CÁI ĐẸP TỐI THƯỢNG TRONG “TƯỢNG ĐÁ”
|“Cái đẹp” là gì?
Đã hàng nghìn năm trôi qua, loài người đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Cái đẹp là gì?”, nhưng thật khó để đưa ra một định nghĩa về “Cái đẹp”, hay một chuẩn mực của cái đẹp khi mà mỗi một người khác nhau, một thời kỳ khác nhau, lại có những câu trả lời khác nhau cho riêng mình.
“Tượng đá” của Lê Thị Nguyên là câu chuyện về những con người đi tìm cái đẹp của bản thân, ẩn chứa những cảm thức cái đẹp của chính tác giả về cuộc đời. L.Tônxtôi đã viết: “Sách viết về cái đẹp đã chất lên thành núi, nhưng cái đẹp vẫn là một câu đố giữa cuộc đời”.
Vậy “ Cái đẹp” trong “Tượng đá” rốt cuộc là gì?
“Chúng tôi uống trà, trò chuyện vu vơ về mấy khóm cây tôi trồng trước cửa. Dương khen chúng đẹp. Tôi thấy vui vui, lại hơi xấu hổ, đám cây tôi trồng tùy hứng, đâu được uốn tỉa như cây kiểng nhà người ta. Dương nói Dương thích vẻ đẹp tự nhiên, không cầu kỳ giả tạo, là thế nào hãy cứ là như thế. Tôi mừng thầm, như vậy Dương nhất định sẽ thích quê tôi”
Cái đẹp trong “Tượng đá” là cái đẹp tự nhiên, không cầu kỳ giả tạo, nhưng chỉ đơn giản vậy sao?
““Minh này, nhìn xem”. Rõ ràng giọng Dương có chút run rẩy. “Đẹp quá!”
Tôi nhìn chằm chằm vào vách đá ghồ ghề, thấy có gì đó là lạ, nhưng tôi không biết lý giải sao cho đúng, chỉ thấy là lạ, đẹp thì không.
“Gì vậy?”
Dương quay sang tôi, nửa ngỡ ngàng nửa hoang vu vô định.
“Minh nhìn xem, là một người đàn bà, một người đàn bà trên vách núi”.
Tôi giật mình, sao lại có đàn bà ở đây? Đưa mắt dáo dác tìm khắp xung quanh không thấy. Tôi hoang mang nhìn theo ánh mắt của Dương, ánh mắt vẫn đang dán chặt trên vách núi. Dần dần, hình ảnh như hiện ra rõ ràng hơn trước mắt tôi. Nổi lên nền vách đá gồ ghề, hình ảnh như một người đàn bà đang đứng đó, các đường nét mờ ảo, đan hòa, tan vào vách đá. Tôi tập trung tư tưởng, cố gắng nhìn kỹ hơn, người đàn bà một tay buông xuống bên hông, một tay đưa sang bên như cầm nắm hoặc buông bỏ thứ gì đó. Khuôn mặt với vài ba nét thô sơ hướng về phía xa xăm. Thật kỳ lạ, bầu ngực, người đàn bà ấy với hai bầu ngực tròn căng vừa kiêu hãnh vừa ấp e, bầu ngực hướng lên trên như khẳng định, như oán than. Tôi không hiểu sao mình lại nhìn thấy được người đàn bà trên vách đá ấy, sống động, ấm áp mà lạnh lùng, dù chỉ phút trước thôi, tôi vẫn thấy vách đá chỉ là vách đá. Vậy mà giờ đây, tôi thấy người đàn bà trên đó. Người đàn bà đó như muốn hòa vào đá, tan vào thẳm sâu trong lòng đá, lại như muốn bứt mình bước ra, thành một cá thể riêng rẽ, độc lập với đá. Chúng tôi đứng lặng chiêm ngưỡng tác phẩm bằng đá này. Liệu có phải bằng đá không, tôi nghi ngờ tự hỏi”.
Cái đẹp tối thượng nhất mà cô gái trong “Tượng đá” hướng tới chính là sự tự do, tự tại, xé bỏ mọi gông cùm xiềng xích trói buộc bản thân của thực tại, bứt mình bước ra khỏi chính hình hài của bản thân, tìm kiếm một thứ nghệ thuật chân chính.
“ “Minh biết không”, Dương bất chợt lên tiếng, “Dương thấy mình trong vách đá kia”.
Tôi lặng im nghe Dương nói, dù không giỏi chia sẻ, nhưng tôi hiểu lúc này Dương cần người nghe cô ấy nói.
“Dương là một người đàn bà, một người đàn bà. Từ khi ý thức được giới tính, Dương đã khao khát thoát ra khỏi hình hài của mình. Dương không muốn là đàn bà, an phận và khổ đau. Làm đàn ông ư? Dương càng không muốn, đàn ông cũng có đủ thứ bẩn thỉu. Đừng nghĩ Dương đang mạt sát đàn ông hay đàn bà, Dương chỉ cảm thấy muốn bứt ra khỏi hình hài của chính mình, là cái gì sau đó thì Dương không biết. Muốn thoát ra, muốn xé nát chính mình. Nhưng vẫn thỏa hiệp. khát vọng muốn phá vỡ và sự đớn hèn thỏa hiệp cứ song song trong Dương, bế tắc, không có lối thoát. Đôi khi, chỉ là đôi khi, Dương nghĩ, hay mình chết đi. Nhưng sau cái chết là gì, con người vốn không sợ cái chết, họ sợ thứ đằng sau cái chết, vì thế họ tao ra thiên đường và địa ngục. Mắc kẹt trong chính mình”.”
Mạch Thượng Tang
Key liên quan:
- cái đẹp là gì