Truyện dài THẰNG NHỎ CƯỜI BẰNG MẮT

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Văn án: 

“Nó không được chọn nơi mình sinh ra càng không được chọn ai là cha mẹ mình.

Nó là kết quả của lần vụng trộm giữa ông chủ và mẹ .

Thằng bé đáng thương vô cùng khi vừa chào đời đã phải vĩnh viễn rời xa dòng sữa mẹ. Bởi mẹ nó mặc cảm về tội lỗi của mình mà quyên sinh.

Nó lớn lên trong sự dày vò của người cha cùng nhiều thương cảm từ  bao người  xung quanh. Nhưng nó có biết mình bất hạnh không? Chỉ biết rằng nó hồn nhiên ấm áp, nó có một đôi mắt trong veo, một đôi mắt biết cười.”

 

Full truyện:

Không dành cho kẻ yếu tim

Thằng Công nhăn nhó mặt mày, nói cái giọng nửa như rên, nửa như hét:

– Mày làm cái trò gì á?

– Vô đây! Vui lắm! – Thằng Thiên nhìn ra, cười híp mắt.

Thằng Công lắc lắc đầu ngán ngẩm rồi quay lưng bỏ đi thẳng một nước, không thèm nhìn lại, càng không thèm bước vô hùa theo trò vui mà thằng Thiên đang bày ra ở trong đó.

Thằng Thiên nhoài nghiêng người, ngó theo bóng thằng Công đi mất, quay vô, nhún vai với thằng Phan rồi tiếp tục trò vui của nó. Trước mặt nó, trong mỗi chai Sting là một chiếc đũa cắm thẳng vào. Ở phía trên gần đầu đũa là một chiếc đũa được bẻ ngắn hơn một đoạn, cột ngang, tạo thành hình chữ thập. Trên ba chữ thập đó là ba con chuột bị cột dang hai chân trước vào chiếc đũa ngang và cột hai chân sau chụm vào chiếc đũa đứng thẳng. Cả ba con chuột đều còn mở mắt nhìn thằng Thiên nhưng không còn động đậy nổi nữa. Chắc chúng nó đã lử đi sau những giờ vùng vẫy, vật lộn để thoát ra mà không thể nên đành yên thân chịu trận.

Thằng Thiên cầm một chiếc đũa khác, xỉa xỉa vô mặt từng con chuột, nói giọng dài lê thê, cố pha trò – hoặc với thằng Phan đang chăm chú xem, hoặc với chính ba con chuột của nó.

– Tụi mày hư lắm, nghe chưa? – Thằng Thiên bắt đầu – Quần tao nè, áo tao nè, dây sạc của tao nè, tới cục xà bông tao tắm mà tụi mày cũng nỡ lòng nào cắn nát vậy hả, chuột?

Thằng Phan ngồi ở giường, chăm chú nhìn, chăm chú quay lại bằng điện thoại, cười ngất. Thằng Thiên liếc lên thằng Phan cái rồi lại quay xuống những “tù nhân” của nó.

– Nhìn tụi mày, tao cũng tội lắm chớ! Nhưng tội tụi mày, ai tội tao? Giờ, tao tuyên bố hành hình tụi mày, bêu thây ra cho đồng bọn tụi mày nhìn đó làm gương mà đừng bao giờ lân la tới đây cắn phá đồ tao nữa, nghe không?

Lừ mắt nhìn ba con chuột thêm cái nữa, thằng Thiên lại nói bằng cái giọng nó vẫn nói nãy giờ.

– Sao? Có uẩn khúc gì không thì nói nhanh ra? – Im lặng nhìn một vòng – Không hả? Không thì tao sẽ thi hành án!

Quay qua thằng Phan vẫn đang cười rung rinh, điện thoại ôm khư khư trước mặt, thằng Thiên hối.

– Lẹ mày! Đem của mày ra đây!

Thằng Phan gật cái rồi bỏ điện thoại xuống, cúi xuống gầm giường, lôi ra một hũ nhựa to hơn nắm tay nó chút, bên trong lúc nhúc gián đang giẫm đạp nhau cố tìm đường ngoi lên tranh không khí. Hai thằng rần rần cười rồi đem chiến tích của mình đi về phía cửa. Lát, tụi nó quay lại, đứa đứng nép sát vào cửa, đứa tựa lưng vô tường, nhịn để cười không thành tiếng nên nước mắt nước mũi chảy tèm lem, gập cong cả người lại khi nghe tiếng cho gái la chí chóe ngoài hành lang, khi nghe tiếng chân sợ sệt nép xa xa rồi ù té chạy.

***

Thằng Khang nghỉ yêu con Ni khi phát hiện ra thú vui kinh dị của con Ni là đi bắt bướm, bắt chuồn chuồn về ép xác. Thiệt ra thằng Khang cũng đã từng nghe về chuyện này rồi chớ không phải không, nhưng nó chỉ nghe bạn bè nói con Ni hay thích lang thang ở những chỗ có cây, có cỏ để bắt bướm, bắt chuồn chuồn, rồi nghe là con Ni có một bộ sưu tập bướm và chuồn chuồn khô. Hai thông tin nghe nhiều lần, có khi là chung, có khi là riêng. Nhưng nghe chung hay riêng hai thông tin đó, thằng Khang cũng không ráp lại theo kiểu logic để suy ra. Miết cho tới khi, nó ghé phòng đón con Ni đi uống nước mía, thấy con Ni đang cố thò tay vô cái hộp nhựa he hé nắp, bắt con chuồn chuồn còn sống tươi ra, gí vô quyển sách dày cộp, nghiêng đầu qua lại nhìn coi thử dáng con chuồn chuồn đã đẹp chưa, rồi “bụp” một phát, quyển sách gập lại, bẹp gí con chuồn chuồn ở trong, lại tới con bướm, lại tới con bướm khác, lại tới con chuồn chuồn khác… thì thằng Khang thất kinh hồn vía, bỏ về luôn!

Vuon-sa0-bang-2018
Hình minh họa: “Thằng nhỏ mắt cười”

Sau vài ngày ngơ ngác không hiểu, con Ni quyết định tìm thằng Khang hỏi thẳng. Phải hỏi để giải quyết cho bằng được! Phải hỏi để giữ thằng Khang! Cả khoa này – và thêm một nhóm đông đông các khoa khác – không đứa con gái nào là không mong được làm bạn gái của thằng Khang. Thằng Khang không quá đẹp mã, nhưng có kiểu ăn mặc nhìn vô là biết ngay con nhà giàu, học giỏi, lãng mạn và nhiều tài lẻ. Đứa nào cũng thích thằng Khang, nên, khi con Ni đã có được, nó quyết không dễ để tuột mất như vậy. Nên, nó quyết phải tìm thằng Khang để nói chuyện một lần cho ra.

Thằng Khang không tránh mặt, nhưng cũng không chịu tới quán. Nó nói con Ni cứ ra công viên, nói nhanh rồi về. Con Ni tự ái nhưng vẫn phải làm theo. Ra gặp, thấy thái độ thằng Khang còn tự ái hơn, nhưng vẫn phải nhịn.

– Rốt cuộc là vì cái gì? Anh nói đi? Anh có người khác hả?

– Không!

– Không vậy chớ vì cái gì? Anh hết thương em rồi hả?

– Không!

– Không vậy chớ vì cái gì? – Con Ni sắp khóc.

– Vì… hôm bữa anh tới phòng em – thằng Khang thật tình – lúc em đang ép chuồn chuồn…

– Thì sao? – Con Ni ngơ ngác.

– Thì sao hả? – Thằng Khang nổi cộc – Em nghĩ sao mà tụi nó đang sống, em làm vậy? Em không thấy em ác hả?

– Tụi nó chỉ là côn trùng thôi mà! – Con Ni cau mày, thiệt tình không hiểu.

Con Ni đành đứng dậy bỏ về sau khi thằng Khang làm một tràng về những gì nó nghĩ, nào con Ni quá dã man, nào con Ni vì thú vui của mình mà sẵn sàng mặc kệ nỗi đau của những gì liên quan… rồi bỏ đi. Về phòng, con Ni trừng trừng nhìn vô cái hộp nhựa đựng đầy chuồn chuồn và bướm không còn bay nổi vì thiếu không khí. Nó bực bội gới gần, thò tay vô, bắt lần mấy con, bỏ ra bàn rồi lấy sách đập lên bộp bộp.

Biệt thự và thằng làm công

Con Ni với thằng Phan và thằng Thiên mới chơi thân với nhau gần đây nhưng tỏ ra rất hợp. Trước đây tụi nó cũng biết về nhau nhưng không nói chuyện. Trọ cùng dãy phòng, học cùng trường nhưng khác khoa nên chỉ biết biết, chưa nói năng gì. Miết tới cái lần đầu tiên, khi thằng Phan và thằng Thiên hành xử mấy con chuột, con gián ở phòng tụi nó, rồi đem ra hành lang trưng để dọa bọn con gái, con Ni đi ngang thấy, nổi điên, xách luôn cả mấy vỏ chai Sting có đóng đinh mấy con chuột cùng hộp gián lổm ngổm bò bên trong, gõ đùng đùng cửa phòng hai thằng rồi thảy vô, chửi đổng.

– Có ngon thì làm cái gì to to á! Chơi dọa con gái vầy tưởng hay lắm hả?

Sau lần đó, tự con Ni cũng tưởng thằng Phan với thằng Thiên sẽ ghét nó, sẽ tìm cách dọa nó. Nó không sợ nhưng cũng dè chừng. Bình thường không có gì làm nó sợ, nhưng nếu bị cái gì bất thình lình thì chắc cũng hết hồn. Nên, cứ hễ đi ngang phòng hai thằng là con Ni lại dòm dòm, ngó ngó. Nhưng hoài thằng Phan với thằng Thiên chả làm gì. Thi thoảng hai thằng vẫn bắt chuột, bắt gián, tra tấn, hành hình rồi đem ra hành lang dọa con gái, nhưng tụi nó không đả động gì tới con Ni và cũng không tỏ ra ác cảm gì. Rồi cho tới bữa phòng con Ni bị cháy… nồi cá kho, hai thằng hộc tốc chạy qua, xông vào cứu lửa rồi cả ba rũ ra cười vì những gì vừa xảy ra rồi con Ni mời hai thằng ăn cơm trả ơn thì ba đứa thành thân.

Biết thằng Khang giận lẫy con Ni vì cái chuyện ruồi bu đó, thằng Phan và thằng Thiên vừa tức, vừa tức cười. Tụi nó cũng như con Ni, nghĩ đám kia là côn trùng thôi, không có suy nghĩ nên chẳng gì to tát nếu giết bọn chúng. Vậy mà sao đầy người nghĩ đó là chuyện ghê gớm vậy trời? Nghĩ ghê cũng được, nhưng ghê tới mức đi chia tay với con nhỏ mà thằng Khang đã trồng cây si từ khi con này bước vô trường, tới giờ là yêu gần ba năm thì vô lý quá. Hai thằng quyết tìm thằng Khang để nói gì đó bênh vực cho con Ni, dẫu tụi nó cũng chưa biết sẽ nói gì. Con Ni biết chuyện, không những không cản mà còn “chỉ điểm” cho hai thằng nhà thằng Khang ở.

