt ra câu hỏi và tự trả lời sau khi đọc xong cuốn sách này. Những câu hỏi muôn thủa, căn bản về bản chất của cuộc sống và chính bản thân mỗi người. Chúng ta sinh ra trên đời này với ý nghĩa gì? Và làm sao chúng ta mới có được niềm vui và hạnh phúc?
Phạm Thanh