[truyện ngắn] Những đô thị buồn
|Tôi và Thanh đang đứng trên mặt cầu. Ánh sáng vàng vọt của buổi chiều muộn bao trùm lấy cảhành phố chúng tôi đang đứng. Không một ý niệm nào về thời gian, chúng tôi cứ đứng như thế, mặc cho những cơn gió mùa hạ bỏng rát cứ thế đều đặn táp vào khuôn mặt. Điều đó làm cho chúng tôi cũng có một chút ít ý niệm về không gian mình đang đứng, trong thành phố, trong mùa hè, trong một ngày nắng nóng đến cực điểm.
Đài khí tượng thủy văn trung ương báo từ chiếc radio cũ, nhiệt độ có nơi lên tới 40 độ C. Tôi không biết chỗ tôi đang đứng nhiệt độ có lên tới 40 độ C như giọng của cô phát thanh trên đài nói hay không? Nhưng một điều rõ rệt nhất mà chúng tôi cảm thấy đó là nóng. Rất nóng. Hơi nước phả lên từ mặt sông khiến không gian chúng tôi đứng càng trở nên ngột ngạt biết nhường nào. Tôi quay sang nhìn Thanh, mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo, trên cả khuôn mặt nhìn nghiêng.
Thanh không nói câu nào từ lúc chúng tôi đứng ở đây. Không có một ý niệm về thời gian nên tôi cũng chẳng buồn tính xem từ lúc chúng tôi đứng ở đây, đã bao nhiêu phút đồng hồ trôi qua. Và… chúng tôi đã đứng ở đây bao lâu rồi? Hay sự việc kiểu như thế này cứ trải qua từ ngày này qua ngày khác, rồi cho tới một ngày nó nghiễm nhiên trở thành một thói quen từ lúc nào không hay biết.
Tôi thầm nghĩ, dù tôi có nói chuyện gì thì cũng không có nghĩa bằng sự lặng im. Hay lặng im là điều vô nghĩa nên cũng không cần phải chứng minh thêm bằng bất kỳ một mệnh đề sáo rỗng nào nữa.
Chỉ biết, bắt đầu từ mùa hè, tôi và Thanh đã đứng như thế này trên cầu, như một thói quen khó bỏ.
Thanh rủ tôi đi dạo vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tuần đầu tiên của tháng Sáu. Tôi vui vẻ chấp thuận, tôi chưa bao giờ từ chối Thanh, hoặc Thanh cũng chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện đó. Ban đầu tôi nghĩ chúng tôi sẽ chỉ đi dạo loanh quanh đâu đó trong những ngõ phố cổ nhỏ hẹp, cũng không hẳn là cổ, có chăng cũng chỉ là đâu đó trong những ban công tầng số 2, còn nhìn xuống tầng 1 thì cơ man nào là các cửa hàng trang sức, các shop quần áo đủ các nhãn mác thể loại, thương hiệu nổi tiếng, ít nổi tiếng đến từ khắp nơi trên thế giới, hàng ngoại nhập chất lượng cao, hàng Việt Nam chất lượng cao…vân vân…
Ban đầu tôi nghĩ thế, nhưng rồi việc vòng vèo qua những con phố mà chẳng biết mình đích xác rồi sẽ đi tới đâu khiến chúng tôi có cảm giác mình đang lạc lõng thật sự. Lần đầu tiên tôi tới thành phố này, cảm giác đó đã thường trực trong tôi như thể nó đã ở trước đó từ rất lâu rồi.
“Đi lên cầu đi”.
Vòng vèo qua hàng chục con phố từ nhỏ tới nhỏ hơn, từ nhỏ hơn tới nhỏ nhất, tới những ngóc ngách sâu hút trong thành phố thì Thanh mới đề nghị với tôi.
Tôi đồng ý. Sau đó chúng tôi đứng trên thành cầu. Tay ướt rịn mồ hồi bám vào thành cầu khiến tôi có cảm giác trơn trượt.
Tôi đã nghĩ, lần đó, tôi sẽ bắt đầu một câu chuyện. Tôi muốn phá vỡ sự im lặng này, tựa hồ như một cảm giác bứt dứt khó chịu khôn tả. Thế là tôi bắt đầu câu chuyện của mình theo một cách rất từ tốn.