Không bất ngờ khi thằng Khang ở biệt thự. Nó giàu, ai cũng biết! Nhưng ở cái biệt thự to như cái cung điện vậy – trong khi ba mẹ nó đi định cư nước ngoài hết rồi – thì thiệt tình là quá bất ngờ. Thằng Phan và thằng Thiên lơ ngơ láo ngáo trước hàng rào cao lút đầu tụi nó, chưa biết tính sao thì thấy cái bóng quen quen của thằng Công từ đằng xa đi lại, dẫn theo một cái bóng thấp lũm chũm, đi những bước khó khăn và ngờ nghệch sát bên.

Thấy thằng Công tiến lại phía mình, cả thằng Phan và thằng Thiên đều tỏ ra rất lúng túng, không biết lỡ thằng Công hỏi, hai đứa nó nên nói sao về chuyện rình rập trước căn biệt thự này. Thằng Công cũng có vẻ bất ngờ khi nhận ra hai thằng bạn mà nó đã không thèm nói chuyện với từ sau bữa thấy hai thằng tra tấn mấy con chuột. Cái bóng thấp lè tè đi sát bên thằng Công cũng khựng lại, đưa con mắt ngây dại của nó lên nhìn thằng Công rồi vội vàng núp ra sau lưng thằng Công như tìm một sự che chở.

– Tụi mày làm cái gì ở đây? – Thằng Công hất hàm hỏi.

– Tụi tao làm… làm gì mắc mớ gì tới mày? – Thằng Thiên bĩu môi.

Thằng Công lừ lừ nhìn, vẻ nghi ngờ rồi hơi nghiêng đầu ra sau, cười hiền với cái bóng thấp lũn tũn vẫn đang núp sau lưng nó rồi lừ mắt nhìn thằng Thiên, thằng Phan thêm cái nữa, bước thẳng tới cổng ngôi biệt thự, tay nắm chặt tay cái bóng giờ đã lộ rõ ra trước mắt thằng Thiên và thằng Phan.

Thằng Thiên trợn tròn mắt nhìn. Thằng Phan nhảy lùi một bước. Ở cái mặt ụ thịt đến mức méo mó, cái miệng rộng cùng cặp môi dầy ngoác ra, nhễu nhão nước miếng, bên trên một chút, cặp mắt dài dại mà sao hiền lành quá! Nhộng mắt gờ lên cục u dưới mắt, tạo thành một vệt cười. Vệt cười bằng mắt!…

***

Con Ni bành miệng, vẻ vừa thất vọng, vừa bực bội.

– Xong cuối cùng là đi về?

– Chớ… chớ biết làm sao? – Thằng Thiên ấp úng.

– Không nghĩ ra cách nào hết? – Con Ni thở hắt ra, chán nản.

– Thì biểu đưa số điện thoại của nó để gọi, không chịu đưa! – Thằng Thiên cáu.

– Đã nói là ổng không thích cho ai số điện thoại hết! – Con Ni cũng cáu luôn.

– Chịu thua! – Thằng Thiên nhún vai – Không biết đâu!

– Chớ không biết đợi lúc ổng đưa ông Công ra, gặp ổng hả?

– Đợi hoài, có ai ra đâu? – Thằng Thiên bực mình, quay đi.

Thằng Phan nhìn thằng Thiên rồi nhìn con Ni, đưa đầu tới trước, thì thào.

– Mà… mà thằng Công tới đó chi ta?

– Tới… xin chớ chi! – Con Ni bĩu môi – Ai chả biết thằng đó nghèo kiết xác. Ai chả biết ông Khang giàu.

– Còn… còn thằng nhỏ kia – thằng Thiên gãi gãi đầu – là… là gì ta?

– Không biết! Không quan tâm! – Con Ni đứng dậy – Tui về! Nhờ hai ông, thà tự làm cho đỡ bực mình.

Thằng Thiên, thằng Phan nhìn theo con Ni, cau mày. Nó nhờ vả mà y chang bà nội người ta, không vừa ý là này nọ. Thấy ghét! Bị bỏ là đáng đời!

Con Ni hằm hằm bước đi. Nghĩ mà bực bội, nhờ chút chuyện cũng không xong. Không xong thì để tự làm. Ờ, việc của mình, mình tự làm lúc nào cũng tốt nhất.

Thế là chặp tối nó chạy xe tới trước cửa nhà thằng Khang. Biết kiểu gì thằng Khang cũng ở nhà. Vì, ngoài qua chở nó đi chơi, nếu có hẹn, thằng Khang gần như không bao giờ ra ngoài. Hỏi nhiều lần là ở nhà làm gì, ngoài câu trả lời mất hứng là học bài ra, thằng Khang chả khi nào có câu trả lời nào khác. Nhưng, nghĩ lại, con Ni thấy có gì đó nghi nghi…

Ánh đèn đường vàng vọt hắt xiên xiên từ trên đổ xuống khiến khu biệt thự nhà giàu trở nên ma mị, đặc biệt là giữa sự tĩnh mịch vốn được người ta bỏ rất nhiều tiền ra để mua này, khiến con Ni rợn người. Nó ngó quanh quất một chút, hít sâu rồi vội vàng chòi chòi hai chân, đẩy xe tới trước cổng nhà thằng Khang – ngôi nhà mà nó đã đứng đây nhìn ngó gần nửa tiếng đồng hồ với hy vọng thằng Khang sẽ đi đâu đó ra ngoài.

Cánh cổng đóng im lìm. Bên trong, chỉ bóng sáng duy nhất từ trên lầu leo lét hắt ra. Chắc là phòng thằng Khang. Tự nhiên con Ni thấy hài lòng. Vầy, có nghĩa là thật sự thằng Khang chỉ giận nó vì thú vui của nó chứ không phải thằng Khang có người khác. Vì, có người khác chắc thằng Khang đã không ở nhà. Con Ni tần ngần, tính móc điện thoại ra gọi, nhưng không biết nên gọi hay nên bấm chuông cửa để thằng Khang bất ngờ. Thế là, nó lại tốn một khoảng thời gian khá dài đứng suy nghĩ về chọn lựa bấm thứ trên tay nó hay thứ ở phía trên cao cây cột của cái cổng to bự sát nó.

Có tiếng rọt rẹt sát cánh cổng. Nhỏ thôi, tần ngần và có phần sợ sệt, nhưng con Ni nghe rõ, rất rõ. Con Ni vội vàng nhìn qua, rồi nhìn xuống. Nó hét lên một tiếng thất thanh, nhảy giật lùi vài bước khiến nó loạng choạng. Nó thật sự sợ hãi! Bên trong đó, ở khoảng ngang ngực con Ni là gương mặt mập ụ méo mó cùng cái miệng mở tang hoác đầy nước nhễu ra. Sự ghê sợ khiến con Ni không để ý thấy cái cười bằng mắt mà sinh vật lạ kia gửi ra cho nó, từ cặp mắt trắng dã, vô hồn mà hiền lành, thân quen.

Chưa biết phải phản ứng thế nào thì con Ni càng bất ngờ hơn khi thấy thằng Công lù lù xuất hiện. Thấy con Ni, thằng Công vừa lúng túng, vừa bất ngờ, và cả khó chịu.

– Bà… bà làm cái gì ngoài đó?

– Tui… tui… – con Ni lấy tay đập đập nhẹ vào ngực – tui… à mà ông làm gì ở trỏng?

Thằng Công phản ứng theo cái kiểu con Ni là chủ căn biệt thự này không bằng. Nó lúng túng, cúi đầu, di di chân dưới đất, khẽ vòng cánh tay ra sau để che chắn cho cái sinh vật lạ khi nãy con Ni thấy vừa lũm đũm chạy ra, núp sau lưng thằng Công.

– Xin xỏ gì mà từ chiều tới giờ?

– Bà nói cái gì? – Thằng Công cau mày.

– Chớ không phải xin xỏ, ông làm cái gì ở trỏng? – Con Ni nghếch mặt.

– Tui… tui làm công ở đây!

Con Ni à ra một tiếng rồi nhún vai, toan hỏi về thằng Khang nhưng câu hỏi nhanh của thằng Công đã khiến nó phải khựng lại.

– Mà, sao bà biết tui ở đây từ chiều tới giờ?

Hè…

Con Ni chuẩn bị đồ đạc về quê. Thằng Thiên thằng Phan xúm vô phụ nó xếp đồ. Mấy đứa bạn gái cùng lớp nhăn nhó tỏ ra khó chịu, tại vì, đồ đạc của con gái mà hai thằng cứ tỉnh bơ ngồi xếp thì thiệt là thấy bệnh bệnh. Mà chắc hai thằng bệnh thiệt, tại, ngoài thằng kia ra, thằng này chả khi nào đi với ai rồi ngược lại. Hiếm hoi thì tụi nó có một mối quan hệ theo kiểu dễ đi, dễ bỏ như thằng Công. Hiếm hoi hơn nữa thì có con Ni khùng khùng chơi chung với tụi nó. Ngoài ra, chả còn ai! Nhìn cái kiểu hai thằng chụm đầu xếp đồ cho con Ni, thi thoảng ngóc lên nhìn nhau, to nhỏ gì đó rồi cười, đám bạn gái của con Ni chỉ lắc lắc đầu, bĩu dài môi theo kiểu hết sức kỳ thị.

Con Ni cũng kỳ. Con gái con đứa cái kiểu gì mà quà cáp mua về quê toàn bánh toàn trái thì không để hai thằng gói ghém, lại đi xúi hai thằng xếp quần áo cho. Con gái con đứa cái kiểu gì mà có con trai trong phòng cứ tồng ngồng không áo lót đi tới đi lui, cười nói hể hả theo kiểu chỉ có mình nó một vùng. Nên, cái buổi chuẩn bị đồ đạc của con Ni vốn bắt đầu đông đông rồi giãn dần ra, mấy đứa con gái chán ngán bỏ về tuốt, còn lại mỗi con Nhung cùng thằng Phan, thằng Thiên ngồi lại với con Ni.

Con Nhung thì đợi thằng Phan với thằng Thiên về phòng để nói chuyện riêng với con Ni. Thằng Phan với thằng Thiên thì đợi con Nhung về để nói chuyện “khó nói”. Thành ra, ba đứa cứ gườm gườm nhìn nhau rồi nhìn đồng hồ theo kiểu đuổi khéo. Chả đứa nào chịu về. Con Ni cũng chả chịu tinh ý gì để sắp xếp, cứ tỉnh bơ làm ba đứa bắt đầu ngọ nguậy khó chịu sau một hồi không thể tiễn kẻ kia đi.

Chặp, chắc hết kiên nhẫn, con Nhung đứng dậy, đằng hắng cái.

– Ê, Ni! Ra ngoài, tao nói cái này chút.

