VĂN HỌC LÀM THUÊ TRUNG QUỐC

Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...

Bài viết giới thiệu tổng quát về cơ sở xã hội và tư tưởng, các giai đoạn phát triển, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của trào lưu Văn học làm thuê Trung Quốc.

  1. Mở đầu

 Trung Quốc sau thời kì “Đại Cách mạng văn hóa” bước sang thời kì cải cách mở cửa. Những năm đầu thập niên 80, những cải cách đã mang đến sự phát triển thần kì cho nền kinh tế Trung Quốc. Những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở cửa liên tục kéo theo nhu cầu nhân lực tăng đột biến. Vùng duyên hải miền Nam trở thành khu vực đi đầu trong trào lưu di dân lên thành phố làm thuê. Cuộc di dân rầm rộ này một mặt kích thích kinh tế phát triển do có nguồn nhân dực dồi dào, mặt khác cũng mang lại hệ quả không hề nhỏ mang tầm quốc gia và cho từng cá nhân đơn lẻ. Di dân từ nông thôn tìm kiếm việc làm và cuộc sống mới ở thành phố cũng là một nét đặc trưng của xã hội Trung Quốc những năm sau cải cách đến nay.

 Trung Quốc những năm cuối của thế kỉ 20 là một quốc gia đang phát triển, phải thay đổi rất nhiều trong tư tưởng và cách sống để bắt kịp với đà thay đổi. Mỗi quốc gia khi đối diện với áp lực thay đổi đều phải đối diện với nhiều vấn đề, đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia có một nền văn minh lớn thì những thay đổi càng mang đến nhiều hệ quả.

 Khi quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa vừa bước vào giai đoạn đầu, chưa có sự hỗ trợ nhiều từ máy móc, các khu công nghiệp hoạt động dựa trên sức lao động. Điều kiện lao động ở các khu công nghiệp này còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang trong thời kì tích lũy tư bản nguyên thủy, chỉ tập trung đến sản phẩm mà chưa chú ý đến con người. Công nhân thường là các thanh niên di cư lên thành phố làm thuê, có khi là những gia đình nghèo, không sống nổi với canh tác nông nghiệp đành bán sức lao động của mình để kiếm sống. Đời sống của họ rất khắc nghiệt. Từ sáng đến tối họ phải làm việc ở các khu công nghiệp, về nhà lại lo chuyện gia đình, không có mấy thời gian nghỉ nghơi rồi sáng sớm lại phải đi làm. Khi một người rời bỏ quê hương để tha hương kiếm sống ở một thành phố lớn, họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, khoảng cách giàu nghèo, điều kiện sống thấp, dịch bệnh tràn lan ở các khu ổ chuột, bị người xung quanh xem thường, bị chủ bốc lột, tệ nạn xã hội,… Khó khăn về mặt vật chất, lại thường bị chủ thuê gò ép, ngày này qua ngày khác chỉ làm những điều đơn điệu khiến đời sống tinh thần trở nên xơ cứng. Rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh đòi hỏi họ cần có một kênh để phát đi tiếng nói của mình. Họ đòi hỏi cần được hưởng nhiều quyển lợi hơn từ đổi mới, trong đó có quyền lợi về văn hóa. Từ đó, văn học làm thuê xuất hiện như một hiện tượng trong nền văn học Trung Quốc.

  1. Nội dung

2.1 Cơ sở xã hội và tư tưởng

 Văn học làm thuê theo nghĩa hẹp để chỉ các tác phẩm văn học của những người từ những vùng nghèo nàn lạc hậu chuyển đến những vùng phát triển hơn để kiếm sống bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ XX đến nay. Đó là những tác phẩm phản ánh cuộc sống của người làm thuê và do người làm thuê viết, bao gồm các thể loại: tiểu thuyết, thơ, báo cáo văn học, tản văn, kịch… Hầu hết các tác phẩm của văn học làm thuê là các sáng tác của những người làm việc nơi công trường tại những thành phố duyên hải Trung Quốc sau cải cách mở cửa. Nhà phê bình Lôi Đạt cho rằng văn học làm thuê đã trở thành một hiện tượng văn học không thể đánh giá thấp trong tổng thể văn học Trung Quốc đương đại. Hình tượng nhân vật “người làm thuê” dần cũng trở thành một bộ phận trong lịch sử của dân tộc Trung Hoa.