Tôi nhìn về những khu phố ven sông, thấp hơn so với bờ đê, nhiều khi mưa lớn nước tràn vào trong đê, nhà cửa chìm vào trong biển nước tới hàng chục mét. Tôi hỏi Thanh có nhớ những trận lụt khủng khiếp năm đó không, nhưng Thanh chỉ gật đầu.
Tôi chuyển hướng nói tới con sông ở phía dưới mình. Con sông nước đã ngả sang màu đen vì ô nhiễm quá nặng. Tôi nói, không có con sông nào trong thành phố này là không ô nhiễm cả. Thanh ậm ừ, cười trừ, rồi cũng chẳng bàn luận gì thêm. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản bởi chính câu chuyện của mình, của chính bản thân mình. Tôi không thể nào có thể kể một câu chuyện cho đúng nghĩa một câu chuyện với cốt truyện và những nhân vật chính, phụ hoàn chỉnh.
Sau đó, tôi không nói gì thêm nữa. Tôi cũng không nghĩ gì thêm nữa. Tôi gạt bỏ ý niệm về thời gian. Tôi gạt bỏ cả ý niệm về không gian. Cho tới khi một cái gì đó giống như bóng tối bao trùm lấy thành phố. Bao trùm lên tất cả mọi thứ! Khi đó, chúng tôi cũng chẳng phải là một ý niệm nào rõ rệt cả.
Rồi chúng tôi ra về hôm đó. Và hôm nay cũng thế, như cả một nửa cuối mùa hè cũng thế.
Tôi đèo Thanh về nhà. Chúng tôi vòng vèo qua những con phố. Thanh áp má vào lưng tôi một cách vô thức như cách cô vẫn thường làm như mọi khi, như một thói quen, cho tới khi chúng tôi đứng dưới khoảng sân chung cư trước nhà Thanh. Thanh bảo, Thanh lên nhà ngay vì mẹ đang chờ cơm. Tôi ngước nhìn lên tầng 4, có dáng người phụ nữ đang thất thểu đi lại ngoài hành lang hệt như một bóng ma. Dáng người nhỏ thó, ánh đèn vàng vọt hắt vào khuôn mặt tạo nên những vùng sáng tối không rõ rệt. Những hình khối thật sự trừu tượng! Có thể bà ấy đang cười. Có thể bà ấy đang nhìn chúng tôi. Có thể bà ấy đang trôi nổi trong cái thế giới riêng tư của chính mình. Không rõ rệt, tôi chỉ nhận ra điều đó như vô vàn những điều khác trong cuộc sống của mình.
Cũng không hẳn là Thanh không nói gì với tôi khi chúng tôi đi dạo hay đi trên cầu. Vì có lần, tôi nhớ Thanh đã hỏi tôi một câu thế này.
“D đã chết như thế nào?”
Cũng có thể Thanh không chủ đích hỏi tôi, hoặc có thể lúc đó tâm trí tôi đang lơ mơ nghĩ về cái gì khác chẳng hạn. Tôi hỏi Thanh nói gì. Thanh lắc đầu rồi lại chìm vào sự lặng im vốn có, của mình.
Đúng. D đã chết như thế nào. Từ thành cầu này D đã lao mình xuống dòng nước đen kịt kia như thế nào. Dòng nước đen kịt đã nuốt trong cái thân thể D như thế nào. Tôi không biết. D của chúng tôi đã chết. D của Thanh đã chết.
Cũng bắt đầu từ mùa hè, Thanh thường xuyên lên thư viện thành phố, mỗi tuần một lần vào chiều ngày chủ nhật, Thanh cứ ở đó cho tới khi họ đóng cửa rồi mới về. Thanh nói, mình cần một không gian yên tĩnh để đọc một cái gì đó thật sự. Tôi không hỏi Thanh đọc gì, nhưng lần nào gặp tôi cũng thấy Thanh cầm một quyển sách dày cộp và cũ kỹ. Cuốn Bà Bovary của Gustave Flaubert.
