TRUYỆN NGẮN “THĂM THẲM”

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...

Đó là lần đầu tiên tôi gặp nàng. Nàng chưa có bất cứ thông tin gì về tôi. Tháng Ba, trên đường Hoàng Diệu lá rụng nhiều bất thường, cả con đường ngập tràn xác lá. Khung cảnh đó dễ tạo nên một bức họa màu nước, phác lên bằng những nét tối giản, càng tối giản càng tốt như thế sẽ tạo sức gợi hơn. Giáo sư dạy mỹ thuật đương đại đã từng nói với tôi như thế. Nhưng ngày hôm đó, tôi chẳng buồn để ý tới bài học của mình. Tôi chỉ nghĩ tới nàng, đôi mắt và những điều thăm thẳm.

“Thăm thẳm”. Nàng ngạc nhiên khi tôi nói ra hai từ đó.

Một cảm giác nhẹ nhõm như trút bỏ được chút gánh nặng trong lòng mình, thật ra chẳng có điều gì to tát cả bởi lẽ, khi đó tôi vẫn chưa biết một chút gì về nàng, ngay cả bây giờ vẫn vậy.

Tôi không vội nói gì, vẫn bước đi bên nàng trên con đường dọc bờ sông Aurajoki, con sông nổi tiếng của cố đô Turku, Phần Lan. Nàng sống ở thành phố này từ năm 12 tuổi.

Chúng tôi không vội gì để bắt đầu những câu chuyện, luôn là thế. Có lẽ nàng vẫn còn xúc động với vở opera Orpheus mà chúng tôi vừa xem ban nãy. Tôi nghĩ mình cần phải tìm một cái cớ để bắt đầu một câu chuyện chính đáng.

Tôi và nàng ngồi trên một băng ghế dài, ẩm ướt nằm dưới một ngọn đèn vàng đục. Ngày trước lúc còn ở Hà Nội, trong con ngõ nhỏ sâu hút ở khu tập thể Thành Công chằng chịt dây điện, chúng tôi cũng có một ngọn đèn cao áp ở đầu ngõ, chỉ duy nhất một ngọn đèn mà thôi.

Nhà Thờ Turku soi bóng xuống sông Aurajoki êm đềm thơ mộng. 9h tối, đường phố ở Turku cũng vắng lặng khác thường so với những thành phố khác ở Phần Lan. Ra vẻ trầm mặc hơn. Tháng Tám rồi. Tôi chợt nghĩ.

“Cậu vẫn còn nghĩ về vở kịch?”

“Orpheus”. Nàng nói.

Tôi gật đầu.

Nàng im lặng một hồi, mắt hướng về phía nhà thờ, ánh sáng từ những chiếc đèn khiến cho nhà thờ trở nên huyền ảo hơn trong màn đêm.

Turku - tham - tham

Lâu đài cổ kính tại Turku

“Đó âu cũng là những hoài niệm. Nàng chậm rãi nói. Năm 12 tuổi, mình tới Turku để định cư, và Orpheus cũng là vở kịch đầu tiên mà mình nghe khi tới thành phố này. Dẫu trước đó mình đã nghe tới cả trăm lần, nhưng chẳng hiểu sao khi vở kịch được công diễn ở đây mình đều có cảm giác như vậy. Nó giống như…”

Nàng ngập ngừng chẳng nói thành lời, có lẽ nàng xúc động, tôi cũng chẳng hiểu nổi nguyên do gì lại gây ra nỗi xúc động sâu sắc trong nàng như thế.

“Thăm thẳm”. Lần thứ hai tôi thốt lên tính từ đó. Nghe xa lạ.

Nàng gật đầu.

“Có phải những điều xảy ra trong đôi mắt của Eurydice đã khiến cho Orpheus nghĩ tới điều đó. Giống như điều cậu vừa nói”. Tôi mỉm cười.

Nàng cũng vậy.