doi - ban - tay - lam - thue
Ảnh minh họa

 Như đã đề cập ở phần trên, việc thay đổi hệ hình xã hội có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của con người, nhất là ở một đất nước có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc. Cũng như nhiều quốc gia Phương Đông khác, Trung Quốc là một nước có nền văn minh nông nghiệp định canh định cư. Văn hóa nông nghiệp ăn sâu vào tiềm thức con người, mảnh đất là nơi danh tính một người được khẳng định. Đối với những quốc gia có nền văn hóa định cư việc di chuyển đến một vùng đất khác, trở thành kẻ tha hương, một kẻ ngụ cư là một bản án. Họ như người bị tước mất căn cước bởi khi người khác đánh giá về một người, người xung quanh không nhìn nhận người ấy như vốn là, họ đánh giá qua gia đình, gia thế, gia cảnh, qua những mối quan hệ khác. Khi một người rời khỏi vùng đất của mình đồng nghĩa với việc họ bị bức khỏi gốc gác của mình, trở thành một người sống bên lề xã hội. Đó là lí do những người rời quê đến thành phố càng cảm thấy tủi hổ, bơ vơ. Vì họ phần lớn là dân quê, tư tưởng nông nghiệp còn cắm rễ rất sâu, họ có thể là những người công nhân nhưng không mang trong mình tư tưởng của người công nhân như những nước phương Tây. Người công nhân ở Trung Quốc là những người nông dân mang thân phận công nhân. Họ không mang tư tưởng của người vô sản mà là những người bị tước mất những thứ thuộc về mình. Điều này khiến những “người làm thuê” càng dễ rơi vào mặc cảm, buồn tủi và cảm thấy bất công. Và loại hình nghệ thuật đơn giản nhất mà bất kì ai cũng có thể sáng tạo được chỉ cần họ biết chữ chính là văn chương. Văn chương như một lối thoát cho sự nghèo nàn về mặt tinh thần của “người làm thuê”. Đó là lí do văn học làm thuê nhanh chóng trở thành một trào lưu đáng quan tâm trên văn đàn Trung Hoa.

Thêm một đặc điểm khác của văn hóa Trung Quốc là tư tưởng Nho giáo, đây chính là cái nôi của tư tưởng Nho giáo có sức ảnh hưởng to lớn với các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Nho giáo tại Trung Quốc có tính bài bản hệ thống hơn ở Việt Nam, bên cạnh đó các tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo cũng phát triển rất mạnh mẽ trong thế kiềng ba chân cho tư tưởng trung đại của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nho giáo vẫn là tư tưởng chính thống, các học trò muốn đỗ đạt làm quan nhất thiết phải thấm nhuần tư tưởng của Nho gia. Ở thành thị sầm uất có nhiều luồng tư tưởng đan xen nhau khiến cho con người có cái nhìn cởi mở hơn còn ở nông thôn, Nho gia như một thủ lĩnh tinh thần, họ có thể nghèo nhưng ai cũng kính nể họ. Đến cả thế kỉ 19, 20 khi giao thương với phương Tây phát triển thì những luồng tư tưởng mới mẻ đó vẫn chưa đến được với đa phần người dân ở nông thôn. Nền tảng tư tưởng đã cố định bao đời nay về lối sống trọng nghĩa, xem trọng luân thường đạo lí, trọng tôn ti trật tự, sống vì tập thể đã ăn sâu vào nếp nghĩ thế nên một cơ chế thị trường theo mô hình phương Tây không khỏi khiến họ bỡ ngỡ và dễ rơi vào cảm giác hoang mang, mất phương hướng, cảm thấy mình không theo kịp bước tiến của xã hội, cảm thấy mình sinh nhầm thời đại. Nhưng điều tất nhiên là guồng máy vẫn quay và tất cả họ phải lao theo cuộc sống của mình, họ không được dừng lại, vì bản thân và vì gia đình. Có người sẽ quen dần, chai sạn và không còn cảm xúc với những điều ấy nữa, họ cố quên đi để có thể sống tiếp. Có người không quên được và cũng không muốn im lặng, họ lên tiếng, bằng văn chương, tạo ra một trào lưu văn học làm thuê nở rộ vào cuối thế kỉ 20.