– Ờ! – Con Ni đứng dậy, đi theo con Nhung ra ngoài.

Ra tới ngoài rồi mà con Nhung vẫn te te đi tiếp. Con Ni nhìn theo, khá khó chịu nhưng vẫn đi theo. Đến đoạn gần sát đường chính, con Nhung quay lại, nhìn con Ni chằm chằm, vẻ khó chịu.

– Sao… sao mày đi nói tùm lum là ông Công ở đợ cho nhà ông Khang vậy?

– Thì thiệt là vậy, tao nói vậy. Tao có phịa ra đâu? – Con Ni cau mày, có vẻ bực.

– Mày… mày làm vậy, có nghĩ ông Công khó xử khi đi học không?

– Mắc chó gì? – Ni bĩu môi – Ở đợ thì nói là ở đợ. Sĩ diện hão nên mới thấy mắc cỡ. Ở đợ cũng là đi làm, có trộm cắp gì đâu mà khó xử với dễ xử?

– Mày không biết gì thì đừng có nói…

– Tao biết gì thì nói cái đó – Con Ni hét – Khi nào tao dựng chuyện lên nói thì mày hãy nói tao.

– Mày…

– Ủa – con Ni nheo nheo mắt – mà mắc gì mày xía vô chuyện này? Không lẽ mày với ông Công…?

Con Nhung thở hắt ra, quay lưng bỏ đi luôn, không thèm nói năng gì nữa. Con Ni nhìn theo, bĩu môi. Tưởng gì! Tưởng tốt lành lắm! Thì ra giả đò qua xếp đồ giùm để lên mặt bênh thằng bồ nghèo kiết xác của nó. Nghèo mà còn bày đặt sĩ diện. Thấy ghét!

Quay vô lại trong phòng, con Ni hằm hằm kể cho thằng Phan với thằng Thiên nghe. Thằng Thiên không phản ứng gì. Thằng Thiên xun theo, nói xấu con Nhung từa lưa làm con Ni có vẻ hả hê lắm. Nịnh chán, thằng Thiên nhe răng cười.

– Bà… cho tui mượn ít tiền!

– Gì? – Con Ni nhướng mày.

– Thì… cũng phải có mà bọc trong người về nhà, chớ không lẽ…

– Chớ tiền nhà ông gửi ông đâu mà đi mượn tui?

– Xài hết rồi!

***

Nghe tiếng gõ cửa, con Ni đinh ninh là khi nó đi ra, mở cửa, sẽ hét thẳng mặt thằng Thiên với thằng Phan là đừng có tiền tiền bạc bạc nữa. Bạn bè, chơi với nhau, muốn không sinh chuyện thì đừng có đụng tới mấy thứ đó. Nhưng, khi cánh cửa phòng mở ra, con Ni chẳng những không nói được câu nào nghe nặng nề, mà thậm chí còn lúng túng tới mức đỏ au mặt mày, ngoài tròn miệng nhìn ra, nó không biết làm gì. Không phải thằng Thiên với thằng Phan! Là thằng Khang!

Thằng Khang không đóng kịch, nó thiệt tình không muốn ồn ào hay nhắc gì tới những chuyện có thể gây tranh cãi nên chỉ nhã nhặn hỏi vài câu về chuyện ngày mai con Ni về quê nghỉ hè. Bình thường, ngày xưa quen nhau, con Ni cũng không dám tỏ ra giận lẫy, nhõng nhẽo với thằng Khang, vì vốn tính thằng Khang ghét những chuyện đó. Nên giờ, dẫu rất khó chịu với kiểu thằng Khang biến mất khỏi đời nó một khoảng thời gian dài, rồi bỗng dưng xuất hiện, nói chuyện như chưa từng có gì xảy ra, nhưng con Ni cũng chỉ dám ngọt ngào trả lời, không dám nhắc gì tới chuyện đã xảy ra. Chỉ có điều, con Ni cảm thấy, thằng Khang rõ ràng không qua để làm lành. Mà, nếu không qua để làm lành, thằng Khang qua tìm trước khi nó về quê làm gì, con Ni thiệt không biết.

Cho tới khi thằng Khang có ý muốn về, dẫu con Ni biết, còn chuyện gì đó thằng Khang chưa nói, con Ni lật đật lên tiếng.

– Hồi xưa… hồi xưa anh hứa là sẽ về quê một lần với em…

– Ờ – thằng Khang có vẻ lúng túng.

– Hay… giờ anh về xếp đồ, mai đi với em?

– Anh… đi không được!

– Sao không được? – Con Ni đứng phắt dậy – Anh ở có một mình, không phải lo cho ai, lại có ông Công canh nhà…

Thằng Khang đưa mắt nhìn lên con Ni đang bực dọc ngó xuống nó, chậm rãi đứng dậy, nhẹ nhàng.

– Anh cũng tính qua nói em chuyện đó!

– Chuyện gì? – Con Ni nhướng mày.

– Chuyện anh với Công…

Thằng Khang bỏ lửng. Con Ni nhướng mày càng cao hơn, tỏ rõ sự bất ngờ và tò mò không thể giấu.

– Chuyện anh với ông Công? Nghe… ghê quá!

– Thiệt ra… mà thôi! – Thằng Khang lắc đầu – Em không biết thì đừng nói tùm lum. Công nó còn phải đi học. Em nói ra nói vô kiểu đó, khó xử cho nó!

– Thì ra – con Ni cười khẩy – anh qua đây chỉ để bênh bạn anh?

Thằng Khang đăm đăm nhìn con Ni. Có vẻ như nó không muốn nói nữa, vì chắc nói con Ni cũng không hiểu. Nó lặng lẽ cúi đầu rồi bước ra cửa. Con Ni bất lực nhìn theo rồi sáng mắt khi thấy thằng Khang quay lại.

– Em chả hiểu gì về anh cả! Đó là lý do anh nghĩ, mình không nên ở gần nhau!

Tống tiền

Thằng Phan lắc đầu nguầy nguậy, cương quyết không chịu. Thằng Thiên nghiến răng, đưa hàm qua lại, kiểu như hết chịu nổi cái kiểu hèn hèn mà thằng Phan lúc nào cũng thể hiện ra. Nó bật dậy, nói giọng gầm ghè.

– Mày không làm, tao làm! Tao làm xong, mày đừng hòng mà kêu tao…

– Đừng! Thiệt tình…

– Im mẹ mày đi! Thằng hèn!

Nói rồi, thằng Thiên hằm hằm bỏ đi ra ngoài. Thằng Phan nhìn theo, chới với. Nó mừng rỡ ngó ra khi nghe thấy tiếng chân lẹt xẹt trở lại gần phía mình hơn. Nhưng rồi, thằng Phan sa sầm mặt, xanh méc như kiểu không còn giọt máu nào chảy nổi lên tới đầu nó.

– Sao? – Một thằng trong hai thằng vừa tiến tới cửa phòng thằng Phan lên tiếng – Tụi mày tưởng trốn được hả?

– Không… không có! Tại… tại…

– Phòng mày, lớp mày, thậm chí nhà mày ở quê, tụi tao biết hết! Đừng có nghĩ là trốn được tụi tao.

– Không có thiệt mà! – Thằng Phan nói như rên.

– Không có thì đem tiền qua trả tụi tao! Trả đủ! Thiếu một ngàn cũng khỏi đi học đi hành gì hết, nghe chưa?

Thằng Phan vẫn ngồi xếp re, không dám cục cựa. Hai thằng du côn đứng nhìn nhìn thêm lát nữa rồi bỏ đi. Thằng Phan thở kha cái khì, như vừa trút được gánh nặng trăm ký từ vai xuống. Thở xong, trút xong thì lại thấy nặng trĩu trở lại, thậm chí còn nặng hơn khi nãy. Nó biết, đám kia không hù dọa khi nào. Mà, cho dù có hù dọa hay không, thì ở đời, có mượn là phải có trả, chả thể quỵt ai. Cũng tại nó dại, theo thằng Thiên vài bữa lê la ở mấy quán cóc đó thôi, là lô, là đề, chả con nào nó không thử qua. Đầu thì một hai ngàn, rồi một hai chục ngàn, riết lên một hai trăm ngàn, giờ là… Thằng Phan lắc lắc đầu, sợ, không dám nghĩ nữa! Tự nhiên, nó mong khi nãy nó đã đồng ý đi cùng thằng Thiên. Tự nhiên, nó ước sao cái chuyện nó cản thằng Thiên sẽ được thằng Thiên làm một cách trơn tru, trót lọt. Lạy trời…

***

Thằng Khang cau rịt mày, tái mặt.

– Mày nói cái gì?

– Tao nói cái gì hả? – Thằng Phan nhún vai – Cần phải nghe lại hả? Ờ, thì tao nói lại. Con Ni có bầu!

– Ni có bầu? – Thằng Khang thật sự hoảng hốt – Với… với ai?

Thằng Phan chưng hửng nhìn thằng Khang.

– Ý mày là sao?

– Ý gì? – Thằng Khang ngơ ngác.

– Mày hỏi nó có bầu với ai là ý gì?

– Là vậy chớ là gì trời?

– Mày… đúng là thằng tồi! Làm rồi không dám nhận hả? – Thằng Phan hằm hằm đóng mặt hình sự.

– Làm gì? – Thằng Khang ngơ ngác, rồi vỡ ra – Thằng điên! Mày nghĩ sao nói tao làm chuyện đó với Ni?

Thằng Phan tròn mắt, ngơ ngác rõ ràng. Nó thiệt không biết phải làm gì tiếp ngoài cứ tròn họng nhìn thằng Khang. Thằng Khang cũng nhìn thằng Phan, thở hắt ra, giọng buồn rười rượi.

– Tao cứ tưởng Ni chỉ chơi mấy cái trò dã man. Không ngờ cổ lại vậy sau lưng tao…

– Hả… hả… Thiệt tình là mày không… không…

– Khùng quá! – Thằng Khang cười mếu máo – Mà… Ni nói với mày lâu chưa? Mấy tháng rồi? Ni tính sao?

– Tao… tao… tụi tao…

Thằng Khang cố ngó lơ đi chỗ khác. Có là đứa bình tĩnh cỡ nào, thiệt nó cũng khó có thể chấp nhận người là bạn gái chưa chia tay bao lâu nay lại báo tin có bầu. Thằng Phan lựa thời cơ đó, đứng nhanh dậy, nói lắp bắp.

– Thôi… tao… tao về! Xin lỗi đã hiểu lầm mày!

– Phan! – Thằng Khang ngó lên – Sao mày tìm tao?

– Thì… thì ai chả biết mày với con Ni quen nhau!

– Nhưng cho dù là tao có làm đi, thì Ni cũng phải nói gì mày mới tìm tao chớ?

Thằng Phan đảo mắt, liếm môi, ngồi xuống trở lại, giọng chùng đi như kiểu buồn và lo lắng lắm.

– Thiệt tình thì con Ni tính bỏ…

– Cái gì? – Thằng Khang trợn mắt.