“Mình thường nghĩ tới chuyện con đường hơn”.

“Ý cậu là con đường xuống địa phủ mà Orpheus phải đi qua để cứu lấy vợ mình”.

Nàng gật đầu.

“Đúng vậy. Mình thường bị ám ảnh bởi con đường đó, trong thứ ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều hoàng hôn, trên con đường tối thẫm, có khi bước đi mình chẳng nhìn thấy gì đang xảy đến phía dưới đôi chân, nhịp bước của mình, mà sun cùng thì vẫn cứ phải bước đi. Như Orpheus, vì Eurydice”.

“Đơn giản vì Orpheus có mục đích và niềm tin. Mình thường nghĩ vậy. Mẹ mình cũng từng nói thế”.

Nàng không nói gì nữa, và chúng tôi mau chóng kết thúc câu chuyện ở đó. Tôi biết là nàng đang buồn.

Ngày hôm đó, tôi bắt chuyến tàu đêm để về Helsinki, tôi có một số công việc cần giải quyết trước khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Tôi sực nhớ tới những bài học về Mỹ thuật đương đại của ông giáo sư.

Nàng tiễn tôi ra sân ga, lần nào cũng vậy. Sân ga vắng lặng hầu như chẳng có người trong giờ này. Tôi chần chừ trong giây lát, nàng nắm lấy bàn tay tôi. Tay nàng lạnh, lúc nào cũng thế dù cho nàng có ủ tay mình trong áo khoác hàng giờ đồng hồ, nhưng tôi lại thích cảm giác đó, bất cứ khi nào.

“Mình sẽ tới thăm cậu trong thời gian sớm nhất có thể. Có lẽ là sau kỳ thi”. Tôi ngập ngừng nói.

Nàng mỉm cười:

“Biết đâu trước thời gian đó mình có thể trở lại Helsinki thăm cậu. Lâu rồi mình cũng chưa qua Helsinki, mình nhớ những lần đi dạo trên đại lộ Esplanadin Puisto, hay có thể nghe bất cứ những đoản khúc của Sibelius trong mọi ngóc ngách của thành phố đó. Giống như nàng công chúa tỉnh giấc sau cơn mộng mị và hát”.

Cách miêu tả thật lạ lùng. Tôi thầm nghĩ. Nàng biết cách diễn đạt những ngôn từ của mình. Tôi nhớ, nàng đã từng say mê công việc viết một thời gian, nhưng chẳng hiểu sao giờ nàng lại gạt phăng nó ra khỏi cuộc đời mình như một cái hẩy tay nhẹ bẫng, dường như chẳng có gì tồn tại trước đó.

“Mình sẽ trở lại, vì mình còn muốn tìm hiểu về con đường gian nan của Orpheus hay ánh mắt của nàng Eurydice”.

Nàng lại cười, rồi buông tay tôi ra.

Tôi bước lên con tàu. Nàng vẫn đứng đó, hai tay thọc sâu vào trong túi áo khoác. Mặt nàng tái xanh, nhưng nàng không khóc, không bao giờ nàng khóc cả.

“Cậu có biết là mình đã nghĩ gì khi nhìn thấy ánh mắt của cậu trong ngày hôm đó không, trên đường Hoàng Diệu?”.

Tôi quay lại nói với nàng.

“Ý mình là đôi mắt, của cậu. Mình nghĩ tới những điều thăm thẳm”.

Đám ngôn từ bay loạn xạ trong làn gió, thật không thể hiểu nổi mình nữa.

Trong thoáng chốc, trên gương mặt nàng có sự chuyển biến nhẹ, nhanh nhưng đủ để tôi nhận ra. Nàng ngạc nhiên, nàng khó hiểu, có lẽ sau đó nàng sẽ chẳng cảm thấy gì. Như cảm giác đánh rơi vật nhỏ bé trên cánh đồng mênh mang, tối sẫm đó.