2.2 Các giai đoạn phát triển

Văn học làm thuê là một hiện tượng chuyển đổi hệ hình trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nói tới văn học làm thuê không thể tách rời ngữ cảnh lịch sử của Trung Quốc đương đại. Một nhận định tương đối khách quan là: văn học làm thuê là văn học phản ánh cuộc sống và tình cảm, ước mơ và khát vọng của những người làm thuê. Đại bộ phận họ là những người ở nông thôn, thị trấn, sau khi vào thành phố, trải qua những thăng trầm biến động, họ cảm thấy chơi vơi, lạc lõng, những tình cảm, cảm xúc ấy khiến trong lòng họ xảy ra những mâu thuẫn trước nay chưa từng có, vậy là hình thành nên văn học làm thuê.

Văn học làm thuê được tạo nên từ những cây bút chỉ trong từ ba thập kỉ gần đây và có cái nhìn khá bao quát về cuộc sống của những người nông dân rời bỏ quê hương lên thành phố kiếm sống, đó là những nhọc nhằn, khó khăn, tủi hổ, đó là những ước mơ, lí tưởng và tình yêu, những thái cực cảm xúc đan xen khiến cho văn học làm thuê đầy ắp tâm tư của những con người dưới đáy xã hội. Qua ba thập kỉ hình thành và phát triển, các nhà nghiên cứu chia văn học làm thuê thành ba giai đoạn lớn.

Giai đoạn đầu từ 1984 đến năm 1994, đây là giai đoạn manh nha cho sự phát triển của văn học làm thuê. Năm 1984, trên tờ Đặc khu văn học của Hội nhà văn tỉnh Thâm Quyến đăng một số tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống của người làm thuê, những tác phẩm này dù rằng không có ảnh hưởng quá lớn, song đây như cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân sắp về. Truyện ngắn Đêm khuya, bên bờ biển có một người của Lâm Kiêm, một thanh niên làm thuê; tiếp sau đó anh lại viết Thành phố của người khác đã mở màn cho một trào lưu văn học. Sau đó là một loạt truyện ngắn Bến tiếp sau của Trương Vĩ Minh, một thanh niên làm thuê khác. Năm 1991, hai truyện ngắn Dịch trạm thanh xuân và Tả chân cảnh con gái làm thuê ở Thâm Quyến của An Tử, một nữ công nhân, đã gây xôn xao dư luận được báo Văn hối ở Thượng Hải đăng tải. Từ đây văn học làm thuê vượt được đường biên các vùng duyên hải Tây Nam ngược lên miền bắc.

Năm 1985, nhà phê bình văn học Thâm Quyến Dương Hùng Hải đã đưa ra khái niệm “văn học làm thuê”, tạo nên nhiều luồn tranh luận, có người cho rằng văn học làm thuê là một thể loại văn học mới, có người lại cho rằng đó là một hiện tượng mang tính giai đoạn của văn học, còn có người cho rằng văn học làm thuê không phải là một thể loại văn học chân chính. Dù cho thừa nhận hay không thừa nhận, qua hơn hai mươi năm phát triển, văn học làm thuê đã có được quy luật phát triển mạnh mẽ của nó. Hiện nay, “Những người làm thuê, những người viết văn trong số những người làm thuê, các nhà phê bình, các học giả, chính phủ và đoàn thể, toàn thể xã hội đều tham gia vào văn học làm thuê” (Lý Kính Trạch).

