[Truyện ngắn] LŨ NGỰA TRONG CÔNG VIÊN
|Chiều Chủ nhật tuần này, tôi dẫn vợ và con gái của tôi đi chơi công viên trong thành phố. Khi đó, tôi lại tự hỏi mình rằng, đã bao lâu rồi tôi không dẫn họ đi chơi. Câu trả lời duy nhất, để tôi có thể giải thích mà không mang một chút áy náy nào trong người. Đó là do công việc. Chính xác. Cái thứ công việc đáng nguyền rủa kia đã không cho tôi hở một chút thời gian nào để dành cho gia đình mình, vợ tôi và đặc biệt là con gái của tôi.
Ôi, tôi đã yêu đứa con gái của mình đến nhường nào, ngay khi nó chào đời. Tôi đã nghĩ rằng, bất cứ thứ gì khi đó của tôi cũng không sánh bằng nó. Hơn hết, nó là tất cả của tôi. Tôi đã từng nghĩ như thế, cho tới bây giờ tôi vẫn thường nghĩ như thế.
Nhưng sau cùng, cái thứ công việc đáng nguyền rủa kia đã không cho tôi hở một chút thời gian nào để lo nghĩ những thứ khác. Ngay sau khi vợ tôi sinh con gái tôi, cô ấy cũng không đi làm nữa. Trước đó, cô ấy có một công việc khá ổn định và thu nhập cao là đằng khác. Cô ấy là biên tập viên cho một tạp chí chuyên về nấu ăn trong thành phố. Tạp chí đó có thể coi là khá tăm tiếng trong thành phố đấy chứ. Ít ra, người ta luôn đọc và học theo những gì đã chỉ dẫn trong đó. Trước đó, vợ tôi cũng thường mang vài cuốn tạp chí về nhà. Thi thoảng tôi có lật giở ra vài trang xem những bức ảnh chụp những món ăn từ quen thuộc tới xa lạ. Trông chúng thật bắt mắt biết nhường nào. Tôi đã từng nói, vợ tôi có một công việc lý tưởng nhất trần đời này.
Nhưng rồi, ngay sau khi sinh con gái tôi. Theo quy định của tòa soạn thì họ sẽ không chấp nhập một người nghỉ trong một thời gian, quá một tháng. Thế là vợ tôi phải bỏ công việc lý tưởng của mình. Cô ấy có buồn phiền vì điều đó? Cô ấy có cảm thấy hối tiếc khi mình đã mang thai và sinh con. Không. Không. Ít ra, kể từ lúc đó tôi cũng chưa thấy vợ mình phàn nàn về bất cứ một điều gì cả. Cô ấy vẫn vậy. Vẫn tươi cười hôn lên hai má tôi mỗi khi tôi đi làm hay đi làm về. Vẫn niềm nở khoe với tôi về chuyện con gái tôi bắt đầu tập tễnh bước đi, biết gọi một tiếng mẹ, tiếng ba. Rồi cả khi con gái tôi bắt đầu đi học mẫu giáo. Hơn cả, vợ tôi vẫn tỏ ra mình là một người vợ, một mẹ mẫu mực.
Cô ấy cũng không còn nhắc nhiều tới tạp chí nấu ăn mà mình từng làm trong bộ phận biên tập nữa. Thi thoảng, tôi thấy cô ấy, ngó qua vài cuốn tạp chí ở ngoài quầy, lật giở và trang, rồi ra chiều lắc đầu: “Chậc chậc, giờ này mà họ vẫn giữ cái công thức cũ rích này sao”. Từ đó, tôi cũng không thấy vợ mình ngó nghiêng qua quầy bán tạp chí nữa. Nhà tôi cũng không xuất hiện thêm bất cứ cuốn tạp chí nào khác nữa.
Đúng hơn là chúng tôi phải tiết kiệm. Chính xác. Đó không chỉ là vấn đề đối với những vợ chồng trẻ như chúng tôi, đang chăm sóc đứa con đầu lòng. Rất từ lâu, nó đã trở thành một vấn đề nan giải đối với tất cả những cặp vợ chồng trẻ, đang nuôi con trong cái thành phố này. Năm sau, con gái tôi vào lớp 1. Và đó là vấn đề của chúng tôi.
