SAVING MR. BANKS – HÃY HỌC CÁCH THA THỨ CHO CHÍNH MÌNH

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Đó là quá khứ và thực tại. Quá khứ khi Helen sống cùng gia đình trong một trang trại đầy nắng và gió ở Australia. Còn hiện tại, một P.L. Travers cáu kỉnh, kiêu kỳ, căm ghét hoạt hình và màu đỏ. Một P.L Travers lưỡng lự giữa lựa chọn cho đi, thỏa hiệp với quá khứ và học cách tha thứ cho chính mình.

Phim lấy bối cảnh năm 1961, tức là hơn 20 năm từ lúc Walt Disney thuyết phục P.L Travers chuyển thể cuốn tiểu thuyết Mary Poppins lên màn ảnh mà chưa thành công.

P.L Travers không bao giờ chấp nhận chuyện cuốn tiểu thuyết của mình sẽ trở thành một bản sao như hàng ngàn cuốn tiểu thuyết hay những bộ phim khác. Bà đã mỉa mai nói rằng, sau cùng thì Mary cũng chỉ như một viên gạch nhỏ trong vương quốc rộng lớn cùng cái máy in tiền của Walt Disney – vua Midas của Hollywood.

hoc - cach - tha - thu

Saving Mr.Banks – Học cách tha thứ cho chính mình

Nhưng rồi, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn với Travers khi sức hút của cuốn sách ngày càng giảm, số tiền nợ ngày càng nhiều, buộc bà phải nghĩ tới lời đề nghị của Walt Disney. Minh chứng bằng việc bà đã bay tới  Los Angeles để thảo luận về kịch bản chuyển thể.

Từ đây, những chi tiết về đời Travers được thể hiện song hành giữa quá khứ và thực tại. Không có sự chia tách nào giữa hai ranh giới, khi quá khứ như mảnh ký ức bay xuyên qua tâm trí của Travers, nơi bà đã nuôi dưỡng những ký ức vừa tươi đẹp vừa đớn đau về người cha của mình – ông Travers, ngài Bank làm việc trong ngân hàng giữa bốn bức tường cùng hàng đống những kim loại lạnh lẽo.

Có lẽ, việc trở thành một nhà văn để kể lại những câu chuyện cũng bắt nguồn từ cảm hứng về người cha, qua những câu chuyện mà Helen (tên thật của P.L Travers) đã kể. Có một chi tiết nhỏ trong phim, đó là khi Helen đang nói với cha về việc con gà đẻ trứng như thế nào, trong khi mẹ cô bé yêu cầu đi vào trong nhà để dọn cơm ăn, nhưng ông Travers đã nạt nộ vợ mình, ông yêu cầu bà hãy lắng nghe con bé, và ông cũng luôn miệng nhắc nhở Helen rằng, hãy không thôi làm những việc con thích bằng một trí tưởng tượng không giới hạn.

Cuộc đời luôn là bản án khắc nghiệt với chúng ta những hãy luôn học cách tha thứ, trước hết là cho chính bản thân mình.

P.L Travers đã luôn bị ràng buộc bởi quá khứ, việc viết nên cuốn sách Mary Poppins đối với bà, sau cùng cũng chỉ là tưởng nhớ về người cha quá cố của mình, ngài Banks trong lòng bà.

Trong câu chuyện vào một buổi chiều ở London, khi cuộc thương thảo giữa P.L Travers và Walt Disney đã đi vào bế tắc. Walt đã nói với P.L Travers rằng, có lẽ, bà ấy đã hiểu sai những gì về ông.

“Bà nghĩ rằng, tôi là vua Midas của Hollywood, mọi thứ tôi chạm vào đều biến thành vàng. Nhưng tôi gặp bà không phải thanh minh hay thuyết phục bà ký vào hợp đồng tác quyền, mà tôi muốn kể một câu chuyện về ngài Banks của chính mình.”

Rồi Walt kể cho P.L nghe câu chuyện về hai câu bé giao báo cùng người cha nghiêm khắc.

“Tôi luôn yêu bố tôi và tôi không bao giờ trách móc ông ấy. Ông ấy đã không làm gì sai cả, nên tôi chẳng việc gì phải tha thứ.” P.L đã nói vậy trong sự nghẹn ngào.

Rồi Walt tiếp lời:

“Tôi không kể câu chuyện đó cho bà nghe để cần một sự cảm thông từ bà. Tôi cũng yêu bố tôi. Nhưng cái chính là bà không phải tha thứ cho ông Travers hay ngài Banks mà bà cần học cách tha thứ cho chính mình.”

Hãy để cho quá khứ ngủ yên và chỉ giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, những khoảnh khắc đáng để ta trân trọng.

Bộ phim thực sự đã lấy đi nước mắt của độc giả ở những chi tiết vô cùng nhỏ, sự thương nhớ vô hạn như cái cách mà P.L đã dành cho cha mình, dành một nửa đời mình để tưởng nhớ. Và có lẽ, để cho sự ra đi của một hồi ức đẹp đẽ và đớn đau như thế hẳn không phải là việc dễ dàng, nhưng hãy luôn học cách tha thứ.

“Gió thổi từ đằng Đông

Sương mù dần kéo tới

Có điều gì nung nấu

Đang sắp sửa bắt đầu

Chẳng thể chạm tới được

Thứ đang chờ trước mắt

Những điều sẽ xảy ra

Đều xảy ra từ trước.”

 

 

Nguyên Nguyên

=> Đọc thêm: Cảm hứng từ những bài nói chuyện Ted Talks

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...