– Chớ mày nghĩ thử, nó đang đi học, nhà nó lại khó khăn vậy, nó giữ kiểu gì?

Thằng Khang thở dài, mặt mày đau đớn thật sự, gật gật đầu ra chiều đành phải thừa nhận những gì thằng Phan nói là đúng. Thằng Phan thấy vậy, làm tới.

– Mà… tao sợ ra ngoài không đảm bảo nên tính qua hỏi mày để… để…

– Tao không làm…

– Tao biết rồi! – Thằng Phan tặc lưỡi – Nhưng giờ phải lo cho con Ni…

– Tao nói tao không làm được!

– Ý mày là…?

– Tao không thể đưa tiền cho mày để mày dẫn Ni đi giết đứa nhỏ được!

Thằng Phan thở ra bất lực, còn thêm phần thất vọng nữa! Thằng Khang cắn môi suy nghĩ một lát rồi lại thở ra.

– Mày về đi! Khi nào Ni vô lại, tao sẽ tìm Ni nói chuyện!

– Hả? Đừng… đừng… Cái này… cái này…

– Tao biết cách nói để Ni không mặc cảm với tao! Mày yên tâm! Tốt nhất giờ mày về gọi, nói Ni vô sớm, tính cho kỹ trước khi gia đình Ni biết!

Nói rồi, thằng Khang nhổm dậy, thò tay lấy tiền trong túi, để lên bàn, giằng ly café uống dở lên trên, đứng dậy, bỏ đi. Thằng Phan với theo.

– Khang! Đừng! Đừng!

***

– Có khi nào… mày… mày hận tao không, Công?

– Khùng! Mày làm gì tao mà tao hận?

– Vậy… mày có hận ba tao không?

– Cũng không! – Thằng Công thở dài – Thiệt ra, ba mày cũng có làm gì tao đâu!

– Nhưng mà, nếu không phải ổng…

– Mày đừng nhắc nữa, được không? – Thằng Công ngắt ngang – Chuyện hơn chục năm rồi, tao thậm chí chả nhớ nổi hồi đó tao cảm thấy gì, mà cứ vài bữa mày nói một lần, nghe sốt ruột quá!

Thằng Khang quay qua nhìn thằng Công bằng ánh mắt đăm đăm khó hiểu, nửa đau đớn, nửa hàm ơn. Rồi, nó vội vàng quay nhanh đi khi cái mặt mập thịt méo mó lũm bũm tiến lại gần nó và thằng Công. Thấy phản ứng của thằng Khang, thằng Công lật đật quay qua.

Cái bóng – thiệt ra là một thằng nhỏ, chừng mười ba mười bốn tuổi gì đó, không chắc, với tất cả mọi thứ đều ngắn ngủn bất thường và mập ụp cũng bất thường – bước những bước chậm rãi khó khăn trên đôi bàn chân vẹo vẹo tiến về phía hai thằng, đôi tay chìa tới trước khi còn cách thằng Công chừng vài bước. Thằng Công lật đật chồm tới, chìa tay ra, đỡ nhẹ vào một cánh tay của thằng nhỏ, kéo tới gần mình. Thằng nhỏ hướng gương mặt xẹo xọ của nó lên trên, thẳng đến ánh mắt của thằng Công, và, như tất cả mọi khi, nó cười nụ cười hiền queo của nó trôi ra từ mắt. Thằng Công đưa tay, vuốt nhẹ trên gờ má xệ thịt đầy tàng nhang của nó.

– Đi dạo hả?

Cái mặt phịch ra, gật gật. Cái miệng há to hơn, vẻ phấn khích, khiến nước miếng càng nhễu ra nhiều hơn. Nó chỉ chỉ tay ra cửa, miệng cố tạo thành hình để có một âm thanh có nghĩa.

– Chó… chó…

– Rồi! – Thằng Công cười, đứng dậy – Anh dẫn đi qua bà Bảy chơi với Misa!

Hình như, từ khi thằng nhỏ xuất hiện cùng cặp nhộng mắt luôn cười ấy, thằng Công quên hết mọi sự đời, quên chuyện thằng Khang vừa nói, thậm chí, có khi, nó quên luôn cả chuyện thằng Khang vẫn còn đang ngồi đó, khảy cái nhìn nửa đau đớn, nửa thương yêu về phía thằng nhỏ, nên thằng Công nói xong là tỉnh bơ đứng dậy, chậm rãi bước để cái dáng lùn mập kia kịp bước cùng.

– Công! – Thằng Khang cố tình kêu to.

– Hả? – Thằng Công hơi giật mình, quay lại.

– Bữa nay… – Thằng Khang nhổm dậy – …tao đi chung!

Giỗ mẹ

Bóng thằng Công đổ dài trên đường chiều, bên cạnh đó là cái bóng ngắn xủn, mập thù lù. Hai cái bóng nhấp nhô nhấp nhô theo nhịp bước chậm và đều. Thằng Công khựng lại. Cái bóng kia khựng lại theo. Cặp mắt vẫn hay cười bỗng trở nên ngơ ngác, ngước lên nhìn thằng Công. Rồi, theo một phản xạ rất con người, nó nhìn về phía thằng Công vẫn đang nhìn. Nơi đó, nơi cả thằng Công và thằng nhỏ cười bằng mắt đang nhìn, ở hàng thứ năm, dãy thứ ba trong nghĩa địa, thằng Khang đang ngồi thẫn thờ trước bia mộ trắng, vai nó run lên từng hồi. Thằng Công cụp xuống! Cặp mắt biết cười của thằng nhỏ cũng cụp xuống! Lặng thinh! Thằng Khang vội vã đi về.

Mẹ thích cẩm chướng! Thằng Khang biết chuyện đó – thằng Công chắc chắn – nhưng năm nào cũng như năm nào, thằng Khang đến, vài lần, sinh nhật mẹ, giỗ mẹ, Tết và một ngày nữa, cùng với bó hồng trắng bó tròn dài đặt ngay ngắn trước di ảnh mẹ có cái nhộng mắt biết cười rất đặc biệt, rất quen thuộc. Thằng Công cũng biết, việc thằng Khang làm là làm thay cho một người khác – hay ít nhất là thằng Khang nghĩ vậy. Tự nhiên năm nay, thằng Công có cảm giác gì đó lạ lắm, vẫn chạnh lòng thương thằng Khang như mọi năm, vẫn đau đáu nhớ mẹ như mọi năm, nhưng năm nay, có cái gì đó thiệt sự rất lạ cuộn trong lòng nó. Và, thằng Công muốn biết, đó là gì!

Lúc thằng Công dẫn cặp nhộng mắt biết cười về tới căn nhà, mà nói đúng ra là cái lều tạm dột nát của nó, thì con Nhung đã bày biện đồ cúng ra bàn xong. Cái bóng mập lùn vừa thấy bóng con Nhung thì chạy xiêu vẹo tới, ôm chụp lấy chân con Nhung, giúi thẳng đầu vô đít con nhỏ, khiến con Nhung như mọi lần vừa ngượng, vừa thương, cố gỡ đầu thằng nhỏ ra, ngồi xuống, hun hít lên mặt, lên má nó khiến thằng nhỏ càng mừng rơn. Thằng Công chồn chân trước cái thương yêu quá thật mà con Nhung đang phát ra ở từng cái hôn như muốn bẹt má thằng nhỏ. Tự nhiên, nó muốn khóc quá chừng!

thang-nho-mat-cuoi2
Người mẹ khổ hạnh

Con Nhung hôn chán, quay ra nhìn thằng Công, cười.

– Bữa nay có xôi đậu phụng, anh!

– Hả? – Thằng Công cau mày, bước vô – Em biết nấu rồi hả?

– Tao nấu! – Thằng Khang từ trong bước ra, trên tay là dĩa xôi đậu phụng nóng hổi – Mẹ thích xôi đậu phụng mà tụi mày cứ nấu xôi gấc hoài là sao?

Không nhiên, thằng Công bật khóc. Khóc tu tu. Con Nhung cắn chặt môi để không khóc hùa. Cặp nhộng mắt ngước lên, sợ hãi rồi từ cặp mắt biết cười ấy, dòng đùng đục, hôi hổi chảy ra…

***

Thằng Công sánh bước cùng con Nhung ra đường. Đi mà nó cứ ngoái đầu lại, nhìn về phía căn nhà lụp xụp, tồi tàn của mình. Con Nhung nhìn theo, thở dài.

– Em nghĩ, anh Khang lo được mà!

– Ờ… ờ… chắc vậy! – Thằng Công hơi lúng túng.

– Hay… thôi anh vô đi! Để em tự bắt xe được rồi!

– Không! – Thằng Công lắc đầu – Anh bắt xe cho em rồi vô!

Con Nhung lặng thinh bước tiếp ra đường cái. Thằng Công chầm chậm đi cạnh con Nhung, muốn nói một tiếng cám ơn nhưng sợ con Nhung phật lòng, nên cứ chần chừ hoài, không dám nói. Con Nhung quay nhanh qua, hỏi theo cái kiểu nếu không nói nhanh, sợ là tự nó sẽ cản nó.

– Sao… chưa khi nào anh nói cho em biết về…

– Em đừng hỏi, được không? – Thằng Công ngắt ngang, mắt nhìn con Nhung cầu khẩn.

Con Nhung gật, rồi lại lặng thinh bước. Thằng Công tần ngần bước, tần ngần đưa tay ra, nắm tay con Nhung khiến con Nhung vừa vui vừa ngượng ngùng.

– Anh không muốn giấu em! Không bất cứ chuyện gì, nhưng, nó còn liên quan tới nhiều người nữa. Nên, khi nào mọi người sẵn sàng, anh sẽ nói hết với em, được không?

– Thiệt tình… – con Nhung quay qua, cười – chưa từng ai tỏ tình với ai bằng một cái câu dài thòng lòng vậy đâu!

Thằng Công bối rối cười, siết chặt tay con Nhung. Lần đầu tiên suốt chừng đó năm con Nhung vô tư đến cạnh nó, vô tư lo lắng cho nó, vô tư hy sinh cho nó, nó dám làm cái chuyện mà nó đã từng hằng đêm nằm nghĩ đến và hằng đêm mơ thấy. Bàn tay con Nhung run nhè nhẹ, phả hơi ấm nồng nàn vào lòng bàn tay nó. Thằng Công thấy ấm áp lạ thường.

***

– Để tao rửa phụ mày!

Thằng Công quay lại, ngoác miệng cười, lắc lắc đầu. Thằng Khang vẫn cương quyết bước tới, ngồi thụp xuống, chụp vô một cái chén giữa đống chén trong chậu. Cái chén trơn dầu mỡ, tuột khỏi tay thằng Khang, rớt cái xoảng, bể tan tành. Thằng Công bành miệng.

– Đền đi, mày!

Thằng Khang bật cười hin hít, chụp tiếp cái chén khác. Thằng Công tỉnh bơ rửa tiếp, nói giọng mỉa mai.