Từ ngày vợ tôi không làm việc ở tạp chí nấu ăn nữa. Tôi một mình cáng đáng hết mọi chi tiêu trong nhà. Tất tần tật mọi thứ từ lớn đến nhỏ. Nhưng công việc, mà tôi gọi nó là cái thứ đang nguyền rủa đó khiến tôi chật chội đến cỡ nào. Như thể vòng bụng tôi đã tăng thêm vài xăng-ti-mét và tôi không thể nào mặc cái áo sơ mi bó sát mà mình yêu thích nữa. Tôi làm việc cho một công ty tư vấn và lắp đặt sử dụng điện lạnh. Tất cả những đồ gia dụng từ tủ lạnh gia đình, điều hòa tới các thứ lớn hơn như kho làm mát, kho chứa đông đều thuộc phạm trù giải quyết của công ty tôi. Với tôi, nó chán ngắt và chật chội như thể, tôi không thể nào mặc vừa chiếc áo sơ mi mình yêu thích nữa. Nhưng tôi đâu còn sự lựa chọn nào khác. Dẫu nó chật chội tới mức nào thì tôi vẫn phải cố nhích từng phân mét vuông cuộc đời của mình vào nó.
Về việc đi công viên của gia đình tôi. Trước khi lấy nhau, tôi và vợ thường xuyên đi công viên. Đó có thể là nơi hẹn hò lý tưởng của chúng tôi. Dẫu nó đơn điệu và thậm chí với một số người thì nó chán ngắt tới nhường nào. Họ có thể chọn những nơi lãng mạn hơn, một tòa nhà cao tầng với bít tết và rượu vang, từ trên đó có thể ngắm nhìn thành phố từ trên cao, với ánh đèn trải dài lung linh như một cánh đồng sao đầy riệu vợi. Nhưng tôi và vợ mình đã chọn công viên là nơi chúng tôi xây đắp những viên gạch đầu tiên cho tình yêu của mình. Những sự ảo diệu ấy, với vợ tôi nó chẳng có nghĩ lý gì: “Ồ! Em yêu anh chứ không phải yêu những ánh đèn đó”. Cô ấy đã từng nói thế và tôi hạnh phúc đến nhường nào.
Sau khi lấy nhau, chúng tôi vẫn thường đi công viên vào những ngày cuối tuần. Bất kể là mùa nào trong năm, cứ thấy thích là chúng tôi lại trèo lên một chuyến xe buýt dẫn thẳng tới công viên hoặc chúng tôi có thể đi bộ cùng nhau. Tôi nhớ, khi đó chúng tôi sẽ ngồi trên một cái cầu trượt cỡ lớn. Chúng tôi không hề trượt. Chúng tôi cứ ngồi thế và ngẩng đều lên những vì sao đang trải rộng khắp bầu trời trên đầu mình.
Từ lúc vợ tôi sinh con, cho tới khi con gái tôi sắp vào lớp 1 thì chúng tôi chẳng còn nhắc tới cái công viên đó nữa. Giờ đi tới chắc nó sẽ khác nhiều, rất nhiều. Như thời gian cào xước hay bồi đắp, sửa sang mọi thứ. Rất có thể, khi tới đây vào một ngày con gái tôi sắp sửa vào lớp 1 thì chúng tôi, rất có thể, sẽ không còn nhìn thấy cái cầu trượt mà chúng tôi đã từng yêu thích nữa.
Con gái chúng tôi đã háo hức nhường nào khi tới đây. Khi tôi nói, cả nhà mình sẽ đi công viên vào ngày chủ nhật. Nó đã nhảy cẫng lên, ôm lấy cổ tôi, rồi hôn chụt lên đôi má tôi. Khi đó, vợ tôi đang bận túi bụi với những thứ trên bếp. Và tôi tin chắc rằng, cô ấy cũng sẽ rất vui.
Nhưng suy đi nghĩ lại thì cũng không hẳn, là lâu rồi không đi công viên. Hay nó như một phần thưởng cho con gái chúng tôi. Không. Không. Đơn giản vì tôi muốn vợ mình vui. Bởi tuần trước, tôi bắt đầu phát hiện ra cô ấy lén uống rượu và hút thuốc lá trong nhà vệ sinh. Khi đó, tôi đã bực mình biết nhường nào. Cô ấy cũng không tranh cãi gì trong chuyện này. Cô ấy nhận mọi lỗi lầm về mình và hứa sẽ không lén hút thuốc và uống rượu nữa. Tôi cũng cảm thấy hối hận biết bao khi đã quát mắng cô ấy. Sau đó, tôi xin lỗi cô. Và chúng tôi không hứa sẽ không bao giờ nhắc tới chuyện đó nữa. Vợ tôi đã quá căng thẳng trong thời gian qua. Và điều tôi cần làm lúc này là thông cảm cho cô ấy.
