“NƠI GIẤC MƠ EM THUỘC VỀ” – NHỮNG ĐIỀU CÒN ĐỂ NGỎ

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

Với việc ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “Không thể chạm vào em”, Nhóm 4.0 đã đem đến nhiều bất ngờ và hứng thú cho độc giả thông qua nội dung mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tình yêu của người vô tính. Tuy nội dung của câu chuyện còn gây nhiều tranh cãi song vẫn tạo được ấn tượng mạnh với độc giả – nhất là những phân cảnh “yêu” và “tự yêu” khiến người đọc cảm thấy khó có thể chấp nhận theo quan niệm văn chương truyền thống. Những tranh cãi về tác phẩm “Không thể chạm vào em” còn chưa lắng xuống thì Nhóm 4.0 lại tiếp tục dẫn người đọc vào một câu chuyện tình khác – không quá bi ai nhưng cũng lắm nỗi niềm – “Nơi giấc mơ em thuộc về”. Tác phẩm lần này đã thỏa mãn phần lớn độc giả, bởi lối hành văn ngắn gọn, súc tích. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó, tiểu thuyết vẫn còn những điều dang dở, khiến người đọc cảm thấy băn khoăn, hồ nghi.

Trước tiên, phải thừa nhận rằng, “Nơi giấc mơ em thuộc về” đã thành công trong việc khắc họa chuyện tình lãng mạn, ngọt ngào của cặp đôi Quang Tiến – Tiểu Vũ. Tuy có nhiều biến cố, nhiều nỗi đau và mất mát, nhiều điều rồi sẽ tiếp tục phải hi sinh trong suốt những tháng ngày gắn bó về sau, nhưng cho đến cuối hành trình, tình yêu của nhân vật chính vẫn vẹn nguyên, tròn đầy. Lựa chọn cái kết viên mãn, đôi khi có phần phi thực tế là phong cách của phần lớn những truyện ngôn tình hiện đại – đó là cách để thỏa mãn niềm ước mơ, những khát khao mà trong cuộc sống đời thường phải hi hữu mới có được. “Nơi giấc mơ em thuộc về” cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Mặc dù vậy, nhìn ở một góc độ khác, đôi khi có cảm giác tác phẩm không hẳn là một tiểu thuyết ngôn tình thuần chất!

Đặc điểm nổi bật của thể loại ngôn tình là tính giải trí cao. Xã hội hiện đại có quá nhiều áp lực mệt mỏi, căng thẳng, khiến cho một bộ phận không ít độc giả có xu hướng tìm đọc những cuốn sách nhẹ nhàng, lãng mạn, đôi khi có phần hời hợt, để vỗ về tâm tư trong thế giới mộng ảo – một trong những giá trị làm nên sức sống của thể loại ngôn tình. Tuy nhiên, trong “Nơi giấc mơ em thuộc về”, nhóm tác giả đã đưa vào quá nhiều vấn đề của cuộc sống, từ chuyện mải mê chạy theo dục vọng, dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, đến chuyện vì đồng tiền mà không ngần ngại vứt bỏ lương tâm, lừa gạt tình cảm của người khác, thậm chí có cả chuyện một người mẹ, vì muốn vớt vát chút hạnh phúc muộn màng mà thờ ơ trước nỗi đau của đứa con gái bà đã từng dùng cả tuổi thanh xuân để chăm sóc, thương yêu, vào lúc lẽ ra nó cần đến mẹ nhất… Việc lồng ghép quá nhiều sự kiện, nhiều tầng ý nghĩa vào tác phẩm, vốn dĩ không phải là phong cách và thế mạnh của thể loại ngôn tình. Tuy nó góp phần đem lại sự hấp dẫn, cuốn hút cho câu chuyện nhưng rõ ràng hiệu quả giải trí đã bị hạn chế. Người đọc, trong tâm thế muốn tìm kiếm những xúc cảm nhẹ nhàng khi lựa chọn ngôn tình, lúc này trái lại, phải suy ngẫm về những giá trị, bài học chồng chéo đặt ra trong tác phẩm. Trong một chừng mực nhất định, điều đó sẽ khiến cho không ít độc giả cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Hơn nữa, các vấn đề lại được dồn nén ở nửa sau của tiểu thuyết, trong khi nửa đầu câu chuyện diễn biến khá êm ái, nhẹ nhàng. Cấu trúc như vậy khiến cho tác phẩm lửng lơ ở ranh giới giữa ngôn tình lãng mạn và chính luận xã hội, dẫn đến, độc giả ngôn tình thì cảm thấy không được “giải trí” đúng nghĩa, còn độc giả của văn chương chính luận thì chưa chắc đã đủ kiên nhẫn để dõi theo hết nửa đầu câu chuyện “nhạt nhẽo” – so với gout đọc của họ – để mà có cơ hội cùng trải nghiệm, chiêm nghiệm về những vấn đề nhức nhối ken dày ở nửa sau. Sự mất cân đối này là một sự vụng về của nhóm tác giả trong quá trình xử lý đề tài, hay là một dụng ý nghệ thuật, nhằm xác lập một diện mạo mới và quan niệm mới về thể loại ngôn tình, theo đó, một tác phẩm ngôn tình hiện đại không nhất thiết chỉ tập trung vào chuyện yêu hận tình thù của những cá thể độc lập, mà hoàn toàn có thể dung chứa, bao hàm nhiều vấn đề của đời sống xã hội? Có lẽ, chỉ chính nhóm tác giả mới có thể trả lời cho câu hỏi đó!