Từ thư viện thành phố có thể nhìn ra một tuyến đường chính trong thành phố, giao thông luôn ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm. Người ta đang xây dựng tuyến đường sắt trên cao, vài năm nữa thì sẽ hoàn thành theo như dự án đã vạch ra. Một tuyến đường sắt cao tốc chạy trên cao, hiện đại, tiện nghi sẽ thay đổi diện mạo của thành phố này trong tương lai.
Đường bụi mù, còn giao thông vốn đã ùn tắc nay càng trở nên ùn tắc hơn. Thanh nói, cứ theo độ này thì chẳng biết sẽ còn những chuyện gì khủng khiếp sẽ xảy ra nữa. Thanh lắc đầu ngán ngẩm, ra vẻ khó chịu ra mặt, trên tay Thanh vẫn cầm chặt cuốn Bà Bovary của Gustave Flaubert
Cũng bắt đầu từ mùa hè, tôi thấy Thanh viết nhiều hơn. Nhiều hơn bất cứ khi nào. Thanh cũng nói, những điều Thanh muốn nói không thể diễn tả bằng cách trò chuyện thông thường. Thanh cần phải viết ra. Cũng không hẳn là một dạng nhật ký, chỉ đơn giản là những ghi chép vụn vặt đời thường. Thanh ghi đầy những chữ ở những cuốn sổ nhỏ, rồi tới những cuốn sổ lớn hơn, từ quyển này qua quyển khác. Tôi mỉm cười, những thứ Thanh viết ra về dung lượng có khi bằng những cuốn sách của Marcel Proust không biết chừng. Thanh im lặng và mắt hướng về phía con đường bụi mù, xe cộ qua lại nườm nượp như mắc cửi.
Thanh vẫn đi làm cho một quán cà phê nhạc cổ điển ở quận bên. Thanh nói, không thể nào tập trung vào công việc chuyên ngành mà mình đã từng làm. Cuối tháng Tư, Thanh nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty thiết kế đồ họa. Tôi không bao giờ hỏi Thanh lý do lại làm như thế, khi công việc của cô là công việc mà bao người trong thành phố này mơ ước cũng không có được.
“Tới một thời điểm nào đó thì mình cần làm như thế. Thanh nói. Mình không thể nghĩ được gì nhiều vào lúc đó, mình cần phải làm như thế trong lòng mình mọi thứ đều trở thành rỗng tuếch, mọi thứ rỗng tuếch và sụp đổ dần từ bên trong. Mình cần phải làm một điều gì đó khác để có thể thay thế nó, mình đang cố lấp đầy những khoảng trống bên trong. Mình cũng không thể biết mình sẽ lấp đầy nó một cách khôn khéo hay không, nhưng mình vẫn đang cố từng ngày, từng giờ”.
Từ đầu tháng Năm, Thanh bắt đầu làm việc cho quán cà phê nhạc cổ điển. Lúc còn học trong trường đại học, chúng tôi đã từng tham gia câu lạc bộ yêu thích nhạc cổ điển ở trong trường, cả tôi, D và Thanh. Chúng tôi cùng nhau nghe những bản concerto của Mozart, Beethoven, những bản dạ khúc bất hủ của Chopin hay tìm hiểu về cuộc đời của Bach, Haydn.
Từ quán cà phê nơi Thanh làm có thể nhìn ra một cái hồ rộng lớn. Một cái hồ rộng lớn nhất trong thành phố này. Một cái hồ với bờ bên kia tưởng chừng như rất gần nhưng thực tế lại xa tít tắp. Đôi khi vào mùa đông chỉ có thể nhìn thấy những ánh đèn mờ ảo hiện ra trong làn sương dày đặc, thoáng chốc rồi lại biến mất không dấu vết. Có khi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái màu trắng đùng đục đó.
Mỗi buổi chiều tan ca tôi thường ghé qua chỗ Thanh làm, ngồi uống tách cà phê trong tiếng nhạc cổ điển dìu dịu, êm ái. Đôi khi tôi cũng không thể phân biệt được những giai điệu đó, một cảm giác mơ hồ hiện ra trong thinh không. Mọi thứ lặng như tờ.
Tôi không thể thấy Thanh.
Tôi không thể thấy ai, càng không thể nhìn thấy những ánh đèn mờ ảo lẫn vào trong làn sương.