Chiều ngày chủ nhật nên công viên khá đông người. Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ nó đã được dựng lên, nghe đâu để kỷ niệm ngày giải phóng thành phố thoát khỏi chiến tranh, giành lại nền độc lập từ quân địch. Khi ấy, cũng chưa có nhiều người, hay hơn hết người ta chẳng thèm để ý tới nó là một cái công viên, hay vai trò của công viên ngày đó không phải là chỗ để người ta vui chơi như bây giờ.
Nhưng giờ đây, dĩ nhiên mọi thứ phải khác chứ! Khác rất nhiều là đằng khác, đôi khi chỉ như trong một cái nháy mắt và mọi thứ đều đổi thay. Khi mở to mắt ra và nhìn rõ mọi vật. Nhiều khi bạn phải thốt lên rằng, chao ôi, mọi thứ trôi nhanh như lũ ngựa chạy vậy.
Nói về lũ ngựa, tôi nhớ ngày trước, trong chính công viên này, chúng đã từng tồn tại thì phải. Có lần đi ngang qua công viên, tôi ngó qua thì chẳng thấy lũ ngựa đâu, những chiếc chuồng của chúng đã được dọn dẹp sạch sẽ thay vào đó là những con công sặc sỡ sắc màu, trông chúng thật kiêu ngạo vô cùng. Nhưng tôi vẫn thích lũ ngựa hơn, ở chúng, tôi thấy được vẻ đẹp của sự dũng mãnh và dẻo dai, can trường. Lần đó, tôi thấy có đôi chút hụt hẫng thật. Tôi dự định về tới nhà, tôi sẽ hỏi vợ tôi, xem cô ấy có biết người ta đã đưa lũ ngựa đi đâu không? Nhưng rồi, tôi cũng quên khuấy đi mất. Sau thời gian đó, tôi quên bẵng đi lũ ngựa, chúng không hề xuất hiện một dấu vết nào trong tâm trí của tôi nữa. Cho tới hôm nay, cùng với gia đình mình đi công viên, thì bất chợt những hình ảnh của chúng lại lóe lên trong tâm trí tôi. Sáng rõ. Tôi nhớ những thân hình hoàn mỹ mà óng ả ấy, sẽ hay ho biết bao nếu như chúng sải từng bước dài trên những cánh thảo nguyên rộng lớn, giống như ở Mông Cổ chẳng hạn.
“Anh có thấy lũ ngựa ở đâu không?” Vợ tôi quay sang hỏi khiến tôi hơi ngạc nhiên. Cô ấy vẫn nhớ những con ngựa đó. Tôi không ngờ.
Tôi chưa vội đáp lời mà ngước nhìn về phía con gái chúng tôi, con bé đang chơi với mấy cái đu quay hình các con vật. Nó cũng đang ngồi trên một con ngựa màu vàng với vẻ mặt phấn khích vô cùng.
Tôi quay sang nhìn vợ và trả lời:
“Anh cũng không thấy chúng ở đây nữa. Anh nhớ là nó nằm ở ngay tại vị trí của mấy con công sặc sỡ đó thì phải, nếu không nhầm”.
Rồi tôi chỉ tay về chuồng của mấy con công đang thong thả bước từng bước trên mặt đất. Những cái chân nhỏ xíu và dài nhẳng. Chúng vẫn kiêu hãnh như thế đấy! Kiêu hãnh trong bộ lông sặc sỡ sắc màu đó. Thi thoảng con công đực xòe cái đuôi kiêu hãnh của mình ra thành hình dẻ quạt, như thể tán tỉnh ve vãn những con công cái với bộ lông trắng muốt.
“Thật tiếc. Vợ tôi ngao ngán thở dài. Khi không thể thấy những con ngựa đó nữa, dù em không thể nào hình dung chính xác về những con ngựa đó trông chúng nom như thế nào nữa, nhưng sự thật là em vẫn thích ngắm chúng. Em cứ tưởng chúng vẫn còn ở trong ngày chứ”.