Văn học làm thuê giai đoạn đầu có những bước tiến nhờ vào những tờ báo, tạp chí văn nghệ tư nhân như Vịnh Đại Bàng khu Bảo An của Thâm Quyến có số lượng phát hành trên 100 000 cuốn, đây là tờ tập san văn học làm thuê sớm nhất. Tờ Văn nghệ Phật Sơn có số lượng phát hành 500 000 cũng chỉ chuyên đăng bài của trào lưu văn học làm thuê. Từ những con số ấy đã chứng minh sức ảnh hưởng của văn học làm thuê. Sức lan tỏa này phần nào cũng nói lên con số người làm thuê và nhu cầu được giãi bày của họ, nếu họ không thể trực tiếp nói lên nỗi lòng mình, họ cần người khác nói lên và sự đồng cảm, niềm an ủi trong ấy. Đây là giai đoạn đầu, những tác phẩm chủ yếu nói về sự gian nan, khổ sở của cuộc sống mưu sinh nên còn gọi là “công đả văn học” (văn học đánh đập). Trong các tác giả đời thứ nhất có những tác giả đạt được nhiều thành tựu nhất được gọi là năm khẩu súng hiệu: An Tử, Chu Sùng Hiền, Trương Vĩ Minh, Lâm Kiên, Lê Chí Dương.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ 1995 đến năm 2000, đây là giai đoạn để văn học làm thuê hướng đến thị trường và quá độ đến giai đoạn thứ ba. Như mọi lĩnh vực khác, văn học ở cuối thế kỉ 20 cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường. So với đời sống làm thuê cực nhọc, việc viết văn hướng đến thị trường mang đến thu nhập tốt hơn lại nâng vị thế của người viết lên cao hơn. Mục đích cất lên tiếng nói của những người thấp cổ bé họng đôi khi mờ nhạt, thêm vào đó là những yếu tố sex, bạo lực khiến hình ảnh của văn học làm thuê phần nào xấu đi trong mắt người đọc. Thế hệ tác giả đời đầu cũng có phần trầm lắng hơn bởi đây là văn học của những người không chuyên, họ kể lại câu chuyện của mình, những chuyện mình chứng kiến, nên không thể giữ vững lực viết trong thời gian dài. Đây cũng là giai đoạn các tác giả đời thứ hai có những tác phẩm tiền đề cho giai đoạn sau. Chính quyền cũng bắt đầu chú ý đến hiện tượng văn học này. Chính quyền Thâm Quyến tổ chức những diễn đàn, hội nghị toàn quốc văn học làm thuê có sự tham gia của những chuyên gia để bàn bạc, tìm tòi những vấn đề lý luận liên quan đến hiện tượng văn học làm thuê.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ năm 2000 đến nay là một giai đoạn thay áo mới cho văn học làm thuê, một chiếc áo nặng hơn về chất. Như đã nói ở trên, các tác giả giai đoạn thứ hai đã có một thời gian thử bút và bùng nổ, tạo nên một cơn sốt văn học làm thuê mới, vượt khỏi phạm vi cũ hướng đến bạn đọc cả nước. Trên văn đàn xuất hiện một loạt các nhà thơ mới như Vương Thập Nguyệt, Trịnh Tiểu Quỳnh, Đới Bân, Vu Hoài Ngạn, Tái Niệm Điểu, Tăng Sở Kiều,… các sáng tác của họ đã xây dựng lại phần nào hình ảnh của văn học làm thuê bị người đọc xem thường trong giai đoạn trước. Năm 2001 đã có một quyển tạp chí chuyên in thơ do các nhà thơ ở Đông Hoản, Chu Hải, Trung Sơn, Thâm Quyến tự bỏ tiền sáng lập, tạp chí Thơ làm thuê. Giải thưởng văn học Côn Bằng lần thứ nhất do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc lập ra năm 2005 trao giải cho nhiều tác giả của văn học làm thuê tạo nên một cột mốc để văn học làm thuê hướng tới toàn quốc và hướng đến chất lượng văn chương chuyên nghiệp. Giai đoạn này cũng xuất hiện hàng loạt những những tuyển tập làm thuê như Tuyển chọn tác phẩm văn học làm thuê, Bị vong lục văn học làm thuê. Các sự kiện như Diễn đàn văn học làm thuê toàn quốc được tổ chức định kì. Các tờ báo quốc gia cũng lưu tâm đến hiện tượng này và giới điện ảnh bắt đầu thu thập chủ đề làm thuê để chuyển thể các tác phẩm lên màn ảnh. Tất nhiên, bên cạnh những nổ lực phổ biến những tác phẩm chất lượng, những tác phẩm hướng đến tính giải trí và tính thị trường vẫn phát triển song hành tạo thành một bộ mặt đa diện cho hiện tượng văn học làm thuê.