Nàng chỉ cười, rồi hòa lẫn vào trong màn đêm, trên sân ga, dưới ánh đèn vàng đục, giữa lòng cố đô Turku.

***

Năm 12 tuổi nàng cùng mẹ và người tình của bà sang định cư ở Phần Lan. Trên chuyến bay đêm đã đưa nàng tới một thành phố lặng lẽ của phương Bắc, rời xa khu tập thể cũ kỹ trên đường Yên Phụ. Sau này trong những chuyến trở lại Hà Nội nàng luôn ghé thăm qua nơi đó. Như một ký ức nặng nề. Nàng thường bảo tôi thế.

Nhưng tôi luôn biết nàng cần tìm thứ gì trong khoảng ký ức nặng nề đó.

“Năm mình 7 tuổi cha mình bỏ nhà đi và không trở về nữa”. Nàng thường không kiềm chế được nỗi xúc động của mình mỗi khi nói ra câu đó.

“Bỏ đi?” Tôi ngạc nhiên.

“Mình biết trước sau gì ông cũng sẽ bỏ đi, trong những lần về muộn, say khướt, người nồng nặc mùi rượu, cộng với ánh mắt ngày càng trở nên khác lạ của mẹ mình. Ngày đó, mình cảm giác như sống trong một cuộc sống tăm tối, chẳng có lối thoát nào dành cho ba người bọn mình”

Nàng ngừng lại đôi chút, nhìn về phía quảng trường trung tâm thành phố, khi đó chúng tôi đang ở trong những ngày tháng Mười lạnh giá của Helsinki. Tuyết rơi nhẹ. Nàng tới Helsinki để tham dự một hội thảo về văn học đương đại thế giới.

“Rồi sau đó, ba mình bỏ đi. Đó là tất yếu. Mình luôn nghĩ thế, mình chắc chắn sẽ có ngày đó. Nhưng chẳng hiểu sao, trong thâm tâm mình vẫn không thể nào tin được mọi chuyện tại sao lại phải xoay chuyển theo chiều hướng như vậy. Nói cách khác mình vẫn chẳng thể nào chấp nhận được. Mình cũng không dám chắc rằng, với mẹ mình chuyện đó có được coi là sự giải thoát không, nhưng mình nghĩ bà luôn ổn hơn mình, ngay cả bây giờ, ngay cả chuyện đó đã xảy ra hơn chục năm nay rồi. Mình thì khác, mình giống cha nhiều hơn”.

“Cậu vẫn thương ông ấy?”

Nàng gật đầu rồi nói:

“Mình chưa bao giờ trách cha mình cả, ngay cả khi ông bỏ đi, ngay cả khi ông không còn nhớ về căn nhà, hay mình nữa. Hơn cả, mình luôn mong ông trở về, bất cứ lúc nào mình sẵn sàng tha thứ cho ông”.

Nàng xúc động thật sự, nhưng nàng không khóc, nàng không bao giờ khóc.

Năm năm sau đó, không một dấu hiệu nào của sự trở về, ngay cả khi nàng trở lại khu phố cũ cũng chẳng có dấu hiệu nào. Nhưng tôi biết, nàng không bao giờ dừng lại.

 

Ba tuần sau kể từ khi tôi tạm biệt nàng trên sân ga ở Turku, nàng xuất hiện ở Helsinki gây cho tôi sự bất ngờ, chưa bao giờ nàng lại chủ động tới tìm tôi. Có lẽ tôi thích cách nghĩ đó hơn, ít ra là hơn chuyện nàng đang chuẩn bị cho một cuộc hội thảo nào đó giữa các câu lạc bộ về văn chương nghệ thuật, nghiên cứu thơ ca cổ điển hay sự cách tân ngôn từ gì gì đó. Với tôi nó hoàn toàn là một thế giới lạ lẫm, tôi như một đứa trẻ chết già mà chẳng để tâm tới sự khám phá, nỗi tò mò trở nên mòn vẹt, xước xát theo năm tháng…