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn đặt ra ở đây là, có hay không chuyện bỏ quên nhân vật phụ?

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra cho nhóm tác giả. Còn nhớ cách đây không lâu, khi tiểu thuyết đầu tay “Không thể chạm vào em” ra mắt, đã từng có độc giả đặt nghi vấn về chuyện có hay không sự đối xử “thiên vị”, “bất công”, “bạc đãi” nhân vật phụ, coi việc sáng tạo ra một loạt nhân vật phụ chỉ nhằm làm nền cho câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của hai nhân vật chính, và làm “đòn bẩy” cho cái tình yêu thuần khiết mà tác giả đang muốn hướng đến. Tuy nhiên, sau đó, không thấy nhóm tác giả đưa ra ý kiến hồi đáp trước những bình luận ấy. Tất nhiên, chúng tôi không phủ nhận thành công của nhóm tác giả trong việc “cài cắm” nhân vật phụ với những trăn trở, loay hoay đi tìm tình yêu đích thực của đời mình, từ đó làm nên dấu ấn riêng, không bao giờ bị nhầm lẫn. Nhưng cảm giác tiếc nuối mà những thân phận nhân vật trong “Không thể chạm vào em” để lại là có thực! Vậy mà, đến tác phẩm thứ hai này, những băn khoăn liên quan đến cách xây dựng nhân vật phụ vẫn tiếp tục quay trở lại.