– Nữa đi! Mai mua hẳn cho tao một chục luôn, nghe!

– Ê, Công! – Thằng Khang nhướng mắt lên – Tao hỏi thiệt… khi nào thì mày mới nghĩ tới chuyện tao nói?

Thằng Công khẽ dừng tay, không ngẩng lên, thở ra cái sượt rồi chậm rãi nói.

– Mẹ ở bên này…

– Thì mày đón mẹ về bển. Tao đâu có…

– Tao biết! Nhưng đây là nhà mẹ! Tao muốn, mày muốn, chắc gì mẹ muốn?

– Thì… thì mỗi ngày mày về thăm mẹ rồi… rồi…

– Tao thấy vậy sao sao á!

– Sao cái gì mà sao? – Thằng Khang lớn giọng, rồi biết không nên, nó chùng xuống, giọng nịnh nọt – Tao không có chơi với chó được… mà… mà tao mới mua con chó. Mày không qua, ai lo cho nó giùm tao?

Thằng Công dừng hẳn tay, bỏ cái dĩa rửa dở dang xuống, ngẩng lên, nhìn thằng Khang chằm chằm. Thằng Khang đang vật lộn với cái dĩa trơn tuột trong tay nó, cũng dừng lại, ngẩng lên, nhe răng cười.

– Chớ không lẽ ngày nào cũng để thằng Tủn qua bà Bảy chơi với con Misa?

– Mày mua chó cho thằng Tủn? – Thằng Công xúc động thật sự.

– Mày đừng có nói như kiểu tao là người dưng với nó, được không? – Thằng Khang khổ sở – Tao… tao cũng thương nó vậy!

Thằng Công cười mà nước mắt cứ chực chảy ra. Thằng Khang nhìn thái độ của thằng Công thì bối rối rồi cúi xuống, hì hụi rửa tiếp, nói giọng nửa vui mừng, nửa chua cay.

– Loại gì mà tao năn nỉ mấy năm không được, giờ vì con chó suy nghĩ liền. Thành ra, mày coi tao còn thua con chó!

Thằng Công bật cười khanh khách. Thằng Khang cũng cười, nhưng rất khẽ, chỉ để riêng nó biết, nó đang vui đến đâu. Trên kia, trên chiếc ghế bố kê sát chân tủ để bàn thờ mẹ, cặp nhộng mắt biết cười cũng đang cười…

Giống nhau một chút để hiểu nhau! Khác nhau một chút để yêu nhau!

Con Ni quay dây nhanh nhanh, nhảy phịch phịch, hít thở sì sèo, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Thằng Khang đi tới, trợn trừng mắt rồi gần như lao vô, hét.

– Em làm cái gì vậy?

Con Ni dừng tay, dừng chân, nhìn thằng Khang, vừa bất ngờ, vừa thắc mắc, vừa vui. Nó thu sợi dây lại, cười với thằng Khang rồi đi vô phòng. Thằng Khang bực bội theo sau. Con Ni vừa bỏ sợi dây xuống đã đi thẳng tới bàn, vốc một vốc thuốc, uống cái ực. Thằng Khang như phát điên, hai con mắt lồi ra giận dữ. Nó chạy tới, chụp tay con Ni, nhưng con Ni đã thảy vốc thuốc vô miệng, nuốt rồi.

– Em uống cái gì á?

– Thuốc! – Con Ni tỉnh queo.

– Thuốc gì?

– Thuốc… à… thuốc… ốm! – Con Ni lúng túng.

– Bệnh gì mà uống?

– Bệnh gì trời? – Con Ni cau mày – Dạo này em mập quá, nên phải mua thuốc ốm uống chớ bệnh gì đâu?

– Em… em… sao em học, em biết hết mà… mà ngu dữ vậy?

– Ê! – Con Ni đứng chống nạnh – Anh nói gì á? Anh nói ai ngu?

– Anh xin lỗi! – Thằng Khang lúng túng – Nhưng mà… như vậy… như vậy ảnh hưởng tới đứa nhỏ?

– Đứa nhỏ? – Con Ni đẩy cổ tới, không hiểu – Đứa nhỏ nào?

Thằng Khang chưng hửng. Đảo mắt một vòng, suy nghĩ, rồi hiểu vấn đề ngay. Thằng Khang lắc lắc đầu, không nói nữa. Thái độ của nó khiến con Ni càng bực hơn, nhưng hỏi sao nó cũng không nói nên con Ni đành chịu thua.

***

– Có khi nào em thắc mắc là tại sao anh thi vô trường mình không?

Con Ni đang uống dở ngụm trà sữa, nuốt nhanh, nhai nhai mấy hột trân châu rồi cũng cốt nuốt cho nhanh, nhướng mày.

– Thì… tại anh muốn làm bác sĩ!

– Anh hỏi là có khi nào em thắc mắc không á? – Thằng Khang có vẻ hơi thất vọng.

– Thì… đứa nào vô trường mình chả muốn làm bác sĩ? – Con Ni gãi gãi má, không hiểu thằng Khang muốn hỏi gì.

– Vậy – thằng Khang có vẻ rất chán – có khi nào em thắc mắc tại sao anh chọn chuyên ngành tâm thần can thiệp không?

– Không! – Con Ni thiệt tình.

Thằng Khang ngồi im, có lẽ nó đợi con Ni hỏi. Nhưng, con Ni không hỏi, chỉ tiếp tục bưng ly trà sữa uống, nhìn bâng quơ rồi khều khều thằng Khang.

– Anh! Bên kia… họ cãi nhau kìa!

Thằng Khang ngó qua. Bên đó, chàng trai lặng im cúi đầu, cô gái ôm tay vào bụng, khóc. Con Ni nheo mắt nhìn, cố đoán. Nhưng khi con Ni vừa quay qua, tính nhiều chuyện, thằng Khang đã hỏi luôn.

– Có bao nhiêu trường hợp phụ nữ bỏ thai mà không đáng bị trách?

– Chắc nhiều!

– Ví dụ thử anh nghe đi!

– Họ phát hiện con họ phát triển không bình thường và buộc phải bỏ đứa nhỏ, thay vì sinh nó ra không lành lặn! – Con Ni say sưa, chuyên ngành của nó có khác – Nhiều người cho rằng như vậy là bất nhẫn, nhưng em thì nghĩ họ bỏ là đúng, vì nếu em là đứa trẻ, em cũng sẽ chọn cách tìm cơ thể khác, thay vì sống trong một cơ thể không bình thường.

– Còn gì nữa không?

– Anh! – Con Ni quay qua, trợn mắt – Anh làm ai có bầu, hả?

***

Thằng Khang tần ngần chưa muốn về. Con Ni cũng không muốn nó về, nhưng, là con gái, tự cao chút cũng hay, nên nó giả bộ tỏ ra muốn vô phòng.

– Mai em rảnh không?

– Chi, anh?

– Anh tính rủ em… đi chùa!

– Đi chùa? – Con Ni dài giọng.

– Ờ! – Thằng Khang gật – Có cái chùa, mấy sư cô nuôi mấy đứa trẻ bị… tâm thần, bị… cha mẹ bỏ. Anh tính qua…

– Không! Em không đi đâu! – Con Ni khẳng khái.

– Sao vậy?

– Tụi nó làm em sợ!

– Tụi nó làm gì đâu mà em sợ?

– Nhìn tụi nó thôi là em đã sợ rồi!

– Đó là những trường hợp mà em nghĩ cha mẹ nên bỏ trước khi sinh tụi nó ra, nếu họ biết trước, đúng không? – Thằng Khang buồn lắm, buồn thật sự.

– Phải! – Con Ni gật đầu cái rụp – Vì, anh cũng thấy đó, đẻ ra rồi, họ cũng bỏ thôi!

– Vậy lẽ ra em nên thương tụi nó, thay vì sợ!

– Em sợ người điên, già trẻ lớn bé gì bị điên cũng sợ!

– Sao em lại có thể cổ vũ cho chuyện phá thai khi em là…

– Em không cổ vũ – con Ni gắt – Em chỉ nghĩ, thà vậy còn hơn là họ đẻ ra rồi bỏ, còn hơn là bắt tụi nó sống tàn tật và thiếu đói.

– Rốt cuộc, mai em không đi với anh, đúng không?

– Mai không, sau này cũng không! Em sợ và đừng bắt em phải giả bộ bình thường!

Thằng Khang quay lưng bỏ về. Lòng nó thấy con Ni khác quá! Khác với nó! Khác với chính con Ni ngày xưa nó từng biết!

Con Ni bỏ vô phòng. Đứng tựa mình vào cửa rồi tuột người xuống đất, đờ đẫn nhìn về góc tường tối hù. Lòng nó thấy thằng Khang xa lạ quá! Xa lạ với nó! Xa lạ với chính cuộc sống của thằng Khang mà ngày đầu mới quen nhau nó từng biết!

Từ thiện

Thằng Khang đi nhanh ra mở cổng. Thấy thằng Thiên với thằng Phan đang lớ ngớ đứng ngoài, thằng Khang tỏ rõ sự khó chịu, nhưng vẫn phải bước ra.

– Có gì không? – Thằng Khang hỏi, không chút thiện cảm nào.

– Tụi tao tính hỏi mày cái này! – Thằng Thiên lên tiếng.

– Gì? – Thằng Khang vừa mở cổng, vừa nghếch mặt hỏi.

– Tụi tao biết hôm nay mày đi phát đồ ở bên chùa… tính… tính nói mày cho tụi tao đi theo chung.

Thằng Khang nhướng mày, có vẻ bất ngờ nhưng rất vui, gật đầu cái rụp.

– Ờ! Đi! Sắp rồi!

– Nhưng mà… có chuyện này – thằng Thiên ấp úng.

Thằng Khang nhìn, đợi, không hỏi. Thằng Phan ngó lơ rồi lỉn đi chỗ khác, né chỗ cho thằng Thiên dễ nói với thằng Khang. Việc đó càng khiến thằng Khang suy nghĩ. Thằng Thiên ngó theo thằng Phan rồi quay lại nhìn thằng Khan.

– Tụi tao tính hỏi mày… tiền… tiền công một bữa là bao nhiêu?

– Tiền công gì? – Thằng Khang cau mày.

– Thì… tiền công đi theo phát đồ cho mày á!

– Hả? – Thằng Khang đưa đầu tới – Là sao?

– Ủa, chớ làm gì có ai làm công không cho ai? Biết mày cần người phụ nên tụi tao qua…

– Dẹp! – Thằng Khang xua mạnh tay – Tao không cần!

Thằng Thiên nhìn thằng Khang chằm chằm bằng cặp mắt có hình hai chữ keo kiệt thảy về thẳng phía thằng Khang. Thằng Khang há miệng, vẻ tức tối, rồi thở hắt ra, nói nhỏ nhẹ.

– Chả ai đi làm từ thiện mà đòi tiền công hết á! Cũng chả ai trả công cho chuyện này đâu!

– Mày nói như kiểu làm từ thiện là tốt đẹp lắm! – Thằng Thiên cười khẩy.