          Sự phát triển của văn học làm thuê đi song hành cùng sự phát triển của tạp chí tư nhân và mạng internet, việc lưu hành sáng tác và tiếp cận văn học được mở rộng hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây các tác giả phải chờ đợi các nhà xuất bản phê duyệt và xuất bản sáng tác của mình thì giờ họ chỉ cần vài động tác cơ bản là có thể tự đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc thông qua internet và tạo ra một hiện tượng ngược, sau khi sáng tác đã đến với lượng độc giả đông đảo thì mới in sách. Thế nhưng những tạp chí và những trang web chất lượng cũng có những tiêu chí, những đòi hỏi về tính nghệ thuật của tác phẩm. Văn chương là nghệ thuật kể chuyện, tính chuyện và tính nghệ thuật không phải lúc nào cũng giữ ở mức cân bằng nhưng không thể quá chú trọng vào những chi tiết của chuyện kể mà bỏ qua chất nghệ thuật của văn chương. Sự phân hóa phức tạp trong nội bộ sáng tác, truyền tải và tiếp nhận đã làm cho văn học hiện đại nói chung và văn học làm thuê nói riêng có rất nhiều khía cạnh để xem xét nhưng không thể phủ nhận giá trị và sự phát triển mạnh mẽ của văn học làm thuê trong ba thập kỉ nay.

2.3 Các tác giả và tác phẩm tiêu biểu

          Nhìn lại các thời kì phát triển của văn học làm thuê, ở đây xin điểm lại những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của trào lưu. Trong các tác phẩm “văn học làm thuê”, ta không chỉ thấy phẩm chất văn học, mà còn thấy được một cách rất chân thực tâm hồn, tình cảm của cả một lớp người trong xã hội. Một người thanh niên nông thôn lên thành phố làm thuê, anh ta nỗ lực làm việc với mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa mình và thành phố, sau đó anh ta thành công, nhưng lại phát hiện khoảng cách giữa bản thân và thành phố càng xa hơn – đây chính là câu chuyện mà Vệ Nha qua tác phẩm Khoảng cách muốn kể với chúng ta, đây cũng chính là tâm trạng chung của những người làm thuê. Nhà văn Quách Kiến Huân tới từ Hồ Nam, là một trong những người làm thuê sớm nhất. Suốt 15 năm sống cuộc đời làm thuê đã giúp ông viết lên tiểu thuyết Làm thuê dài 18 vạn chữ. Bộ tiểu thuyết này dường như sử dụng phương thức sinh thái (có văn học sinh thái), ghi chép lại cuộc sống và tình cảm của những người làm thuê. Bộ tiểu thuyết này sau khi hoàn thành không lâu, đã được một vị đạo diễn nổi tiếng mua để dựng thành phim truyền hình. Quách Kiến Huân nói, “văn học làm thuê” căn bản không cần tới hư cấu, bởi vì những câu chuyện làm thuê đã đủ sinh động, phong phú, đủ làm lay động trái tim người đọc rồi. Nhà văn Từ Đông – người biên soạn Văn học làm thuê – nói: nhà văn làm thuê và tác phẩm của mình cũng đủ thu hút sự quan tâm của bạn đọc, bởi vì họ là đại diện của hàng ngàn hàng vạn người làm thuê, văn chương không chỉ ghi chép lại giấc mơ của họ, mà còn ghi chép lại cuộc sống của họ. Từ ý nghĩa này mà nói, “văn học làm thuê” không chỉ là văn học, mà còn là lịch sử.

