TRẦN NHÂN TÔNG – TRÚC LÂM ĐẠI ĐẦU ĐÀ

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

Trần Nhân Tông vị vua kiệt xuất của dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc của văn hóa Việt với tài thao lược cùng khả năng chỉ huy quân sự thiên phú, là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Vua Trần Nhân Tông tên thật Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông (Trần Hoảng) sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, đến năm 1293 thì tự nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm thái thượng hoàng.

Trong thời gian làm thái tử và tại vị, Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo toàn dân đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1285 và 1288. Năm 1299, vua xuất gia tại chùa Hoa Yên núi Yên Tử và lấy pháp hiệu là Trúc Lâm cư sĩ, tự xưng là Hương Vân đại đầu đà, người đời gọi Ngài bằng mỹ hiệu Trúc Lâm Ðiều ngự hay Ðiều ngự Giác hoàng. Từ đây Trần Nhân Tông là người truyền thừa chính thức của Thiền phái Yên Tử, thế hệ thứ 6 nối tiếp vị tổ sư thứ 5 là Huệ Tuệ.

truc - lam - dai - dau - da
Trúc Lâm Đạo sĩ xuất sơn chi đồ

Con người Trần Nhân Tông là đóa hoa sen bất diệt nở giữa vườn Thiền. Ngài là người tiếp nhận và kế thừa tư tưởng của ba dòng thiền trước đó là Tì – ni – đa – lưu – chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường nhưng vận dụng nhuần nhuyễn với tinh thần dân tộc, tạo thành Thiền Trúc Lâm riêng của người Việt. Để khái quát về vị vua anh minh của triều Trần nói riêng của triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, dùng ngôn từ chúng ta khó có thể diễn đạt hết vẻ đẹp thanh khiết trong tâm hồn ngài, và công lao to lớn đối với thời kỳ thịnh trị của Phật giáo Lý – Trần.

Trần Nhân Tông giảng Phật pháp tại nhiều trung tâm Phật giáo của nước ta thời bấy giờ, như các chùa Phổ Minh, Sùng Nghiêm, Báo Ân, Vĩnh Nghiêm… và đi vào quần chúng để truyền bá những giáo lý căn bản của Phật giáo. Sách Tam tổ thực lục chép rằng, năm 1304 Ngài “đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ các dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện”. Trước đó, Ngài đã từng vào tận Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay), lập am Tri Kiến ở đây. Năm 1301, Ngài tới Chiêm Thành đặt mối bang giao hòa bình giữa hai nước và đồng ý gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Cũng nhờ chuyến đi đó với sự kết giao hai triều đại mà hoàng đế Chiêm Thành đã tặng hai châu Ô và Lý cho nước ta.

Cuộc đời và hành trạng của Trần Nhân Tông là tấm gương soi sáng vạn dặm tỏa ngát hương thiền tới dân tộc ta. Một vị vua anh minh, một Trúc Lâm đại đầu đà, người sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, dấu son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 

 

Swallow

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...