Tôi cứ để cho bóng tối bao trùm lấy con người mình.
Những đô thị cũng đang dần dần chìm vào theo cách đó.
***
Tôi tới thăm lão vào buổi sáng ngày chủ nhật. Trời nắng sớm, báo hiệu một ngày nắng gắt. Giữa tháng 6, mặt trời ngự trị trên đầu như một tay kênh kiệu, hợm hĩnh, thách thức tất cả mọi thứ trên thế gian này.
Tôi làm bạn với lão từ hai năm về trước, lúc tôi còn đang học ở trường đại học. Tôi tham gia vào một nhóm hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người già neo đơn, không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Tôi và lão quen nhau vì chúng tôi cùng sở thích mê âm nhạc cổ điển, như D, như Thanh. Lần nào vào thăm lão tôi cũng mang một chiếc đĩa DVD thu một vài bản Waltz của Chopin. Lão mê nhất Chopin, lão có thể nói về Chopin cả ngày mà không biết chán. Nhiều lúc, lão còn tâm sự với tôi, nếu như còn trẻ lão phải tới cho bằng được Ba Lan, quê hương của Chopin, rồi Đức, rồi cả Ý nữa. Tôi cũng không quên mang theo cho lão một vài cuốn sách thuộc thể loại văn chương cổ điển. Lão nói ngày xưa lão học khoa văn của một trường đại học tổng hợp. Lão cũng đã từng viết một vài cuốn tiểu thuyết nhưng chưa bao giờ lão cho ai đọc nó cả.
Lão đã gần bảy mươi tuổi, nhưng lão nói, không cần xưng hô theo vai vế làm gì, cứ xưng hô thế nào mà tôi cảm thấy thoải mái nhất, như hai người bằng vai phải vế cũng được.
Lão từng có vợ, cũng có một đứa con xinh xắn, nhưng tiếc thay đứa trẻ chết yểu. Từ đó vợ lão cũng không thể sinh nở được nữa. Sự việc đó khiến cho vợ lão bị tổn thương sâu sắc, mỗi lần kể tới câu chuyện đó, tay lão thường run lên, môi thì lập bập, tái nhợt đi. Tôi có cảm giác như lão sẽ bóp vỡ nát bất kể thứ gì đó đang cầm trong tay của mình.
“Lúc thằng ấy mất, bác sỹ nói vợ tôi không thể sinh nở được nữa anh bạn trẻ ạ. Đối với chúng tôi, mà nhất là vợ tôi đó là một cú sốc, sau đó cô ấy mắc một chứng bệnh lạ. Không phải về mặt thể xác mà về mặt tinh thần. Kể từ sau khi thằng ấy mất, ý là thằng con tôi ấy, từ khi nó mất thì vợ tôi không nói bất cứ một lời nào với ai nữa kể cả với tôi. Cô ấy không thể nói, càng không thể cười, dù mọi công việc trong nhà cô ấy vẫn làm một cách đều đặn, chu toàn và khéo léo như thường. Chỉ duy có một điều là cô ấy không thể nói được mà thôi”.
Lão dừng lại đôi chút, có vẻ như lão đang xúc động quá mức. Tôi liền đưa cho lão một chai nước suối.
Lão cầm tu một hơi thật dài, rồi bình tĩnh nói tiếp:
“Đối với tôi thì điều đó là sự việc khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà tôi đã trải qua. Trong suốt những năm tháng ấy, tôi phải chịu đựng như một sự trừng phạt thích đáng. Tôi luôn cho đó là một lời nguyền dành cho tôi. Tôi đã đưa bà ấy đi khám, nhưng tất cả bác sỹ trong vùng đều lắc đầu từ chối, khi họ không thể nào đưa ra một kết luận chính xác cả. Dường như chứng bệnh đó chưa từng được ghi trong một cuốn sách về y học, cũng có một vài tài liệu nhưng đó chỉ là những thứ chắp nhặt như những giả thiết rời rạc, thiếu chính xác. Tôi đã phải chịu đựng lời nguyền đó cho tới năm tôi sáu mươi tuổi thì bà ấy mất. Khi đó không hề giống một sự giải thoát, chỉ là tôi đang dấn bước thêm vào một chuỗi các điều khủng khiếp khác mà thôi. Vì tôi biết sau đó cuộc đời tôi không còn mang một ý nghĩa nào nữa”.