– Nếu mày nghĩ là xấu thì tùy. Mà đã xấu, làm chi mang tiếng? – Thằng Khang không bực mà tỏ ra khinh thường.

– Xùy! – Thằng Thiên lại cười nửa miệng – Ai chả biết, dân đi làm từ thiện chỉ có hai kiểu, một là để tự quảng cáo, hai là che giấu một cái xấu.

Thằng Khang nhìn thằng Thiên chằm chằm. Thiệt tình nó không hiểu, sao một đứa học tới chừng này, lại học cái trường dạy ra để cứu người khác, lại có thể phát ngôn kiểu đó. Nhưng, có vẻ thằng Khang hiểu, nó không đủ khả năng để thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai, nhất là thằng Thiên lúc này, nên, nó muốn im lặng, kệ thằng kia nghĩ gì thì nghĩ. Thằng Thiên nheo mắt.

– Đừng nói mày là kiểu thứ ba nghe! Tao chưa biết!

– Không! Mày mới là kiểu thứ ba á!

– Cũng đúng – thằng Thiên nhún vai – tại tao không có gì xấu để giấu, cũng chả cần nổi tiếng nên chả cần PR.

Thằng Tủn từ trong sân đi ra, cặp mắt biết cười của nó sáng nay rạng rỡ hẳn lên, hình như nó biết, nó sắp được dẫn đi chơi, tới những chỗ mà nó chắc chắn, không có cặp mắt nào ác ý dành cho nó. Dẫu trí tuệ nó kém so với tuổi nhiều, có thể nói là quá nhiều – vì nó 14 rồi mà đầu óc chả khác nào đứa lên 3 – nhưng trái tim nó không kém, nên, nó biết, thế nào là yêu thương và thế nào là miệt thị. Nhưng cặp nhộng mắt không đùng đưa được nhiều, vì, nó cảm nhận được cái nhìn của thằng Phan đang hướng về nó. Thằng Tũn chựng lại. Thằng Khang quay nhanh lại. Thằng Công đi nhanh từ trong ra.

– À… nuôi hẳn một đứa quái dị, làm từ thiện… chắc muốn cầm cái bảng điểm có mấy câu ghi hay hay hả? – Thằng Thiên cay độc.

– Tao cấm mày! – Thằng Khang quay ngoắt lại, xỉa thẳng ngón tay vô mặt thằng Thiên.

– Khang! – Thằng Công gọi lớn rồi lắc đầu khi thằng Khang quay lại nhìn.

Thằng Tũn liếc nhìn thằng Thiên rồi nép ra sau lưng thằng Khang, níu níu quần thằng Khang.

– Sợ! Sợ!…

***

Thằng Khang quệt mồ hôi. Thằng Công đi lại, cười, chìa chai nước ra.

– Mày còn bực hả?

– Không!

– Cái mặt chàu dàu vầy, nói không bực…

– Có gì đâu! – Thằng Khang cười buồn – Mỗi người một suy nghĩ mà!

– Tao thấy… thằng Thiên nói có phần đúng! – Thằng Công chần chừ.

– Cái gì đúng? – Thằng Khang nói, giọng có vẻ thách thức.

– Mày là kiểu thứ ba!

– Mày…

– Là kiểu nghĩ làm vầy sẽ chuộc lỗi được giùm người khác!

Thằng Khang lặng hẳn đi, không nói năng được gì, cặp mắt vốn đã ướt của nó nay trở ướt hơn.

– Ai cũng có sai lầm mà, Khang! Đâu phải chỉ ba mày sai. Mẹ tao cũng sai vậy?…

Thằng Khang không dám nhìn thằng Công. Dẫu, kiểu nói này, thằng Công đã dành cho nó suốt mười mấy năm, từ khi hai thằng còn là bạn chơi chung cấp một. Hồi đó, cái đầu, cái miệng thằng Công ngây thơ, nói ra, nghe ngây thơ mà đau lắm. Giờ, thằng Công già đời rồi, nhưng câu nó nói vẫn ngây thơ y chang hồi xưa, nghe tình cảm hơn nhiều mà cũng đau hơn nhiều.

thang-nho-mat-cuoi4
Thằng nhỏ mắt cười

Trong sân chùa, thằng Tũn lũm bũm chạy qua chạy lại, hò hét tạo những âm thanh dẫu vô nghĩa nhưng rõ ràng rất vui thích, phấn khích cùng đám trẻ đang lăn lộn giữa đất, tay ôm khư khư gói quà khi nãy thằng Khang với thằng Công vừa phát. Giữa những cái nhìn ngô nghê của đám trẻ mắc hội chứng down, giữa những cái miệng không khi nào ngậm lại, cặp nhộng mắt biết cười lúng liếng hạnh phúc, mà soi vào hai kẻ đứng ngoài này một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai.

– Mày thương thằng Tũn lắm, phải không?

Thằng Khang càng tránh né cái nhìn của thằng Công khi thằng Công hỏi. Nó chỉ ậm ờ trong họng được vài cái, rồi thôi.

– Thương nó vậy, sao mày hay tỏ ra…

– Tao sợ! – Thằng Khang quay nhanh qua, nói nhanh khiến âm thanh cao vút.

– Mày sợ gì? Mày sợ mày sẽ giận ba mày tiếp hả?

– Không! – Thằng Khang đau đớn – Mày hiểu sai rồi, Công!

– Chớ mày sợ gì?

– Tao sợ 5 năm học của tao không đủ để tao chữa cho thằng Tũn…

Có tiếng la thất thanh từ trong sân vọng ra. Thằng Khang và thằng Công quay vô ngay lập tức. Cả hai thằng trợn trừng mắt rồi cùng lao nhanh vô sân. Trong này, thằng Tũn nằm bất động, mặt mày tím tái, cặp nhộng mắt của nó nặng trịch đỡ cặp mắt đã không thể mở ra mà cười nữa…

Thêm một ngày viếng mộ

Mỗi năm, ngày giỗ mẹ, sinh nhật mẹ, Tết và một ngày nữa, ngày mà thằng Khang không bao giờ dám gọi tên, cũng không dám nhắc trước mộ mẹ, thằng Khang đều đem hoa hồng trắng tới viếng. Thường, nó không nói được gì, chỉ lặng thinh và tự hỏi, mẹ có còn trách nó không? Cũng không biết từ khi nào, tự lòng nó muốn gọi mẹ là mẹ, mà, cũng chưa từng bao giờ nó thốt ra được từ đó!

Ngày xưa, lúc mẹ còn ở đợ nhà nó, nó gọi mẹ là dì, là vú. Nó không nhớ rõ ngày mẹ về nhà nó. Nó chỉ nhớ, khi đó, mẹ nách theo thằng Công, lớn hơn nó chỉ chừng vài tháng tuổi, rách rưới, hôi hám, bần cùng. Nó thương mẹ! Nó thương thằng Công! Giống ba nó thương vậy! Chỉ mẹ ruột của nó là thương không nổi. Mẹ ruột nó nói, kẻ cùng đường thường trở thành kẻ xấu. Nó không tin. Vì, mẹ tốt với nó và thằng Công cũng tốt với nó.

Nó chơi thân với thằng Công từ hồi đó! Thân lắm! Kệ mẹ ruột nó cấm tiệt. Có đồ ăn gì ngon, có đồ chơi gì đẹp, nó cũng để dành đó, đợi tới khi mẹ nách thằng Công qua, thảy đó, dọn dẹp nhà, nó lôi ra, cho thằng Công dẹt tròn mắt nhìn chán rồi bu vô ăn chung, chơi chung. Ba xin cho thằng Công đi học cùng trường với nó, nhưng không cùng lớp được. Ra chơi, nó chỉ muốn chạy tìm thằng Công để chơi, không bao giờ giao du với đám cùng lớp, cho dù, sau này nó hiểu, đám kia mới cùng tầng lớp với nó, và đám kia mới là đám mẹ ruột nó muốn nó giao du. Đứa nào hăm he nó một câu, thằng Công quánh một trận. Đứa nào quánh nó một cái, thằng Công quánh lại tơi bời… Riết, chả đứa nào dám nhìn ngang nhìn dọc hai đứa. Riết, mẹ ruột nó cũng chẳng thèm nói ra nói vô gì nữa.

Rồi tự nhiên mẹ và thằng Công không qua nhà nó nữa. Nó thấy bơ vơ và cô độc đến lạ lùng. Nó nhớ những món ăn mẹ nấu. Nó nhớ những buổi trưa nó tránh không nằm máy lạnh, lăn ra nền nhà nằm cạnh thằng Công, dưới gió quạt mẹ quạt. Nó nhớ cái giọng là lạ của mẹ hát, nặng trịch và đau đau. Có lần, thằng Công ngủ mất đất rồi mà mắt nó vẫn thao láo. Mẹ cúi xuống hôn nó và hỏi sao không ngủ, nó trở mình qua, hỏi, ba thằng Công đâu. Mẹ không nói gì, mẹ khóc! Từ đó, không khi nào nó dám hỏi nữa. Rồi, thằng Công dậy, nó hỏi thằng Công có muốn kêu ba nó là ba không? Để nó về xin? Thằng Công không nói không, cũng chả nói có. Nó tự quyết, tự hỏi ý ba. Ba nó lặng thinh. Mẹ nó nổi khùng, quất cho một trận túi bụi. Trận đòi duy nhất nó nhận từ mẹ ruột mình.

Hồi đó, với một đứa nhỏ mấy tuổi, đoạn đường vài cây số là xa lắm, xa tít tắp. Nên, nó muốn tìm mà không thể tìm ra được mẹ với thằng Công. Cả hai vẫn không ai chịu qua chơi với nó. Rồi nó nghe mẹ nó khóc. Nó nghe mẹ nó đập phá đồ. Ba nó chỉ lặng im chịu đựng.

Một bữa, trên đường ba đón nó đi học về, nó đang hỏi ba sao thằng Công cũng không đi học nữa thì ba nghe điện thoại, rồi điên dại chạy đi. Bữa đó, nó thấy mẹ nằm trong bệnh viện, thằng Công quặt quại ngủ gục cạnh bên. Thấy ba, mẹ khóc. Thấy mẹ, ba như quỵ xuống, chỉ hỏi được một câu: “Sao dại vậy, hả em?”. Nó chả hiểu gì, chỉ thấy mẹ đưa tay lên ôm cái bụng tròn vo của mẹ, khóc tức tưởi.

