TƯ TƯỞNG AN BẦN LẠC ĐẠO TRONG “ĐỒ NGỐC, EM SẼ LÀ CHỒNG ANH” CÓ CÒN PHÙ HỢP?
|Nếu bạn đã đọc qua tác phẩm “Đồ ngốc, em sẽ là chồng anh” của Nhóm 4.0 thì chắc hẳn bạn sẽ biết về nhân vật chính Đình Thiên – một thanh niên được cho là có tư tưởng khá cổ hủ và một lối sống lập dị. Đặc điểm nổi bật của Đình Thiên chính là anh là một người có khuynh hướng Nho giáo và có tư tưởng “an bần lạc đạo”. Tôi muốn bàn một chút về tư tưởng từng là “lý tưởng” một thời của xã hội Việt Nam; liệu tư tưởng đó có còn phù hợp trong thời đại hôm nay?
“An bần lạc đạo” được hiểu nôm na là vui vẻ sống một cuộc đời bình dị hay thậm chí khó nghèo và không để đồng tiền chi phối. Thời kỳ Nho giáo phát triển ở nước ta, đây là một trong những lối sống được các nhà Nho coi trọng. Người biết “an bần lạc đạo” mới là người đáng được kính nể.
Đình Thiên xuất hiện trong tác phẩm dưới thân phận cậu ấm của một gia đình doanh nhân giàu có và bản thân cũng theo học ngành quản trị du lịch nhưng lại không hề có ý tiếp nối sự nghiệp của gia đình nếu không muốn nói là hoàn toàn đứng ngoài chuyện làm ăn kinh doanh đó. Là một người có khuynh hướng Nho giáo bởi được kế thừa một số tư tưởng từ ông nội, Đình Thiên chủ trương phấn đấu trở thành “kẻ sĩ” và rất coi thường thương nhân. Chính những tư tưởng và thậm chí lối sống này đã gây ra không ít rắc rối cho bản thân Đình Thiên, đồng thời cũng khiến người thân của anh lo lắng, buồn rầu suốt một thời gian dài. Nhiều người sẽ cho rằng, chuyện một thanh niên – trẻ trung nhưng suốt ngày ngồi một chỗ mơ mộng thay vì lao ra xã hội kiếm tiền để tạo nên những giá trị vật chất cho xã hội… – như Đình Thiên là rất khó chấp nhận.
Bản thân tôi nghĩ rằng những giá trị tinh hoa dù đã xưa cũ nhưng vẫn là điều hay và đáng học hỏi. Đúng là thời đại hôm nay là thời đại của kinh tế, công nghệ, của những phát minh mang tầm vĩ mô và những giá trị vật chất to lớn nhưng điều đó không có nghĩa là con người được quyền lãng quên đi những giá trị tinh thần mà ông cha để lại. Xã hội càng phát triển kéo theo giá trị đạo đức càng thụt lùi và tệ nạn xã hội cũng ngày một gia tăng. Bởi cứ lao vào cuộc chiến của khoa học kỹ thuật và vật chất thì con người sẽ dễ dàng quên đi chuẩn mực đạo đức xã hội. Do đó, xã hội cần nhiều người trẻ năng động, sáng tạo để đưa đất nước hội nhập phát triển nhưng cũng cần lắm những người biết gìn giữ tinh hoa quý giá mà cụ thể là tư tưởng và các giá trị đạo đức truyền thống từ bao đời nay.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nhân vật Đình Thiên có phần lập dị và cực đoan trong việc theo đuổi lý tưởng nhưng khi có được tình yêu của đời mình, anh đã biết dung hòa hơn và từ đó mang lại thành công to lớn cho bản thân mình. Điều đó cũng đồng nghĩa nếu trong thực tế cuộc sống, những người có tư tưởng và lối sống đó cũng biết hòa nhập với xã hội hiện đại để cân bằng cuộc sống và phát triển bản thân mình thì sẽ là điều vô cùng tốt. Chính họ sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những giá trị đích thực về cả trí tuệ lẫn đạo đức của con người.
Diep Thanh