Hứa Lam đến từ Tứ Xuyên, ông là một trong những người biên soạn Tuyển tập thơ làm thuê Trung Quốc, năm 1996 ông làm thuê ở phía Nam, bài thơ làm thuê đầu tiên của ông là Lưu lạc phương Nam được sáng tác tại một lò gạch ở ngoại ô Quảng Châu. Hứa Lam nói, ông đã từng không chỉ một lần chạy trốn các nhân viên trị an, có lần ông trốn vào nhà vệ sinh nam bên đường suốt 5 giờ đồng hồ. Ông cảm thấy, muốn viết những gì mình thực sự nếm trải qua trong cuộc sống này, để tự an ủi cho những vất vả của chính mình, và cũng để cho bản thân một tia hy vọng.

Cũng là một nhà văn đến từ Tứ Xuyên – Trịnh Tiểu Quỳnh đã tận mắt chứng kiến người công nhân bị máy cắt đứt ngón tay, trên thực tế, mỗi năm ở tam giác châu có hơn 40000 công nhân bị máy móc cắt đứt ngón tay, những người “chủ nhân” của những ngón tay này phần lớn là đến từ nông thôn. Mỗi ngày đi làm Trịnh Tiểu Quỳnh lại cảm thấy rất đau lòng khi nghĩ rằng có thể hôm nay những ngón tay của mình sẽ bị đứt lìa, có lẽ chính bởi lẽ đó, Trịnh Tiểu Quỳnh mới nói: “Tại sao lại nói thơ của tôi là màu xám, bởi vì cuộc sống của tôi vốn dĩ màu xám.” Khi sáng tác của Trịnh Tiểu Quỳnh được nhận Giải thưởng văn học nhân dân, các tác phẩm văn học làm thuê bắt đầu được xem như một trong những trào lưu chính trên văn đàn văn Trung Quốc và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Hứa Cường tới từ Tứ Xuyên cũng là một nhà văn làm thuê nổi tiếng, năm 1994 sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tài chính Tây Nam ông để dành được 36 nhân dân tệ, bắt đầu xuống phía Nam tìm việc làm. Tuy có bằng đại học nhưng ông vẫn không thể tìm được việc làm, rốt cuộc cũng không lo nổi ngày hai bữa cháo trắng, tháng 30 tệ tiền thuê nhà.

Có điều, cho dù vất vả gian truân thế nào, Hứa Cường cũng chưa từng buông tay bút, mà chính cây bút ấy đã đền đáp lại cho ông.

Năm 2001, Hứa Cường, Hứa Lam, La Đức Viễn, Từ Phi và một số người khác đã cùng nhau sáng lập lên “Nhà thơ làm thuê”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Hứa Lam đã nói lúc đó tổng cộng họ có 7 người, mọi người gom tiền lại để xuất bản, đại khái mỗi kỳ sẽ mất tầm trên dưới 2000 tệ, “Viết bài, sắp chữ, in ấn đều là mấy người chúng tôi tự làm hết. Lúc mới đầu in 6, 700 tờ, sau đó tăng thêm một chút, đến thời điểm cuối cùng là hơn 4000 bản.”

Tháng 2 năm 2013 Nhìn tổng thể văn học làm thuê của Liễu Đông Vũ do Hoa thành xuất bản xã xuất bản, đây là công trình nghiên cứu về “văn học làm thuê” đầu tiên của Trung Quốc. Toàn bộ được chia thành 5 quyển, gần 80 vạn chữ.