Một bữa, ba đi công tác, mẹ nách cái bọc nhỏ xíu biết cựa quậy trên tay, tay kia dẫn thằng Công tới nhà nó khi mẹ ruột nó đã ngồi đợi sẵn. Nó núp ở cầu thang, muốn chạy xuống chụp thằng Công một cái cho hả bao nhiêu ngày không được vật lộn, mà không dám. Nó thấy mẹ ruột nó thảy xấp tiền lên bàn, biểu mẹ dẫn thằng Công và con quái vật kia đi…

***

Mỗi năm, nếu tính số lần viếng mộ của thằng Công thì tính không xuể. Dẫu đoạn đường từ căn chòi nó ở qua tới mộ mẹ cũng xa, đạp xe cũng cả tiếng mới tới, nhưng gần như tuần nào nó cũng tới vài lần. Tới, nó cũng không nói được gì nhiều với mẹ, chủ yếu, nó nói chuyện với thằng Tũn cho mẹ nghe. Nó muốn mẹ yên tâm vì nó và thằng Khang lo cho thằng Tũn đàng hoàng. Cái nó muốn nhất, chắc là muốn mẹ biết chuyện thằng Khang thương thằng Tũn ra sao.

Thằng Khang hay giả bộ tránh né, nhưng thiệt tình, thằng Công biết rõ, thằng Khang thương thằng Tũn có khi còn hơn cả nó thương. Không biết thằng Khang có nhớ không, tại, tính thằng Khang hiền, dễ quên, dễ tha thứ, chớ nó thì không bao giờ quên chuyện sinh nhật thằng Tũn lần đầu, cũng là lần đầu một thằng nhỏ chưa đầy mười tuổi dám tự bắt xe ôm đi qua tới nhà tìm mẹ, tìm thằng Công, tìm thằng Tũn để cho thằng Tũn bộ xe nhựa. Nó không bao giờ quên được khi thằng Khang lần đầu giáp mặt với cái gương mặt méo mó, ngờ nghệch và những chuyển động chậm rãi, khó khăn của thằng Tũn lúc bấy giờ. Thằng Khang không hề sợ! Nó khóc, khóc những giọt nước mắt rất con trai. Nhưng, đó không bao giờ là những giọt nước mắt sợ hãi. Đó là những giọt yêu thương đầu tiên thằng Khang khóc cho em trai mình!

Lần đó, mẹ thằng Khang qua tới tận nhà thằng Công tìm, lôi thằng Khang xệch xệch ra đường trước khi đay nghiến mẹ và thằng Công một trận. Thằng Khang im re chịu trận. Nhưng tới khi mẹ nó nói thằng Tũn là quái vật thì thằng Khang bật lại liền, nói mẹ nó ác. Thằng Công tưởng lần đó thằng Khang ăn tát, ai dè không. Mẹ thằng Khang đứng như trời trồng, rồi khóc…

Mẹ đi sau đó chỉ vài ngày. Có lẽ, sức mẹ tới đó là hết. Sinh thằng Công, nuôi thằng Công, sinh thêm thằng Tũn, làm quần quật như trâu, lại lén đợi tới khi thằng Công giả bộ ngủ, thức gần sáng để khóc… Biểu mẹ cầm cự thêm vài năm nữa, chắc cũng khó. Thằng Công chưa bao giờ trách mẹ. Nó cũng buồn, buồn lắm chớ! Nhưng tự nhiên, trong cái đầu óc rất đỗi non nớt của nó ngày đó, nó nghĩ, mẹ đi lại hay cho mẹ, lại tốt cho mẹ!

Chỉ có điều, mẹ thằng Khang tự đổ lỗi cho mình là tại bà mà mẹ tự tử. Bà sinh u uất rồi quyết định dọn đi. Thằng Khang nằng nặc ở lại. Chả biết thằng Khang nghĩ gì mà đòi ở lại khi chưa tự bẻ miếng cá ăn được? Ba thằng Khang không cản. Ông đi đi về về, vừa lo cho mẹ thằng Khang, vừa lo cho thằng Khang, vừa lén lút gửi tiền nuôi thằng Công, thằng Tũn. Lén là lén với thằng Công chớ không phải lén với mẹ thằng Khang. Chưa bao giờ, ông dám gặp lại thằng Công sau ngày đó! Dẫu, như vậy cũng có nghĩa là ông không thể gặp lại thằng Tũn con ông.

Thằng Công không trách ông, nhưng nói thương thì cũng khó. Chỉ đến khi mẹ đi, nó dọn dẹp, đọc được lá thư ông viết cho mẹ, thằng Công tự nhiên nghĩ, chắc nó cũng thương ông. Lá thư ghi gì đó, nó nhớ không nổi, vì lúc đó nó còn nhỏ quá, mà đọc xong thì đốt luôn cho mẹ, chỉ đại khái là ông thấy có tội với mẹ, với thằng Tũn. Đại khái là nếu ông đừng tệ bạc thì mẹ không tự tử, không làm thằng Tũn khổ sở như giờ…

Và, tất thảy mọi lần thăm mộ mẹ, thằng Công đều muốn mẹ biết, nó thương người đàn ông mẹ đã thương, dẫu cho, nó hiểu, người đàn ông ấy là nguồn cơn của sự cô độc trong cuộc đời anh em nó.

***

Thằng Khang lao như điên như dại ra mộ mẹ, chạy bộ một đoạn từ cổng vô đến nơi, nó quỳ thụp xuống, đập đầu lên mộ mẹ rầm rầm, khóc như con nít.

– Mẹ! Mẹ thương thằng Tũn, thương thằng Công, thương… con… thì mẹ phải phù hộ cho thằng Tũn, nghe mẹ! Nó… nó mà có chuyện gì, chắc con chết quá, mẹ ơi!

Ngoài kia, ở con đường nhỏ dẫn vào mộ mẹ, thằng Công dừng hẳn lại nhìn. Cả năm, ngoài sinh nhật mẹ, giỗ mẹ, Tết, thằng Khang sẽ chỉ đến đây thêm vào dịp sinh nhật thằng Tũn. Giờ, thằng Khang đến xin cầu mẹ, nghĩa là thằng Khang thấy cùng quẩn lắm rồi! Mẹ thương con, thương thằng Tũn, thương nó, thì mẹ phải cho thằng Tũn khỏe lại, nghe mẹ!…

Tốt nghiệp

Thằng Công và thằng Khang làm lễ tốt nghiệp cùng đợt, dẫu rằng, thằng Công học ngành chỉ mất hơn hai năm, còn thằng Khang học tới năm năm. Số là do chuyện ngày đó, nên thằng Công phải nghỉ học mất một năm, thêm một năm loay hoay làm lại thủ tục để nhập trường, thành ra, nó học chậm thua tuổi nó tới hai năm.

Con Ni tới mừng thằng Khang tốt nghiệp loại giỏi. Nó không đem bông đem hoa như mấy đứa khác mà đem theo một túi xách bằng giấy có in hình mấy trái tim hồng hồng. Thằng Khang bình thản nhận quà từ con Ni mà không hỏi bên trong có gì khiến con Ni thấy có phần lúng túng. Một lát, tự con Ni mở lời.

– Em tìm được mấy quyển sách tâm lý hay hay, em nghĩ chắc anh thích!

– Ờ! Cám ơn em! – Thằng Khang không tỏ ra mặn mà được chút nào khiến con Ni thấy chạnh lòng.

– Em… em vừa được học bổng…

– Anh biết! Chúc mừng em!

– Em tính hỏi anh – con Ni cúi đầu, lí nhí – tại… nếu anh muốn em ở lại…

– Đừng bỏ phí cơ hội của mình! – Thằng Khang thẳng thắn – Chuyện đi hay ở là chuyện tương lai em. Nếu em muốn vì tương lai, anh nghĩ… anh có thể đợi!

Con Ni sáng bừng mắt, quay qua nhìn thằng Khang. Thằng Khang mỉm cười, gật nhẹ cái đầu càng khiến con Ni hớn hở hơn. Nhưng, thằng Khang chỉ dừng lại ở đó. Con Ni hiểu. Sau tất cả mọi thứ, muốn thằng Khang tin là nó muốn thay đổi để phù hợp với thằng Khang, không phải chuyện một sớm một chiều. Không phải chỉ lén nhìn thằng Khang đi làm từ thiện, rồi hộc tốc đưa thằng nhỏ dị tật – mà tới giờ con Ni vẫn chưa biết đó là gì của thằng Khang – vô bệnh viện, ở suốt đó chăm sóc mà không cần thắc mắc nó đang chăm sóc cho ai – chỉ cần biết, điều đó làm thằng Khang thấy được an ủi – chắc vẫn chưa thể đủ để thằng Khang thấy con Ni giống với nó hơn. Con Ni không trách, cũng không buồn. Nó nghĩ, tụi nó đứa nào cũng còn đủ trẻ để đợi chờ thêm vài năm mà đấu tranh cho thứ nó tin là tình yêu. Và, hình như, thằng Khang cũng nghĩ vậy! Hay, ít nhất thằng Khang nghĩ, nó còn cần vài năm để làm cái điều nó đã đợi hơn chục năm nay!

Con Nhung tới trễ, khi buổi lễ sắp bắt đầu. Thấy con Nhung, thằng Công tỏ ra có phần lúng túng và thắc mắc. Nhưng thằng Khang đã nhanh chóng đứng dậy, cười, lôi máy ảnh ra, chỉ trỏ.

– Đứng vô! Đứng vô anh chụp cho!

Con Nhung ngoác miệng cười, chạy lại, đứng gần thằng Công, trên tay nó là bó cẩm chương bự chà bá vẫn giữ khư khư. Thằng Công vô tư đưa tay giựt. Thằng Khang chụp lần mấy tấm, ghi lại được hết cái khoảnh khắc hiếm hoi thằng Công hạnh phúc suốt hai chục năm nó biết thằng Công. Chụp được vài tấm hình, đưa bó bông cho thằng Công, con Nhung vội vàng đi. Thằng Công níu lại. Con Nhung lắc đầu.

– Em về nhà đợi được rồi! Anh cứ làm lễ đi, nha! Đi vầy, em không yên tâm!

Con Nhung đi rồi mà thằng Công vẫn đăm đắm nhìn theo, thở dài. Nó thương con Nhung quá! Biết hoàn cảnh nó vậy mà vẫn thương, vẫn lo. Nó không biết phải làm gì để bù đắp lại hết cho con Nhung nữa! Thằng Khang đi tới, huých cùi chỏ vô hông thằng Công đau điếng.

– Mày mà làm nó buồn, tao… tao…

– Yên tâm! – Thằng Công quay qua cười – Tao mà làm Nhung buồn, tự tao cũng không tha thứ cho tao được đâu!

Con Ni nhìn hai thằng, nghe chuyện hai thằng nói, nhìn theo bóng con Nhung đang vội vã rời khỏi cổng trường, tự nhiên lòng nó nao nao một cảm giác khó tả. Thiệt tình, những ngày trong bệnh viện, tự con Ni thấy mình kém cỏi vô cùng. Kém cỏi ở cái khoản không biết nấu cháo cho thằng Tũn, không biết lau mặt lau mình cho thằng Tũn, càng không biết hun hít như muốn bẹt má thằng Tũn ra… Đại khái, nó không thể làm bất kỳ gì con Nhung có thể làm. Điều quan trọng nhất, nó thấy, con Nhung thương thằng Tũn chớ không phải con Nhung thương thằng Công hay thương thằng Khang mà làm được vậy.