Tôi đoán nàng ở sân ga thành phố Helsinki vào một buổi sáng tháng Chín. Trời trở nên xám ngắt một màu. Hôm đó, nàng mặc một chiếc áo dạ dài tới đầu gối, bên trong nàng mặc một chiếc áo len màu xám nhạt loại cổ cao. Nàng nói nàng luôn thích những chiếc áo len cổ cao, như thế nàng sẽ không cần phải quàng thêm một chiếc khăn nào cả. Chân nàng mang một đôi giày thể thao màu trắng hiệu Nike, trông chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng chẳng hiểu sao chúng lại hợp với nàng, khiến cho nàng trông thật thu hút, ít ra là với tôi. Hôm đó, nàng cột tóc cao lên để lộ ra vầng trán thanh tú.

“Mình muốn tạo cho cậu một bất ngờ”.

“Ngay khi cậu báo tin cho mình thì mình đã bất ngờ rồi, mình cứ nghĩ cậu sẽ không còn lưu luyến gì Helsinki nữa”.

Nàng khẽ chau mày, sau đó tôi gọi cho nàng một chiếc taxi.

“Khi nào xong việc nhớ gọi điện cho mình, mình sẽ qua đón cậu”.

“Hay cậu cứ cho mình một địa chỉ cụ thể đi, mình xong viêc khi nào thì mình sẽ tới đó luôn. Vì cậu cũng có công việc mà”.

Tôi đồng ý, tôi ghi lại một địa chỉ một nhà hàng trên nằm cuối đại lộ Esplanadin Puisto.

“Chắc cậu biết nhà hàng đó chứ”. Tôi hỏi nàng.

“Mình đã từng tới đó một lần rồi”.

Nàng mỉm cười, rồi chui vào chiếc xe taxi đang đỗ sẵn trên vệ đường.

 

Tôi tới quán ăn trên đại lộ Esplanadin Puisto trước cuộc hẹn một tiếng đồng hồ, không ngờ là tôi có thể kết thúc buổi thuyết trình của mình nhanh đến thế. Trong lúc tôi tới đây, trên xe buýt tôi chợt nghĩ tới chuyện hai năm nữa mình quay trở về Hà Nội thì sẽ bắt đầu mọi chuyện như thế nào, về công việc, về tất tần tật mọi thứ. Những ý nghĩ đó, đôi khi lóe lên trong người mình như một tia sáng trong màn đêm, rất nhanh sau đó nó vụt tắt như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hay những câu chuyện của nàng luôn khiến tôi chệch hướng. Tôi đã nghĩ mình sẽ thế nào nếu không nói chuyện với nàng trong một thời gian dài.

Trong lúc đợi nàng, tôi gọi bánh vòng, cà phê, nghe những đoản khúc của Sibelius và nghĩ về câu chuyện đi tìm lại người vợ đã mất của Orpheus.

Hai giờ chiều nàng tới.

“Đợt mình lâu chưa? Mình xin lỗi vì mình nghĩ đã có thể kết thúc sớm hơn, nhưng cậu biết đấy…”. Nàng thoáng ngập ngừng.

“Mình hiểu…Tôi mỉm cười…văn chương thăm thẳm như con đường xuống địa phủ của Orpheus”.

Nàng khẽ cau mày mỗi khi tôi nói câu đó.

“Cậu ăn gì chưa?”.

Nàng lắc đầu.

Sau đó chúng tôi chọn mì hải sản, tôi gọi cho nàng một ly nước lọc. Chúng tôi hầu như không nói gì trong lúc ăn, có lẽ nàng thấy đói.

Ăn xong, chúng tôi dùng cà phê. Từ góc này chúng tôi dễ dàng nhìn ra phía bên kia đại lộ Esplanadin Puisto, đi lên trên một khoảng sẽ ra được khoảng trường thành phố nơi có bức tượng nàng Amanda huyền thoại vây quanh là bốn chú hải cẩu, được coi như biểu tượng của thành phố này.