Lão thật sự xúc động. Lão rơm rớm nước mắt. Tôi chẳng biết làm gì để an ủi lão trong trường hợp đó cả.
“Tôi đã từng nghĩ tới cái chết cậu trẻ ạ. Tôi đã nghĩ tới cái chết năm tôi ngoài 60 tuổi. Giá như tôi có thể chết một cách tự nhiên như bà ấy, chứ không phải nghĩ tới chuyện tôi sẽ tự kết liễu mạng sống của mình bằng chính đôi tay mình. Nhưng thật sự, khi đó tôi đã nghĩ tới cái chết mà thôi, dường như nó ám ảnh tôi ngay cả trong khi tôi đi ngủ hay làm một việc nào đó. Rồi sau đó, tôi cũng đã thử một số cách để chết. Tôi muốn dùng chính đôi tay mình để tự kết thúc cuộc đời của mình”.
Lão ngưng lại một lát, lão vẫn không thôi xúc động.
“Sau đó mọi chuyện thế nào?” Tôi cố gắng hỏi lão.
“Tôi đã thử nhiều cách nhưng không thành công. Sau cùng tôi nghĩ, mình quá nhút nhát để có thể tự kết liễu được mạng sống của mình. Tôi thật sự bất lực trước những suy nghĩ đó, tôi sợ hãi chính nó, sự can đảm dường như hút kiệt khỏi cơ thể tôi, khỏi mọi tế bào trong cơ thể tôi. Tôi không thể chết. Sau đó tôi không hề nghĩ tới cái chết nữa, sự sống vẫn đeo bám tôi như một sự trừng phạt, như một lời nguyền vậy”.
Sau đó lão im lặng và không nói thêm một câu nào nữa. Tôi rất muốn nói với lão một cái gì đó, về Thanh, về D, về tôi hay về âm nhạc, nhưng mọi thứ trở nên trống rỗng từ bên trong.
Tôi cảm giác như có cái gì đang sụp xuống rất nhanh, như bóng tối.
Tôi chẳng thể là gì. Tôi chỉ biết ngồi bên cạnh lão, cho tới khi bóng tối bao trùm lên những đô thị.
***
Ngày D mất, trời mưa tầm tã. Nước sông dâng lên cao tràn vào cả trong đê, trong các khu phố gần đê, rồi sau đó nước tràn ra cả quận chúng tôi ở. Nước ngập lênh láng, thứ nước đen sì, ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khó chịu. Thứ nước gây ghẻ lở, thứ nước gây ung thư và dịch tả. Thứ nước đã nuốt chửng lấy thân thể nhỏ bé và ốm yếu của D.
Trong đám tang của D, tôi không thấy Thanh đâu. Tôi nghĩ Thanh sợ chỗ đông người. Có thể Thanh đã đứng ở một góc xa xa, khuất khuất nào đó để ngắm nhìn người ta đưa linh cữu của D về nghĩa địa ở ngoại ô. Có thể Thanh chỉ muốn ở một mình với D, không có bất kỳ ai, không có cả tôi. Tôi nghĩ điều đó tốt cho Thanh, về một phần nào thì nó luôn tốt cho Thanh.
Sau ngày D mất chúng tôi hầu như không bao giờ nhắc gì nhiều tới cái chết của cậu ấy. Chẳng ai muốn nhắc về cái chết của một người nào đó với một số người đang vui vẻ, với cả một đám người đang vui vẻ, với cả một xã hội đang bận rộn, vui vẻ cả. Kể cả chúng tôi, khi chẳng vui, khi buồn, hay có thể là chúng tôi đang nhớ tới D, đang nghĩ về cậu ấy, nhưng chúng tôi cũng không nhắc gì nhiều tới cậu ấy, ngay cả khi D chết, ngay cả khi chúng tôi đang nghĩ về D.