“Đã lâu rồi chúng ta không qua đây mà, mọi thứ phải thay đổi chứ. Em nhìn quanh đây mà xem, mọi thứ giờ trở nên khác xa rồi đúng không nào. Ngay chỗ chúng ta hay ngồi ngắm sao hay ngắm những con ngựa thôi cũng đã đổi khác rồi. Làm gì có cái kiểu cầu trượt như ngày xưa nữa”.
Vợ tôi thở dài lần nữa, rồi im lặng một hồi. Con gái chúng tôi đã chuyển sang chơi cầu trượt cùng mấy đứa con nít trạc tuổi.
“Anh có tin rằng, lũ ngựa đã từng xuất hiện trong thành phố chưa, ý em là không phải giống như kiểu người ta nuôi nhốt chúng trong những công viên như này. Khi thành phố còn là những cánh đồng ấy, anh có tin lũ ngựa đã từng sống trên đó không. Không phải chỉ là ba, bốn, năm con đâu nhé, mà là cả một đàn ngựa lớn. Một đàn ngựa thực sự. Em nghĩ phải có tới ba trăm con ấy chứ. Một khi chúng chuyển động thì dường như kéo tuột cả cánh đồng về một phía nào đó.
Tôi chống tay lên cằm, mắt đăm đăm nhìn xuống phía dưới chân mình, nơi có một vỏ kem ly ai vô ý đã không vứt vào thùng rác. Nếu như ngày bình thường hay không phải bây giờ tôi sẽ đem chúng vứt vào trong thùng rác, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay tôi không cảm thấy khó chịu vì chuyện đó. Tôi thấy hơi choáng váng.
Vợ tôi đưa tôi một chai nước lạnh. Tôi tu một hơi thật dài. Rồi tôi bắt đầu nói:
“Anh tin điều đó, dù anh cũng chưa từng đọc bất cứ một tài liệu nào về sự tồn tại của chúng. Rất có thể người ta đã từng nói điều này trên truyền hình, nhưng em biết đấy, anh và em chẳng mấy quan tâm tới những chương trình kiểu đó đâu mà. Chúng mình không có thời gian, mà cho dù không quan sát nó thì cũng đâu ảnh hưởng gì tới cuộc sống của chúng ta phải không nào. Nhưng anh tin là trước đây khi chưa là thành phố, chưa có những công viên, chưa có những trung tâm thương mại, chưa có những chung cư cao tầng, thì ắt hẳn thành phố phải là những cánh đồng, những cánh đồng rộng rất rộng lớn, giống như những cánh đồng trên thảo nguyên Mông Cổ ấy. Và biết đâu lũ ngựa đã từng tồn tại trên đó, chúng ăn cỏ vào bình mình thong thả lượn trên những triền cỏ xanh mướt và êm ái vô cùng. Có nằm mơ chúng ta không tưởng tượng được những điều đó tuyệt vời như thế nào đâu nhỉ?”.
Tôi nói rồi, ngả người về sau chiếc ghế đá, vòng tay ôm qua đầu. Tôi cảm thấy mình trở nên khoan khoái hơn. Con gái chúng tôi vẫn chơi với mấy cái cầu trượt màu đỏ chói, bóng láng.
“Em cũng đôi điều cảm nhận được điều đó tuyệt vời như thế nào rồi, em và anh đã từng mê đắm lũ ngựa ấy như thế nào. Chắc anh vẫn còn nhớ những con ngựa đó chứ?”
Tôi gật đầu:
“Nếu như không nhầm thì chúng có khoảng 4, 5 con gì đó. Những con ngựa đẹp tuyệt trần!”.
“4, 5 con trong cái lồng nhỏ xíu đó sao?”. Vợ tôi thắc mắc.
Tôi vội lắc đầu.
“Không, không, chúng rộng lớn hơn nhiều chứ em. Khi làm chuồng cho những con công đó, người ta đã làm chúng nhỏ lại. Vì lũ công không cần nhiều diện tích như lũ ngựa đâu. Điều đó em thấy rõ mồn một mà”.
“Người ta đã cho chúng ăn những gì nhỉ?” Vợ tôi lại hỏi.
“Anh nghĩ là cỏ khô và đậu tương. Hầu hết trong những công viên người ta đều cho chúng ăn những thứ đó, có thể đó là thức ăn chúng ưa thích”.