Quán vắng người lúc này tôi mới để ý, chỉ có hai chúng tôi và một vài vị khách khác. Trong góc phòng chiếc máy quay đĩa than vẫn đều đặn phát lên những đoản khúc của Sibelius. Nàng có vẻ như đang đắm chìm trong những giai điệu đó.

“Lần tới, ở Turku mình đi nghe Sibelius được không?”. Tôi hỏi

Nàng mỉm cười gật đầu.

“Lâu rồi mình cũng không tham dự một buổi hòa nhạc nào”.

“Cậu dự định ở Helsinki lâu không?”

Nàng ra vẻ đăm chiêu.

“Ngày mai mình sẽ về Turku sớm, càng sớm càng tốt”.

“Sao vội thế?”

“Mình tính về đó thăm mẹ mình trước”

“Mẹ cậu”

Nàng gật đầu.

Đúng rồi mẹ nàng sống cùng người tình ở một nông trang ngoại ô của thành phố Turku, nghe nói họ có một nông trại trồng toàn bắp cải và nuôi những con ngựa lùn.

“Lâu rồi mình không tới thăm bà ấy, mà bà ấy cũng chẳng thiết tha gì chuyện thăm nom của mình đâu. Với bà ấy, giờ đây mọi thứ chẳng còn vương vấn điều gì nữa rồi. Như tự do. Mình nghĩ mẹ mình đã trải qua đủ mọi thứ chuyện trên đời mình và  bây giờ điều bà ấy cần là hạnh phúc. Là hạnh phúc. Mình nghĩ thế”.

Tôi không vội nói gì, nhưng tôi nhận thấy những âm sắc khác lạ trong giọng nói của nàng. Tôi đã nghĩ…

“Và sau đó…”

Nàng hơi cúi mặt xuống, có lẽ nhìn vào cốc cà phê đã vơi đi phân nửa của mình.

“Sau đó, mình sẽ quay trở lại Hà Nội”.

Rốt cuộc thì nàng cũng nói ra, mục đích của cuộc nói chuyện này, mục đích của chuyến thăm nom bất đắc dĩ với người mẹ và người tình của bà.

Tôi không nói gì nữa, tôi im lặng một hồi. Những giai điệu của Sibelius vẫn cất lên đều đặn. Nhìn về phía khu phố những bóng người lặng lẽ đi qua, như bóng ma quá khứ. Ngày trước mẹ tôi cũng thường hay bị ám ảnh về điều đó trong một thời gian dài, tôi chẳng biết làm cách nào mà bà đã thoát khỏi nó.

“Cậu đã quyết định chưa?”.

Nàng gật đầu.

“Mình tìm được một chút manh mối về ông ấy. Cha mình”.

“Một chút?”

“Sau khi rời khỏi nhà, cha mình đã đi về phía Nam ông đã ở đó khoảng gần chục năm trời. Mình cũng chưa rõ ông đã làm gì ở đó, nhưng mình nghĩ ông vẫn tiếp tục làm nghề mộc hay vài thứ liên quan đến gỗ. Cậu biết đấy, nhiều khi ông coi đó như một phần sinh mạng của mình vậy”.

Nàng dừng lại, mắt nàng nhìn về phía con đường. Trời bắt đầu mưa.

Sau đó nàng kể tiếp:

“Gần đây nhờ một vài mối quan hệ mà mình lấy được thông tin ông sắp trở lại Hà Nội, mình cũng chẳng rõ tại sao ông lại quay trở lại, nhưng mình chẳng quan tâm chuyện tại sao ông lại trở lại mình chỉ nghĩ tới chuyện gặp lại ông thôi. Chỉ nghĩ tới chuyện đó thôi, nó khiến mình đứng ngồi không yên. Mình…”

Nàng có vẻ xúc động, tay nàng nắm chặt cốc cà phê đã lạnh ngắt từ khi nào trên tay…

“Mình chẳng biết chuyện này có mang một phần ý nghĩa nào không nữa, chẳng biết là cha mình có nhận ra mình không nữa, nhưng mình vẫn cảm giác như giữa mình và ông ấy vẫn có một phần của sự liên kết, ngay cả trong những giấc mơ mình cũng thấy vậy”.