Có lẽ tôi với Thanh đều sợ, sợ một điều gì đó chẳng rõ rệt, có thể nỗi sợ của chúng tôi khác nhau, có thể chúng tôi sợ nếu như nhắc tới D chúng tôi sẽ càng nhớ tới D hơn chẳng hạn. Hay chúng tôi không muốn mất D thêm lần nữa. Cho dù D đã chết, cho dù chẳng biết D giờ này đang ở chốn nào. Không một ý niệm tồn tại, hay sợ tồn tại, mỏng manh mơ hồ, không rõ rệt như khi ta nhìn cả một đô thị buồn, cả một chuỗi các đô thị buồn hiện ra vào mỗi buổi sáng hơn hay chìm vào trong màn sương chiều.
Sau cùng tất cả đều lặng lẽ biến mất, như các đô thị buồn, như D.
Dĩ nhiên, tôi cũng nghĩ nhiều về cái chết. Tuổi trẻ luôn nghĩ nhiều về cái chết. Nghĩ về cái chết hơn nghĩ về tình yêu của cuộc đời mình. Nghĩ về cái chết hơn cả nghĩ về cuộc sống ở thực tại.
Dĩ nhiên, một lúc nào đó ai cũng phải nghĩ về cái chết, ở một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời của mỗi người. 10 tuổi. 30 tuổi hay 70 tuổi. Như tôi, tôi bắt đầu nghĩ về cái chết sau khi bà ngoại tôi mất. Bà ngoại tôi không tự sát. Bà ngoại tôi chìm sâu vào trong cõi chết của mình như chìm sâu vào trong giấc ngủ. Chị gái tôi nói:
“Như đi ngủ thôi, chỉ khác là giấc ngủ vĩnh viễn và cuối cùng”. Tôi chẳng thể nào hình dung nổi một giấc ngủ vĩnh viễn và cuối cùng sẽ trông như thế nào, rõ ràng ra làm sao. Nhưng khi đó, tôi biết về cái chết của một người. Tôi nghĩ nhiều về nó tới nỗi nó ám ảnh ngay cả trong cuộc sống của chúng tôi.
Cái chết dường như giăng mắc khắp trong cuộc đời của mỗi người.
Sau này, tôi có chứng kiến thêm vài cái chết nữa, cái chết của bác tôi, cái chết của ông nội tôi, rồi cái chết của D. Những mất mát, cứ nong dần trong chúng tôi, tôi có cảm giác như có thứ gì đó nghịch lý với thành phố này. Khi nó cứ bận rộn, cứ vui vẻ, cứ lung linh, cứ ồn ã, rồi mỗi khi đêm về lại mất hút trong sự tĩnh lặng và buồn bã của riêng nó.
Sau này, tôi cũng biết ai cũng có những nỗi buồn. Nỗi buồn len lỏi khắp các đô thị, khắp các ngóc ngách trong thành phố này, mỗi con người.
***
Buổi chiều cuối cùng của tháng Sáu. Nắng bớt gay gắt hơn thường ngày. Tôi và Thanh ngồi ở một gờ tường, bên trong là một đường tàu, còn phía dưới chân chúng tôi dòng xe cộ qua lại như mắc cửi. Vẫn nhịp điệu thường ngày, vẫn bận rộn, vẫn bon chen, vẫn bụi bặm.
Chúng tôi để chân vắt vẻo bên gờ tường. Im lặng. Thanh không cầm cuốn Bà Bovary của Flaubert nữa. Thanh cầm cuốn sách dày cộm khác, bìa màu gỗ, tôi nghĩ là một cuốn của Ivan Bunin.
“Bunin có viết một cuốn tiểu thuyết nào không trong cuộc đời của ông ấy?” Tôi gợi chuyện.
“Chỉ có duy nhất một cuốn tiểu thuyết thôi, sở trường của ông là truyện ngắn”.
“Tớ thích nhất truyện ngắn Chiếc đu của Bunin, ngắn gọn nhưng hàm xúc. Có phải những thứ gì ngắn gọn là cần phải hàm xúc không, như những gì mà Kafka viết ra cũng thế”.
Thanh mỉm cười gật đầu, đó có thể được tính vào một nụ cười hiếm hoi.
“Có phải Bunin sau này nhớ về nước Nga như người tình của ông, dĩ nhiên những gì ông hoài niệm lớn lao hơn cả một câu chuyện tình”.