Gáy thằng Công có vẻ nhột trước cái nhìn của con Ni. Nó quay lại, cười rồi đi lại chỗ con Ni, chào hỏi vui vẻ để con Ni bớt thấy bơ vơ khi thầy cô cứ liên tục tới mừng thằng Khang là thằng có điểm tốt nghiệp cao nhất. Con Ni bâng quơ trả lời rồi bất thình lình hỏi.

– Thiệt ra… tại sao ông… à… anh lại học hộ lý?

– Thì có sao đâu? – Thằng Công gãi gãi đầu, chưa từng ai hỏi nó câu này, dẫu nó biết sau lưng nó nhiều người cũng thắc mắc.

– Chưa từng có nam sinh viên nào vô lớp đó thì phải!

– Cũng có chớ, không nhiều thôi!

– Nhưng… tại sao anh lại học lớp đó?

– Tại… tại tui từng không biết chăm sóc cho một người, với, tui cần phải học để biết chăm sóc cho một người khác!

***

Ba thằng Khang tới tìm khi buổi lễ vừa kết thúc, lúc thằng Khang đang rời khỏi bục phát biểu xuống tìm thằng Công. Thấy ba, thằng Khang vừa bối rối, vừa bất ngờ, vừa… có phần hoảng hốt. Nó nhìn quanh một lượt để coi thử thằng Công có nhìn thấy không, rồi vội vã tiến về phía góc khuất sân trường. Ba nó hiểu ý, chậm rãi đi theo.

– Mẹ muốn con qua đó học tiếp! – Ba thằng Khang nói nhanh.

– Không! – Thằng Khang lắc đầu – Con đã nói là con không muốn đi!

– Mẹ… mẹ cũng đã đồng ý để ba đem thằng Tũn qua đó chữa…

Thằng Khang trợn mắt nhìn ba nó, rồi cụp nhanh xuống.

– Thằng Tũn cần tình thương chớ không cần sự chuộc tội!

– Con đừng nói vậy, tội mẹ con!

– Không, ba à! – Thằng Khang nhẹ nhàng – Con không trách mẹ! Con không dám! Nhưng làm vậy là làm khổ mẹ, làm khổ cả thằng Tũn nữa, ba!

– Nhưng mà…

– Ba nghĩ khoa học bên đó tiến bộ hơn, hả?

– Sự thật là vậy mà, Khang!

– Nhưng, ở đó, thằng Tũn sẽ không có thứ tốt nhất cho nó!

– Là gì? – Ba thằng Khang cau mày.

– Là thằng Công!

***

Thằng Phan và thằng Thiên đứng tần ngần trước mặt thằng Công, chìa ra một phong bì mỏng léc.

– Gì đây? – Thằng Công hỏi.

– Chưa… chưa đủ, nhưng… cho tụi tao trả trước! – Thằng Thiên ấp úng.

– Không! Giữ mà đóng tiền học đi!

– Tụi tao kiếm được việc rồi! – Thằng Phan lên tiếng.

Thằng Công nhìn thằng Phan, cười, vẻ rất vui. Thằng Phan nãy giờ đứng tụt ở sau một chút, tiến lại, giọng nửa xấu hổ, nửa hàm ơn.

– Không có mày với thằng Khang đứng ra trả giùm, chắc tụi nó không để yên cho tụi tao đi học.

– Tiếc là – thằng Công thở dài – tụi tao biết trễ quá, nên tụi mày không kịp đóng học phí để thi…

– Không sao! – Thằng Phan cười buồn – Làm thì phải chịu thôi. Để còn nhớ mà không vậy nữa!

– Ờ! Ráng học cho xong!

– Mày cầm đi, để tụi tao đỡ áy náy. Nói thằng Khang, tụi tao cám ơn nó lắm!

Thằng Công cười, gật đầu, chìa tay ra nhận cái phong bì từ tay thằng Thiên. Toan quay đi, rồi thằng Công lại quay lại.

– Thiệt ra, thằng Khang không dễ ghét như mày nghĩ đâu, Thiên!

***

thang-nho-mat-cuoi1
Truyện dài – “Thằng nhỏ mắt cười”

Khi thằng Công tiễn con Nhung về rồi quay trở vô thì thấy thằng Khang đang ngồi chồm hổm giữa đất, cạnh bên chiếc ghế dài mà thằng Tũn đang nằm ngủ say sưa, bàn tay nó nắm nhẹ nhàng từng ngón tay múp míp, ngắn cũn của thằng Tũn, mân mê. Nghe tiếng chân thằng Công, thằng Khang quay ra nhìn, không còn chuyện vội vàng bỏ tay thằng Tũn ra, quay đi nữa. Lần này, chỉ đơn giản là quay ra nhìn thằng Công rồi lại quay vô nhìn thằng Tũn.

– Mày… sợ hả, Khang? – Thằng Công ngồi bệt xuống đất, cạnh thằng Khang.

– Ờ!

– Nếu… nếu đó là số phận của nó…

– Không! – Thằng Khang nhẹ nhàng đặt tay thằng Tũn lên bụng, quay qua thằng Công – Tao không sợ chữa cho nó không được! Tao sợ tao không thể chữa cho chính tao!

Thằng Công dợm mắt buồn thiu nhìn thằng Khang. Thằng Khang cũng nhìn thằng Công với ánh mắt rất thật.

– Mày nói đúng! Tao cứ sống hoài với cảm giác tội lỗi…

– Không ai có tội cả!

– Nhưng nếu ba tao…

– Mẹ cố bỏ thằng Tũn vì mẹ biết mẹ sai khi xen vô gia đình mày. Sai thì phải sửa. Nhưng nếu cứ sống với cái ám ảnh đó, thì nhiều người phải gánh hậu quả lắm! Thằng Tũn gánh đủ rồi, Khang!

Thằng Khang lặng đi, cúi rịt đầu xuống. Nó giấu nước mắt khi nghĩ đến thằng Tũn và những gì thằng Tũn phải trải qua. Nó giấu nước mắt khi nghĩ đến chừng đó năm tuổi thơ của thằng Công phải hy sinh cho thằng Tũn. Nó giấu cả nước mắt khi nghĩ đến bản thân nó phải chạy trốn thằng Tũn, hay nói đúng hơn là chạy trốn tình cảm nó dành cho thằng Tũn chừng đó năm…

– Ba mày… muốn mày qua bển hả? – Thằng Công mở lời.

– Sao mày biết? – Thằng Khang ngẩng lên, bối rối.

– Tao rình! – Thằng Công nhe răng cười mà buồn đau đáu.

Thằng Khang làm thinh.

– Sao mày không đi?

– Tao không muốn!

– Vì thằng Tũn hả?

– Không! – Thằng Khang nói nhanh – Vì bản thân tao muốn!

– Mày có nghĩ, nếu mày qua bển về, thằng Tũn có thêm nhiều cơ hội hơn không?

– Theo mày – thằng Khang hít sâu, thở ra rất nhẹ – thằng Tũn cần sống lâu hơn hay cần được thương yêu nhiều hơn?

Thằng Công thở dài, quay đi.

Thằng Khang cắn môi, quay đi.

– Đó là cơ hội tốt cho mày! – Thằng Công vẫn nhìn về hướng khác.

– Mày thôi đi! – Thằng Khang quay ngoắt lại – Hồi đó, thằng nào đậu được bác sĩ nhưng cương quyết không học, chui vô lớp hộ lý để học cách chăm sóc cho thằng Tũn? Hồi đó thằng nào được thầy cô động viên nên học lên nữa vẫn cương quyết dừng lại để chỉ chạy về lo cho thằng Tũn? Mày nghĩ cho nó được, sao cứ bắt tao phải ích kỷ cho tao? Tao ích kỷ chưa đủ hay sao chớ?

Thằng Công vẫn đăm đăm nhìn về hướng đó, tuyệt không quay lại. Miệng nó cộm lên vết hàm cắn chặt, nước mắt lăn dài ra.

Thằng Khang thở hắt ra như trút được cái gánh nặng trĩu nó đã đeo trong lòng nó chừng đó năm, tính quay qua nói câu gì đó nhẹ nhàng với thằng Công một chút. Nhưng, sau lưng hai thằng, tiếng rọt rẹt thằng Tũn thức giấc khiến cả hai thằng cùng một lúc phải kiềm cảm xúc của mình, quay lại.

Thằng Tũn ngồi dậy, tựa lưng vào thành ghế, đưa con mắt còn ngái ngủ ra nhìn hai thằng anh đang chệt bệt ngồi giữa nhà. Nó khó khăn há cái miệng méo mó của mình ra, hướng về thằng Công.

– Anh… anh hai!

Thằng Công như nín thở, mắt mở trừng trừng, không ngăn được cái cảm xúc vui mừng đến mức nghe như tim bị bóp nghẹt. Thằng Khang quay qua nhìn thằng Công, cũng bằng cặp mắt giống y chang cặp mắt của thằng Công cứ giãn to ra hoài.

– Anh… anh ba!

Mắt, miệng thằng Khang và thằng Công càng giãn to ra, giao nhau rồi vội vàng quay về hướng thằng Tũn vẫn đang chăm chăm nhìn thằng Khang. Cùng lúc, cả hai thằng chồm tới, đưa tay ra kéo thằng Tũn lại gần mình. Thằng Tũn cười, cười bằng miệng hẳn hòi. Cái cười của nó vẫn ngô nghê, vẫn dài dại, nhưng sâu thẳm và dài lê thê bởi cặp nhộng mắt cứ cộm lên, dấy ra một cái cười vừa hiền, vừa thương đến lạ.

Thằng Tũn cố rút tay ra khỏi tay hai thằng anh, trỏ về phía cái bàn gần đó.

– Mẹ… mẹ…

Thằng Khang và thằng Công quay lại, nhìn về bó hoa cẩm chướng sáng nay con Nhung mang tới trường tặng thằng Công. Cả hai thằng đều rưng nước mắt, rồi đứng thẳng dậy, quay nhìn thằng Tũn, cười.

– Đi! Mình đi ra khoe với mẹ!

Thằng Tũn tự tụt xuống ghế, đứng ngay ngắn giữa hai thằng anh. Nó ngó lên bên này, rồi ngó lên bên kia. Cặp nhộng mắt biết cười của nó trôi ra một dòng thương yêu bất tận, hệt như cặp nhộng mắt của người đàn bà đã cho nó một hình hài, dẫu không lành lặn, nhưng bên trong là một trái tim luôn sẵn sàng yêu thương, luôn sẵn sàng tha thứ!

Chiều đổ nắng vàng vọt. Cặp nhộng mắt biết cười nhấp nhô theo từng nhịp bước, giữa hai thân hình cao lớn đang chìa tay ra nắm chặt hai tay của nó. Trước mắt nó – trước cặp mắt trắng dã, đỏ dại của thằng nhỏ cười bằng mắt – là một vùng đầy màu bình yên!

 

Nhóm 4.0

=> Đọc thêm truyện dài: Trái tim rồng – Nhóm 4.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...