Nàng ngừng lại, mắt nàng đỏ hoe, nhưng thật tệ là tôi không tài nào nhấc nổi đôi chân đang dính chặt vào sàn căn phòng để tiến về phía bên nàng, an ủi nàng. Tôi cho là thật vô nghĩa, tôi chỉ biết nhìn nàng từ phía đối diện. Sự im lặng bao trùm lấy không gian chúng tôi đang ngồi, những giai điệu của Sibelius không còn vang lên từ trong góc phòng nữa. Trời càng mưa nặng hạt hơn.

“Đừng…”

Tôi ngập ngừng nửa như muốn phá tan sự im lặng đó.

“Đừng suy nghĩ nhiều nữa, cậu biết mình sẽ phải làm thế nào cho đúng đắn mà.

“Cậu ủng hộ mình?”

“Lúc nào cũng vậy”.

Nàng mỉm cười.

Ngày hôm đó, tôi tiễn nàng một đoạn từ con đường chạy thẳng lên đại lộ tới khách sạn gần nhà ga trung tâm thành phố.

Tôi và nàng bước chầm chậm bên nhau trên vỉa hè, vắng lặng.

Trời không mưa nữa, nhưng để lại những vệt nước loang loáng phản chiếu ánh đèn vàng đục.

Tôi nhớ lại ngày đầu tiên gặp nàng trên con đường Hoàng Diệu, giữa tháng Ba, con đường ngập tràn xác lá. Khi đó, hai từ “thăm thẳm” ám ảnh tôi đến lạ thường như thế. Thăm thẳm như khi tôi nhìn vào ánh mắt nàng, một thế giới lạ lẫm mà đôi khi dù rất muốn nhưng tôi vẫn chần chừ không dám bước vào. Thăm thẳm như con đường mà Orpheus đi xuống địa phủ để tìm lại người vợ quá cố của mình, sau cùng thì…

Thăm thẳm như con đường của nàng đang chọn. Hy vọng làm ta tổn thương. Nàng đã nói vậy, nhưng một khi ta đã dấn thân vào nó thì không thể dừng lại.

“Mình sẽ rất nhớ cậu”. Tôi nói với nàng khi chúng tôi đứng trước sảnh của khách sạn. Trời đã tối hẳn.

Nàng mỉm cười nắm lấy bàn tay tôi.

“Mình muốn đưa cho cậu một vài thứ mình viết, mình chưa bao giờ nghĩ tới chuyện xuất bản, nhưng mình sẽ đưa cậu đọc như một lời hứa”.

Sau đó, nàng lôi từ trong chiếc va li một tập giấy đựng trong một chiếc túi nhựa trong suốt. Nàng luôn giư gìn cẩn thận những thứ nàng viết.

“Mình sẽ gặp lại cậu chứ”.

Nhưng nàng không trả lời, nàng chỉ cười, nụ cười như hòa lẫn vào trong màn đêm của Helsinki.

***

Sau ngày hôm đó, tôi không gặp lại nàng trong bất cứ góc nào ở Helsinki, thi thoảng sau khi xong xuôi công việc tôi vẫn cố nán lại trên sân ga trung tâm thành phố. Ngồi trên băng ghế dài nhìn ngắm dòng người qua lại trên sân ga.