“Mình nghĩ nó cũng tương tự như một sự ám ảnh vậy. Thanh đáp. Sự ám ảnh lớn lên trong từng câu chữ, len lỏi khắp các ngóc ngách trong một tâm hồn, thậm chí là hàng trăm tâm hồn, tạo nên cả một thế hệ đang bị ám ảnh bởi một điều nào đó”.
Tôi im lặng, ngó xuống đôi chân mình. Tôi không thể nói gì nữa, mọi thứ ngôn ngữ như bị rút kiệt đi khỏi tôi một cách mau lẹ, như vũng nước tù đọng khô cằn dưới ánh nắng chói chang của một ngày hè.
Dòng xe cộ phía bên dưới chân chúng tôi vẫn qua lại như nêm. Mọi thứ vẫn thế, thành phố vẫn ồn ã, bon chen, bụi bặm. Chỉ chúng tôi là khác. Hai tâm hồn cô đơn, riêng biệt.
***
Một ngày giữa tháng Bảy. Tôi tới thăm lão. Lão cho tôi đọc một truyện ngắn lão viết. Lần đầu tiên lão cho tôi đọc một thứ gì đó lão viết ra.
Những dòng chữ nhỏ nhắn hiện lên trang giấy A4 trắng phau, ngay ngắn, thẳng lối. Một kiểu chứ riêng biệt và rất đẹp. Lão viết rất hay, đó là điều tôi nhận ra tiếp theo, hay nhất trong những gì tôi đã từng đọc.
“Ông có ý định sẽ trở thành một nhà văn không đầy?”Tôi cười và hỏi lão,
“Trở thành nhà văn khi đã gần 70 tuổi sao” Lão cười bảo.
“Theo cháu chẳng có gì là muộn cả, điểm xuất phát chẳng bao giờ là điều quan trọng, quan trọng là những gì sau đó thôi”.
Tôi mỉm cười. Lão cũng vậy. Sau đó, chúng tôi không nói gì thêm nữa. Lão hát cho tôi nghe, cái thứ giọng trầm đục, khản đặc bao quanh cái không khí đặc quánh, nóng nực của mùa hè.
***
Tháng Chín tới. Vẫn là những ngày nắng nhưng thành phố bớt ngột ngạt hơn. Những cơn gió cũng dần trở nên dịu dàng.
Chúng tôi đang đứng trên cầu vào trong những ngày đầu thu.
“Ông lão của tớ, ông lão mà tớ quen ấy. Ông ấy sắp rời khỏi chỗ đó”.
“Ý cậu là cái viện dưỡng lão đó”.
“Đúng rồi”.
“Thế ông lão sẽ đi đâu?”
“Nghe đâu ông ấy sẽ trở về thị trấn quê hương mình thì phải”.
Thanh cười mắt vẫn nhìn về phía trước:
“Lại một kiểu buồn nữa, một đô thị khác nhưng vẫn mang nỗi buồn đó”.
“Nhưng về một phần nào đó, tớ nghĩ ông ấy sẽ ổn ngay cả chúng ta cũng thế, sẽ ổn thôi”.
Tôi nghe thấy giọng mình run run, một cảm giác sợ hãi mơ hồ vẫn quẩn quanh đâu đó trong chính không gian này.
Thanh không nói gì nữa, mắt vẫn đăm đăm nhìn về phía trước mù mịt và xa tắp. Không thể thấy một thành phố nào khác khi mọi thứ bị ngăn cản bởi một rặng núi hay bóng đêm.
Tôi chợt nghĩ tới mặt sông. Tôi không dám nhìn nó. Tôi chỉ muốn nghĩ tới nó.
Tôi bất giác nhắm mắt thật chặt. Tôi vẫn có thể nghe, mặt sông lộng gió, những con nước gợn lên thành sóng, vẫn cái thứ mùi đó, cái thứ mùi hôi thối, khó chịu mà mỗi khi mưa lớn, nước sẽ tràn vào trong đê, từ đê nước tràn vào một số khu phố, từ khu phố này tràn ra các khu phố khác, rồi hết cả một quận.
Cứ thế, cả đô thị đang chìm đắm trong những nỗi ưu phiền.
Hà Nội tháng 10 năm 2015.
Nguyên Nguyên