Âu Dương Nhất Diệp, là tác giả văn học mạng sau những năm 80, là một trong những đại diện tiêu biểu của văn học làm thuê. Nhắc tới Âu Dương Nhất Diệp không thể không kể tới tác phẩm Lãng tử phiêu, đây là một tác phẩm miêu tả hiện thực cuộc sống của những người công, nông dân những năm 80, 90 một cách hết sức sinh động.

An Tử cũng là một tác giả tiêu biểu của văn học làm thuê, An Tử đã dựa vào những trải nghiệm thực tế trong suốt tám năm làm thuê của mình để viết nên tác phẩm Trạm dịch thanh xuân, Bầu trời của An Tử,… để viết về những người đi tìm ước mơ ở phía Nam. Những năm 90, bà đi học khoa Trung văn ở trường đại học, sau đó làm việc ở đài phát thanh. Lúc ấy An Tử còn tự mở công ty riêng ở Thâm Quyến, trở thành người phụ nữ hiếm hoi tự lập nghiệp từ hai bàn tay trắng ở Thâm Quyến. Năm 2000, Đài truyền hình trung ương làm chương trình “20 năm 20 người”, kỷ niệm cải cách mở cửa, An Tử đã trở thành “cô công nhân nổi tiếng nhất Thâm Quyến, là người tri âm và người phát ngôn của những người tới thành phố tìm ước mơ.

Vương Thập Nguyệt, một trong những tác giả nòng cốt của văn học làm thuê, hiện tại là hội viên Hội nhà văn Trung Quốc, thành viên Đoàn chủ tịch Hội nhà văn Quảng Đông. Năm 2000, Vương Thập Nguyệt bắt đầu ra mắt các truyện ngắn, tản văn ở “Văn học nhân dân”, “Nhà văn Trung Quốc”, “Thập Nguyệt”; xuất bản tiểu thuyết Phiền não bất an, Khu 31, Vật bé nhỏ, Anh trai, Vô bia… Từng đoạt giải nhất Giải thưởng Côn bằng lần 1 do Đoàn thanh niên trung ương Trung Quốc phát động, giải Tản văn Băng tâm lần 3…

Trải qua ba thập kỉ hình thành và phát triển văn học làm thuê ban đầu bị giới hàn lâm xem nhẹ, dần dần đã khẳng định được giá trị của mình. Giá trị đầu tiên và cốt lỗi nhất là cất lên được tiếng nói của tầng lớp đáy trong xã hội, biểu hiện được cái tôi, sự tự ý thức chính mình của những người dân lao động bị xem là người ít học. Nhà phê bình văn học Thiều Yến Quân đã thực hiện cuộc khảo sát văn học làm thuê từ lúc khởi sinh đến giai đoạn hiện nay. Bà nhận định văn học làm thuê là văn học thực sự của tầng lớp đáy xã hội, do người làm thuê viết, viết về người làm thuê và cho người làm thuê đọc, một lực lượng tách biệt với độc giả thương mại và độc giả học thuật. Thế nhưng, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, văn học làm thuê đã đến với đông đảo thành phần độc giả. Điều này là một minh chứng cụ thể cho giá trị của văn học làm thuê. Văn học làm thuê ra đời đã khắc phục được điểm yếu “lượng thông tin bằng không” của dòng văn học chủ lưu. Những nhà văn có xuất thân trung lưu được học hành đào tạo, có kiến thức về lí luận và có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao thường bỏ sót lượng thông tin mà văn chương mang đến người đọc. Văn học làm thuê mang lại một sức sống ngoại vi cho văn học bên cạnh dòng văn học trung tâm, một dòng văn học mang đậm hơi thở của cuộc sống, ít trao chuốt về nghệ thuật kể chuyện.