Mỗi người đều có một chuyến đi, nhưng ai sẽ trở về…

Đó là câu mở đầu trong một đoản văn trong tập bản thảo của nàng

“Mỗi người đều có một chuyến đi, nhưng ai sẽ trở về…

Năm cha tôi bỏ đi, không phải tôi không biết như đã từng kể. Không phải chuyện bỗng vào một ngày, tự dưng trong đầu người đàn ông chịu quá nhiều áp lực từ gia đình của mình, sau đó nảy sinh ra ý định bỏ đi đột ngột, cho bõ tức. Nhưng tôi biết, với cha, dường như mọi thứ đã chuẩn bị từ trước rồi. Nếu để ý đôi chút, tôi có thể nhận ra, nhưng khi đó, tôi còn ngu ngơ quá, chẳng nhận ra. Tới khi cha biến mất, thì mọi thứ đã đi quá tầm tay…

Năm 10 tuổi cha cho tôi xem một vở kịch về một chàng trai có tài đàn hát tên là Orpheus, vì quá thương nhớ người vợ của mình đã tìm đường đi xuống địa ngục cầu xin Hades để cho vợ mình sống lại, trở về với dương gian. Sau này, khi sang Turku hay tới bất kỳ thành phố nào trên thế giới tôi đều xem lại vở kịch đó.

Rất có thể, một ý định âm ỉ đang lóe lên trong tôi trong những ngày đó, khi tôi viết, khi tôi xem Orpheus, khi tôi uống cà phê ngâm mình trong giai điệu của Sibelius, khi tôi chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về cha mình như thế. Ông ra đi như để lại cho tôi hàng tá những câu hỏi mà sau này hơn lên thêm vài chục tuổi nữa thì tôi cũng chẳng tài nào giải đáp nổi khi không có ông.

Hy vọng luôn làm ta tổn thương, nhưng một khi đã dấn bước thì chẳng thể dừng lại…

Tôi gấp lại tập bản thảo và nghĩ về nàng, rồi nghĩ về đời mình.

Thời gian dần qua đi, tôi không còn ở Helsinki nữa, cũng không lần nào tới Turku nữa. Giáo sư dạy mỹ thuật đương đại của tôi nói rằng, không quan trọng chuyện ta bắt đầu ở đâu hay phải làm như thế nào cho đúng đắn, sau cùng điều quan trọng nhất là mình cảm thấy ổn và mong đợi vào ngày mai, dẫu không biết bước xuống con đường vào ngày mai sẽ xảy đến những gì.

Đôi khi, đi dạo trên những con đường ngập tràn xác lá ở Hà Nội hay ngồi cà phê ở một chiều cuối đông ảm đạm, đắm mình trong những giai điệu cổ điển của Chopin, nghe vừa lạ vừa quen, ngắm nhìn hàng người lướt nhẹ trên phố, đôi khi tôi trông chúng bồng bềnh như đám ma quỷ mang màu sắc ước lệ.

Rồi sực nhớ tới những đêm tháng Tám ở Turku cùng nàng, đi dạo bên bờ sông và dừng lại trước nhà thờ thành phố. Tôi nhớ tới con đường xuống địa phủ tìm người vợ quá cố của chàng trai si tình Orpheus. Tôi chợt nhớ tới con đường tìm lại người cha của nàng.

Đôi khi những ký ức quá khứ xoáy sâu vào trong lòng khiến tôi chẳng thể nào chịu đựng nổi, cứ thế để nỗi buồn ngấm sâu vào trong từng tế bào trên người mình, trong cơn mộng mị, từng khoảnh khắc trùng lặp trong đời thường.

Mọi thứ diễn ra theo tuần tự hoặc không theo tuần tự nào. Chẳng ai biết, chỉ biết một ngày ta sẽ trở nên nhỏ bé đi, hay thế giới đang phình to ra, không quan trọng, bởi lẽ khi đó ta đã chìm mình trong những thứ thăm thẳm, hư vô.

Nguyên Nguyên

HN/10-2016    

=> Đọc thêm truyện ngắn Trước khi em đi

Rating: 5.0/5. From 3 votes.
Please wait...