“Tại sao người ta không cho chúng ăn cỏ tươi? Em dám chắc rằng chúng sẽ thích cỏ tươi hơn đậu tương”. Vợ tôi thắc mắc.
“Anh không biết”. Tôi vội lắc đầu.
Vợ tôi nhìn về phía con gái chúng tôi, giờ này nó không chơi với cầu trượt nữa. Nó đang chăm chú nhìn những đứa trẻ khác tô tượng. Tôi vội nghĩ, lát nữa thôi, chúng tôi sẽ cho con bé tô một bức tượng nào đó. Như chuột Mickey chẳng hạn.
“Em nghe nói rằng, đó là những con ngựa hoang”.
“Là những con ngựa hoang?” Tôi quay sang nhìn vợ với vẻ thoáng ngạc nhiên.
“Chính xác. Vợ tôi nói tiếp. Em đã từng nghe nói chúng là những con ngựa hoang nhưng sinh ra trong công viên, không phải sinh ra trong môi trường hoang dã, chúng lớn lên trong công viên với đám cỏ khô và đậu tương đó, nên chúng không thể nào gặm được cỏ tươi. Và em sợ một điều ? “.
Vợ tôi ngừng nói với giọng điệu nửa như hoang mang.
“Điều gì ?” Tôi hỏi.
“Em sợ một điều, nếu như chúng ta thả những con ngựa hoang đó ra thiên nhiên, nơi đã từng là ngôi nhà của tổ tiên chúng, thì chúng sẽ chết khi không kịp thích nghi với những thứ lạ lẫm ngoài đó. Ngay cả cách gặm cỏ, chúng cũng không thể biết. Rồi chúng sẽ chết cả thôi. Anh có cảm thấy thế không ?”.
Tôi vội lắc đầu :
“Anh không biết. Nhưng anh tin điều đó sẽ xảy ra với lũ ngựa”.
“Vậy những con ngựa đó, những con ngựa mà chúng ta đã từng thấy đó, ở chỗ mấy con công. Có phải chúng đã được thả ra công viên không. Chúng đã chết trước khi kịp thích nghi chứ ?”..
Tôi cảm thấy không khí đột nhiên trở nên ngột ngạt tới lạ thường, dẫu cho thời tiết hôm nay có rất nhiều mây. Rất có thể nó sẽ mưa vào buổi chiều.
Tôi không thể nói gì thêm nữa. Vợ tôi lại đưa tôi chai nước, tôi tu nốt chỗ nước còn lại trong chai. Tôi đứng dậy và bỏ nó vào thùng rác gần đó.
Sau đó, tôi ngỏ ý muốn cho con gái tôi tô tượng. Vợ tôi đồng ý. Chúng tôi đi về phía khu vực tô tượng, nơi con gái chúng tôi đang chăm chú ngắm nhìn những đứa trẻ khác, với những thứ màu vẽ xanh đỏ bám đầy trên tay, chân thậm chí cả trên mặt. Dù thế nhưng chúng vẫn cười tươi. Nghiễm nhiên sau đó chúng tôi không nhắc gì thêm về chuyện những con ngựa nữa. Tôi nghĩ, những lần sau trong cuộc trò chuyện bất chợt giữa vợ chồng tôi. Đôi khi chúng tôi vẫn nhắc về lũ ngựa đó, nhưng ấn tượng về nó cũng chẳng mấy còn sâu sắc nữa. Cũng có thể do chúng tôi còn quá nhiều thứ phải lo hơn là nghĩ những điều vô bổ về lũ ngựa hoang đó. Trong suốt cuộc đời còn lại chúng tôi cũng không lần nào nhắc tới những con ngựa đó nữa.
Chúng tôi chăm chú ngồi ngắm con gái mình tô hết bức tượng. Từng màu, từng màu một, từ cái áo màu đỏ, tới cái quần màu đen, đôi tai cũng màu đen. Đó là chuột Mickey thì phải.
Sau đó chúng tôi trả tiền. Họ khéo léo cho bức tượng vào trong một cái túi nilon con cỏn màu xanh. Lúc ra về vợ tôi còn mua cho con gái một thứ kẹo dẻo dinh dính ngòn ngọt để trên một cái que gỗ, đó là loại kẹo mà ngày xưa tôi đã từng rất thích. Nhưng thế, tôi cũng đã quên khuấy đi mất hương vị của nó như thế nào rồi.