“Chúng tôi vừa kết thúc buổi tăng ca, bây giờ chúng tôi bắt đầu tăng ca cho vận mệnh của chính mình.” Câu nói này đã đánh dấu sự ra đời của “văn học làm thuê”.

Nhà văn làm thuê quách Kiến Huân nói, “văn học làm thuê” căn bản không cần tới hư cấu, bởi vì những câu chuyện làm thuê đã đủ sinh động, phong phú, đủ làm lay động trái tim người đọc rồi. Giáo sư Tạ Miện nói, văn học của chúng ta có quá nhiều thứ cao nhã, nhưng lại thiếu mất sự quan tâm tới tầng lớp dưới đáy.

Thiều Yến Quân khẳng định văn học làm thuê cần xác định được và kiên trì với đặc điểm của mình bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện thêm những mặt còn thiếu. Văn học làm thuê ra đời còn thúc đẩy một cái nhìn mới của giới học thuật về văn học, thúc đẩy xây dựng một chuẩn mực văn học mới hướng đến sự đa dạng. Sự phức tạp và nhuần nhuyễn trong nghệ thuật là một khía cạnh cần được quan tâm nhưng không phải là mục đích cuối cùng của văn học, văn học cần đến được với người đọc, khơi gợi tư duy, tình cảm và thẩm mỹ ở người đọc. Có dòng văn học hướng đến sự tìm tòi và cách tân trong nghệ thuật thì cũng có dòng văn học hướng đến đời sống, mang nặng lượng nội dung và thông tin truyền tải, những điều này không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau. “Văn học làm thuê” đã bổ sung vào những thiếu hụt trong các sáng tác hiện nay, đưa ra một góc độ thẩm mỹ mới.

Văn học làm thuê nhìn thẳng vào hiện thực, hơn thế là phản ánh hiện thực, nói lên nguyện vọng của những người làm thuê ở Trung Quốc, truy cầu tự do và nhân văn, đây chính là sự hợp lại của rất, rất nhiều người, để tạo nên những phát ngôn văn học cho người làm thuê. Để hoàn thành công tác sưu tầm, bảo quản các tài liệu liên quan tới văn học làm thuê, “Chúng tôi dự định thành lập một bộ phân chuyên trách về văn học làm thuê.”

Hiện nay còn quá sớm để khẳng định giá trị thực sự của văn học làm thuê trong lịch sử lâu đời của văn học Trung Quốc bởi bên cạnh những điểm mạnh của mình văn học làm thuê còn gặp phải rất nhiều vấn đề. Vấn đề đầu tiên thuộc về trình độ của người viết, các tác giả văn học làm thuê thường không có nhiều kiến thức về văn học, họ viết lên tiếng lòng của mình đôi khi thuần phát và có sự ngô nghê trong cách nhìn. Giá trị của văn học làm thuê chủ yếu được đánh giá về mặt nội dung chứ chưa có những đột phá về nghệ thuật kể chuyện. Cuộc sống nói chung và cuộc sống làm thuê nói riêng có thể là rất đa dạng và có nhiều khía cạnh để khai thác nhưng văn chương vẫn là nghệ thuật, đó không phải là những câu chuyện đơn thuần mà là những câu chuyện được kể một cách nghệ thuật, thế nên các nhà văn cần bổ sung cho mình kiến thức lí luận để có thể phát triển hơn dòng văn học này. Cũng chính vì điều này mà văn học làm thuê đôi khi bị xem nhẹ, nhận được đánh giá không đúng mức từ các nhà phê bình. Bên cạnh đó văn học làm thuê cũng còn nhiều hạt sạn khi bị yếu tố thị trường chi phối khiến nhiều tác phẩm bị tầm thường hóa, thương mại hóa. Văn học không nằm ngoài quy luật thị trường, văn chương cũng là một món hàng hóa, nhưng trước khi là hàng hóa, văn chương phải là nghệ thuật, nghệ thuật kể về cuộc sống.

 

 

Sophia Mặc

Rating: 5.0/5. From 6 votes.
Please wait...