Diệp Anh để lại cho người đọc ấn tượng tốt về một cô gái xinh đẹp, tài giỏi, cá tính nhưng lại hết sức tình cảm. Thế nhưng, “đất diễn” cho nhân vật này có phần hạn hẹp, tưởng chừng chỉ là nhân vật làm nền, một thứ “gia vị nêm nếm” cho cuộc tình của Tiểu Vũ – Quang Tiến thêm nổi bật. Nếu nói rằng đằng sau mỗi nhân vật là một số phận, một cuộc đời, thì mảnh ghép cuộc đời Diệp Anh sau khi Tiểu Vũ – Quang Tiến nên duyên sẽ như thế nào? Hé lộ về bản ngã và tình yêu Diệp Anh dành cho Tiểu Vũ là để nhằm mục đích gì? Vốn dĩ, tình cảm Diệp Anh dành cho Tiểu Vũ là tình chị em khắng khít, hay rung động lứa đôi, cơ bản không ảnh hưởng đến sự phát triển của mạch truyện. Nó không nhằm tạo ra một biến cố để thử thách tình yêu của cặp đôi nhân vật chính. Nó cũng không tác động đến mối quan hệ hay cách hành xử của các nhân vật với nhau. Đó đơn thuần chỉ là chuyện-của-cá-nhân Diệp Anh. Vậy gợi mở về giới tính và tình cảm của Diệp Anh, trong tình huống này, có ý nghĩa gì? Một cái kết mở để “tạo đà” cho sự ra đời phần hai của tiểu thuyết? Hay chỉ là một sự “cài cắm” dễ dãi, rẻ tiền, “ăn theo” sức ảnh hưởng của những tranh cãi về giới tính thứ ba nhằm câu view? Giá như, tác giả “yêu thương” nhân vật của mình nhiều hơn, thì có lẽ, độc giả đã không phải băn khoăn nhiều như thế.

Bên cạnh đó, nhân vật lão Đạm cũng để lại không ít trăn trở trong lòng người đọc. Ông ta vì tiền bạc mà đem thân ra đánh đổi, lợi dụng và lừa gạt tình cảm của một người đàn bà góa chồng đang khao khát chút hạnh phúc muộn màng, thậm chí ngay cả một cô gái hiền lành, yếu đuối, không đủ khả năng phòng vệ như Tiểu Vũ đang ngồi xe lăn cũng bị ông ta rắp tâm làm nhục. Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Một kẻ đê tiện, đớn hèn như thế, lẽ ra phải bị trừng phạt, phải nhận lấy kết cục bi đát, thê thảm hơn, chứ không chỉ đơn thuần là sự ra đi tay trắng nhục nhã như tác giả đã tạo ra trong tác phẩm này. Có thể, dụng ý của tác giả muốn để các nhân vật tự trả giá, tự giày vò trong phiên tòa của lương tâm, để cả phần đời phía sau không được thanh thản – đó, âu cũng là một lựa chọn – nhưng thiết nghĩ, công bằng vẫn nên được thực thi. Kẻ gây ra nỗi đau tinh thần cho người khác, phải trả giá bằng những ngày tháng sống trong tăm tối địa ngục tinh thần; kẻ gây ra nỗi đau thân xác cho người khác, phải trả giá bằng chính cái phần thân thể mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Với tôi, sự trừng phạt như thế mới đủ để là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ rắp tâm làm điều ác. Không nên trông chờ vào một bài học tự suy nghiệm, vì không chắc người đọc nào cũng làm được phép toán “suy ra”. Có lẽ, quyết liệt trong cách giải quyết các vấn đề, là điều còn thiếu ở tác phẩm này.

Đọc toàn bộ câu chuyện, không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của tác phẩm trong việc tạo dựng một niềm tin thiêng liêng về tình yêu trong sáng, thuần khiết, thủy chung – điều rất đáng trân trọng trong bối cảnh một bộ phận giới trẻ đang chao đảo, mất phương hướng, thiếu niềm tin vào tình yêu và những giá trị tốt đẹp của nhân sinh. Nhưng, giá như, tác giả san sẻ tình yêu thương cho các nhân vật đồng đều hơn; giá như, tác giả đừng quá tham lam dồn nén sự kiện, mà chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề được coi là điểm nhấn… thì có lẽ, tác phẩm sẽ hoàn hảo hơn trong mắt người đọc.

Còn “giá như” là còn nuối tiếc. Dẫu không phủ nhận rằng có nuối tiếc tức là tác phẩm đã để lại dư ba trong lòng người đọc – trên nhiều phương diện, đó cũng có thể coi là thành công, nhưng dẫu sao vẫn hy vọng trên hành trình sáng tạo tiếp theo của nhóm tác giả, sẽ bớt đi những cảm giác lưng chừng…

 

 

Nhóm 4.0

 

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...