Chúng tôi ngồi đợi ở điểm dừng xe buýt gần đó. Xe buýt đến, chúng tôi trèo lên xe. Xe buýt vòng vèo qua những con phố. Con gái ngồi trong lòng tôi, nó dùng tay chỉ trỏ những thứ bên vệ đường mà không hề để ý tới chiếc kẹo trên tay. Tôi sợ chúng sẽ chảy đi mất. Vợ tôi thì ngủ gục lên vai tôi. Có lẽ cô ấy mệt.
Sau đó, chúng tôi dừng xuống ở điểm buýt gần khu nhà. Chúng tôi phải đi bộ gần năm trăm mét thì mới tới được nhà.
Chúng tôi tản bộ đi về trên con đường lát gạch đỏ rêu phong cũ kỹ. Tôi đặc biệt thích những bức tường của những tòa nhà ven đường đó, chúng được quét ve màu trắng cùng với lối kiến trúc Tây phương cổ kính.
Có vài gốc cây bị bật ngược lên khỏi mặt đất, sau cơn giông khủng khiếp vào tuần trước. Cơn giông lớn nhất từ trước tới nay. Có rất nhiều cây bị bật gốc như thế này trong thành phố khi cơn giông đột ngột quét qua. Những cây nhỏ thì người ta đã chặt bỏ đem đi đâu đó, tuy nhiên những cây to vẫn nằm chỏng trơ trên đường. Như ngay đoạn đường chúng tôi đang đi có một cây khá to vẫn nằm chình ình hiên ngang. Tại sao cả tuần nay người ta vẫn chưa dọn nó đi chứ ?
Vợ tôi vừa đi vừa xem xét cái cây bị đổ đó. Cô ấy dừng lại ngắm nghía.
“Tại sao người ta vẫn chưa dọn nó đi nhỉ ? Chậc chậc”.
“Rồi người ta sẽ dọn nó đi thôi mà. Em an tâm. Nào mình đi tiếp thôi”. Tôi nói với giọng điệu nửa như an ủi, nửa như sự phiền hà.
Chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Vợ tôi xách theo chiếc túi xách bên trong đựng bức tượng của con gái chúng tôi đã tô. Còn tôi bế con gái trên tay. Nó vẫn cầm trên tay chiếc kẹo dẻo dinh dính đó, thi thoảng nó khẽ hát lên một giai điệu vui tươi được dạy ở trường mẫu giáo.
“Anh này, anh có nghĩ mình sẽ lo được cho con gái vào ngôi trường tư bên quận không ? Ngôi trường đó khá tốt và chỉ cách chúng ta chừng vài trạm xe buýt thôi. Em đã từng đi qua đó. Em thấy khá thuận tiện”.
Tôi mải nghe con gái hát mà quên đi những gì vợ tôi nói, tôi bèn hỏi lại :
“Em nói gì cơ? Chúng ta sẽ lo được mà. Em có cần qua chợ không đấy? Ngay gần đây có một chợ thực phẩm mới mở đấy, nó chỉ họp vào buổi chiều thôi. Trưa nay lúc đi anh ngó qua tủ lạnh thì thấy đã hết thực phẩm dự trữ rồi”..
Vợ tôi im lặng một hồi rồi đáp :
“Em biết. Em nghĩ là có, vậy anh đưa con về nhà trước nhé ! Em sẽ đi qua chợ. Em cũng biết đường tới đó rồi”.
Tôi gật đầu.
Tới ngã tư, vợ tôi rẽ phải hướng vào khu chợ thực phẩm. Tôi bế con gái đi vào trong ngõ nhà chúng tôi ở phía đối diện.
Khi gần tới ngõ, tôi ngoái nhìn lại phía sau, thì thấy vợ tôi đã mất hút sau bức tường quét ve màu vàng, cũ kỹ bong tróc.
Rồi tôi ngước mắt nhìn lên phía bầu trời. Mây đen bắt đầu kéo về bám dày đặc thành từng đám dày ở chân trời phía đông. Trời lại sắp mưa rồi. Tôi nghĩ, tôi cần đưa cho vợ mình một cái ô.
NGUYÊN NGUYÊN
=> Đọc thêm truyện ngắn “Thăm thẳm” của tác giả Nguyên Nguyên